Làm sao để “chơi” được trên sân Trung Quốc

images2023082 230810Vinamit 667eeCạnh tranh trên sân nhà đã khó, "chơi" ngay trên sân khách ở thị trường Trung Quốc lại càng khó khăn hơn. Khó, nhưng Trung Quốc lại là một thị trường hấp dẫn và nếu biết cách thì mở ra cánh cửa cơ hội rất lớn.

Những điều trông thấy...

Quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Trung Quốc được ban giám đốc Công ty Cân Nhơn Hòa đưa ra khi sản phẩm của mình đã làm chủ thị trường trong nước, đồng thời được nhiều thương lái từ phương bắc tìm mua. Sau quãng thời gian trầy trật xin giấy phép rồi xây dựng, nhà máy sản xuất Cân Nhơn Hòa bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9-2010 tại thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây.

Tuyển dụng một lực lượng lao động tại chỗ ban đầu có vẻ không khó lắm. Ngày đầu tiên, 170 công nhân có mặt đông đủ để nghe phổ biến chính sách, giao trách nhiệm, quyền hạn... Lập tức, nhóm công nhân gần như đồng loạt đứng dậy bỏ về, vì họ không chịu đứng dưới quyền quản lý của các ông chủ Việt Nam. Công ty phải mất thêm ba ngày để tuyển lại được khoảng hơn 100 người. Nhưng rắc rối chưa dừng lại.

Những tưởng tuyển được các thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì năng suất làm việc sẽ cao, không ngờ đó lại là sai làm lớn nhất. Nhà máy sản xuất của Nhơn Hòa đặt tại cửa khẩu Hà Khẩu của thành phố Đông Hưng, nơi hàng lậu từ Việt Nam qua Trung Quóc hết sức tấp nập. Phần lớn thanh niên địa phương tham gia vận chuyển hàng lậu, chỉ cần ba tiếng đồng hồ, họ được trả công 100 nhân dân tệ, bằng một ngày làm việc toàn thời gian trong nhà máy.

Vì thế, các công nhân này chẳng thiết tha với công việc. Họ thích thì làm, không thích thì nghỉ để đi bốc dỡ hàng lậu, bất chấp nhà máy cần tăng ca hay thực hiện đơn hàng gấp. Công việc tuyển dụng công nhân của nhà máy cứ như ở chợ, hết vào lại ra. Mỗi đợt công ty tuyển dụng được 30 người thì hết 25 người trong số đó nghỉ việc thậm chí có khi toàn bộ số tuyển mới đồng loạt nghỉ.

Phải mất gần một năm đối phó với tình trạng này, công ty mới đành đăng tuyển những phụ nữ trong độ tuổi 27-35. Hóa ra đây lại là điều may mắn.

Ông Nguyễn Công Việt, Phó giám đốc Nhà máy Cân Nhơn Hòa tại Đông Hưng, kể rằng những phụ nữ đã có gia đình này làm việc rất chăm chỉ và năng suất cao. Chỉ một người như thế, mới vào nghề chưa lâu, nhưng năng suất đã gấp rưỡi một thanh niên Việt Nam, và tay nghề không thua kém một người hàng chục năm kinh nghiệm. Nhà máy từ đó đi vào sản xuất ổn định.

Nhưng rắc rối khác vẫn liên tục đeo bám từ khi hãng cân này đặt chân đến Trung Quốc, nơi được coi là vương quốc của hàng nhái, hàng giả.

Ông Việt cho biết bất kỳ mặt hàng nào bán chạy trên thị trường là lập tức chỉ ba ngày sau đã có hàng nhái, từ chiếc xe hơi BMW đến quả trứng gà nhỏ. Ban đầu, ông cầm các loại cân nhái, cân giả, được làm giống đến 100%, đến các cơ quan chức năng, nhưng được trả lời là chính họ cũng bó tay trước vấn nạn đó. Chính vì thế, công ty đã phải "sống chung" với hàng nhái và việc bán hàng được đặt trên đôi vai của các nhân viên tiếp thị và 14 đại lý thân thiết.

Câu chuyện làm giả, làm nhái không gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai đến Trung Quốc thăm dò mở thị trường. Chuyến đi trước, họ hãy còn bất ngờ về các tiệm gà rán KFG bắt chước nhà hàng KFC, thì chuyến sau họ thấy mọc lên một loạt nhà hàng khác có tên OFC với hình ảnh Tổng thống Obama của nước Mỹ. Gặp gỡ các đối tác Trung Quốc tay vẫn bắt, mặt vẫn mừng, nhưng đằng sau họ lặng lẽ "đăng ký giùm" thương hiệu, "sản xuất giùm" hàng giả và đến khi nhận ra thì đã quá muộn.

Hiếm hoi lắm mới được như Vinamit khi mới đây công ty Việt Nam này được tòa án Thương mại Bắc Kinh tuyên bố thắng kiện trong vụ án tranh chấp thương hiệu "Đức Thành" với đối tác phân phối cũ tại Trung Quốc. Hàng loạt các thương hiệu lớn của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, bánh kẹp Bibica, Vinataba... đều đã bị các công ty Trung Quốc nhanh tay đăng ký sở hữu "giùm" và hàng chính hãng từ Việt Nam qua khi đó sẽ bị coi là hàng... lậu. Cánh của coi như đã đóng.

"Vừng ơi mở cửa"

Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công ở Trung Quốc dù đây là một thị trường hấp dẫn. chỉ cần mỗi năm bán cho mỗi người tiêu dùng một món đồ trị giá 1 đô la Mỹ, thì doanh số hàng năm cũng lên tới hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ. Dù lường trước sẽ có những khó khăn, nhưng Nhơn Hòa cũng không thể hình dung trở ngại lại nhiều đến thế. Tuy nhiên cơ hội lại mở ra cũng cực kỳ lớn khi ngày nay, sản xuất của Nhà máy Nhơn Hòa ở Trung Quốc đã ổn định, doanh số đang ngày một tăng trưởng, sau khi đã vượt qua vô vàn khó khăn.

Một doanh nghiệp khác là Vinamit từ lâu coi đây là một thị trường trọng tâm. Vinamit thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch để hàng hóa chính thức lên quầy của các hệ thống siêu thị. Cũng phải trầy trật lắm Vinamit mới có thể thành công được như hôm nay, từ xây dựng hệ thống phân phối đến đối phó với hàng nhái hàng giả lẫn đánh cắp thương hiệu

Cán cân trong cuộc chơi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nghiêng hẳn về phía người láng giềng khổng lồ phía Bắc. Trong đó, Việt Nam nhập siêu 10 tỉ đô la Mỹ trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều 45 tỉ đô la Mỹ năm 2012. Con số nhập siêu này được cho là sẽ còn gia tăng một khi mức thuế quan giảm xuống bằng 0 khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc sắp có hiệu lực. Hiện tại, cũng mới chỉ có chừng 20 DN xuất khẩu các sản phẩm tinh chế qua đây, còn lại là các nguyên liệu thô, chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch.

Dù vậy, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đang ngày một tăng. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, Trung Quốc vừa bổ sung vừa cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam, vì thế, để có thể "chơi" được trên sân Trung Quốc, cần phải hiểu đúng sức mạnh của họ đồng thời tìm được " gót chân Achilles" của họ.

Sức mạnh tài chính, dân số cũng như nền sản xuất của công xưởng thế giới này là điều không cần phải bàn tới, rõ ràng thị trường Việt Nam đang điêu đứng với hàng Trung Quốc, từ quả trứng gà giả, thực phẩm bẩn đến máy móc thiết bị hay nguyên liệu giá rẻ. Nhưng khi người Trung Quốc cũng đang mất niềm tin vào chính hàng của họ do bị làm nhái, làm giả, kém chất lượng, độc hại, thì những mặt hàng chất lượng của Việt Nam lại đang có nhiều lợi thế. Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều nông sản từ Việt Nam và một khi biết khai thác thị trường, đặt những nền móng như Cân Nhơn Hòa hay Vinamit, cơ hội mở ra sẽ rất lớn.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, ở các siêu thị, các gian hàng dành cho hàng nhập khẩu đang ngày một nhiều. Tâm lý của người Trung Quốc vẫn chuộng hàng ngoại, và rất nhiều sản phẩm từ các nước ASEAN đã đứng vững ở thị trường này.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Comments powered by CComment