Động lực thương hiệu & văn hóa KD từ câu chuyện ông Obama ăn bún chả

Kể từ sau sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả và uống bia Hà Nội tối 23/5/2016 tại quán bún chả Hương Liên (phố Lê Văn Hưu, Hà Nội), quán này lập tức trở thành điểm nóng truyền thông với thương hiệu mới “bún chả Obama”. Mọi chi tiết đời thường đều được khai thác triệt để, vô tư hoặc chuyên nghiệp, có mục tiêu, song đều được độc giả quan tâm, chia sẻ thích thú.

obama copy

Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Anthony ăn bún chả và uống bia Hà Nội. (Ảnh trên trang Instagram của nhiếp ảnh gia Pete Souza).

Phản ứng thị trường nhanh nhạy tới mức, khách hàng vào quán này tăng vọt; dòng người xếp hàng vào quán chờ đến lượt tái diễn như cảnh mua hàng mậu dịch phổ biến thời bao cấp, dù thật hiếm hoi và “lạ mắt” thời kinh tế thị trường hiện nay.
Du khách tây, Nhật, Hàn... còn tìm thấy cảm hứng đứng chụp ảnh selfie ngoài quán.
Các tên miền liên quan đến bún chả, như bunchaobama .com .net .vn .com.vn và .org đã hình thành và trở thành hàng hóa mới được giao dịch với cơ hội thu lợi nhuận hấp dẫn trên thị trường mạng xã hội... Trên Google, “có hơn 150.000 kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa “bún chả Hương Liên”; trên 250.000 kết quả liên quan đến “bún chả Obama” và khoảng nửa triệu kết quả liên quan đến “bún chả”.

Thậm chí, nhờ sự kiện Tổng thống Mỹ Obama ăn bún chả tại Hà Nội, một số nhà hàng ở nước ngoài cũng được hưởng “lộc rơi lộc vãi” khi phục vụ “đúng món ăn Obama yêu thích” trên tại địa phương họ, số lượng suất ăn kiểu này được bán nhiều hơn và đương nhiên với giá cao hơn.

Một cơ hội vàng mở ra cho món ăn dân dã Việt và cho cả giới báo chí, truyền thông.

Điều đáng nói là, chủ quán và nhân viên tại nhà hàng Hương Liên vẫn nhã nhặn giữ nguyên nếp văn hóa kinh doanh truyền thống đáng trân trọng của mình, không tranh thủ “chặt chém”, tăng giá bán. Ghế và bàn ăn mà Tổng thống Obama đã dùng cũng được khách hàng hào hứng, tranh nhau lựa chọn, nhưng không vì thế mà đắt đỏ hơn các bộ bàn, ghế khác.
Tuy nhiên, quán ăn này đã không quên gợi nhắc khách hàng, từ trên tường quán treo menu mới có thêm "combo bún chả Obama", màn hình tivi liên tục chạy bức ảnh Tổng thống Mỹ chụp ảnh cùng chủ quán và ảnh ông Obama ngồi ăn bún tại đây, thậm chí cả biển nhã nhặn xin lỗi quý khách chờ đợi vì quán quá tải...
Hình ảnh Tổng thống Mỹ - người đàn ông quyền lực hàng đầu thế giới và luôn là tâm điểm truyền thông, nên dù chỉ là một hoạt động ngoài lề trong chuyến công du Việt Nam của ông cũng đã quyết định sự nổi tiếng của một thương hiệu mới ngoài mong đợi.

Nhưng thương hiệu và danh tiếng không tự nhiên đến và cũng dễ trôi qua nếu không có ý thức ngay từ đầu và nhạy bén chớp cơ hội vàng. Thế mới biết, thương hiệu quan trọng biết nhường nào và kinh doanh cần xây dựng, quảng bá và gìn giữ, khai thác thương hiệu như một động lực phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ ra sao. Đặc biệt, cần quan tâm tạo dựng thương hiệu chung cho quốc gia, vùng miền, bên cạnh thương hiệu cho doanh nghiệp cá biệt và sản phẩm đơn nhất.
Với ý nghĩa này, lại nhớ, cuối năm 2015, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức khai mạc “Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2015” tại Trung tâm Thương mại Royal City. Đây là năm thứ hai được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 200 gian hàng, quy tụ nhiều đặc sản của các vùng, miền đến từ 150 đơn vị doanh nghiệp của gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Nước mắm Cát Hải, Phú Quốc, Phan Thiết; mắm tôm chua Huế; mỳ Chũ Bắc Giang; gạo tám Điện Biên; hành, tỏi Lý Sơn, chè Shan tuyết Suối Giàng, chè Thái Nguyên; vú sữa Lò Rèn; xoài cát Hòa Lộc; bưởi đường Tuyên Quang...
Nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa và xác thực về nguồn gốc và chất lượng. Trong thời gian diễn ra chương trình, đã có hơn 600 giao dịch và hợp đồng được ký kết. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng miền đều là nội dung trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Nếu như doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho hình ảnh thương hiệu, tính cách thương hiệu, thông điệp thương hiệu.., thì việc xây dựng thương hiệu vùng, miền cần quan tâm đến sự định vị và truyền thông quảng bá thương hiệu; đặc biệt, chú ý khai thác “yếu tố đặc sản” tạo nên sự khác biệt hóa hoặc ưu thế thiên nhiên của địa phương để xây dựng hình ảnh chung cho vùng miền.
Đồng thời, không ngừng nâng cấp chất lượng và mẫu mã những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và gắn liền với niềm tự hào, tự tôn và giá trị văn hóa bản địa, được chuyển tải tinh tế thông qua sự đổi mới và sáng tạo liên tục trong quy trình sản xuất, kinh doanh, giúp tạo ra những giá trị thặng dư hữu ích và đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Phát triển thương hiệu vùng, miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao mức sống của địa phương.
Phát triển thương hiệu Việt, nhất là thương hiệu vùng, miền cần giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ từ chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự ủng hộ từ xã hội và các phương tiện truyền thông...
Đột phá trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước hết trong bảo quản, bảo đảm được chất lượng và thời gian vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu... là những động lực mới, mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho trái cây, các nông sản chủ lực và cho toàn ngành nông nghiệp, cũng như từng địa phương Việt Nam thời hội nhập...

TS.Nguyễn Minh Phong

Theo Báo Lao Động

Comments powered by CComment