Để chọn đúng đường và mau đến đích (Kỳ III)

Muốn quyết định đi đâu, về đâu, DN phải biết mình đang đứng ở đâu trong môi trường kinh doanh, và ở đó đang diễn ra những gì trước khi lựa chọn ra con đường đi tốt nhất.

Kỳ III: Đừng xem nhẹ các công cụ phân tích

Sử dụng công cụ:

Muốn vậy, DN buộc phải tiến hành các bước thu thập thông tin và phân tích môi trường. Có khá nhiều công cụ phân tích khi hoạch định chiến lược. Dưới đây là một số công cụ cơ bản, dễ áp dụng.

Phân tích PEST: gồm các yếu tố P (Political: chính trị, luật pháp), E (Economic: kinh tế), S (Social:xã hội), T (Technologital:công nghệ). Đôi khi, còn có thêm một vài yếu tố khác như L (legal:pháp luật), E (Enviromental: môi trường)...

- Yếu tố chính trị, luật pháp: phân tích những tác động của môi trường chính trị (ổn định/bất ổn) và các quy định pháp luật liên quan đến sản phẩm/ ngành nghề của DN. Ví dụ, quy định cấm xuất khẩu khoáng sản thô có thể làm thay đổi chiến lược hàng loạt DN xuất khẩu mỏ; quy định hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương có thể làm "cuộc chơi" nước tương chỉ dành cho những DN có tiềm lực tài chính và công nghệ.

- Yếu tố kinh tế: phân tích tác động của các yếu tố tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, thất nghiệp, thu nhập đầu người, tiêu dùng, tiết kiệm,... Ví dụ, lãi suất cao từng một thời làm nhiều DN phải điều chỉnh chiến lược phát triển, thậm chí phải rút lui, thoái vốn khỏi 1 số ngành.

- Yếu tố xã hội: phân tích các tác động của yếu tố xã hội như độ tăng dân số, mật độ dân số, phân bố độ tuổi, quá trình đô thị hóa, văn hóa, trào lưu lối sống,... Ví dụ, trào lưu lướt web, chơi game của giới trẻ đã làm thay đổi chiến lược của nhiều DN kinh doanh thiết bị công nghệ.

- Yếu tố công nghệ: phân tích tác động của những xu hướng công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ KHKT, thiết bị máy móc, vật liệu mới, sáng chế mới,... Ví dụ, máy ảnh kỹ thuật số đã giết chết ngành máy ảnh chụp phim truyền thống.

- Yếu tố môi trường: phân tích tác động của thời tiết, thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu,... Ví dụ, ngành sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng sẽ phải chịu tác động rất lớn của quá trình biến đổi khí hậu nên cần có chiến lược mới để chủ động đối phó.

Phân tích ngành (phân tích 5 tác lực cạnh tranh theo Michael E.Porter)

- Năm tác lực chính trong ngành có ảnh hưởng lớn đến yếu tố cạnh tranh là:

- Sản phẩm thay thế: DN cần lưu ý phân tích những sản phẩm mới có thể xuất hiện thay thế sản phẩm hiện tại (ví dụ, ti vi thông minh sẽ dần thay thế các dòng ti vi thông thường, máy tính bảng có thể thay thế máy tính xách tay, bóng đèn LED co thể thay thế bóng đèn dây tóc,...)

- Người mua: phân tích các tác lực từ phía khách hàng, người tiêu dùng như sức mua, nhu cầu đích thực, mức độ nhạy cảm với giá, mức độ trung thành, hành vi tiêu dùng,...

- Nhà cung cấp: phân tích các tác lực từ phía nhà cung cấp như năng lực cung cấp, giá, yêu cầu về khối lượng mua, khả năng nhà cung cấp thay đổi khách hàng, khả năng thay thế nhà cung cấp, nguy cơ nhà cung cấp tích hợp xuôi về phí DN và khả năng DN tích hợp ngược về phía nhà cung cấp,...

- Đối thủ hiện tại: phân tích các tác lực từ các đối thủ hiện tại như năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh, các chiến lược cạnh tarnh, cạnh tranh của đối thủ, nguy cơ "đất chật, người đông" vì độ tăng trưởng ngành thấp.

- Đối thủ tiềm tàng: phân tích nguy cơ từ phía các đối thủ sắp gia nhập, sức hấp dẫn của ngành, mức độ an toàn của các rào cản gia nhập, xu hướng phân chia lại thị phần,...

Phân tích thị trường:

Đây là những phân tích chi tiết về độ lớn thị trường, mức tăng trường/suy giảm, phân khúc thị trường, thị phần, xu hướng tiêu dùng, sản phẩm/ đối thủ cạnh tranh,...

Phân tích SWOT:

Là công cụ phân tích cơ bản, tối thiểu cần có của DN mỗi khi hoạch đinh bất kỳ cấp chiến lược nào. Công cụ này sẽ giúp DN nhận dạng những thế mạnh và những điểm yếu nội tại bên trong DN mình cũng như những cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài. Công cụ này sẽ giúp DN "biết địch, biết ta, để nhờ đó biết xác định làm gì để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, tận dụng các cơ hội và loại bỏ hoặc ứng phó với các nguy cơ.

- Strengths(điểm mạnh): những điểm mạnh của DN về mọi mặt như nhân lực, nhân sự, công nghệ, tài chính, kinh nghiệm, bí quyết kỹ thuật, các mối quan hệ, hệ thống phân phối, bao gồm những lợi thế cạnh tranh so với đối thủ,...

- Weaknesses (điểm yếu): những điểm yếu của DN ở các mặt tương tự như trên.

- Opportunities (cơ hội): những cơ hội sẽ đến từ môi trường kinh doanh có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (lấy kết quả từ các phân tích trên).
- Threat (nguy cơ): những nguy cơ, thách thức sẽ đến từ môi rường kinh doanh có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (lấy kết quả từ các phân tích trên).

- Ngoài ra còn có nhiều công cụ phân tích khác như 3C (công ty, đối thủ, khách hàng); EFE (đánh giá các yếu tố bên trong), ma trận BCG (ma trận tăng trưởng – thị phần),... cũng có thể được sử dụng trong hoạch định chiến lược.

Lựa chọn chiến lược:

- Kết quả phân tích giúp DN biết được mình đang đứng đâu trong môi trường kinh doanh để từ đó DN xác định (hoặc xem xét lại) sứ mệnh, tầm nhìn và những mục tiêu cụ thể của DN cho từng giai đoạn. Kết quả phân tích cũng giúp những DN đưa ra những phác thảo về chiến lược và cuối cùng lựa chọn con đường đi tốt nhất cho mình hướng về các mục tiêu. Chiến lược được chọn luôn phải dựa trên cơ sở phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, đón bắt, tận dụng các cơ hội và loại bỏ, giảm thiểu các nguy cơ đã được phân tích kỹ.

- Cần lưu ý, giai đoạn thu thập thông tin và phân tích thường chiếm nhiều thời gian hơn là giai đoạn hình thành chiến lược. Sở dĩ như vậy là vì, một khi các kết quả phân tích tỉ mỉ, cẩn trọng sẽ giúp cho người có trách nhiệm nhìn thấy bức tranh môi trường bên trong và bên ngoài DN rõ hơn, nhờ đó việc lựa chọn đường đi cũng dễ dàng hơn.

Các cuộc họp thảo luận về chiến lược nên có sự tham gia của đội ngũ quản lý cấp cao, các chuyên gia, các nhà quản trị có năng lực và đáng tin cậy, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi hội đồng quản trị. Ngoài ra, quá trình thảo luận chiến lược cũng cần đưa ra một vài phương án chiến lược để lựa chọn, không nên chỉ có một.

Điều quan trọng đối với 1 chiến lược là tính khả thi và các yếu tố thành công chủ yếu. Một chiến lược tốt nhưng khả năng thực thi khó hoặc không thể thì chỉ là một chiến lược tồi. Cần xác định các yếu tố thành công chủ yếu của một chiến lược và phân tích xem các yếu tố đó có khả năng đạt được hay không.

Trong quá trình hoạch định chiến lược , DN Việt Nam thường mắc phải những sai lầm sau:

- Không hiểu hết bản chất của chiến lược và quy trình hoạch định chiến lược;

- Ít chú trọng đến việc thu thập thông tin (có những thông tin phải đi mua với giá đắt);

- Không sử dụng các công cụ phân tích, nhất là phân tích định lượng;

- Không mời gọi sự tham gia của người có năng lực và kinh nghiệm;

- Thiếu vắng các cuộc họp chiến lược theo đúng nghĩa;

Sau lựa chọn chiến lược là phần triển khai thực hiện, bao gồm cả kiểm soát, đánh giá , hiệu chỉnh chiến lược. Một lần nữa, công việc này đòi hỏi phải có các công cụ triển khai, theo dõi, giám sát với sự tham gia của nhiều cấp quản lý, nhiều bộ phận.

Một chiến lược được hoạch định tốt nhưng triển khai tồi thì kết quả khó lòng như mong đợi. Mặc dù vậy, vẫn còn tốt hơn là chọn sai đường đi để rồi càng đi càng nhanh, càng mau xa rời đích đến.

Theo Nguyễn Hữu Long.

Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Comments powered by CComment