Những điều cần biết về tập đoàn Samsung

Gần 80 năm thành lập và phát triển, tập đoàn Samsung đã không ngừng phát triển và lớn mạnh nhanh chóng. Tuy nhiên, còn nhiều điều về Samsung mà ít người biết đến.

Tập đoàn Samsung được ra đời vào năm 1938 do ông Lee Byung-chul sáng lập với khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ. Sau gần 80 năm phát triển cho tới nay, Samsung đã gặt hái được không ít thành công quan trọng bên cạnh đó là quy mô khổng lồ với hơn 80 ngành nghề kinh doanh khác nhau từ chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, đóng tàu, xây dựng... nhưng chủ yếu vẫn là điện tử và chất bán dẫn.

samsung

Ba trụ cột chính hiện nay của Samsung là Samsung Electronics (điện tử), Samsung Heavy Industries (đóng tàu) và Samsung Engineering & Samsung C&T (xây dựng).

Ngoài ra, hãng còn khá nhiều các công ty thành viên khác như Samsung Life Insurance (bảo hiểm nhân thọ), Samsung Everland (quản lý công viên), Samsung Techwin (chuyên về không gian vũ trụ, thiết bị giám sát) và Cheil Worldwide (quảng cáo).

samsung

CEO JK. Shin thuộc mảng di động của Samsung.

Samsung có tầm ảnh hưởng khá lớn trong phát triển kinh tế, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc và tập đoàn này cũng là động lực chính thúc đẩy sau "kỳ tích sông Hàn" đã đưa Hàn Quốc phát triển như ngày nay. Theo một số báo cáo, Samsung đóng góp tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và chỉ riêng doanh thu đã chiếm tới 17% tổng GDP của Hàn Quốc.

Với lượng nhân viên trên toàn cầu lên tới gần 500.000 người, hàng năm Samsung phải trả lương với số tiền lên tới hơn 12 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, Samsung cũng được biết đến là một công ty chi khá mạnh tay cho các hoạt động marketing. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tập đoàn này đã chi số tiền quảng cáo lên tới 4 tỷ USD cộng thêm 5 tỷ USD từ hoạt động truyền thông. Thậm chí trong năm 2013, hãng còn chi tới 14 tỷ USD (nhiều hơn cả GDP của Iceland) cho các hoạt động quảng cáo.

Samsung hiện cũng đang là nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới. Theo số liệu cuối quý 1/2015 vừa qua của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, Samsung đã bán được khoảng 83,2 triệu sản phẩm, chiếm 24% tổng doanh số toàn cầu, hơn khá nhiều so với mức 61,2 triệu sản phẩm (chiếm 18%) của Apple.

Không chỉ vậy, Samsung còn là một trong những nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới với hơn 6 năm đứng top đầu trong mảng kinh doanh này.

Samsung tham vọng gì?

Vào cuối năm 2009, Samsung Electronics cho biết, họ đang nhắm tới mục tiêu doanh thu hàng năm đạt tới 400 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Doanh thu mục tiêu này của Samsung nếu có thể trở thành hiện thực sẽ gấp đôi doanh số bán hàng hiện tại và sánh ngang với doanh thu của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) trong năm 2014.

Nhưng trên thực tế thì điều này không hẳn dễ thực hiện khi hãng đang bắt đầu xâm nhập sâu hơn vào một số lĩnh vực kinh doanh mới như y tế, dược phẩm cùng với đó là chi tiền mua lại nhiều công ty, bằng sáng chế khiến hãng khó có thể tập trung được mọi nguồn lực.

Mảng kinh doanh di động có ý nghĩa gì với Samsung?

Không cần phải bàn cãi quá nhiều bởi đây chính là mảng kinh doanh có "hời" nhất của Samsung cho tới nay. Số liệu năm 2014 cho thấy, mảng kinh doanh di động của hãng chiếm tới 76% toàn bộ lợi nhuận hoạt động của công ty. Hơn nữa, đi kèm mỗi thiết bị di động của Samsung luôn là những sản phẩm của bộ phận khác. Do đó, hãng có thể bán được cùng lúc nhiều sản phẩm khác nhau cho một khách hàng.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, công ty đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức trong năm 2015 này tại một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà các đối thủ cạnh tranh dễ dàng đánh bật Samsung ra khỏi vị trí dẫn đầu nhờ mức giá hấp dẫn và người dùng ưa tính nội địa cao hơn.

Samsung liệu có ngày "nối gót" Nokia, Motorola hay BlackBerry?

Câu trả lời hiện thời là không. Bởi lẽ rằng, Samsung là một tập đoàn lớn và không chỉ kinh doanh duy nhất một mặt hàng là thiết bị di động. Hãng cũng có những chiến lược thức thời và khá bản sắc của riêng mình.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở việc Samsung không chỉ tập trung sản xuất thiết bị di động mà hãng còn mở rộng thêm việc nghiên cứu, sản xuất các linh kiện điện tử để tự sử dụng và bán cho các hãng khác. Nhờ đó, ngay cả khi doanh số của hãng bị giảm thì những bộ phận sản xuất khác như linh kiện vẫn sẽ tăng trưởng đều bởi nhu cầu về linh kiện điện tử có lẽ sẽ không bao giờ thừa trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay.

Ai đang điều hành Samsung?

samsung

Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO Samsung - ông Lee Kun-hee (ở giữa).

Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO tập đoàn Samsung là ông Lee Kun-hee (người con thứ ba của nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul). Ông sở hữu khối tài sản lên tới hơn 12 tỷ USD và vị trí thứ 41 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2013 của tạp chí Forbes. Lee Kun-hee là người đã đưa ra nhiều chương trình mục tiêu giúp hình thành lên tầm nhìn lâu dài của tập đoàn.

Tuy nhiên hiện tại ông đang nằm liệt giường sau một cơn đau tim hồi tháng Năm vừa qua. Con trai ông là Lee Jae-yong (46 tuổi) và cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Samsung hứa hẹn sẽ là người thay thế ông điều hành công ty trong thời gian tới.

Samsung hiện có ba đồng CEO làm việc ở các mảng kinh doanh khác nhau, trong đó có Choi Gee-sung (mảng phương tiện kỹ thuật số) và Jong-Kyun Shin (mảng di động).

Tiến Thanh

Theo Vnreview

Comments powered by CComment