Biến ý tưởng thành doanh nghiệp triệu đô

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt được thành công vang dội như Google, Amazon hay Starbucks,... Nhưng thật thú vị khi biết rằng sự sáng tạo và đúng lúc là yếu tố cốt lõi để biến một ý tưởng thành những doanh nghiệp triệu đô.

Thành lập doanh nghiệp mới là một công việc khó khăn, nhất là khi đứng trước thực tế phần lớn các công ty khởi sự thất bại. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại phần nhiều là do việc lên kế hoạch kém hoặc các ý tưởng không độc đáo. Muốn tăng cơ hội thành công của bạn, hãy nghiên cứu cẩn thận thị trường để quyết định cái gì hiệu quả, cái gì không.

triudo

Dưới đây là 6 câu chuyện thành công không chỉ giúp bạn hiểu những yếu tố đem lại hiệu quả mà còn truyền cảm hứng cho ngày làm việc của bạn.

1. Google

Là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thời đại chúng ta, Google khởi đầu là BackRub, một công cụ tìm kiếm do 2 sinh viên đại học Larry Page và Sergey Brin vận hành. Họ đăng ký tên miền Google.com năm 1997, đặt tên nó theo thuật ngữ toán học "googol" có nghĩa là 10 lũy thừa 100.

Tháng Tám năm 1998, công ty đã nhận 100 ngàn đô la tiền vốn từ người đồng sáng lập Công ty Sun - Andy Bechtolsheim. Khởi đầu từ một chiếc gara, Page và Brin bắt đầu gây chú ý với khả năng kỳ lạ của sản phẩm mà họ tạo ra - đó là đem lại các kết quả tìm kiếm phù hợp. Họ bắt đầu xuất hiện trên các xuất bản phẩm hàng đầu như tạp chí PC. Họ giành được sự ủng hộ trước hết là vì sản phẩm của họ hoạt động tốt hơn các công cụ tìm kiếm của các công ty đối thủ.

2. GasBuddy

Một bác sỹ nhãn khoa và nhà lập trình máy tính đã nảy ra ý tưởng về một dịch vụ có thể giúp những người sử dụng thiết bị di động tìm thấy nơi bán xăng rẻ nhất gần đó. Nhưng khi Jason Toews và Dustin Coupal sáng lập nên GasBuddy năm 2000, những chiếc điện thoại chưa "thông minh" và những chiếc máy tính bảng còn chưa xuất hiện. Những người lái xe phải đăng nhập trang web để tìm mức giá xăng thấp và liệt kê các mức giá mà họ thấy ở các trạm xăng trong vùng. Các thiết bị di động đã khiến trang web này thậm chí còn thành công hơn, vì các tài xế giờ có thể kiểm tra các mức giá từ chính nơi họ muốn: ô-tô.

3. Amazon

Internet vẫn còn là một khái niệm mới mẻ khi Jeff Bezos sáng lập nên Amazon, ông đã nảy sinh cảm hứng từ một bài báo nói về tương lai của thương mại điện tử. Bezos lập nên danh sách một vài sản phẩm đầy hứa hẹn với việc bán hàng trực tuyến và dừng lại ở sản phẩm sách vì mức giá thấp và có nhiều sự lựa chọn.

Trong vòng 2 tháng, Bezos đã thu được 20 ngàn đô la tiền bán hàng hàng tuần với doanh nghiệp có trụ sở trong gara của mình. Không giống nhiều công ty công nghệ khác, Amazon đã sống sót qua kỷ nguyên bùng nổ dot-com hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước và phát triển từ từ tới chỗ bán nhiều mặt hàng khác ngoài sách, phim ảnh và âm nhạc từng xuất hiện trong danh sách những sản phẩm nhiều hứa hẹn nhất của Bezos.

4. Pandora

Những người dùng mới có thể không nhận ra rằng Pandora dựa trên một công nghệ có tên là "bộ gen âm nhạc", theo đó nó sẽ bắt chước cách chuỗi DNA của con người trong việc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các chuyên gia âm nhạc đã phát hiện ra 450 đặc điểm độc đáo của mỗi bài hát và sử dụng thông tin này để quyết định âm sắc của mỗi bài hát.

Nhà soạn nhạc Tim Westergren đã nảy ra ý tưởng này và dùng nó để tạo ra Pandora Radio Ứng dụng này sẽ tạo ra trạm radio cá nhân độc đáo với sở thích âm nhạc của từng cá nhân. Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm nhưng Pandora đã tồn tại được, và hiện tại thu hút hơn 200 triệu người đăng ký sử dụng.

5. Edible Arrangements

Năm 1999, người chủ shop hoa Tariq Farid nảy ra ý tưởng về một sự thay thế cho hương thơm của hoa hồng và hoa dại. Tình yêu với các loại trái cây đã tạo cảm hứng cho ông tạo ra Edible Arrangements và sử dụng hiểu biết về ngành công nghiệp chuyển phát hoa để đem ý tưởng tương tự vào đồ ăn.

Rất nhanh sau đó, biển quảng cáo về cửa hàng này đã lọt vào mắt Chris Dellamarggio khi ông đang đi trên đường vào giờ cao điểm. Dellamarggio đã tiếp cận Farid để bàn về khả năng biến Edible Arrangements thành một doanh nghiệp nhượng quyền. Dellamarggio đã mở cửa hàng Edible Arrangements đầu tiên gần nhà ông ở Boston. Trong những năm tiếp theo, Dellamarggio, Farid, và anh trai của ông - Kamran đã mở rộng Edible Arrangements thành doanh nghiệp nhượng quyền toàn nước Mỹ, và làm việc cả ngày để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

6. Starbucks

Có thời bạn từng gọi một ly cà phê cho bữa sáng hoặc bữa tối ở một quán cà phê. Bạn thường trả chưa tới 1 đô la để thưởng thức và sự lựa chọn của bạn chỉ giới hạn ở cà phê đen có đường hoặc kem. Starbucks đã cách mạng hóa khái niệm người sáng chế cà phê, khởi đầu từ cửa hàng đầu tiên của họ ở Seattle năm 1971.

Mười năm sau đó, Howard Schultz lần đầu tiên thử cà phê Starbucks và đã bị ấn tượng. Từng du lịch khắp thế giới, ông có cảm hứng với trải nghiệm cà phê bar tại Italy và muốn đem ý tưởng tương tự về Mỹ. Năm 1987, ông tập hợp các nhà đầu tư và mua lại Starbucks, dần phát triển nó thành một doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu. Ngày nay, Starbucks đã có hơn 21 ngàn cửa hàng tại 65 quốc gia.

Sự sáng tạo và đúng lúc là cốt lõi thành công của bất cứ doanh nghiệp nhỏ nào. Mặc dù không phải ai cũng có thể đạt được thành công vang dội như thế, nhưng thật thú vị khi biết rằng với ý tưởng đúng đắn và sự trợ giúp cần thiết thì một doanh nhân có thể tìm ra cách để đạt được mục tiêu và biến một ý tưởng thành một doanh nghiệp trường tồn.

Theo marketingchienluoc.com/Dịch từ Entrepreneur

Comments powered by CComment