Sức mạnh của social media

Trong BXH của Miniwatts Marketing Group, tính đến hết tháng 3/2008, VN đứng thứ 17 trong top các quốc gia có nhiều người sử dụng Internet nhất thế giới.

Một điểm khá thú vị là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng số người dùng Internet nhanh số 1 thế giới (giai đoạn 2000 - 2008), tăng 9.561,5 %, gấp 7,8 lần so với quốc gia đứng thứ hai... Hiện tại tỷ lệ sử dụng Internet ở nước ta là 23.5% tương đương với số dân khoảng 20 triệu người.

Với một số lượng đông đảo cộng đồng sử dụng Internet như vậy Social Media (tạm dịch là truyền thông mạng xã hội) đã trở thành xu hướng tất yếu không chỉ trong đời sống hàng ngày. Trên thế giới đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ ứng dụng Social Media. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhận thức về Social Media còn chưa thực sự toàn diện. Do đó, việc phát huy thế mạnh của Social Media vẫn còn đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

socialmediamar

Social media là gì?

Social Media là cách thức truyền thông kiểu mới trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến với mục đích là tập trung các thông tin có giá trị của những người tham gia. Tuy Social Media có rất nhiều hình thức nhưng có thể phân chia thành 2 thể hiện đặc trưng là: mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân (MySpace, Facebook, Yahoo...) và mạng chia sẻ tài nguyên (Youtube, Flickr, Scribd...).

Sức mạnh của Social media

Đặc điểm nổi bật của Social Media chính là ở tính tương tác giữa các thành viên trong cùng một dịch vụ và sức mạnh của số đông từ sự tương tác ấy. Tương tác số đông giúp cho thông tin được lan truyền đi rất nhanh và hiệu quả. Tất cả mọi người đều có thể chia sẻ thông tin một cách dễ dàng từ văn bản, hình ảnh, đoạn nhạc cho tới những đoạn phim.

Phạm vi của Social Media là rất rộng lớn, do có sự liên kết thành viên và sự ảnh hưởng lẫn nhau của các thành viên, nên với mỗi một nội dung chia sẻ sẽ có rất nhiều ý kiến theo nhiều chiều hướng khác nhau. Đây chính là tính chất truyền thông đa chiều chỉ có ở Social Media.

Đối với các doanh nghiệp, Social Media tạo thêm nhiều tác động tới hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt là trong cách thức truyền thông. Nếu tin tức đưa ra hay và phù hợp với sự quan tâm của người sử dụng, họ sẽ lan truyền thông tin ấy. Đặc biệt, đứng từ phía người tiếp nhận thông tin, họ sẽ tin tưởng thông tin từ những người bạn hơn là nguồn tin từ truyền thông đại chúng truyền thống như báo, quảng cáo... Do đó, Social Media có thể giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị và tính xác thực của nguồn tin được giới thiệu.

Những kênh thông tin có sử dụng Social Media cũng sẽ tạo ra sự thân thiện đối với khách hàng, nâng cao hiệu quả của các dịch vụ khách hàng.

Đặc biệt, với hình thức truyền thông trao đổi thông tin dễ dàng, các doanh nghiệp từ đó cũng có thể chăm sóc và tạo mối quan hệ với khách hàng rất thuận tiện, đưa mọi thông tin đến khách hàng một cách nhanh nhất. Hơn nữa, Social Media chính là tiêu điểm của sự sáng tạo đa phương tiện, dễ dàng đánh trúng thị hiếu và tâm lý của cả những khách hàng khó tính nhất.

Xây dựng chiến lược Social media trong doanh nghiệp

Với những đặc điểm cơ bản như đã nói ở trên, Social Media cung cấp những công cụ hiệu quả mà lại không tốn kém, cùng một môi trường hoạt động rộng lớn và năng động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể ứng dụng hay khai thác sức mạnh của Social Media cho doanh nghiệp của mình. Để xác định được điều này cần có phân tích chi tiết mục tiêu chiến lược, đối tượng hướng tới của doanh nghiệp. Social Media sẽ phù hợp với những ngành nghề mang tính truyền thông và tương tác xã hội cao như truyền thông, quảng cáo, nghiên cứu thị trường...

Truyền thông mạng xã hội (Social Media) là khái niệm mới, chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng.

Đối với những nhóm ngành truyền thông, quảng cáo Social Media tạo ra môi trường, công cụ và các cách thức sẵn sàng tiếp nhận thông tin về thị trường hay sản phẩm. Còn đối với những nhóm ngành nghiên cứu thị trường, Social Media lại tạo ra môi trường để tiếp cận với những đối tượng đa dạng, đón đầu những xu hướng mới, bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới. Để áp dụng thành công Social Media cho doanh nghiệp cần phải xây dựng chi tiết chiến lược áp dụng từng bước từ đối tượng khách hàng hướng tới, mục tiêu kinh doanh, chiến lược PR, đến các chương trình quảng cáo...

Mặc dù đã có những chiến lược rõ ràng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công với chiến dịch Social Media của mình. Điển hình cho sự thất bại trong áp dụng Social Media trong doanh nghiệp là Close up với chiến dịch "Tìm em nơi đâu" được các nhà phân tích đánh giá là đã áp dụng sai phương pháp và mục đích. Đây là một bài học lớn cho các doanh nghiệp trước khi xây dựng chiến dịch Social Media cho mình.

Social Media sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn cho những ai biết tận dụng nó. Nhưng chính những nhược điểm của nó như tính nghiệp dư, tính xác tín và trách nhiệm, cũng như tính khách quan sẽ trở thành con dao hai lưỡi đối với những doanh nghiệp có dự định áp dụng Social Media. Để thành công trong thời buổi công nghệ hiện đại, thiết nghĩ các doanh nghiệp tại Việt Nam nên có cái nhìn sâu sắc hơn nữa đối với thế giới Social Media.

Theo saga.vn

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment