“Tối giản”: hướng đi mới của công nghệ Việt Nam?

Nguyễn Hà Đông, "cha đẻ" Flappy Bird, từng nói game của anh được thiết kế theo hướng tối giản, một cảnh và một cách chơi.

 Dẫu là vô tình hay chủ ý thì sản phẩm gây sốt trên toàn cầu này đã chạm đúng xu hướng chuộng sự tối giản của sản phẩm công nghệ hiện nay.

Khi đơn giản nhất lại là bí quyết thành công

Khi thành công vang dội của Flappy Bird đến với Nguyễn Hà Đông thì thế giới đã chứng kiến rất nhiều thương hiệu lớn biến tối giản thành sức mạnh lan toả toàn cầu. Có thể hình dung về câu chuyện này qua "hiện tượng Viber" ngay tại thị trường Việt Nam.

Chỉ một, hai năm trước đây, khi dịch vụ truyền tải nội dung miễn phí trên điện thoại thông minh OTT (Over-The-Top) đang bùng nổ, có khá nhiều sản phẩm ứng dụng cùng cạnh tranh mạnh mẽ như Zalo, Viber, Whatsapp, Line, Kakao Talk, Wechat... Lúc đó, phần lớn chiếc bánh thị phần không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới vẫn chưa biết sẽ dành cho ứng dụng nào, bởi cuộc đua còn rất "nóng bỏng". Nay, tại Việt Nam, thế trận dường như đã ngã ngũ với ưu thế về lượng người dùng đang thuộc về Zalo và Viber.

 

viber

Ngoại trừ sản phẩm nội Zalo được thiết kế và cung cấp trải nghiệm mang nhiều yếu tố địa phương thì Viber là sản phẩm ngoại bật lên giữa muôn trùng vây ứng dụng khác. Không hề quảng bá rầm rộ, cũng chẳng có tuyên bố xâm chiếm thị trường như Line hay Kakao Talk, vậy mà Viber vẫn chiếm số lượng người tải nhiều nhất ở thời điểm cạnh tranh sôi động nhất.

Từ khoảng cuối năm 2012, đầu 2013, giới công nghệ chứng kiến những công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đổ rất nhiều tiền bạc nhằm gia tăng lượng người tải Line, Kakao Talk. Thế mà, chỉ là một ứng dụng có tính năng, thiết kế và cách sử dụng đơn giản hơn rất nhiều, Viber vẫn tạm thời là kẻ chiến thắng, ngay cả khi chưa hề nổ súng! Vũ khí lợi hại của Viber là sự tối giản. Ứng dụng OTT này chỉ tập trung nhiều nhất vào hai tính năng cốt lõi nhất cho một chiếc điện thoại là nghe – gọi và nhắn tin miễn phí, vốn dĩ ai cũng có nhu cầu dùng. Chính trọng điểm này của Viber khiến các nhà mạng (ISP) phải... đau đầu vì sụt giảm nguồn thu.

Còn với các ứng dụng khác, đến lúc này, cả Line, Kakao Talk, Wechat... đều khá giống nhau, ôm đồm nhiều tính năng, có cả vai trò là mạng xã hội, quảng bá cả về nhãn dán (sticker), biểu tượng (icon) các kiểu. Giống như việc đầu tư dàn trải, kết cuộc là các ứng dụng này không có điểm nào nổi bật hẳn, lại ở thế cạnh tranh cùng nhau. Riêng Viber, từ chính nền tảng về thoại và nhắn tin miễn phí, chỉ đến thời điểm gần đây, sản phẩm này mới cung cấp thêm tính năng tính phí cho cuộc gọi khi không có kết nối wifi hoặc 3G.

Theo số liệu của Wall Street Journal, đến nay, "ứng dụng đơn sắc" mang tên Viber này đã có trên 300 triệu người dùng ở gần 200 quốc gia. Viber đã được mua lại bởi một công ty của Nhật – Rakuten – với mức giá 900 triệu đô la Mỹ. Đây là con số mà có lẽ Line, ứng dụng tương tự của Nhật, hiện khó mà đạt tới.

Câu chuyện thứ hai là về mạng xã hội miễn phí Twitter ra đời năm 2006. Người ta gọi đây là một "tiểu blog" bởi nó cho phép người sử dụng gửi đi các mẩu tin nhỏ, gói gọn trong không quá 140 ký tự. Xu hướng tối giản đã được biểu thị quá rõ ở hiện tượng toàn cầu này. Sau gần chục năm, thế giới vẫn không ngừng "tweet", chỉ một đôi câu rất ngắn của tổng thống hay minh tinh trên Twitter cũng đủ làm xôn xao cả thế giới. Ở công cụ này, không có chỗ cho sự rườm rà, dàn trải, nhưng sức mạnh lan tỏa của nó là điều khó có thể ngờ.

twitter

"Tối giản" hiện là xu thế trên toàn thế giới

Quay trở lại câu chuyện về Flappy Bird, ứng dụng trò chơi đóng mác Việt Nam này đã đi trúng xu hướng tối giản đang được thể hiện rộng rãi trong các sản phẩm công nghệ và thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất. Thoạt nhìn và thử chơi game này, đã có rất nhiều người thốt lên: Nó quá đơn giản, quá dễ chơi, nhưng lại quá khó để tăng điểm số! Chính Nguyễn Hà Đông cũng nói anh chỉ tập trung chăm chút cho yếu tố đồ họa, chi tiết, lối chơi trong khoảng hai đến ba ngày. Tất nhiên, để có ngày sản phẩm rơi vào "điểm bùng phát", ở vị trí đầu bảng ứng dụng được tải nhiều nhất trên các App Store thì đòi hỏi người phát triển game như Nguyễn Hà Đông phải có quá trình dài chuẩn bị. May mắn đến ở đây là khi chú chim Flappy Bird bay vào trúng "quỹ đạo" mà ngành game nói chung và các sản phẩm công nghệ khác nói chung đang tìm đến.

Tại cuộc hội thảo về công nghệ và khởi nghiệp BTIC, nhiều nhà sáng tạo và chiến lược của các tập đoàn thế giới có mặt tại Bình Dương đã đề cập đến xu hướng tối giản trong thiết kế và phát triển sản phẩm. Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập kiêm CEO của các công ty Emotiv Systems, SeeSpace (có trụ sở tại San Francisco, Mỹ), đã có nhận định:

Thành công lớn, ở mức toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ chỉ đến khi sản phẩm đứng trong những dòng chảy lớn của thế giới. Thung lũng công nghệ Silicon Valley đã đề cập đến sự tối giản (minimalism) như một trong những xu hướng lớn từ lâu và nay chúng ta có thành công của Nguyễn Hà Đông vì thế vừa bất ngờ lại vừa không bất ngờ.

 

sao

Xu hướng tối giản đã được phát đi mạnh mẽ trong thế giới công nghệ và thiết kế trước cả khi Twitter hay Viber ra đời. Ngay khi Apple mới thành lập, nhà lãnh đạo Steve Jobs đã luôn tuân thủ triệt để sự tối giản trong toàn bộ sản phẩm gắn mác "trái táo". Từ iPhone, iPad đến máy tính Macbook được nâng cấp liên tục theo hướng "đơn giản hóa sự phức tạp" để ngày càng trở nên gần như không có điểm hở, thừa, tách rời mảng khối, đảm bảo sự thuận tiện khi sử dụng, hướng thẩm mỹ vào tính thanh thoát. Gần đây, khái niệm "thiết kế phẳng" (flat design) được những nhà phát triển phần mềm và hệ điều hành như Microsoft, Google khởi xướng, khiến "lối chơi" của dân đồ họa có sự thay đổi.

Như Flappy Bird hay Viber, đường nét, màu sắc theo kiểu "mộc", phẳng, trung tính, nhấn vào yếu tố cốt lõi khiến các ứng dụng này khá nhẹ để tải về, ít tốn dung lượng khi cài đặt. Cũng trong suốt nhiều năm nay, giao diện và cách hiển thị của các công cụ tìm kiếm hàng đầu như Google, Yahoo!, Bing, Baidu... đều được thể hiện không chỉ đơn giản mà còn tối giản. Giống như việc bỏ quả trứng gà vào chai bia, đã có rất nhiều người cho rằng đó là việc đơn giản và ai cũng có thể làm được. Chỉ có điều, cách mỗi người làm thế nào thì lại rất khác nhau.

Vậy phải chăng, chìa khoá cho thành công của công nghệ Việt Nam là tối giản?

Theo techinasia.com

Comments powered by CComment