Khi bầu Đức thực sự "thức tỉnh"

Caosu ab2eb"Global Witness đã cáo buộc chúng tôi không đúng, nhưng chúng tôi vẫn cám ơn họ vì đã đánh vào ý thức của chúng tôi'.

Chúng tôi chấp nhận tốn kém công sức, chi phí thành lập đội chuyên trách môi trường, mời những tổ chức môi trường hàng đầu thế giới đến khảo sát.

Chúng tôi cũng sẵn sàng đương đầu, đáp ứng những quy trình, quy chuẩn khắt khe để được cấp chứng chỉ chất lượng rừng bền vững theo chuẩn quốc tế. Sau chúng tôi, nhiều DN Việt Nam khác chắc rồi cũng làm như vậy. Chỉ có cách đó chúng ta mới bảo vệ được chúng ta; vì cổ đông, vì sự sống còn của DN, vì hơn 30.000 lao động của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang làm việc ở 3 nước" – ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn HAG, nhấn mạnh.

Vụ việc tổ chức phi chính phủ nhân chứng toàn cầu (Global Witness) cáo buộc HAG chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp, gây ảnh hưởng môi trường... đã thu hút sự chú ý của dư luận, giới DN suốt tuần qua, đến nỗi Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao ngày 10/5/2013 đã có công văn gửi HAG đề nghị cung cấp thông tin và lập luận đối với cáo buộc. Ngay lập tức HAG vào cuộc. Không chỉ gửi văn bản phúc đáp vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn; tổ chức trao đổi thông tin trực tiếp với báo giới trong nước.; mời Global Witness sang đối chất tại hiện trường ở Lào, Campuchia; HAG như lời ông Đức đã thức tỉnh trong một chiến dịch xử lý khủng hoảng truyền thông để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ hoạt động kinh doanh và nhất là để ổn định tâm lý cổ đông, nhà đầu tư.

Hội đồng quản trị, Ban giám đốc HAG đã họp 4 ngày liên tục bàn xem phải làm gì để sự việc như trên không lặp lại trong tương lai. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đơn vị góp vốn vào quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý và Dragon Capital hiện đang nắm giữ 6% cổ phần của HAG, đã cử đại diện bay từ Hồng Kông để làm việc với tập đoàn. IFC nói họ không muốn nghe 1 chiều, họ đi thẩm định thực tế ngay. Deutsche Bank, sở hữu cổ phần mà HAG phát hành và niêm yết trên sàn London dưới dạng chứng chỉ quỹ theo ủy thác của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là tổ chức lưu kí chứng khoán HAG, thì chưa liên hệ gì với tập đoàn. Những cổ đông và giới đầu tư tài chính đang dõi mắt theo bầu Đức vì họ không muốn chứng kiến một phiên giảm điểm kịch sàn của HAG nữa.

Bầu Đức đã phản ứng nhanh ngay khi ông cảm nhận được rủi ro và hành động đầu tiên của ông là "chạy đi mua bảo hiểm" . Ông mời tổ chức kiểm định chất lượng và môi trường thâm niên có trụ sở tại Paris, Bureau Veritas vào làm việc. Có thể hình dung tâm trạng bầu Đức từ hồi nào đến giờ chẳng nghĩ đến việc mua bảo hiểm "tai nạn". Ông cứ đinh ninh trong đầu là HAG hoạt động với sự tuân thủ pháp luật Lào, Campuchia và cả Việt Nam là đủ, cần gì phải mua bảo hiểm. Ông đã không lường trước được rủi ro có thể xảy ra.

Campuchia là đất nước cởi mở với sự có mặt của hàng ngàn tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Global Witness không là ngoại lệ khi họ quan tâm đến nước này và môi trường ở bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, câu hỏi vì sao HAG ? Vì sao không phải là một DN nào khác? Câu trả lời một phần đến từ quy mô và tốc độ phát triển của HAG trong 5 năm qua. Những năm qua, HAG đã trồng được 27.000 héc ta cao su ở Lào, 13.800 héc ta cao su ở Campuchia và 8.600 héc ta cao su ở Việt Nam (HAG hiện còn quỹ đất 30.000 héc ta chưa trồng). Diên tích cao su này trong phạm vi quy mô một DN tư nhân, thuộc hàng lớn nhất nhì thế giới. Tại Lào và Campuchia có rất nhiều DN của các nước lân cận sang đầu tư trồng cao su, nhưng tốc độ trồng và kỹ thuật chăm sóc vườn cây của họ khó lòng cạnh tranh với HAG.

Quy mô đã đưa HAG lên một vị trí khác. Giờ đây HAG không chỉ là DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu nhìn vào bảng cân đối tài sản, hiện 50-60% tài sản của HAG nẳm ở nước ngoài. Thế nhưng bầu Đức chưa ý thức đầy đủ tốc độ tăng trưởng quy mô của HAG phải đi kèm một tầm nhìn mới, nhận thức mới về bộ máy điều hành, quản trị và vai trò DN trong những hoạt động ngoài kinh doanh. Bộ phận truyền thông của HAG, cũng như hầu hết các DN Việt Nam, chưa xứng với tầm của một tập đoàn đúng nghĩa. Khoan nói chuyện xử lý những sự kiện khủng hoảng, ở những tập đoàn có tầm quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán, kể cả chứng chỉ quỹ ở sàn nước ngoài như HAG, mỗi khi công bố báo cáo tài chính quý, năm; công bố thông tin...đều phải có sự chuẩn bị chu đáo bài bản. Thậm chí sự xuất hiện của người đứng đầu tập đoàn ở các cuộc gặp mặt này, ở buổi họp kia... cũng phải được bộ phận truyền thông lên kế hoạch thông tin.

Sự việc của HAG cũng cho thấy tầm quan trọng của xử lý khủng hoảng truyền thông đối với những DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và những DN lớn.

Bầu Đức cho biết ông chưa tính toán được chi phí bỏ ra để xử lý vụ việc này tốn kém bao nhiêu, nhưng ông khẳng định đó là chi phí có ích, đáng để làm, để có kinh nghiệm. HAG sẽ còn trồng cao su, còn tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, còn cần hỗ trợ tài chính của các đối tác nội và ngoại và ý nghĩa của chi phí cho sự việc mang tên Global Witness sẽ còn lớn hơn nhiều.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Comments powered by CComment