Cốc Cốc: Vươn ra biển lớn hay chỉ lầm lũi ở “ao làng”?

Cốc Cốc - startup công nghệ khởi nghiệp vào năm 2013, do 3 lập trình viên người Việt Nam sáng lập. Có thể thấy rằng, Cốc Cốc có những ưu điểm đối với người Việt, nhưng đó vẫn là chưa đủ.

Ra đời ra sao?

coccoc

Cốc Cốc (ban đầu mang tên Cờ Rôm+) ra đời vào tháng 5/2013, do ba lập trình viên Việt Nam là Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Ngọc, và Lê Văn Thanh sáng lập. Họ từng tốt nghiệp đại học Lomonosov Moscow State University (Moscow, Nga).

Dự án này ban đầu được tài trợ bởi Yandex, một gã khổng lồ công nghệ chiếm 60% thị phần tại Nga. Ngoài Yandex, Cốc Cốc cũng được “chống lưng” bởi Mail.ru Group (công ty Internet hạng 7 thế giới) và Digital Sky Technology (quỹ từng đầu tư 200 triệu USD cho Facebook). Tuy nhiên, theo thông tin từ Cốc Cốc, nhà đầu tư thực sự cho công ty này là Mikhail Frolkin, người sáng lập công ty chuyên "săn đầu người" HH.ru.

Ban đầu, thương hiệu Cốc Cốc là trình duyệt Internet dựa trên mã nguồn mở Chromium. Tính năng của phần mềm này là tích hợp công cụ tải file tốc độ cao và nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt (sửa chính tả, tìm kiếm bằng tiếng Việt tối hơn).

Các sản phẩm chính của công ty này bao gồm trình duyệt Internet Cốc Cốc, trang tìm kiếm Cốc Cốc, ứng dụng tìm địa điểm trên Mobile Nhà Nhà và mạng quảng cáo Cốc Cốc.

coccoc1

Những dấu mốc quan trọng của trình duyệt Cốc Cốc.

Quỹ ngoại “ngó ngàng” và tin đồn “thay sếp”?

Vào đầu tháng 2/2015, Cốc Cốc nhận được 1 khoản đầu tư 14 triệu USD từ nhà đầu tư Hubert Burda Media (Đức). Với số tiền này, Cốc Cốc dự định sẽ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm, ra phiên bản trình duyệt trên mobile, ...

Sau khi được đầu tư mạnh, tháng 10/2015, theo nhiều nguồn tin, hai trong ba sáng lập viên của Cốc Cốc đã rời công ty.

Theo DealStreetAsia, Cốc Cốc đã có những thay đổi lớn trong nội bộ công ty. Hai trong ba sáng lập viên của Cốc Cốc đã không còn tại vị và người còn lại nhiều khả năng cũng sẽ ra đi trong thời gian tới.

Trên tài khoản LinkedIn, ông Nguyễn Đức Ngọc thông báo đã nghỉ công ty này từ 12/2014 và làm việc tại Atlassian từ 3/2015. Atlassian là công ty phần mềm máy tính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình - được cho là đã rời đi và mở công ty riêng nhưng vẫn giữ quan hệ đối tác với Cốc Cốc. DealStreetAsia cho biết hai sáng lập viên này đã bán cổ phần của mình cho CEO người Nga Victor Lavrenko và các nhà đầu tư khác. Theo đó, người sáng lập còn ở Cốc Cốc là ông Lê Văn Thanh. Tuy nhiên, Cốc Cốc cho biết các nhà sáng lập vẫn đang làm việc bình thường.

Vẫn nhiều hạn chế để vươn ra “biển lớn”?

Nếu so sánh với các trình duyệt như FireFox hay Internet Explorer, Cốc Cốc có những lợi thế riêng. Ví dụ Cốc Cốc được tích hợp sẵn công cụ tải video, nhạc số từ hầu hết các trang web.

Hoặc khi người dùng gõ tiếng Việt không dấu, Cốc Cốc cũng có thể tự động thêm dấu, giúp tăng tốc độ gõ phím từ 20-50%. Coccoc.com cũng có thể tự động phát hiện lỗi chính tả,...

Có thể thấy rằng, Cốc Cốc có những ưu điểm tốt đối với người Việt, nhưng đó vẫn là chưa đủ.

Cốc Cốc rõ ràng vẫn khuyết rất nhiều khi vẫn còn thiếu nhiều công cụ so với các đối thủ. Ví dụ như Chrome của Google hiện có khoảng trên 50 dịch vụ, trong đó phần lớn là những dịch vụ thuộc hàng phổ biến nhất hiện nay như Gmail, Maps, Docs, Translate, Earth, Drive... Mặt khác, Cốc Cốc chưa tích hợp sẵn tính năng hiển thị hình ảnh tìm kiếm.

Với cùng một từ khóa, Chrome luôn cho kết quả tìm kiếm nhiều hơn hẳn so với Cốc Cốc, có khi là vài chục lần, đối với những từ khóa khó.

Mặt khác, Cốc Cốc được tích hợp sẵn công cụ hỗ trợ download giống như cách thức mà phần mềm IDM hiện nay đang sử dụng nên tốc độ download của nó nhanh hơn nhiêu lần so với Chrome (khi không sử dụng IDM) là có thật. Tuy nhiên, đó là đối với những sever tại Việt Nam, còn đối với các website và sever ở nước ngoài thì tốc độ download vẫn còn hạn chế.

Nhìn vào những hạn chế, Cốc Cốc vẫn phải cải tiến nhiều hơn nữa, để “được lòng” người dùng.

Theo MINH TRANG

Bizlive

Comments powered by CComment