Những lưu ý trước khi công khai nội dung

Trước khi một người làm truyền thông click "Submit" cho mỗi nội dung, một vài phút để kiểm tra lại những gì sắp được gửi đến công chúng không bao giờ thừa.

Dưới góc độ khoa học thống kê và xác suất, sau vô số lần cẩn thận, những lúc chúng ta tặc lưỡi bỏ qua việc rà soát (đặc biệt khi họng súng deadline đang dí sát sau gáy) thường chính là lần những sơ sót nho nhỏ biến thành lỗi sai "bom tấn".

Nếu bạn còn băn khoăn hay cần thêm chút tự tin trước khi nhấn "Submit", nhất là với các nội dung có quy mô lớn, cũng như để giảm thiểu tối đa khả năng sai sót, thậm chí là khả năng trở thành những tấn bi hài kịch của content marketing hãy bỏ túi checklist 13 điều trước khi công khai mỗi nội dung.

checklist

1. Nội dung có gắn được với mục tiêu chính và phụ hay không?

Chúng ta đều biết mỗi hoạt động quảng cáo đều hướng tới trợ giúp cho mục tiêu chung của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, mỗi mẩu của nội dung đều phải đáp ứng một mục tiêu nhỏ cụ thể hơn nằm trong mục tiêu tổng thể.

2. Nội dung đã chỉ hướng được tới một trong các đối tượng mục tiêu hay chưa?

Mỗi nội dung của bạn không nhất thiết phải đáp ứng tất cả thị trường mục tiêu mà chỉ cần "đánh trúng" một phần nhỏ trong chiếc bánh rộng lớn đó.

3. Nội dung có thể dễ dàng được tìm kiếm bằng 1 hoặc 2 keyword hay không?

Hãy cố gắng dùng cách diễn đạt sao để tăng khả năng được tìm thấy cho nội dung của bạn với một số keyword nhất định.

4. Nội dung có được dẫn tới các nội dung khác hay không?

Một nội dung hay sẽ giảm hiệu quả marketing nếu thiếu thông tin plug in hay đường link dẫn về trang web, fanpage hay các trang hoạt động khác của bạn. Đừng quên gắn các đường link này với các keyword cụ thể trong nội dung. (Xem lại check số 3)

5. Tiêu đề đã đủ cuốn hút hay chưa?

Những tiêu đề "sát thủ" là một trong những điều then chốt để độ "nặng" cho các nội dung bởi rất nhiều người đọc và khách hàng tiềm năng quyết định click đọc hay không dựa trên ý nghĩa và độ hấp dẫn của tiêu đề. Hãy để keyword mục tiêu ngay trong tiêu đề hoặc đâu đó trong những dòng đầu tiên, càng gần tiêu đề càng tốt.

6. Nội dung có chứa đựng yếu tố xây dựng và củng cố thương hiệu hay không?

Nhiều hơn một cái logo, đó là cách thương hiệu của bạn xuất hiện, nói chuyện và hành động. Một dấu tick cho câu hỏi này sẽ góp phần giúp thương hiệu tỏa sáng dưới mọi góc độ.

7. Nội dung có "giọng" phù hợp với tổng thể truyền thông không?

Trong thế giới của truyền thông đa phương tiện hiện đại, nội dung của bạn phải có một thứ "giọng" như con người để nói chuyện hiệu quả với con người – khách hàng của bạn. Dù được sản xuất bởi bất cứ người viết, người thiết kế nào hay những người khác nữa, các nội dung cần có một "giọng" nhất quán với nhau và với tính cách thương hiệu.

8. Nội dung đã có hình ảnh minh họa phù hợp chưa?

Minh họa bằng hình ảnh, nhất là ảnh chụp với những khuôn mặt, hành động của người thật, luôn giúp nội dung dễ được tiếp nhận và đi vào lòng người. Tuy nhiên, hãy chắc chắn bạn sẽ không vướng phải vấn đề bản quyền khi sử dụng các hình ảnh vào mục đích thương mại.

9. Nội dung có định dạng dễ dàng cho việc đọc không?

Hãy tăng khả năng tiếp cận tối đa cho nội dung để khách hàng có thể tiêu dùng chúng dễ dàng với tất cả thiết bị (laptop, các loại điện thoại từ các hãng khác nhau...). Dùng các bullet point, căn lề trái và in đậm chữ khi cần thiết.

10. Nội dung có dùng ngôn ngữ phù hợp không?

Ngôn ngữ ở đây được hiểu là ngôn ngữ trang trọng, lịch sự hay thô mộc, thậm chí bỗ bã. Nếu không tìm được từ ngữ phù hợp, hãy nghĩ đến việc diễn đạt bằng một cách khác, ảnh hay hình vẽ chẳng hạn.

11. Nội dung có lỗi ngữ pháp hay chính tả nào không?

Một lỗi ngữ pháp hay chính tả nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy trong tâm trí người đọc, không kể đến những lỗi sai gây hiểu nhầm tai hại.

Đặc biệt, khi sản xuất nội dung với một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, sự cẩn trọng rà soát càng cần thiết hơn nữa.

12. Nội dung có tính kêu gọi hành động không?

Nếu không thể tạo ra tâm lý muốn hành động cho khách hàng, xây dựng nội dung sẽ trở nên vô nghĩa. Hành động này có thể chỉ là ghé thăm website, google sản phẩm, bấm theo dõi trang fanpage...

13. Nội dung có gắn kết được với khách hàng?

Đây là điều quan trọng khi bạn muốn thúc đẩy khách hàng hành động, nhất là những hành động trực tiếp như tham gia bình luận dưới nội dung. Hãy nhớ, mục đích cuối cùng và tối cao của nội dung không phải "đốn hạ" khách hàng mà là lôi kéo họ tham gia vào dòng bình luận – trao đổi xung quanh nội dung đó.

Theo Tiepthinoidungso

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment