Chứng kiến các hãng ô tô điện ở Mỹ phát triển rất nhanh, cuối năm 2018, anh Sơn tin rằng công nghệ xe điện đã sẵn sàng để cạnh tranh với xe xăng nên quyết nghỉ việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ) về Việt Nam làm xe máy điện.

Dù chỉ chiếm 1% thị phần xe máy điện tại Việt Nam, Dat Bike đã có thể trụ vững và tăng trưởng tốt trước những đối thủ khổng lồ.

Những ngày qua, hội nhóm Facebook Dat Bikers khá nhộn nhịp vì những hình ảnh chia sẻ xoay quanh mẫu xe Weaver 200 ra mắt tháng 11/2021. Xen kẽ các dòng trạng thái vui mừng do nhận được xe sớm và thích thú với trải nghiệm lái là các bài đăng hỏi về một vài lỗi vận hành và xin tư vấn việc có nên đổi hẳn từ xe xăng sang xe... Dat Bike. “Có nhiều lý do cho các vấn đề vận hành, một số khách chưa quen sử dụng và cũng có những khách ‘can thiệp’ vào pin dẫn đến lỗi nhưng tỉ lệ không lớn”, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết.

Có lẽ vì vậy nên số lượng mẫu Weaver 200, theo anh Sơn chia sẻ, đã tăng gấp 20 lần về lượng đơn đặt hàng so với phiên bản đầu tiên dù có giá đắt hơn 130% so với phiên bản cũ. Đáng chú ý, mặc dù công ty có đưa ra chính sách đổi xe cũ lấy xe mới nhưng tỉ lệ khách mua xe mới vẫn chiếm đa số. “Cứ 1 khách đổi xe cũ lên xe mới thì có 19 khách mua mới hoàn toàn”, anh Sơn tiết lộ. Điều này chứng tỏ sản phẩm của hãng xe máy điện 3 tuổi đang dần chinh phục được nhiều khách hàng ở vương quốc xe máy xăng, nơi Dat Bike có nhiều đối thủ khổng lồ.

Thị trường tỉ USD

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy chưa có thống kê chính thức về giá trị của thị trường xe điện, nhưng thị trường xe máy ở Việt Nam có giá trị khoảng 8 tỉ USD.

Việt Nam hiện có 65 triệu chiếc xe máy được đăng ký, tương đương với cứ 3 người có 2 người sở hữu một chiếc xe máy, theo báo cáo năm 2021 của ABeam Consulting. Trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 3 triệu xe máy, chủ yếu là xe xăng và hầu hết xe máy tại đây do 5 hãng lớn là Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio sản xuất. Trong đó, Honda chiếm hơn 79% thị phần.

Khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang xe điện, thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu lớn, nổi bật nhất là Yadea Việt Nam (Trung Quốc), VinFast. Với việc xuất hiện muộn nhất và có thị phần chưa đến 1%, nhưng Dat Bike – startup từng bị chê làm nhầm sản phẩm và sẽ không có chỗ đứng trên thị trường – đã có bước phát triển đáng ghi nhận kể từ khi thành lập cách đây 3 năm.

Chia sẻ với NCĐT, anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết với mẫu xe đầu tiên, anh mất khá nhiều công sức và thời gian để có thể thành công chinh phục thị trường. Bởi lẽ, trước nay khách hàng Việt Nam luôn xem xe điện là giải pháp tình thế cho học sinh đi học nên mức đầu tư không cao.

Với quan niệm như vậy, nhà sản xuất chỉ có thể cho ra đời các mẫu xe công suất thấp với giá bán vừa túi tiền. Nhưng anh Sơn có niềm tin mãnh liệt rằng xe điện phải có hiệu suất và giá thành tương đương xe máy xăng thì việc hoán đổi mới diễn ra thành công.

Giấc mơ Việt của ông chủ Dat Bike

Chứng kiến các hãng ô tô điện ở Mỹ phát triển rất nhanh, cuối năm 2018, anh Sơn tin rằng công nghệ xe điện đã sẵn sàng để cạnh tranh với xe xăng nên quyết nghỉ việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ) về Việt Nam làm xe máy điện.

Anh cũng chứng kiến nhiều hãng xe máy điện ở Mỹ nổi lên mạnh mẽ nhưng lại sớm tan rã vì không có thị trường. Điều gì khiến nhà sáng lập Dat Bike muốn đem xe máy điện về Đông Nam Á, nơi xe xăng đang thống trị? Câu trả lời là startup trong một thị trường đang tăng trưởng nhanh sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn so với các thị trường đã bão hoà.

“Chúng tôi không có nguồn lực lớn đến như thế, nên chỉ tập trung vào việc làm sản phẩm. Và chúng tôi cũng tin rằng cần làm ra sản phẩm tốt trước khi mở rộng các hệ sinh thái xung quanh sản phẩm”, anh Sơn nói.

“Mẫu xe Dat Bike đầu tiên có động cơ 5.000 W, tốc độ tối đa 80 km/h với thời gian sạc 3 tiếng. Nếu được thị trường chấp thuận, Dat Bike tiếp tục cuộc chơi, không thì Sơn và các cộng sự ai về nhà nấy”, anh chia sẻ.

Tháng 4/2021, Dat Bike nhận 2,6 triệu USD đầu tư từ Jungle Ventures để tiếp tục cuộc chơi xe điện là cơ sở cho sự xuất hiện của Weaver 200, với quãng đường di chuyển 200 km cho 1 lần sạc 3 tiếng. Công ty cũng nâng công suất nhà máy lên 1.500 xe/tháng, so với mức 1.000 như trước kia.

Theo anh Sơn, sự xuất hiện của dòng xe máy điện VinFast Klara với giá thành cao, chất lượng là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến việc định hướng đúng cho người sử dụng về giá trị của xe máy điện. Nhờ đó mà Dat Bike nói riêng và cả thị trường nói chung được hưởng lợi.

Khi được hỏi nếu lúc đó các hãng xe máy lớn như Honda hay Yamaha nhảy vào thị trường thì sẽ như thế nào? Anh Sơn cho rằng đó là tín hiệu tốt cho công cuộc điện khí hoá xe máy ở Việt Nam, môi trường và người dân sẽ được hưởng lợi. Bản thân Dat Bike cũng sẽ chịu sự cạnh tranh nhất định nhưng kinh nghiệm của người tiên phong sẽ là lợi thế công ty có được trong cuộc cạnh tranh đó.

Dat Bike cũng không dừng chân ở thị trường Việt Nam. Nhà sáng lập Dat Bike đang dần hiện thực hoá khát vọng “xanh hoá” 250 triệu xe máy xăng ở Đông Nam Á. Theo đó, Indonesia là thị trường mà công ty nhắm đến vì số lượng xe máy đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Dat Bike “có hẹn” với thị trường Indonesia trong vòng 3 năm tới.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư

Elias Canetty

"Ta không biết điều gì sẽ xãy ra nếu mọi thứ đột ngột thay đổi. Nhưng liệu ta có biết điều gì sẽ xãy ra nếu không có gì thay đổi?"

User Menu