Được ăn cả...

Trong nền kinh tế truyền thống, Toyota phát triển không có nghĩa Honda bị đè bẹp; Pepsi ăn nên làm ra không có nghĩa Coca-Cola lụn bại - hàng chục, hàng trăm hãng sản xuất ô tô hay nước ngọt vẫn cùng tồn tại. Thế nhưng trong nền kinh tế kỹ thuật số, dường như đang có hiện tượng “được ăn cả, ngã về không” hiểu theo nghĩa thị trường cuối cùng chỉ chấp nhận một hai tay chơi thâu tóm hết chứ không thể dung nạp hàng loạt doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại hình dịch vụ nào đó.

Chỉ nhờ có lượng người dùng đông đảo mà Facebook được định giá tới 300 tỉ đô la, cao hơn cả tập đoàn GE lâu đời. Ảnh minh họa, internet

fb

Miêu tả hiện tượng này, tờ New Yorker cho rằng sản phẩm và thị trường kỹ thuật số thường đi qua ba giai đoạn: một ai đó nghĩ ra một ý tưởng, một sản phẩm hay một công nghệ hay ho nào đó; hàng chục nơi bắt chước ra đời, vốn mạo hiểm rót vào các cuộc khởi nghiệp này; và cuối cùng hầu hết đều bị tiêu vong trong thời gian ngắn, chỉ còn lại một hai nơi trụ lại và phát triển. Hầu như thị trường trên mạng không có tính cạnh tranh thường thấy ở thị trường truyền thống.

Lấy ví dụ Google, khi ra đời vào năm 1998 thì Yahoo đang thống lĩnh thị trường tìm kiếm thông tin, các đối thủ cạnh tranh như Infoseek, Lycos, Excite rớt lại đằng sau thật xa. Muốn tồn tại Google phải làm một cái gì khác hẳn Yahoo và chính hai người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã làm được điều này. Họ tạo ra bộ máy tìm kiếm thông tin liên tục cập nhật ngang bằng với tốc độ phát triển của mạng Internet. Họ tự xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ cho việc tìm kiếm này kể cả đặt các máy chủ ở khắp nơi.

Cùng xuất hiện với Google lúc đó còn có Simpli, Dogpile, Northern Light hay Direct Hit nhưng chỉ có Google thành công nhờ liên tục đầu tư vào hạ tầng để đưa ra cho người dùng kết quả tốt nhất. Và như một vòng khép kín, càng có nhiều người dùng, Google càng phát triển mạnh, họ càng cung cấp thông tin Google càng làm chỉ mục chi tiết hơn, tìm thông tin nhanh hơn, chính xác hơn đối thủ. Đến khi “bụi đường lắng xuống”, chỉ còn mình Google ngự trị ở vị trí dẫn đầu công nghệ tìm kiếm thông tin, bỏ xa các đối thủ khác mà hầu như cũng chẳng còn mấy ai trụ lại được.

Tờ New Yorker cho rằng cộng với cái gọi là “hiệu ứng mạng” thì hiện tượng một mình một chợ rất dễ xảy ra. Hiệu ứng mạng xuất hiện khi giá trị một sản phẩm hay một dịch vụ tăng lên cùng với số lượng người dùng. Nhà phát minh Ethernet, Bob Metcalfe gọi đó là quy luật Metcalfe. Các ví dụ điển hình của hiệu ứng mạng là eBay hay Skype hay Facebook - càng nhiều người dùng Skype thì càng thu hút người mới tham gia bởi có như thế họ mới liên lạc được với người thân hay bạn bè. Những dịch vụ tương tự ra đời sau, dù có hay ho hơn cũng khó thu hút người dùng vì dùng nó với ai đây?

Hiệu ứng mạng càng mạnh hơn nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và cộng hết mọi yếu tố ở trên lại, chúng ta có Facebook, đã phát triển từ 200 triệu người dùng lên 1,2 tỷ người dùng trong vòng bảy năm qua, chính là nhờ điện thoại di động và hiệu ứng mạng. Rõ ràng Facebook là sản phẩm của người dùng bởi họ càng cung cấp thông tin lên Facebook thì nó càng thu hút người khác vào tham gia - thử nghĩ làm sao một mạng xã hội khác, ra đời sau có thể cạnh tranh nổi nếu chỉ dựa vào các yếu tố đang có của Facebook.

Uber cũng vậy. Nếu mở ứng dụng lên, thấy có xe ngay, chắc chắn lần sau bạn sẽ dùng nó. Một dịch vụ khác, tài xế ít, làm sao hấp dẫn bằng.

Từ đó những người có ý tưởng mới đều đi theo con đường: tìm mọi cách để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, dùng nó để tạo ra lợi thế cạnh tranh, bất kể lời lỗ. Ví dụ vì Uber thu hút được chừng 12 tỉ đô la vốn đầu tư nên nó mới có tiền mạnh tay chi để Uber có mặt khắp nơi trên thế giới với ý muốn càng có nhiều Uber trên đường phố, người ta càng muốn dùng Uber chứ không nghĩ đến một dịch vụ tương tự nào khác.

Trong ngành bán lẻ qua mạng Amazon lấn lướt hết mọi đối thủ cạnh tranh. Trong lĩnh vực phần mềm văn phòng, Microsoft vẫn thống trị. Trong hoạt động cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hai công ty hàng đầu là Amazon và Azure của Microsoft.

Tờ New Yorker không nói đến một thực tế rất quan trọng từ hiện tượng “được ăn cả” này. Đó là các công ty mang danh hàng đầu này không làm ra lãi bao nhiêu cả hoặc lãi không tương xứng với các khoản đầu tư rót vào chúng. Giá trị thị trường của chúng cũng bị đẩy vọt lên trời mặc dù giá trị sổ sách thì không đáng kể. Thử hỏi trong tay Uber có gì mà được định giá đến 40 tỉ đô la, hay Facebook có thị giá đến 300 tỉ đô la, cao hơn cả tập đoàn GE lâu đời.

Từ đó mới nảy sinh quan niệm phát triển doanh nghiệp rất... thiếu bền vững. Đó là các tay khởi nghiệp chỉ chăm chăm làm sao nâng giá trị thị trường của doanh nghiệp bằng đủ mọi cách chứ không quan tâm đến lợi nhuận hay các giá trị mang tính lâu dài khác. Bởi có như vậy họ mới bán được doanh nghiệp và trở thành triệu phú hay tỉ phú qua đêm. Không biết nền kinh tế toàn cầu chịu cách phát triển này được bao lâu trước khi tất cả trở thành bong bóng khổng lồ và vỡ tung.

Nguyễn Vũ (Theo TBKTSG)

Comments powered by CComment