Cạm bẫy nhượng quyền – Bài học cho cả khách hàng và thương hiệu

Nhượng quyền là một hình thức kinh doanh mà chắc hẳn rất nhiều người đã nghe qua. Đặc biệt hơn, trong những năm gần đây tại Việt Nam, xuất hiện rất nhiều hình thức nhượng quyền với nhiều thương hiệu khác nhau.

Vậy tại sao nói nhượng quyền là “cạm bẫy” cho cả khách hàng và thương hiệu? Điều đó đúng hay sai? Đúng như thế nào và tại sao lại sai?

1. Hiểu thêm về nhượng quyền

Nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định, cụ thể có thể kể đến là:

– Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.

– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các khái niệm khác về nhượng quyền, nhưng tất cả các khái niệm đều sẽ xoay quanh 2 chủ thể là bên thương hiệu nhượng quyền (franchisor) và bên nhận nhượng quyền thương hiệu (franchisee).

2. Thương hiệu khi nào thì đủ tuổi nhượng quyền?

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005, Nghị định 35/2008/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 08/2018/NĐ-CP và các thông tư, văn bản có liên quan đến nhượng quyền thương mại thì điều kiện để bên nhượng quyền cho bên nhận quyền khi mà các hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền phải đã hoạt động ít nhất 01 năm mới đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng quyền thương mại cho người khác.

Ngoài ra, để nhượng quyền thành công, bên nhận nhượng quyền cần phải xem xét nhiều yếu tố nhưng nói riêng về mặt pháp lý thì cần phải đảm bảo:

– Có đăng ký kinh doanh;

– Đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

– Đã đăng ký thương hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ.

3. Tại sao nhượng quyền lại là cạm bẫy đối với người mua (franchisee)?

Nếu bạn là khách hàng đang có ý định mua nhượng quyền thì đây có lẽ là phần bạn quan tâm nhất. Khi tìm hiểu về một thương hiệu, nếu có kiến thức và kỹ năng, bạn có thể tự mình tìm hiểu qua các kênh thông tin như Google, Facebook, Tiktok, Youtube… để xem về mức độ nổi tiếng của thương hiệu trước khi hợp tác. Còn nếu không có thời gian, bạn sẽ bắt đầu nhấc máy lên và gọi trực tiếp thương hiệu nhượng quyền để tham khảo về giá nhượng quyền, chi phí đầu tư, các khoản hỗ trợ…

Và rồi, để bán được nhượng quyền, một số thương hiệu đã dùng những lời ngon, tiếng ngọt để lôi kéo bạn kiểu như “Anh không cần lo đâu, toàn bộ quy trình bên em đã chuẩn hóa hết rồi” “Giờ anh mà nhượng quyền, cứ việc đầu tư rồi mỗi tháng thu về lợi nhuận thôi”; “Bên em có đội ngũ vận hành chuyên nghiệp rồi, anh không cần lo gì cả”; “Bên em có hàng trăm đối tác khắp Việt Nam, ở tỉnh X cũng có, quận Y cũng có, nếu sản phẩm không tốt và không lợi nhuận, liệu có thể có nhiều đối tác thế không?”… Thường thì khi các anh chị có ý định mua nhượng quyền sẽ nghe những câu dạng thế này rất nhiều.

Những dạng câu nói này được áp dụng để thuyết phục khách hàng về sự hoàn hảo của mô hình nhượng quyền: đầu tư ít, làm việc ít nhưng lại được lợi nhuận nhiều. Và chỉ có những anh chị tay ngang mới vào ngành, chưa có kiến thức và kinh nghiệm mới tin chứ người có kinh nghiệm ai mà tin. Nhưng thực tế người có kinh nghiệm thì ít, người ảo tưởng làm ít mà lợi nhuận nhiều thì rất nhiều, vì vậy mới có cái gọi là cạm bẫy của nhượng quyền. Do không tìm hiểu kỹ, không có kinh nghiệm kinh doanh cộng với việc nghe những lời tung hô phi lý nên nhiều người đã đổi tiền để lấy kinh nghiệm.

Thế rồi bạn có đang phản biện lại rằng: không có kinh nghiệm thì mới bỏ tiền ra để mua nhượng quyền “thương hiệu đang có vẻ thành công” nhằm giảm thiểu rủi ro, chứ có kinh nghiệm rồi thì đi xây dựng thương hiệu riêng chứ ai lại đi nhượng quyền làm gì? Đúng không?

Vâng, bạn đã nói đúng, nhưng cái đúng này không phải là tuyệt đối, nó chỉ là lý thuyết và chưa đầy đủ. Vì một người có kinh nghiệm chưa chắc đã có kinh nghiệm. Một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí, là một chuyên gia cơ khí nhưng đi nhượng quyền quán café để kiếm thêm thu nhập thì họ đang không có kinh nghiệm rồi. Một người pha chế có kinh nghiệm làm tất cả các loại đồ uống, nhưng không có kinh nghiệm quản lý nhân sự, vận hành quán, thương lượng hợp đồng, chăm sóc khách hàng thì có được gọi là người có kinh nghiệm không. Vì vậy không phải cứ có kinh nghiệm là sẽ tự kinh doanh được, không phải không có kinh nghiệm thì sẽ bị lừa. Cái quan trọng là biết chọn lọc thương hiệu phù hợp và bỏ tâm huyết vào nó thì mới thành công được.

4. Cạm bẫy nhượng quyền dẫn đến “cái chết ngầm” cho thương hiệu

Không phải thương hiệu nào cũng muốn mở rộng kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền. Nhượng quyền có thể ví như trò chơi truyền tin vậy, một tin nhắn dài ban đầu được truyền cho người đầu tiên, nhưng qua tay mỗi người chơi, nó dần bị khuyết đi vài từ, cho đến kết quả người nhận cuối cùng sai hoàn toàn. Cũng có những đội chơi thắng cuộc, đó là những người chơi tài giỏi hoặc là mẫu tin quá đơn giản để họ có thể nhớ và làm thêm.

Khi xây dựng được một thương hiệu thành công, kinh doanh có lợi nhuận và đảm bảo đầy đủ các thủ tục để nhượng quyền thì người chủ thương hiệu đã tiêu tốn rất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức rồi. Người chủ lúc này sẽ rất yêu quý và trân trọng đứa con của mình, nếu nhượng quyền, giống như trao đứa con tinh thần của mình cho người khác, vì vậy họ sẽ chọn những người có đủ tố chất để trao chứ không trao bừa bãi được. Điều này bạn có thể thấy ở các thương hiệu lớn như MC Donald’s, Starbucks, Lotteria,… họ sẽ đánh giá đối tác nhượng quyền rất kỹ kèm theo các điều khoản vô cùng nghiêm ngặt trước khi ký hợp đồng nhượng quyền. Còn điều ngược lại thì bạn cũng có thể đoán được rồi, nếu đứa con tinh thần không tốt, họ sẽ làm gì?

Gọi nhượng quyền là “cái chết ngầm” cho thương hiệu vì có rất nhiều lý do. Như ví dụ trò chơi truyền tin đã đề cập, khi nhượng quyền, nếu phía thương hiệu không kiểm soát được đối tác sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng thương hiệu, làm mất uy tín thương hiệu và người tiêu dùng sẽ quay lưng bỏ thương hiệu mà ra đi. Những nguyên nhân có thể là:

– Đối tác nhượng quyền ở quá xa, không thuận tiện cho việc kiểm tra trực tiếp.

– Đối tác không biết cách vận hành quán, không quản lý được nhân viên.

– Đối tác sử dụng nguyên liệu ngoài kém chất lượng, thay thế công thức sản phẩm.

– Đối tác không tuân thủ đầy đủ các quy trình của thương hiệu.

– Đối tác không tham gia đầy đủ các chương trình khuyến mãi đề xuất.

Và còn rất nhiều lý do nữa, lâu dần, những mâu thuẫn không được giải quyết sẽ dẫn đến sự xong đột giữa 2 bên. Và kết cục là một cuộc chia tay “hủy hợp đồng” nhượng quyền sẽ diễn ra. Thương hiệu bị ảnh hưởng vì phải đóng cửa, đối tác bị ảnh hưởng vì số tiền đầu tư chưa được thu hồi, một cuộc chiến mà ai cũng bị thiệt. Nếu thương hiệu nhượng quyền đi nhượng quyền cho những đối tác không tuân thủ để xảy ra những nguyên nhân ở trên thì sớm muộn gì thương hiệu cũng bị loại bỏ bởi người tiêu dùng. Đây là một cái chết của thương hiệu đã được dự báo từ trước.

Nhiều thương hiệu khi chưa nhượng quyền sẽ nghĩ nhượng quyền khá đơn giản, chỉ việc sao chép mô hình nhân lên bằng cách sang tay cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, bước vào lĩnh vực nhượng quyền rồi họ mới cảm nhận được những khó khăn từ mọi phía. Thực tế đã cho thấy một vài thương hiệu đã mua lại tất cả các cửa hàng nhượng quyền để tự họ tự quản lý nhằm bảo vệ thương hiệu trước khi đi quá đà.

5. Kết luận về “cạm bẫy” nhượng quyền

Nhượng quyền vẫn là một hình thức kinh doanh, mà kinh doanh thì có rủi ro, và nếu bạn muốn bước chân vào lĩnh vực này, dù là nhà đầu tư hay chủ thương hiệu thì vẫn nên cẩn thận.

5.1 Đối với nhà đầu tư nhượng quyền cần chú ý:
– Cẩn thận với viễn cảnh quá phi lý mà người bán đưa ra.

– Cẩn thận với sản phẩm có tính xu hướng “trendy” ngắn hạn (nhìn lại mô hình mỳ cay, trà chanh, sữa chua trân châu… bạn sẽ rõ).

– Tránh mua thương hiệu “non” có tuổi đời dưới 2 năm (vì cần đến 24 tháng cục SHTT mới cấp đăng ký bảo hộ độc quyền).

– Tránh cạm bẫy Marketing rằng quán bạn sẽ luôn đông nghịt khách. Hãy chú trọng tìm một mặt bằng tốt thay vì tin những điều đó, đồng thời, hỏi xem bên thương hiệu sẽ hỗ trợ các chương trình gì để giúp đông khách ngoài những chiến dịch quảng cáo online đơn điệu.

– Hãy chọn đúng người để làm việc. Khi nhượng quyền, bạn cần nói chuyện với người sẽ chịu trách nhiệm với bạn về các vấn đề, đây không hẳn là chủ thương hiệu mà chỉ cần đó là một người có khả năng chịu trách nhiệm và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh khi bạn nhượng quyền. Hãy nói chuyện với họ để xem có làm việc với nhau được không.

– Nghĩ đến đường lui cho mình. Hãy hỏi thương hiệu về cách xử lý trong trường hợp xấu nhất nhằm đảm bảo rằng bạn không bị bỏ rơi một mình khi thất bại.

– Hỏi về một chiến dịch Marketing cụ thể, chẳng hạn như khai trương làm gì? 01 tháng sau khai trương làm gì? Đầu tháng làm gì? Cuối tháng làm gì? Các dịp lễ hội, sự kiện làm gì? Chi phí ai chịu, thương hiệu hỗ trợ được gì…

5.2 Đối với thương hiệu nhượng quyền cần lưu ý:
– Tìm hiệu kỹ về đối tác có ý định mua nhượng quyền của mình, xem mức độ tuân thủ của họ như thế nào bằng các câu hỏi khảo sát trước khi trao tay thương hiệu về cho họ.

– Dự đoán các tình huống tranh chấp có thể xảy ra và đưa vào hợp đồng nhượng quyền để tránh các tranh chấp về sau.

– Cẩn thận với các cam kết hỗ trợ, tránh làm cho người mua nhượng quyền hiểu nhầm, hiểu sai về thương hiệu dẫn đến các mâu thuẫn về sau.

– Đảm bảo có thể quản lý, kiểm soát được các cửa hàng nhượng quyền theo đúng hệ thống thương hiệu, không để tình trạng “mỗi người 1 đường”, không có sự thống nhất giữa người nhận nhượng quyền và thương hiệu nhượng quyền.

– Làm việc tất cả trên giấy tờ đối với bên nhận nhượng quyền nhằm đảm bảo tính chính xác và chuyên nghiệp. Mọi công văn, quyết định về sau sẽ có giá trị pháp lý và sẽ làm căn cứ giải quyết những tranh chấp.

Nhượng quyền nếu phát triển đúng hướng sẽ mang lại lợi ích cho cả thương hiệu nhượng quyền và khách hàng mua nhượng quyền. Để nhượng quyền thành công, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, và quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết của người mua nhượng quyền, sự chia sẻ thành thật của thương hiệu nhượng quyền để có một mối lương duyên tốt đẹp, cùng có lợi.

Nguồn: Brandsvietnam

Comments powered by CComment