Từ giữa năm 2010, Việt Nam xuất hiện 2 công ty kinh doanh phụ kiện thời trang (túi xách, ví, trang sức) dưới phương thức bán hàng đa cấp, một hình thức được biết đến nhiều trong lĩnh vực dược phẩm, hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đó là Tập đoàn Sodirex (thương hiệu A La Mode Paris) và Sophie Paris (thương hiệu S.A.S, Sophie Martin, Smart’teen, In2XS, Sophie Kids).
Ông Nick Jonsson, Tổng Giám đốc Công ty Sophie Paris Việt Nam, cho biết, hiện có hơn 50 công ty bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Số lượng nhà phân phối (thành viên của mô hình này) lên đến hơn 700.000 người. “Chúng tôi cho rằng, sắp tới sẽ ngày càng nhiều công ty bán hàng đa cấp quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam. Những công ty này sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi trong cách thức mua sắm của người tiêu dùng. Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt đối với mặt hàng thời trang vì hiện tại chưa có công ty nào khai thác thị trường này”, ông Jonsson nhấn mạnh.
Thành công từ nước ngoài
Theo Liên đoàn Bán hàng Đa cấp (FVD) của Pháp, chỉ sau 15 năm phát triển, ngành kinh doanh đa cấp tại quốc gia này đã trở thành kênh đứng thứ 3 trong hệ thống phân phối, bên cạnh hình thức kinh doanh cửa hàng bán lẻ, mua sắm trên mạng và qua thư báo. Cũng theo thống kê của FVD, năm 2009, hàng trăm công ty thành viên của liên đoàn này đã đạt mức doanh thu trên 1,7 tỉ euro và tạo việc làm cho khoảng 265.000 người. Trong đó, sản phẩm gia dụng và trang trí nội ngoại thất tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu với tốc độ phát triển mạnh, từ 17% năm 1998 lên 44% năm 2009. Lĩnh vực phụ kiện thời trang đứng vị trí thứ 5. Tại Việt Nam, căn cứ vào tốc độ phát triển của thế giới, Sophie Paris đặt ra mục tiêu khá lớn cho năm đầu tiên hoạt động tại đây: thu hút 10.000 thành viên và đạt doanh số 2 triệu USD. Ông Eric Lasportes, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sodirex, cũng cho rằng, tương lai bán hàng đa cấp trong lĩnh vực phụ kiện thời trang tại Việt Nam rất khả quan, vì bán hàng đa cấp chỉ mới được biết tới trong lĩnh vực mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra doanh số kinh doanh cụ thể mà ông kỳ vọng. Bà Bùi Đoàn Ngọc Hà, Công ty Ngân Hà, đại diện nhãn hiệu A La Mode Paris cho biết thêm, Công ty đang lên kế hoạch làm đại diện cho nhiều nhãn hiệu khác về thời trang (quần, áo, ví...). Và bà hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều công ty tham gia để thị trường phát triển sôi động hơn. Mô hình cũ cho sản phẩm mới Về cơ bản, mô hình kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực phụ kiện thời trang không có gì khác so với mô hình hiện có tại các công ty chuyên về mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng, đại diện của 2 công ty cho biết.
Trong mô hình kinh doanh đa cấp, nhà phân phối (người bán) tự đứng ra giới thiệu sản phẩm. Họ trở thành nhân tố tác động trực tiếp tới quyết định mua của khách hàng. Đặc điểm của mô hình này là nhà phân phối có thể làm việc toàn thời gian, bán thời gian, hoặc làm thêm những lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập.
Ông Lasportes, đại diện Sodirex, cho biết, với hình thức bán hàng đa cấp, người bán và người mua phải trao đổi trực tiếp. Đây là phương thức tiếp cận mang tính cá nhân, một cơ hội để chứng minh chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp bởi một nhân viên bán hàng thông thạo, người tạo nên thành công cho phương thức phân phối này. Hướng phân phối của Công ty Sodirex cũng tương tự như cách thức những công ty đa cấp tại Việt Nam đang thực hiện, chỉ khác ở mức trả thưởng. Nghĩa là nhà phân phối cá nhân sẽ đóng vai trò chủ lực, thông qua phương thức truyền miệng. Họ kinh doanh và được quyền tạo cho mình một mạng lưới phân phối cấp dưới. Mức trả thưởng tùy theo quy định của mỗi công ty và đương nhiên, những nhà phân phối cấp cao được hưởng hoa hồng từ tổng mức doanh thu trên toàn mạng lưới của mình.
Ông Jonsson, Công ty Sophie Paris Việt Nam, cho biết: “Về bản chất thì mô hình kinh doanh của chúng tôi cũng sẽ tương tự như các công ty bán hàng đa cấp khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi có chế độ trả thưởng cạnh tranh để việc kinh doanh phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn có một lợi thế khác, đó là loạt sản phẩm đa dạng, phù hợp với đối tượng từ người lớn đến trẻ em”. Khi được hỏi “chế độ trả thưởng cạnh tranh” là như thế nào, ông Jonsson đã từ chối trả lời.
Có hay không những mặt trái?
Kinh doanh đa cấp được luật pháp nhiều nước công nhận và ban hành luật quản lý hoạt động này. Ở Việt Nam, luật kinh doanh đa cấp được ban hành ngày 24.8.2005. Ngày 31.3.2010, Hiệp hội Bán hàng Đa cấp đã chính thức được thành lập.
Phương thức bán hàng này đang phải chịu khá nhiều điều tiếng. Từ năm 1998 đến 2005, 13 doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã phải ngừng hoạt động, trong đó có 1 doanh nghiệp (Công ty Sinh Lợi) bị rút giấy phép. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các công ty muốn tham gia vào thị trường này, ông Lasportes, Sodirex, cho biết.
Một số công ty kinh doanh đa cấp đã bị mang tiếng lừa đảo khi thổi phồng chất lượng sản phẩm, thậm chí bắt buộc nhà phân phối phải đóng tiền thế chân hoặc mua một lượng hàng nhất định mà không hề có chế độ đãi ngộ xứng đáng, cũng như các loại bảo hiểm cho người lao động.
Bà Ngọc Hà, Công ty Ngân Hà, cho biết: “Kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực thời trang còn quá mới mẻ và lạ lẫm tại thị trường Việt Nam, vì vậy mọi người vẫn chưa hình dung được hiệu quả của nó. Đối với chúng tôi, kinh doanh đa cấp là mục tiêu nghiêm túc và lâu dài, Công ty hy vọng sẽ sớm thay đổi được hạn chế của hình thức này trong mắt người tiêu dùng”.
Công ty Ngân Hà cũng đặt ra mức trả thưởng cạnh tranh, không yêu cầu nhà phân phối mua bất cứ món hàng nào. Đồng thời, Công ty có nhiều chế độ bảo hiểm y tế (thông qua Tập đoàn Bảo hiểm Gras Savoye Willis của Pháp) cho từng cấp bậc của nhà phân phối. Sophie Paris cũng có chế độ đãi ngộ tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 2 vẫn chỉ mới đặt những bước đầu tiên vào thị trường và chưa thấy có sự thể hiện cụ thể nào về các cam kết vừa nêu.
Nguồn: marketingchienluoc.com