Marketing: Chân trước, chân sau

marketingĐa phần người làm marketing đều không lạ lẫm gì với hai khái niệm marketing hướng nội và marketing hướng ngoại. Khác với marketing hướng nội là tập trung truyền tải thông điệp marketing tới các nhân viên đang làm việc cho công ty và nhóm các khách hàng cũ, marketing hướng ngoại lại hướng đến nhóm các khách hàng mới, khách hàng tiềm năng.

Câu hỏi thường được đặt ra khi bạn lên kế hoạch cho một chiến dịch marketing tổng thể là: hình thức marketing nào quan trọng hơn và  bạn sẽ cần tới cả hai hình thức marketing này hay chỉ một.

Thông thường, việc triển khai một chiến dịch marketing hướng nội sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Bạn chỉ phải truyền tải thông điệp quảng bá về sản phẩm, dịch vụ của mình cho những đối tượng quen biết. Xét về tổng thể, mục tiêu của marketing hướng nội là tối đa hóa các nguồn lực hiện có để biến cơ hội thành doanh thu. Ưu điểm của loại hình marketing hướng nội là tiết kiệm chi phí vì bạn biết chính xác đối tượng mình đang tiếp cận. Phương tiện triển khai marketing hướng nội cũng đơn giản và dễ kiểm soát hơn nhiều, bao gồm các mạng truyền thông nội bộ như tờ rơi, website, kênh chat nội bộ; các sự kiện của doanh nghiệp; bộ các quy định nội bộ…

 Khó triển khai hơn những cũng hứa hẹn thành công lớn hơn, bạn có thể mở rộng nhóm khách hàng hiện có thông qua marketing hướng ngoại. Những hình thức quảng cáo hướng ngoại như qua truyền hình, poster quảng cáo, trang vàng… có thể mang sản phẩm, dịch vụ của bạn tới đông đảo khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên chi phí cho các hình thức quảng cáo hướng ngoại cũng vì thế mà tương đối lớn so với marketing hướng nội.

 Nếu mục tiêu của doanh nghiệp chỉ khiêm tốn là duy trì doanh số, bạn có thể đạt được điều này chỉ cần thông qua các chiến dịch marketing hướng nội hiệu quả. Tuy nhiên, điều thú vị là tính cạnh tranh ngày càng cao trong mọi môi trường kinh doanh khiến một doanh nghiệp dậm chân tại chỗ sẽ biến thành tụt hậu. Ngay cả khi áp dụng hình thức “lai tạp” marketing truyền miệng, theo đó nhân viên công ty, khách hàng cũ được khuyến khích tiếp tục truyền tải thông điệp quảng bá cho những đối tượng khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp sớm muộn gì cũng phải kết hợp triển khai marketing theo cả hai hình thức để đạt được mục tiêu phát triển.

Bước đi cả bằng hai chân

 “Rất nhiều doanh nghiệp trong nước gắn mục tiêu phát triển, tăng doanh số với kế hoạch marketing hướng ngoại mà quên đi tầm quan trọng của marketing hướng nội”, anh T.Tuyển – phụ trách marketing của một công ty phân phối linh kiện máy tính tại Hà Nội nhìn nhận, “Tôi nghĩ sẽ là sai lầm khi doanh nghiệp tập trung rót tiền cho các TVC (quảng cáo qua truyền hình – tác giả) hoặc poster ở những nơi đông người qua lại mà quên đi rằng chính những nhân viên của mình, các đối tác và cả nhóm khách hàng quen cũng là những đối tượng cần được chăm sóc liên tục”.

 Theo anh Tuyển, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, marketing hướng nội thậm chí còn quan trọng hơn marketing hướng ngoại vì đa phần ở các doanh nghiệp này, ngân sách dành cho marketing là không lớn. Ngoài ra, việc liên tục được cập nhật thông tin cũng sẽ tạo điều kiện để hoạt động marketing được tiến hành trên diện rộng bởi toàn bộ các nhân viên công ty, các đối tác và cả nhóm khách hàng quen chứ không bị bó hẹp trong một bộ phận chức năng.

 Tương tự như đối tượng của marketing hướng ngoại, nhân viên của doanh nghiệp cũng chịu tác động của thương hiệu và các kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Một đội ngũ nhân viên được trang bị đầy đủ thông tin, tự hào khi được làm việc cho công ty của mình có thể tăng cường đáng kể năng suất lao động, chủ động kiến tạo và xây dựng mối quan hệ với các khách hàng. Tuy nhiên nếu những “khách hàng nội bộ” này không nắm bắt đầu đủ các kế hoạch marketing hướng ngoại hoặc tham gia không hiệu quả trong quá trình thực hiện các cam kết với các đối tượng khách hàng tiềm năng, kết quả của các chiến dịch marketing hướng ngoại sẽ chịu tác động tiêu cực. Như vậy, có thể coi marketing nội bộ là bước trước, nền tảng để tạo đà, sự ổn định cho bước sau là marketing hướng ngoại. Để đạt được mục tiêu, thông qua công cụ marketing, các doanh nghiệp cần điều chỉnh góc nhìn của các nhân viên của họ về doanh nghiệp (thương hiệu nội bộ – internal brand) tương đồng với hình ảnh doanh nghiệp qua cảm nhận của các khách hàng tiềm năng (thương hiệu bên ngoài – external brand). Chính sự đồng nhất này sẽ tạo ra sự cộng hưởng rất quan trọng giữa marketing hướng nội và marketing hướng ngoại.

 Để marketing hướng nội thành công?

 Marketing hướng nội là một quá trình liên tục và cần tới sự sáng tạo, hỗ trợ tối đa của tầng lớp lãnh đạo công ty. Nhìn chung, một chiến dịch marketing hướng nội thành công cần hội tụ hai đặc điểm sau:

 Thứ nhất, doanh nghiệp cần đặt song song mục tiêu của tổ chức với hành vi của đội ngũ nhân viên. Căn cứ vào từng vị trí công việc cụ thể, hãy chia sẻ để các nhân viên đều nắm được định hướng phát triển của doanh nghiệp. Kết hợp với môi trường làm việc, các chính sách phúc lợi… việc để nhân viên được liên tục cập nhật những thông tin này sẽ khơi dậy thái độ làm việc tích cực, phát huy hết năng lực của mỗi cá nhân.

 Thứ hai, vận hành và phát triển tốt các kênh thông tin nội bộ, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Lợi thế của những tiện ích truyền thông mới như mạng nội bộ (intranet), website nội bộ, newsletter nội bộ… cần được tận dụng tối đa.

Thứ ba, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cũng cần tâm niệm marketing là một quá trình liên tục thử nghiệm, kiểm tra kết quả và tiến hành những điều chỉnh cần thiết để hướng tới kết quả tốt nhất.

Theo DNSGCT

Comments powered by CComment