Âm nhạc "quyến rũ" Thương hiệu thế nào?

Chúng ta có thể nhắm mắt nhưng không thể “nhắm” đôi tai. Ông Mark Barber, một chuyên gia âm nhạc, đã kết luận đơn giản như vậy để chứng minh vai trò quá lớn của âm nhạc trong đời sống thường nhật của mỗi người.

Những đứa trẻ sơ sinh học cách giao tiếp đầu tiên bằng âm thanh chứ không phải bằng từ ngữ. Khi lớn lên trẻ sẽ học cách gắn liền âm thanh trong đầu với những hình ảnh con chữ được thấy ở bảng chữ cái. Những từ ngữ luôn đến bên ngoài trí óc. Điều duy nhất ở trong tâm trí chính là âm thanh.

musicBrand

Âm nhạc là âm thanh được sắp xếp và tổ chức để gây ấn tượng và tạo cảm xúc trong tâm trí khách hàng bằng các kĩ thuật như nhịp điệu, sự lặp đi lặp lại, và giai điệu.

Không giống như từ ngữ trên một trang giấy, âm nhạc không đứng yên theo thời gian. Nó luôn luôn di chuyển, có khi vội vã, có khi êm đềm, nhưng luôn luôn trong trạng thái chuyển động.

Vậy âm nhạc đóng vai trò gì trong hoạt động truyền thông và Thương hiệu?

Bạn đã từng xem chiến dịch truyền thông “Dumb ways to die – Những cách ngốc nghếch để chết”? Đây chiến dịch marketing đã phá kỉ lục tại Cannes Lions và Asian Marketing Effectiveness 2013. Thay vì sử dụng những cách gây shock truyền thống để truyền tải sự nguy hiểm khi không đảm bảo an toàn đường sắt, Melbourne Metro đã chọn cách tiếp cận với giới trẻ bằng âm nhạc vui nhộn, bắt tai và xây dựng câu chuyện có tính giải trí để thuyết phục giới trẻ tự nguyện chú ý về sự an toàn khi ở trạm tàu điện ngầm. Kết quả trong vòng 24h tung ra, bài hát đã chen vào Top 10 của Itunes và trong 1 tuần, video đã đạt hơn 15 triệu view và trở thành Video được lan truyền nhanh nhất của Úc, hơn cả sức ảnh hưởng của Rihanna hay Gangnam Style trên tổng dân số về sự phổ biến.

Có thể thấy âm nhạc dường như xuất hiện mọi nơi trong việc xây dựng thương hiệu ngày nay. Nhưng nó chỉ là một trào lưu/xu hướng và sẽ sớm luỵ tàn như thời trang lỗi mốt, hay âm nhạc sẽ chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong hoạch định xây dựng thương hiệu mạnh?

Howard Schultz, CEO Starbucks, cho rằng âm nhạc là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược dài hạn để tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng tại chuỗi coffee Starbucks. "Nó không chỉ là cà phê, nó là mối liên kết giữa người với người. Chúng tôi muốn tăng thêm kết cấu cho thương hiệu, và tăng giá trị cho trải nghiệm của khách hàng. Hear Music đang làm rất tốt về âm nhạc và Starbuck làm rất tốt về coffee. Đây là sự kết hợp hoàn hảo để biến Starbucks trở thành “nơi thứ ba” ngoài công việc và gia đình” Schultz trả lời phỏng vấn trên Fast Company Magazine khi giải thích lý do mua Hear Music, công ty thu âm nổi tiếng của Anh vào năm 1999.

“Khi một đoạn nhạc mà bạn yêu thích được phát ra ở một nơi bán hàng bạn sẽ làm gì?”

  • Có 35% người trả lời sẽ ở lại nơi đó lâu hơn một chút.
  • 31% người trả lời sẽ quay lại nơi đó một lần nữa.
  • 21% sẽ giới thiệu cho người khác đến nơi đó.
  • 14% sẽ mua sắm nhiều hơn

Kết quả nghiên cứu của StrandergHaage kết hợp cùng Hearbeats International thực hiện.

Điều đó chứng mình rằng âm nhạc không chỉ đóng vai trò trong một chiến dịch mà còn là yếu tố tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Âm nhạc giúp người tiêu dùng “mở tivi lên để xem quảng cáo”?

Khách hàng có bao giờ chủ động tìm xem quảng cáo trên TV không? Hay họ phải ở trong tâm trạng chịu đựng, chờ đợi đến khi chương trình họ đang xem bắt đầu chiếu trở lại?

“Hãy mở TV lên để xem phim quảng cáo nào?” chỉ là những câu nói cuả những người trong ngành công nghiệp quảng cáo mà thôi.

Nhưng, âm nhạc sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Hẳn các bạn vẫn còn nhớ những quảng cáo của Vinamilk với những ca khúc vui tươi rất phù hợp và lôi cuốn các bé. “Trăm phần trăm, Trăm phần trăm. Sữa tươi nguyên chất 100%. Mỗi ngày, mỗi ngày. Chúng tôi là những con bò vui nhộn...” Bài hát có giai điệu rất trẻ thơ, vui nhộn, nó không chỉ làm các bé thích mà còn nhắc nhớ mẹ mua sữa Vinamilk “mỗi ngày”. Cách tiếp cận quá tuyệt vời bằng âm nhạc của Vinamilk.

Hay là "Tell me when you will be mine, Tell me quando, quando, quando...” Chắc chắn nhiều người sẽ liên tưởng ra ngay hình ảnh chàng trai tay run run đang tìm chai bia trong thùng lạnh.

Nhiều người miền Trung quá quen thuộc với lời bài hát “Miền Trung non nước hùng vĩ. Con người trời đất giao hoà. Tình yêu từ mưa từ nắng. Khơi dòng cảm xúc tự hào là người miền Trung” trong quảng cáo bia Huda năm 2014. Bài hát đã nhanh chóng trở thành giai điệu quen thuộc cho đến thời điểm hiện tại. Có đến 78% người tiêu dùng cảm thấy tự hào là người miền Trung khi nghe xong bài hát và 55% cho rằng Huda làm mọi người kết nối và gần nhau hơn. (nguồn MillwardBrown). Huda hiện tại đang là thương hiệu dẫn đầu thị trường miền Trung chiếm gần 70% thị phần.

Kết quả từ một cuộc khảo sát quốc tế cho rằng, các nhãn hàng kinh doanh biết kết hợp với âm nhạc khi xây dựng chiến lược thương hiệu sẽ chiếm đến 96% tỷ lệ khách hàng nhớ đến nhãn hàng so với các nhãn hàng không sử dụng âm nhạc. (Dr Adrian C. North, Dr David J. Hargreaves, independent survey at Leicester University)

"8/10 người tiêu dùng sẽ chọn mua rượu Pháp, nếu trong cửa hàng đang mở một bản nhạc Pháp." - Journal Applied Psychology

Khi khách hàng được tiếp xúc với một thương hiệu thông qua cấu trúc ngữ âm, họ phản hồi với cảm xúc tích cực. Cảm xúc này tạo nên hiệu ứng tích cực trong giai đoạn lựa chọn sản phẩm để mua và mức đánh giá giá trị sản phẩm.

Âm nhạc là chất “kích thích” quan trọng giúp các chiến dịch Viral Marketing thăng hoa và giúp tăng trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp như chuỗi café, nhà hàng, khách sạn...nếu doanh nghiệp đấy biết kết hợp nội dung âm nhạc phù hợp vơi định vị thương hiệu, với đối tượng khách hàng để “rung” được trái tim người tiêu dùng như cách Howard Schultz đang xây dựng thương hiệu Starbucks.

“Âm nhạc có sức quyến rũ,” William Congreve cho biết, “để làm dịu đi lồng ngực của bạn. Để làm mềm một hòn đá, hay bẻ cong một cành cây.” ("Music has charms," wrote William Congreve, "to soothe a savage breast. To soften rocks, or bend a knotted oak.")

Thịnh Lê Tấn - Giám đốc điều hành, BrandBeats Music Marketing

Bài viết có sử dụng nguồn tham khảo từ: StrandergHaage & Heartbeats International, Journal Applied Psychology, Dr Adrian C. North, Dr David J. Hargreaves, independent survey at Leicester University, Ad Age- Al Ries, MillwardBrown, Fast Company Magazine.
Theo BrandsVietnam

Comments powered by CComment