Nhộn nhịp mua bán trên mạng xã hội

Hoạt động kinh doanh hàng trực tuyến trên các nền tảng di động ở Việt Nam đang ngày càng sầm uất.

Thay vì phải lệ thuộc vào các sàn thương mại điện tử, diễn đàn, trang web bán hàng trực tuyến… như trước kia, các chủ cửa hàng trực tuyến (shop online) nay đang dựa dẫm vào các mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Instagram, Pinterest… để tăng cường việc bán hàng. Ngay cả Zalo – một ứng dụng chat – cũng đang “lột xác” trở thành mạng xã hội trên nền tảng di động, một chợ bán hàng online đầy tiềm năng.

“Nhất Phây, nhì Za”

Khi các chủ cửa hàng hoặc chuỗi cửa hàng nhỏ muốn tận dụng từng giây phút để bán hàng thì các kênh có đông người sử dụng như mạng xã hội, đặc biệt là Facebook trở thành điểm ngắm đầu tiên của họ. Họ có rất nhiều lý do trở về Facebook.

Thứ nhất, thời gian bán hàng qua Facebook được kéo dài hơn so với ở các cửa hàng truyền thống. Dù chủ shop online có đóng cửa vào chín giờ tối thì hoạt động xem hàng, đặt hàng trên trang bán hàng vẫn cứ diễn ra thâu đêm suốt sáng.

Thứ hai, qua Facebook sự tương tác, như việc hỏi và đáp giữa người bán và người mua – diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn và bằng nhiều cách thú vị so với ở cửa hàng truyền thống. Tùy vào sự năng động, sáng tạo của mình, người bán hàng thường nghĩ ra những cách bán hàng mới lạ, hấp dẫn… để thu hút sự chú ý của khách hàng Facebook, ví dụ như giới thiệu mẫu quần áo mới bằng cách livestream và có giảm giá bán nhất định cho người xem khi họ nhấn nút thích (like) hoặc chia sẻ thông tin về cuộc livestream cho bạn bè của họ.

M1

Thứ ba, công nghệ bán hàng phụ thuộc rất nhiều vào thói quen, hành vi của người mua hàng. Trong bối cảnh số lượt truy cập vào các trang TMĐT thông qua điện thoại thông minh của người dùng đang chiếm tới 72%, với tỷ lệ mua hàng trên thiết bị này lên tới hơn 50% thì việc bán hàng thông qua các nền tảng di động là điều tất yếu.

Còn theo nhận định của các nhà cung ứng giải pháp thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động bán hàng qua mạng xã hội vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong năm 2019. Theo kết quả khảo sát công bố vào đầu năm 2019 này của Sapo.vn, hơn 80% trong số hơn 5.000 chủ shop online cho biết có kinh doanh trên Facebook, 55% có bán hàng trên Zalo. Facebook có số lượng thành viên lớn nhất, đồng nghĩa với những cơ hội tiếp cận khách hàng hấp dẫn nhất.

Nhớ năm ngoái 2018, VinaResearch trong bản báo cáo nghiên cứu thị trường về thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam ghi nhận mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục là một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam. Ước tính, trung bình mỗi ngày một người trưởng thành (trên 16 tuổi) dành khoảng 2,12 giờ đồng hồ để truy cập mạng xã hội. VinaResearch cũng cho thấy Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, ngoài ra còn có Zalo, YouTube, Instagram và Twitter. “Nhất Phây (Facebook), nhì Za (Zalo)” – nơi hoạt động mua sắm đang rần rần chuyển động, hầu hết cư dân mạng từng ít nhất một lần mua sắm qua Facebook hoặc Zalo.

M2

Vẫn còn nhiều kênh hấp dẫn khác

Kênh bán hàng nào nhiều người mua? Theo các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, đây là một câu hỏi cũng không dễ trả lời vì còn tùy thuộc vào mặt hàng cụ thể, đối tượng khách hàng (độ tuổi, giới tính, thói quen mua sắm…). Tuy nhiên, Facebook hiện vẫn đang là kênh bán hàng ưa thích của số đông chủ thương hiệu đang bán hàng online trên mạng xã hội.

Chỉ cần nhắc tới số lượng người dùng Facebook thì các doanh nghiệp TMĐT, chủ shop bán hàng online bắt buộc phải dốc tiền đầu tư vào kênh bán hàng này. Theo thống kê của Hootsuite và We Are Social, tính đến cuối tháng 3-2018 số lượng người dùng Facebook Việt Nam đạt 58 triệu người, xếp thứ 7 trên thế giới.

Nhưng mạng xã hội hay các nền tảng di động không chỉ có Facebook mà còn có những kênh bán hàng trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest, Instagram, ứng dụng chat di động Zalo… Đây chính là một số mạng xã hội có số lượng chủ shop bán hàng online mở gian hàng, giới thiệu sản phẩm.

Khi dạo quanh một vòng các tài khoản trên mạng xã hội Instagram, người dùng có thể bắt gặp các shop online với nhiều mặt hàng phong phú, như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm, hand-made (sản phẩm thủ công)…

M3

Nhưng, tập trung nhiều nhất trên Instagram và mạng xã hội Pinterest vẫn là các shop bán hàng thời trang với những bộ sưu tập đủ loại. Hỏi ra mới biết, không ít các chủ shop online ở các kênh này đều vừa “di cư shop” từ Facebook sang. Một số chủ shop cho biết, Facebook thường “đỏng đảnh”, hay thay đổi chính sách nên có lúc làm cho số lượng đơn hàng bị giảm xuống do ít lượt tương tác trên trang bán hàng của họ. Vì thế, các chủ shop thay vì phải “đổ tiền” vào quảng cáo Facebook, họ bắt đầu chuyển hướng sang những kênh bán hàng online tương đối dễ dãi hơn và ít cạnh tranh hơn như Instagram.

Zalo cũng thế, đây là ứng dụng tán gẫu (chat) và gọi điện thoại được nhiều người trẻ tuổi sử dụng. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 6 năm nay, Zalo có 46,7 triệu người sử dụng hằng tháng. Do ngày càng được bổ sung thêm nhiều tính năng hữu dụng, Zalo đang từng bước trở thành mạng xã hội trên nền tảng di động, điều này cũng góp phần giúp cho Zalo thu hút đông đảo chủ shop kinh doanh online mở gian hàng trên đây, đặc biệt là những shop muốn bán hàng cho giới trẻ.

Mạng xã hội vừa cho phép thành viên trong mạng lưới chia sẻ tin tức (đăng status) vừa cho họ “tranh thủ” mua hàng hóa, bán hàng, trao đổi thứ còn tốt nhưng không dùng nữa theo một cách thuận mua vừa bán. Mạng xã hội có lý do để trở thành một đối thủ đáng gờm của các sàn TMĐT trong tương lai, đồng thời cũng đặt ra bao sự thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý và thực thi chính sách.

Thói quen mua sắm trên mạng xã hội

Theo thống kê của VinaResearch, có đến 95,8% số người từng mua hàng qua mạng xã hội, trong đó có 31,2% số người mua sắm thường xuyên. Nữ giới mua sắm qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam giới, lượng người mua hàng qua Facebook nhiều gấp 3,2 lần qua Zalo, với tỷ lệ tương ứng là 97,7% và 30,2%. Mặt hàng thời trang được mua sắm nhiều nhất ở Facebook và Zalo, trong đó quần áo được mua sắm nhiều hơn trên mạng xã hội Facebook, còn phụ kiện và nữ trang được mua sắm nhiều hơn ở Zalo.

Có đến 48,1% số người từng mua sắm qua mạng xã hội nói rằng mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết nhưng không cho phép đổi trả hoặc được đổi trả nhưng phải đền bù một mức phí cho người bán.

* Nguồn: Saigon Times

Comments powered by CComment