'Đồng phục' biển quảng cáo: Triệt tiêu thương hiệu DN

Việc thí điểm “mặc đồng phục” biển quảng cáo trên tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) đang gây bức xúc cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí tạo nhiều chuyện trớ trêu. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu chỉnh trang đô thị vô tình đang làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp, vượt quá thẩm quyền được giao...

bienqc

Mất thương hiệu, bị nghi hàng nhái

Nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn, shop quần áo Owen từng có doanh số tốt nhất của thương hiệu này tại Hà Nội. Từ biển quảng cáo chữ màu trắng trên nền đen đặc trưng thương hiệu, cửa hàng này buộc phải đổi sang dùng chữ trắng trên nền xanh, giống cửa hàng văn phòng phẩm, may mặc, giầy dép hay làm răng giả trên cùng tuyến phố.

Chị Thu Hoài (nhân viên bán hàng) lắc đầu cho hay: Thời gian này mọi năm, khách phải xếp hàng thanh toán để mua quần áo mùa hè. Từ khi dỡ biển hiệu cũ, thay biển mới, khách hàng giảm chỉ còn 1/5. “Mọi năm, doanh thu mỗi ngày của cửa hàng gần chục triệu đồng. Từ khi đổi biển, chỉ bán được chừng 2 triệu đồng/ngày. Thậm chí, nhiều khách hàng nghi ngờ chúng tôi bán hàng rởm”, chị Hoài bức xúc.

Cùng cảnh ngộ trên phố này là thương hiệu May Nhà Bè (Mattana). Từ nhận diện thương hiệu với dòng chữ đen, nền bạc, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của hãng này tại đây phải chuyển sang màu giống nhãn cửa hàng Owen. Chủ cửa hàng may mặc Tuyết Phương kể hành nghề may đo nhiều năm nay, đã phát triển được hai cửa hàng.

Cách đây 10 năm, chị thuê họa sỹ thiết kế hình ảnh riêng để vẽ lên biển bảng, gắn lô gô lên sản phẩm. Biết được quận Thanh Xuân tài trợ khung, biển chắc chắn, chị vội in theo mẫu sẵn có để được dán vào nhưng không được chấp thuận. “Tôi cảm ơn vì được tài trợ bảng nhưng đề nghị cấp trên xem xét cho đổi nội dung, hình thức trong biển” - chị Phương nói.

Ngoài sự đồng bộ của biển hiệu, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu những nhà có mặt tiền sơn màu vàng nhạt và ghi xám để đảm bảo đồng bộ, hài hòa về màu sắc với hệ thống biển hiệu.

Các mặt hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ màu xanh lá cây đặc trưng, nhiều ý nghĩa, thương hiệu Kangaroo lại xuất hiện trên tuyến phố này với màu xanh nước biển. Chủ cửa hàng bán máy lọc nước của hãng này nói: “Chữ Kangaroo của công ty in nghiêng với chữ K cách điệu nhưng quận làm thành chữ in hoa”.

Thương hiệu hãng Hàng không quốc gia được gây dựng hơn 20 năm, tốn đến hàng nghìn tỷ đồng, giờ xuất hiện trên tuyến phố này với kiểu chữ khác hẳn, thậm chí chữ Vietnam Airlines còn thiếu chữ “s” sau cùng. Bánh kẹo Hữu nghị với nền vàng, chữ đỏ nay xuất hiện trên phố này với nền đỏ và chữ trắng. “Để biển chung màu, khách cứ rà rà, lùi tiến mới nhận ra cửa hàng” – nhân viên bán hàng tên Lành nói.

Một quản lý chuỗi siêu thị đã có phản ứng khá gay gắt với đoàn công tác phường Khương Mai. Theo anh này, do siêu thị mới khai trương, chi phí lắp biển lên đến gần 30 triệu đồng, nếu thay sẽ rất thiệt hại, chưa kể đến việc mất đi bộ nhận diện thương hiệu.

Hiện nay, biển hiệu này đã được thay thế đồng bộ nhưng quản lý chuỗi siêu thị vẫn không khỏi bức xúc: Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa hề nhận được văn bản thăm dò ý kiến hay yêu cầu thay biển hiệu chính thức nào. “Phường Khương Mai cũng đã có một số buổi họp thăm dò ý kiến nhưng chỉ là với các hộ dân, trong khi người kinh doanh, đang thuê lại địa điểm trên thì lại không được có ý kiến”, anh này nói.

Khiên cưỡng, thui chột sáng tạo

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc đồng bộ biển quảng cáo là một trong những yếu tố cần thiết để chỉnh trang đô thị; nhưng chỉ nên quy định về kích thước, vị trí đặt, tránh tình trạng biển nhô ra, biển lùi vào trên cùng tuyến phố. Việc thiết kế nội dung của từng biển nên để các cửa hàng và người dân quyết định. “Nói ý nghĩa của màu đỏ trên biển quảng cáo là màu cờ Tổ quốc, màu xanh là Hà Nội là thành phố vì hòa bình là khiên cưỡng. Nên để người dân thiết kế nội dung theo đặc trưng thương hiệu của họ”, ông Hanh nói.

Giảng viên Lê Huy (Khoa Thiết kế Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cũng nhận định: Thiết kế biển quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn đồng màu, kích cỡ, thiết kế, cỡ chữ... sẽ khiến cả người kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn. Với người kinh doanh, họ khó giới thiệu sản phẩm, tên cửa hàng mình tới người mua vì thiết kế những biển hiệu đó đơn điệu, kém hấp dẫn. Với khách hàng, họ khó hơn trong việc tìm kiếm cửa hàng, địa chỉ mình cần (phải đọc từng biển mới tìm được). “Nếu chỉ đồng bộ về kích thước, quy cách biển hiệu còn chấp nhận được, nhưng ở đây đồng bộ cả màu sắc, cỡ chữ... sẽ gây nhiều hệ lụy. Nên thay đổi mức độ nào đó cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, trên thế giới các nước đều có yêu cầu cụ thể về biển quảng cáo, tùy diện tích cửa hàng, mặt phố sẽ giới hạn biển hiệu kích thước thế nào, sáng tối ra sao. Nhưng không nước nào giới hạn về màu sắc, kiểu chữ, hình hài biển quảng cáo. Những thứ đó phải để doanh nghiệp sáng tạo.

“Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ rất nhiều tiền bạc, thời gian để xây dựng nhận diện thương hiệu, nay làm đồng bộ đã làm mất đi những nỗ lực đó”, ông Huy nói.

Sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm

UBND quận Thanh Xuân cho biết, sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của nhân dân và báo chí về tuyến đường Lê Trọng Tấn. Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng: Đây là sự thụt lùi về mặt hình ảnh đô thị. Trong khi quảng cáo là khuyến khích sự sáng tạo, nhiều nơi hiện nay đã chuyển sang quảng cáo bằng bảng LED, màn hình điện tử... thì ở đây lại là những màu sắc khá đơn điệu.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, người dân cần phân biệt giữa biển hiệu và biển quảng cáo. Hệ thống đồng bộ mà người dân phản ánh là biển hiệu chứ không phải biển quảng cáo. Hệ thống nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ về trật tự mỹ quan đô thị, tạo ra diện mạo đô thị văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Vị này chia sẻ: Vừa qua, ngoài những lời khen, có không ít những ý kiến quá tiêu cực. Cần nhìn nhận thực tế, tại phố Lê Trọng Tấn, phía bên cư dân xây dựng không đồng đều, nhà thò ra, nhà thụt vào, cao độ cũng nhấp nhô. Biển mẫu ở đây đóng vai trò là vật kiến trúc, đảm bảo sự đồng nhất của tuyến phố. “Do vậy, ngay cả những nhà mặt tiền không kinh doanh cũng được gắn biển để che đi sự thiếu đồng bộ kiến trúc”, đại diện quận nói.

Vị này thông tin thêm, việc sơn đồng bộ màu mặt tiền nhà, quận chỉ khuyến khích, vừa làm đẹp cho tuyến phố, vừa làm đẹp cho chính nhà của người dân, chứ không hề ép buộc. Đối với các tổ chức doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng quy định của luật và được cấp phép quảng cáo, UBND quận tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội cho biết, các phòng chuyên môn của sở đang tiến hành tổng hợp, tiếp thu lấy ý kiến khen chê của người dân, nhà báo... Từ đó, xem xét để nhân rộng mô hình trên các địa bàn khác. Ngoài biển hiệu đồng bộ đã được quận Thanh Xuân thực hiện, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp biển quảng cáo cần xin cấp phép tại Sở VH-TT Hà Nội.

Ông Đỗ Kim Dũng– Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Cty quảng cáo An Tiêm cho rằng trong quảng cáo, hình ảnh, màu sắc, nội dung, ngôn ngữ... chiếm đến 90% yếu tố sáng tạo; chất liệu (bằng sơn hay đèn led, bằng gỗ...) chiếm 10%. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất phải tôn trọng quyền sáng tạo đó của doanh nghiệp, người dân. Ngay cả việc quy định cho phép đặt thương hiệu trên một nền biển bảng nào đó cũng không được phép. Chẳng hạn, lô gô của một thương hiệu này chỉ được phép đặt trên một nền màu gì đó; không được phép đặt trên nền màu xanh và đỏ như Hà Nội quy định. Đó là nguyên tắc để tạo ra nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, cũng nên hoan nghênh các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có ý thức thiết kế, thi công miễn phí cho các cửa hàng một khuôn biển bảng đồng đều, tránh việc cao thấp, lồi lõm gây xấu tuyến phố. Tuy nhiên, chỉ nên dừng lại việc tạo ra những khuôn mẫu như vậy là đủ.

Theo T. Hoàng - Q. Nga - S.Lực - L.Việt

Tiền Phong

Comments powered by CComment