Nắm bắt xu hướng sẽ giúp các nhà đầu tư thu lợi. Có bốn yếu tố chính tạo nên những xu hướng dài hạn và biến động ngắn hạn.
Dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, dù là thị trường đang xuôi theo một hướng chung hay đang biến động, giá cả thay đổi sẽ tạo ra lợi nhuận cho một nhóm người nào đấy nhưng cũng có thể làm nhóm khác thua lỗ. Có bốn yếu tố chính tạo nên những xu hướng dài hạn và biến động ngắn hạn. Những yếu tố này bao gồm chính phủ, giao dịch quốc tế, đầu cơ-kỳ vọng, và cung-cầu.
CÁC LỰC ĐẨY CHÍNH CỦA THỊ TRƯỜNG
Việc xem xét tác động của các yếu tố này đến xu hướng dài hạn có thể giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc hình thành, duy trì và phát triển của các xu hướng chính trên thị trường. Dưới đây là bốn yếu tố chính:
1. Chính phủ
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của chính phủ có ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường tài chính. Bằng cách tăng hoặc giảm lãi suất, chính phủ và ngân hàng trung ương có thể làm chậm lại hoặc gia tăng tốc độ tăng trưởng của một quốc gia một cách hiệu quả. Đây chính là chính sách tiền tệ.
Khi chi tiêu chính phủ tăng lên hoặc giảm đi, hay còn được gọi là chính sách tài khóa, nó có thể giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp hoặc bình ổn giá. Bằng cách thay đổi lãi suất và lượng tiền lưu hành trên thị trường mở, chính phủ có thể thay đổi dòng vốn đầu tư vào và ra khỏi một quốc gia.
2. Giao dịch quốc tế
Dòng vốn giữa các quốc gia ảnh hưởng đến sức mạnh của nền kinh tế và đồng tiền của quốc gia đó. Càng nhiều tiền chảy ra khỏi một quốc gia, nền kinh tế và tiền tệ của đất nước đó càng yếu. Nước chủ yếu xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ, liên tục mang tiền chảy vào nước họ. Số tiền này sau đó có thể được tái đầu tư và có thể kích thích thị trường tài chính trong nước.
3. Đầu cơ và kì vọng
Đầu cơ và kì vọng là những phần không thể thiếu của hệ thống tài chính. Kì vọng của nhà đầu tư, người tiêu dùng cùng các chính khách về tương lai của nền kinh tế có tác động lớn đến hành động của chúng ta ngày hôm nay. Ngược lại, kì vọng lại phụ thuộc vào hành vi hiện tại và nó định hình cả hai xu hướng hiện tại và tương lai. Các chỉ số tâm lý (sentiment indicator) thường được sử dụng để đánh giá cảm nhận của một số nhóm thị trường về tình hình kinh tế hiện tại. Các chỉ số này cùng với phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ giúp xây dựng kì vọng về giá cả và xu hướng trong tương lai.
4. Cung và cầu
Cung và cầu trên thị trường tạo ra một lực kéo-đẩy trong giá cả. Giá và tỷ giá thay đổi khi nguồn cung hoặc cầu thay đổi. Nếu nguồn cung cấp bắt đầu co lại, giá cả sẽ tăng. Nếu cung tăng vượt nhu cầu hiện tại, giá sẽ giảm. Nếu cung cấp tương đối ổn định, giá cả có thể dao động khi cầu tăng hoặc giảm khi cầu giảm.
ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ TRÊN ĐẾN CÁC XU HƯỚNG NGẮN HẠN VÀ DÀI HẠN
Với những yếu tố gây ra cả biến động ngắn hạn và dài hạn trên thị trường, điều quan trọng là phải nắm bắt được tác động tổng thể của những yếu tố này trong việc tạo ra xu hướng. Những yếu tố chính này được phân loại khác nhau nhưng chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các quy định của chính phủ có tác động đến giao dịch quốc tế, các giao dịch này có ảnh hưởng đến đầu cơ, trong khi đó nguồn cung và cầu lại tác động đến mỗi yếu tố khác.
Tuyên bố của chính phủ, chẳng hạn như đề xuất thay đổi trong chi tiêu, chính sách thuế, hay quyết định của ngân hàng trung ương trong việc thay đổi hoặc giữ nguyên mức lãi suất có ảnh hưởng lớn đến xu hướng dài hạn. Lãi suất và thuế suất thấp sẽ khuyến khích chi tiêu và tăng trưởng kinh tế. Điều này có xu hướng đẩy giá thị trường cao hơn, nhưng thị trường không luôn luôn phản ứng theo hướng này bởi vì các yếu tố khác cũng có tác động. Ví dụ, lãi suất thuế suất cao sẽ ngăn chặn chi tiêu và dẫn đến sự suy giảm kinh tế hoặc giảm giá cả thị trường trong thời gian dài.
Trong ngắn hạn, những tuyên bố này có thể gây ra biến động giá lớn khi các nhà đầu tư mua và bán theo các thông tin nhận được. Các phản ứng tương tự diễn ra có thể tạo nên xu hướng ngắn hạn, tuy nhiên để xu thế này kéo dài thì nhà đầu tư phải thực sự hiểu được tác động của thông tin đến thị trường là như thế nào.
HIỆU ỨNG QUỐC TẾ
Việc đánh giá các giao dịch quốc tế, cán cân thanh toán giữa các nước và sức mạnh kinh tế của các quốc gia ngày càng trở nên khó khăn hơn dù cho chúng đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng dài hạn ở nhiều thị trường. Thị trường ngoại hối là thước đo sức mạnh của một nền kinh tế. Nhu cầu đối với một đồng tiền cao có nghĩa là đồng tiền đó sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác.
Giá trị đồng tiền của một quốc gia cũng đóng vai trò trong việc định hình hoạt động của các thị trường khác trong quốc gia ấy. Nếu đồng nội tệ yếu, nó sẽ cản trở đầu tư vào đất nước đó, bởi vì lợi nhuận tiềm năng sẽ bị xói mòn bởi đồng tiền yếu.
HIỆU ỨNG CÁC BÊN THAM GIA
Các phân tích và hành vi đồng nhất của nhà đầu tư dựa trên các thông tin mà họ nhận được về chính sách của chính phủ và giao dịch quốc tế tạo ra làn sóng đầu cơ làm cho giá cả biến động. Khi số người cùng hành động theo một hướng đủ lớn, thị trường sẽ bước vào một xu hướng có thể duy trì trong nhiều năm liền.
Xu hướng vẫn có thể được duy trì bất chấp những nhận đinh sai lệch của người tham gia; kết quả là họ buộc phải rời khỏi thị trường khi những sai lầm làm họ thua lỗ quá nhiều, và điều này lại càng củng cố xu hướng hiện tại. Khi quá nhiều nhà đầu tư muốn thu lợi từ một xu hướng, thị trường sẽ trở nên bão hòa và bắt đầu đảo chiều, ít nhất là tạm thời.
HIỆU ỨNG CUNG- CẦU
Cung và cầu cùng nhau tác động đến các cá nhân, doanh nghiệp và thị trường tài chính nói chung. Trong một số thị trường, chẳng hạn như thị trường hàng hóa, cung được xác định bởi số lượng sản phẩm hữu hình. Nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ liên tục thay đổi, điều chỉnh mức giá người tham gia thị trường sẵn sàng trả ngày hôm nay và cả trong tương lai.
Khi cung ngày càng giảm hay cầu tăng cao, giá dầu có thể tăng trong một thời gian dài vì bên mua sẵn sàng trả giá cao hơn người khác để đạt được một nguồn cung cấp có hạn của hàng hóa. Các nhà cung cấp thì luôn muốn tăng giá sản phẩm đang có nhu cầu cao để tăng doanh thu.
Tất cả các thị trường đều hoạt động như vậy. Giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn và dài hạn tạo ra xu hướng. Nguy cơ về nguồn cung cấp sẽ cạn kiệt buộc người mua phải mua ở mức giá ngày càng cao, tạo ra xu thế tăng giá. Nếu một nhóm số đông người bán tham gia thị trường, nguồn cung cố phiếu tăng và giá cả bị đẩy xuống mức thấp hơn. Điều này xảy ra trên tất cả các khung thời gian.
KẾT LUẬN
Xu hướng thường được tạo ra bởi bốn yếu tố chính: chính phủ, giao dịch quốc tế, đầu cơ-kỳ vọng, và cung-cầu. Các yếu tố này đều liên quan với nhau bởi kì vọng ảnh hưởng đến quyết định hiện thời và các quyết định này được phản ánh trên xu hướng. Chính phủ ảnh hưởng đến xu hướng chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa. Các chính sách này tác động đến các giao dịch quốc tế từ đó ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế. Đầu cơ và kỳ vọng điều khiển giá thay đổi theo mức có đạt được trong tương lai. Cuối cùng, những thay đổi trong cung và cầu tạo ra các xu hướng khi người tham gia thị trường luôn đấu tranh cho mức giá tốt nhất.
Theo saga.vn
Không ghi tác giả