Hạt nêm: "Cuộc chiến" PR đang dậy sóng

Khi tung ra hạt nêm Chin-su lấy yếu tố "không bột ngọt" để cạnh tranh với các đối thủ, Masan dường như đã chính thức tuyên chiến với các đại gia trong lĩnh vực này là Unilever VN, Nestlé VN, Ajinomoto VN. Đánh vào điểm nhạy cảm này, Masan thực chất nhằm giành lấy thị phần gần như nằm trong tay các đối thủ.

"Tốt khoe..."

hatnemKnorr của Cty Unilever VN sản xuất với lời quảng cáo "hạt nêm từ thịt", "tăng thêm thịt cho hương thơm "lốc xoáy". Aji-ngon của Cty Ajinomoto VN với "xương hầm và thịt" và câu khẩu hiệu "ngon từ thịt-ngọt từ xương". Maggi của Cty TNHH Nestlé VN sản xuất với khẩu hiệu "đậm đà vị thịt". Sinh sau, nhưng Masan tung ra hạt nêm Chin-su "không bột ngọt" đánh vào tâm lý những người dị ứng với loại chất này.

Quan sát trên bao bì, hầu hết các hiệu hạt nêm đều ghi rõ "giá trị dinh dưỡng" gồm chỉ tiêu về năng lượng, chất đạm, chất béo, carbohydrate với hàm lượng rõ ràng. Ngoài ra, nhiều hiệu cũng có mục "hướng dẫn sử dụng" liều lượng dùng trong một số trường hợp nấu nướng. Ngoài ra, tuỳ theo từng hiệu còn công bố hàm lượng của các chất hay nguyên liệu như xương hầm và thịt (1,8%-Aji-ngon); bột thịt gà (1,9%-Knorr); cốt sườn non và hạt sen tươi (30g/kg-Chin-su) nhằm tạo sức hấp dẫn gốc gác nguyên liệu từ thịt xương của sản phẩm. Tuy nhiên, những điều "tốt khoe" chỉ là thủ thuật nhằm biến một nửa sự thật thành sự thật.

"Hạt nêm không bột ngọt" vẫn có bột ngọt

Khi tung ra hạt nêm Chin-su lấy yếu tố "không bột ngọt" để cạnh tranh với các đối thủ, Masan dường như đã chính thức tuyên chiến với các đại gia trong lĩnh vực này là Unilever VN, Nestlé VN, Ajinomoto VN. Đánh vào điểm nhạy cảm này, Masan thực chất nhằm giành lấy thị phần gần như nằm trong tay các đối thủ.

Tuy nhiên, các đối thủ không để cho Masan mặc sức tung hoành. Có một tình tiết đáng chú ý về "cuộc đấu" này. Đó là những mẫu hạt nêm của các đối thủ của Masan được kiểm định tại Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TPHCM cho kết quả có tỉ lệ bột ngọt khá cao, lại không do chính các Cty này mang đến kiểm nghiệm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối thủ cạnh tranh trong ngành bột nêm và nhiều ngành khác thường dùng chiêu mang sản phẩm của nhau đi kiểm nghiệm để xét nét từng chi tiết, tìm kiếm sơ hở để hạ bệ nhau.

Sau khi Masan tung ra chiêu PR, quảng cáo rầm rộ, một mẫu "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" của Cty này đã được đưa đến kiểm định tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở KHCN TPHCM. Phiếu kết quả kiểm nghiệm (số:MM08090060) cho thấy, "bột nêm không bột ngọt Chin-su" có hàm lượng monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt) 1,21%.

Khuyến cáo vì ai?

Song song với việc quảng cáo hạt nêm Chin-su "không bột ngọt", một loạt bài PR xoáy sâu vào "tỉ lệ khá cao" của bột ngọt trong các loại hạt nêm hiện nay cũng được đăng trên một số báo. Đơn vị đứng ra mua trang cho các bài PR này, hoặc dưới phương thức tài trợ đăng tin, là Cty TNHH quảng cáo Việt Điểm. Hầu hết các bài trên dẫn thông tin từ Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, hoặc trích thông tin, "lời khuyên" từ bác sĩ Nguyễn Xuân Mai-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM.

Trong một bài PR, ông Mai cho biết các loại hạt nêm phổ biến hiện nay có tỉ lệ bột ngọt từ 27,03%-34,43%. Ông phân tích sâu vào các yếu tố tiêu cực của nó đối với người tiêu dùng (NTD) là "những người bị dị ứng với bột ngọt (chất 621) sẽ có cảm giác nóng ran, đầu đau, tức ngực, nóng ra ở lưng và cổ...".

Và ông cho rằng "đối với trẻ em (dưới 3 tuổi), cũng có khuyến cáo không nên dùng sản phẩm có chất 621 bổ sung", "nếu dùng chất điều vị 621 (bột ngọt) bổ sung sớm sẽ làm cơ thể trẻ lười biếng sản xuất ra chất này và như vậy sẽ không tốt cho cơ thể trẻ". Khuyến cáo về sự dị ứng với bột ngọt không còn là vấn đề gì mới.
Song sự không bình thường ở đây là, ngoài chất 621 còn có chất 627 và 631, đều là những chất điều vị được khuyến cáo chỉ nên dùng ở mức độ hợp lý, thì lại không được nhà chuyên môn Nguyễn Xuân Mai cho biết nó có gây tác dụng phụ hay dị ứng với người sử dụng như đối với bột ngọt hay không. Càng không bình thường hơn nữa khi những thông tin và "lời khuyên" ông Mai đưa ra lại nằm trong các bài PR do Cty Việt Điểm mua trang và trả chi phí. Ông Mai giải thích thế nào về việc liên quan đến các thông tin PR, và sự liên quan này có trong sáng hay không?

Ông Mai không đề cập đến "hạt nêm không bột ngọt Chin-su". Nhưng trong thời gian diễn ra quảng cáo "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" và các bài PR nói trên, trên thị trường gần như chỉ có sản phẩm "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" của Masan.

Đáng nói hơn, sau khi loạt bài PR nói trên được đăng tải, vì có dư luận cho rằng đó là chiến dịch cạnh tranh không lành mạnh, nên một số báo đã ngừng hoặc huỷ kế hoạch đăng các bài PR. Một tờ báo, vì lý do không đăng bài PR về "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" nên đã bị phía Việt Điểm huỷ kế hoạch quảng cáo đã đặt trước đó với tờ báo này.

Nói ngừng... nhưng vẫn quảng cáo

Tương quan trong "cuộc chiến" này, một bên là sản phẩm "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" của Masan và một bên là các đại gia trong lĩnh vực này. Sau khi báo chí đăng tải thông tin Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (CATVSTP)-Bộ Y tế có ý kiến về việc Masan quảng cáo khi chưa được phép, ngày 14.10, Masan đã có văn bản gửi đến nhiều cơ quan, trong đó cho biết "để thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất với người tiêu dùng (NTD), chúng tôi đã chủ động tạm dừng các hoạt động quảng cáo". Tuy nhiên, đến hết ngày 16.10, sản phẩm hạt nêm không bột ngọt Chin-su vẫn tiếp tục được quảng cáo trên truyền hình.

 Các tài liệu cho thấy, Masan đã gửi đầy đủ hồ sơ đăng ký quảng cáo thực phẩm cho Cục ATVSTP và được cục ban hành giấy tiếp nhận số 643 vào ngày 18.8.2008. Đây được xem như giấy phép để Masan được quảng cáo trên truyền hình, chứ Cục ATVSTP không cấp phép cho các hình thức quảng cáo khác như Masan đã tiến hành trên thực tế (tờ rơi).

Biến báo chí thành một "mặt trận"

Những ngày đầu Masan tung ra mẫu quảng cáo hạt nêm không bột ngọt Chin-su cùng với chiến dịch chạy bài PR nhấn mạnh tỉ lệ bột ngọt (chất điều vị 621) cao trong các loại hạt nêm phổ biến trên thị trường, đại diện của một trong số những nhãn hiệu hạt nêm bị "đụng" đã liên hệ với một đại gia khác nhằm bàn cách chống đỡ. Thế nhưng, vì cấp liên hệ chỉ là nhân viên nên hai bên không kết nối được để cùng đứng trong một "trận địa". Do đó, mỗi đại gia mạnh ai nấy chống, bằng nhiều cách, gồm cả phương án chạy bài PR để "phản công". Điều này dẫn đến một hệ lụy là báo chí lại bị chính các bên trong "cuộc chiến" hạt nêm biến thành một "mặt trận" để đấu nhau, với nhiều hình thức thông tin.

Sau những bài PR "đánh" vào yếu tố bột ngọt, rải rác trên một số báo bắt đầu xuất hiện các bài PR với ý hướng giải thích nhằm làm nhẹ đi thái độ tiêu cực của NTD đối với bột ngọt. Bài PR của một đại gia mua trang trên báo viết rằng "bột ngọt chính là "cứu cánh" cho các nhà sản xuất ngành hàng thực phẩm, bởi khả năng tăng vị đậm đà cho sản phẩm".

Đòn "phản công" còn đi cụ thể vào "một nhãn hiệu hạt nêm mới tung ra trên thị trường cũng đã quảng cáo rầm rộ là không có bột ngọt công thức", mà nhiều người biết đó chính là hạt nêm không bột ngọt Chin-su.

Dùng "gậy ông đập lưng ông", bài PR này còn nhấn mạnh, dù sản phẩm quảng cáo không bột ngọt nhưng lại dùng hai chất điều vị 627 (disodium guanylate) và 631 (disodium inosinate) là hai chất "siêu bột ngọt".

Chưa hết, bài PR còn đưa ra các con số so sánh về chỉ tiêu Protein (g/100gr), trong đó sản phẩm hạt nêm không bột ngọt Chin-su chỉ đạt 5,4g trong khi của Miwon, Magi xương hầm và hạt nêm từ thịt Knorr, Aji-ngon lần lượt là 10g, 14g, và cùng 18g.

Khi bị tấn công bằng những chiêu thức không lành mạnh nhưng cũng dùng chiêu không lành mạnh khác để phản công lại chỉ khiến cho cả hai phía mất dần uy tín đối với NTD mà thôi. "Cuộc chiến" hạt nêm đang đi dần tới kết cục này.
Tổng hợp từ Lao Động

Comments powered by CComment