Phục hồi toàn cầu 2021: Cơ hội và thách thức

Covid-19 đặt ra yêu cầu, nhưng cũng là cơ hội để ưu tiên thực hiện những cải thiện mang tính chất cơ cấu, nhằm mục đích “hỗ trợ toàn diện và tăng trưởng bền vững”.

R0

Tác động của Covid-19 có thể vẫn sẽ cản trở các mục tiêu tăng trưởng trong một thời gian dài.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã giáng những đòn mạnh vào nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm 4,3%. Con số này được đánh giá là khả quan hơn so với những dự báo trước đó, nhờ vào những dấu hiệu phục hồi kể từ quý III. Nhiều quốc gia cũng đạt được mức tăng trưởng dương ấn tượng, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, con số trên chưa thể nói lên tất cả những mất mát mà chúng ta đã phải gánh chịu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu khôi phục, dự kiến tăng trưởng 4% vào năm 2021 nhưng tác động của Covid-19 có thể vẫn sẽ cản trở các mục tiêu tăng trưởng trong một thời gian dài.

Quá trình phục hồi cũng diễn ra không đồng đều giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển. Cụ thể, những nền kinh tế đang phát triển có thể phục hồi nhanh hơn nhưng cũng có nguy cơ cao rơi vào trạng thái bất ổn định về vĩ mô, tổn thương tới việc thực hiện mục tiêu dài hạn.

Những rủi ro vẫn còn hiện diện

Công tác nghiên cứu, chế tạo và phân phối vắc xin đang được các quốc gia đặt lên hàng đầu như một nỗ lực để duy trì phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sự “hồi sinh” của vi rút tại nhiều quốc gia châu Âu cũng như sự xuất hiện của chủng vi rút mới đang trở thành một nguy cơ khó lường.

Theo các chuyên gia, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm lên thêm 70%. Xuất hiện tại châu Âu, biến chủng hiện đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, theo WB, đại dịch Covid-19 đã “khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thách thức ghê gớm” khi phải đảm bảo y tế cộng đồng, hỗ trợ các chủ thể gặp khó khăn trong bối cảnh ngân sách thu hẹp. Nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ nợ công tăng cao hay lạm phát do lạm dụng chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thiếu hiệu quả.

Covid-19 cũng đẩy thêm hàng triệu người vào tình cảnh nghèo đói, thậm chí là nghèo đói cùng cực. Theo kịch bản tồi tệ nhất, số người nghèo đói cùng cực có thể tăng thêm khoảng 150 triệu người vào năm 2021, nâng tổng số lên mức 690 triệu người, tức là khoảng 1/10 dân số thế giới.

Đói nghèo gia tăng khiến các hoạt động kinh tế bị suy giảm, đồng thời còn là nguyên nhân của tệ nạn xã hội cũng như làm tổn thương tới quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

R1
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu của Ngân hàng Thế giới.

Cơ hội và giải pháp

Các chuyên gia WB nhận định, đầu tư vào vắc xin là phương án hàng đầu trong ngắn hạn để tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động phục hồi kinh tế, bao gồm cả những quốc gia đã kiểm soát tốt diễn biến đại dịch.

Ngày 10/1, Trung Quốc chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao nhất trong hơn 5 tháng vừa qua chính là lời cảnh tỉnh cho toàn cầu, không nơi đâu là an toàn tuyệt đối cho đến khi vắc xin được tiêm phòng trên diện rộng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cần được rà soát một cách nghiêm túc, cắt giảm những gói hỗ trợ kém hiệu quả để tránh làm tổn thương tới tính ổn định vĩ mô, đặc biệt là ở những nước đang và mới phát triển.

WB cho biết, những chính sách hỗ trợ ồ ạt làm giảm suy thoái kinh tế nhưng sẽ gieo mầm cho các vấn đề trầm trọng hơn phát sinh trong tương lai, nhất là khi những khoản vay nợ chính phủ được sử dụng kém hiệu quả.

Về dài hạn, Covid-19 đặt ra yêu cầu, nhưng cũng là cơ hội để ưu tiên thực hiện những cải thiện mang tính chất cơ cấu, nhằm mục đích “hỗ trợ toàn diện và tăng trưởng bền vững”. Các giải pháp có thể kể đến như tăng cường đầu tư vào y tế, giáo dục, chuyển đổi số cũng như thúc đẩy kinh tế xanh.

Mặt khác, thúc đẩy tính minh bạch hóa của cơ chế quản trị và tăng cường hợp tác toàn cầu cũng là những yếu tố quan trọng, không chỉ giúp các nước vượt qua khó khăn trước mắt mà còn là cơ sở để hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.

Theo TheLeader

Comments powered by CComment