Truyền thông marketing: Từ thẻ tre đến đám mây

Đi theo sự bùng nổ internet, mạng xã hội đang được nhắc đến như một giải pháp truyền thông. Doanh nghiệp có nên tận dụng tối đa giải pháp này? Câu trả lời sẽ không đơn giản chỉ là “Có”... hoặc “Không”...

truyền thông

Sự tiến hóa của truyền thông

Truyền thông và marketing có mối quan hệ tương hỗ vô cùng đặc biệt. Phân tích kỹ càng phương tiện truyền thông là một trong những cách thức tiến hành chiến lược marketing một cách hiệu quả nhất.

Lịch sử thế giới đã chứng kiến 5 cuộc cách mạng về truyền thông. Phương tiện truyền thông cổ xưa và truyền thống nhất chính là lời nói truyền miệng. Ngày nay, marketing truyền miệng vẫn còn được sử dụng, nhưng không nhiều, do tính hiệu quả kém. 

1. Cuộc cách mạng truyền thông đầu tiên sách.

Sách là một trong những phương tiện truyền dẫn kiến thức của nhân loại từ thời sơ khởi. Nhờ có những cuốn sách trên thẻ tre, trên da thú vật và trên giấy, chúng ta ngày nay mới biết được vốn tri thức của những triết gia cổ đại cũng như hiểu biết về lịch sử thế giới cổ xưa. Cuộc cách mạng truyền thông mang tên sách được đẩy lên một tầm vóc mới khi công nghệ in ra đời. Lịch sử phương Tây ghi nhận cuốn sách đầu tiên được in đại trà và phổ biến rộng rãi ra công chúng chính là Kinh Thánh Gutenberg xuất bản năm 1455. Đó được coi là viên gạch đầu tiên của ngành xuất bản phương Tây. 

2. Cuộc cách mạng truyền thông thứ hai là báo chí.

Lịch sử ghi nhận những dấu mốc báo chí đầu tiên xuất hiện tại nhiều nước châu Âu. Ở Pháp có tờ La Gazette ra đời năm 1631. Tây Ban Nha có tờ Gaceta de Madrid ra đời năm 1661. Ở Anh có tờ The Daily Courant ra đời năm 1702. Và làn sóng báo chí lan đến Mỹ năm 1761 với sự xuất hiện của tờ Boston Newsletter. Ở Việt Nam là tờ Gia Định báo xuất bản năm 1865 tại Sài Gòn. Báo chí đã có được sự quan tâm đặc biệt của công chúng và trở thành một trong những công cụ truyền thông quan trọng bậc nhất, được thừa nhận là “quyền lực thứ tư” giám sát xã hội. 

3. Cuộc cách mạng truyền thông thứ ba là đài phát thanh.

Với việc phát minh ra đài phát thanh, bóng điện và tàu hỏa, Thomas Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh, doanh nhân quyền lực bậc nhất thế giới. Công ty mà ông sáng lập General Electric cho đến giờ vẫn là một trong những biểu tượng công nghiệp hóa của nước Mỹ, và là công ty duy nhất liên tục có mặt trong chỉ số S&P 100 kể từ ngày chỉ số này được lập ra

Ai bảo “Quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi”?

4. Cuộc cách mạng truyền thông thứ tư là vô tuyến.

Thế kỷ XX chứng kiến hàng loạt thương hiệu trở nên hùng mạnh và chiếm giữ những vị trí hàng đầu trong ngành nghề của mình với những chiến dịch quảng cáo truyền hình rầm rộ như Mc Donald’s, IBM, General Motors v.v... Thị trường Việt Nam thời gian gần đây chứng kiến trường hợp DrThanh với bom tấn quảng cáo liên tục trên truyền hình cũng đã ghi dấu và trở thành thương hiệu hàng đầu trong danh mục trà thảo mộc. Sức mạnh của marketing trên truyền hình là không thể chối bỏ. Bảo rằng “Quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi” liệu có hơi quá sớm? 

5. Và cuộc cách mạng truyền thông thứ năm, cũng là cuộc cách mạng truyền thông hiện đại đang thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, đó chính là internet.

Công cụ marketing trên internet phổ biến nhất là truyền thông mạng xã hội. Truyền thông mạng xã hội đã trở thành thuật ngữ thực sự “hot” trong lĩnh vực marketing. Tuy nhiên, truyền thông mạng xã hội liệu có phải là chiếc chìa khóa vạn năng? Và liệu rằng những chiến dịch đã thành công ở một phương tiện truyền thông này có thể dịch chuyển sang cho một phương tiện truyền
thông khác?

Hoàng Tùng - Founder & CEO Pizza Home

Theo Group Quản Lý Doanh nghiệp

Comments powered by CComment