Nhà mạng là nhân tố mới trong cuộc đua bán lẻ tại Việt Nam.

Trong bức tranh bán lẻ O2O (Online to Offline – tạm dịch bán hàng đa kênh), nhà mạng sẽ là nhân tố tiếp theo tham gia cuộc chơi và thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam.

Mạng di động trong xu hướng O2O

The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan, bất ngờ công bố chi hơn 290 tỉ đồng để mua lại 70% cổ phần của Mobicast, đơn vị sở hữu mạng di động ảo Reddi. Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết việc mua lại Mobicast nằm trong tầm nhìn xây dựng nền tảng tích hợp từ offline đến online của 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025 của tập đoàn này.

“Reddi là mảnh ghép đầu tiên để từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất”, ông Danny Le nói.

Thương vụ mới phù hợp với tầm nhìn của Masan về nền tảng Point of life hướng đến khai thác đời sống tài chính cũng như sinh hoạt kết nối và giải trí. Hệ sinh thái lúc này bao quát từ chia sẻ tương tác, trò chuyện, xem phim, nghe nhạc, đọc tin, chơi game, nhắn tin nghe gọi, học tập, sức khoẻ, mua vé máy bay...

Đối với thị trường Việt Nam, chuyện tập đoàn bán lẻ mua lại công ty viễn thông là khá mới mẻ nhưng xu hướng hợp tác, đầu tư vào các công ty viễn thông đã được nhiều nhà bán lẻ toàn cầu thực hiện từ năm 2015.

Điển hình như Alibaba hợp tác với China Unicom, hay Amazon công bố chiến lược bổ sung thêm các công ty viễn thông vào danh mục đầu tư thông qua việc mua lại cổ phẩn các công ty viễn thông lớn ở Mỹ và Ấn Độ.

Xu hướng này còn xuất hiện ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), như thương vụ nhà mạng NTT Docomo (Nhật) hợp tác với McDonald’s (năm 2015) hay chuỗi cà phê Starbucks hợp tác với tập đoàn viễn thông lớn nhất Hàn Quốc SK Telecom (năm 2017).

Hệ thống bán lẻ số 1 của Ấn Độ là Reliance là một ví dụ điển hình khác. Hệ thống này có 11.000 điểm bán, sở hữu 23 trung tâm phân phối và cơ sở dữ liệu với hơn 110 triệu khách hàng thân thiết. Reliance cũng đã lấn sang lĩnh vực kỹ thuật số và điện tử viễn thông khi thành lập Jio Platforms. Jio Platforms hiện có hệ sinh thái gồm cả JioTV – TV trực tuyến, JioMoney – tiền kỹ thuật số và thanh toán điện tử, JioMart – hệ thống cửa hàng online.

Xu hướng nhà bán lẻ bắt tay hoặc mua lại công ty viễn thông có thể thấy qua ví dụ của Starbucks. Trong thế giới thực, thông qua kết hợp với nhà mạng, Starbucks sẽ được thông báo về các khách hàng gần cửa hàng và sử dụng lịch sử giao dịch của khách hàng, thương hiệu cà phê này sẽ gửi phiếu giảm giá dựa trên sản phẩm họ ưa dùng để tăng khả năng bán hàng. Khi khách hàng kết nối internet, các công ty có thể “đeo bám” họ dựa trên hành vi sử dụng. Câu hỏi đặt ra là khi ngừng kết nối, việc “đeo bám” sẽ dựa vào đâu và số điện thoại là đáp án duy nhất cho Starbucks.

 

Ảnh: Quý Hoà

Xu hướng O2O đòi hỏi các nhà bán lẻ phải liên tục giữ kết nối với khách hàng kể cả khi họ không kết nối internet. Và nhà mạng sẽ là mảnh ghép cuối cùng, thậm chí là khá quan trọng khi nhà mạng hiện nay cũng là nguồn cung cấp kết nối internet.

Kích hoạt cuộc đua mới

Chính sách chuyển mạng viễn thông đã được áp dụng từ 3 năm trước với các nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile. Không khó để dự đoán Reddi của Mobicast sẽ sớm cung cấp dịch vụ này để thu hút người sử dụng từ các nhà mạng khác tham gia với lợi thế từ hệ thống bán lẻ của tập đoàn chủ quản.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, việc sở hữu mạng viễn thông cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ đặt một chân vào lĩnh vực Mobile Money (thanh toán di động) trong thời gian tới. Theo phân tích, các hoạt động tiêu dùng bán lẻ, dịch vụ tài chính, viễn thông, dịch vụ số chiếm tới 80% chi tiêu của người Việt.

Tất nhiên, các nhà bán lẻ nắm trong tay mảng viễn thông sẽ không đối đầu trực tiếp với những doanh nghiệp viễn thông lớn, mà chủ yếu tận dụng hệ sinh thái vốn có của mình để nhanh chóng tối ưu hoá chi phí và tốc độ phân phối sản phẩm. Chẳng hạn, Masan sẽ tối ưu hoá dữ liệu của 15 triệu khách hàng từ chuỗi bán lẻ hiện đại WinMart, WinMart+, Techcombank và Phúc Long (đối tác hợp tác của Masan). Ngoài ra, Masan Consumer còn có mối quan hệ mật thiết với hơn 300.000 cửa hàng tạp hoá truyền thống trên cả nước.

Nên nhớ rằng các nhà bán lẻ O2O lớn trên toàn cầu đều tìm mọi cách giữ chân người sử dụng trong hệ sinh thái của họ từ mua sắm trực tuyến, mua sắm tại cửa hàng cho đến thanh toán trực tuyến và cho vay tài chính.

Trước mắt, sự tham gia của Masan vào viễn thông là minh chứng cho thấy xu hướng mua lại hoặc hợp tác với các công ty viễn thông sẽ sớm phổ biến ở thị trường Việt Nam, nơi mà các nhà bán lẻ đang cố gắng tiến tới mô hình O2O để tạo lợi thế cạnh tranh.

Đây cũng là cơ hội cho các mạng viễn thông đang bị tụt lại trong cuộc đua giành thị phần ở Việt Nam có thể mở ra một hướng đi mới. Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2020 chỉ tăng nhẹ 0,3% so với năm 2019 cho thấy các doanh nghiệp viễn thông có thị phần nhỏ sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Ngoài Masan đang đẩy mạnh O2O, ở Việt Nam cũng có nhiều đơn vị bán lẻ lớn theo đuổi xu hướng này như FPT Retail, Thế Giới Di Động hay các công ty bán lẻ trực thuộc Seedcom.

Có thể sau thương vụ The Sherpa – Mobicast, trong thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến thêm các thương vụ M&A hoặc hợp tác giữa FPT Retail, Thế Giới Di Động, Seedcom với các nhà mạng ở mức độ chuyên sâu hơn.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Peter F. Drucker

"Doanh nghiệp tồn tại vì người tiêu dùng chịu trả tiền. Bạn kinh doanh mà làm cho khách hàng hài lòng, thì như thế không chỉ là marketing, còn hơn cả marketing."

User Menu