Xu hướng nào cho các kênh bán hàng qua mạng xã hội?

Nhờ tính phổ cập, thân thiện với người dùng và là kênh số miễn phí nên kênh mạng xã hội đã trở thành một kênh kinh doanh chủ lực đối với nhiều người kinh doanh. Nó cũng là một kênh trong channel mix của nhiều doanh nghiệp lớn.

Kênh bán hàng qua mạng xã hội

Giai đoạn phát triển.

Sự bùng phát của các kênh mạng xã hội đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận một cách đầy phấn khích. Ngay lập tức các kênh MXH đã được đưa vào khai thác như là một kênh truyền thông marketing hiện đại và hữu hiệu. Nó cho phép người kinh doanh có thể tương tác, đối thoại trực tiếp với khách hàng và cộng đồng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Tiếp theo đó, sách cũng như là những khóa học kỹ năng bán hàng, kỹ năng tiếp thị trên kênh xã hội (MXH) đã hình thành để phục vụ cho kênh truyền thông marketing mới này. Gần đây kênh MXH đã tiến thêm một bước nữa khi được tích hợp vào hệ thống marketing tự động hóa, hệ thống CRM của các doanh nghiệp.

Sự đứt gãy của kênh MXH.

Nhưng tôi e là sắp đến sẽ có thay đổi mang tính bước ngoặc đối với các kênh MXH. Đó là khi các kênh MXH lần lượt thay đổi mô hình kinh doanh. Họ chuyển từ chỗ tạo ra pool người dùng để thu hút các nhà quảng cáo, rồi tạo ra thu nhập từ bán quảng cáo, bán dữ liệu người dùng, giúp các doanh nghiệp target khách hàng, đến chỗ họ sẽ phải thu phí người dùng như là một nguồn thu chính, vì doanh thu quảng cáo đã sút giảm đáng kể trong thời gian gần đây.

Điều gì đã kích hoạt sự thay đổi này?

Đó là khi chính phủ các quốc gia bắt đầu quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng trên mạng xã hội, đó là khi các nhà lập pháp nhận được thông tin rằng nhà sản xuất thiết bị cầm tay và các mạng xã hội thu thập dữ liệu, hành vi người dùng để bán cho các nhà quảng cáo, và họ đã chất vấn lãnh đạo các nhà sản xuất thiết bị cầm tay và mạng xã hội lớn về vấn đề này, vì nó không chỉ là vấn đề quyền riêng tư của công dân mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.

Việc xảy ra sau đó là các nhà sản xuất thiết bị di động đã phải ngăn không cho các ứng dụng truy cập thông tin cá nhân người dùng nếu không được sự cho phép của người dùng.
Các mạng xã hội cũng bị hạn chế số thông tin mà họ được phép thu thập, được bán cho nhà quảng cáo.

Hệ quả là các nhà quảng cáo giờ đây khó mà có thể nắm được chính xác người dùng MXH là ai, đang ở đâu, làm gì... mà chỉ có thể biết được một cách tương đối. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quảng cáo, ngân sách quảng cáo của các nhà quảng cáo, buộc họ phải chuyển dòng tiền sang các kênh truyền thông khác hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ mọi người có thể cảm nhận rằng thuật toán xác định đối tượng mục tiêu cho quảng cáo đã trở nên kém thông minh hơn trong thời gian gần đây.

Yếu tố thứ hai là do kinh tế suy thoái, các nhà quảng cáo lớn đồng loạt cắt giảm ngân sách quảng cáo.

Và yếu tố thứ ba chính là sự đứt gãy trong chính ngành truyền thông xã hội với sự xuất hiện của Tiktok với những đoạn clip ngắn và tính thân thiện với người dùng cao. Tiktok đã buộc các ông lớn là Meta và Google (youtube) phải tung các ứng dụng tương tự với hy vọng bảo vệ được vị trí và thị  phần của mình.

Những nguyên nhân trên đã khiến doanh thu quảng cáo của các MXH truyền thống sút giảm mạnh, khiến họ phải tìm cách để phát triển nguồn thu khác. Theo đó, những tài khoản MXH nào muốn có lượt truy cập nhiều, được cập nhật nhanh, đối tượng rộng ... thì phải trả phí, chứ không còn được free như lâu nay.

Những ai không chịu trả phí thì sẽ dễ dàng cảm nhận được rằng một số bài viết có nội dung kinh doanh của mình bị "bóp tương tác".

Cần hiểu rằng điều này không ảnh hưởng đến xu hướng số hóa chung, và cũng không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngân sách marketing dành cho kỹ thuật số, chỉ là ảnh hưởng đến MXH thôi.

Tôi nghĩ xu hướng trả phí là khó tránh khỏi, khó đảo ngược, chúng ta cần chuẩn bị để thích nghi.

Đỗ Hòa

Comments powered by CComment