tgqt1-1

Với chi phí thấp hơn nhiều so với ra nước ngoài tham gia các hội chợ hàng xuất nhập khẩu, hoặc thuê đối tác nước ngoài quảng bá sản phẩm, dịch vu, hay mở văn phòng đại diện tại các nước đó, internet đang mở ra một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp  xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để tối ưu được hiệu quả này, DN cần thực hiện các bước sau:

Quốc tế hóa trang web

Trang web giờ đây là bộ mặt của DN bạn, nó được xem như văn phòng đại diện của DN. Nếu khách hàng tiềm năng không thể hiểu được thông tin bạn cung cấp, hoặc không tìm thấy thông tin mà họ cần thì bạn sẽ mất cơ hội kinh doanh.

Theo một nghiên cứu, người dùng thường chỉ mất 3 giây để quyết định xem mình có dừng lại trên một trang web hay không. Bạn cần phải có một trang web thể hiện nội dung tốt với thông tin đầy đủ, rõ ràng và viết bằng nhiều ngôn ngữ.

Tiếng Anh được xem là phổ biến, nhưng bạn cũng nên sử dụng các ngôn ngữ địa phương của khách hàng tại khu vực mà bạn nhắm tới. Ví dụ, bạn đang hướng đến khách hàng ở Brazil thì phải dùng tiếng Bồ Đào Nha Brazil thay vì tiếng Bồ Đào Nha nói chung.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải xem xét các vấn đề liên quan đến sự khác biệt trong ngôn ngữ, văn hóa như:

- Từ địa phương: một số quốc gia nói tiếng Anh dùng “cell phone” thay vì “mobile phone”.

- Đơn vị đo lường: một số quốc gia dùng đơn vị kilogram, còn một số khác dùng pound.

- Đơn vị tiền tệ: thể hiện giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn theo đơn vị tiền tệ tại thị trường mục tiêu.

Các dịch vụ mà bạn có thể cung cấp cũng là vấn đề khá nhiều khách hàng quan tâm. Ví dụ, làm sao để nhanh chóng nhận được những thắc mắc của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của bạn, và làm thế nào để họ nhận được câu trả lời ngay lập tức?

Cái bạn cần là một dịch vụ hỗ trợ khách hàng ngay trên website, hỗ trợ trực tuyến qua tán gẫu (chat), email, điện thoại, hoặc ít nhất cũng nêu rõ trên website thời gian làm việc và cách liên hệ với DN bạn.

Bên cạnh đó, bạn cần phải cung cấp phương thức thanh toán thuận tiện và được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, như: PayPal, VisaCard, MasterCard.

Đây là một trong những nhân tố quyết định khách hàng có đặt mua sản phẩm của bạn hay không. Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp ngoại lệ, ví dụ như khách hàng của bạn đến từ các nước Đông Nam Á với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng khá thấp, vì vậy bạn phải sử dụng thêm một số hình thức thanh toán khác, như chuyển khoản ngân hàng chẳng hạn.

Quốc tế hóa website là một trong những bước quan trọng để bạn có thể thu hút khách hàng đến với sản phẩm/dịch vụ của mình.

Tìm kiếm nhu cầu

Sau khi có một website hoàn chỉnh với đầy đủ thông tin và dịch vụ cần thiết, xem như bạn đã xây dựng xong “gian hàng” của mình. Vấn đề kế tiếp bạn cần quan tâm là “chào hàng” đúng đối tượng có nhu cầu. Vậy, làm thế nào để những người có nhu cầu tìm được “gian hàng” của bạn trên internet?

Rất nhiều người nghĩ internet là một thế giới phức tạp và mỗi cá nhân trong thế giới đó sẽ có cách tìm kiếm thông tin khác nhau. Nhưng trên thực tế, 81% người dùng trên toàn thế giới truy cập internet qua một công cụ tìm kiếm nào đó. Chúng ta có thể ví các công cụ tìm kiếm như những cánh cửa mở vào thế giới thông tin internet.

Có một lưu ý là bất kỳ người dùng nào khi sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm thông tin cũng đều cho thấy cái họ đang cần. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào thông qua công cụ tìm kiếm bạn có thể biết được những ai đang có nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ của bạn? Một công cụ miễn phí của Google là Google Insights for Search (GIFS) có thể giúp bạn.

Công cụ này cung cấp thống kê toàn bộ lượng tìm kiếm trên Google đến từ các vùng, miền khác nhau, bằng các ngôn ngữ khác nhau. Đi sâu hơn nữa, GIFS không chỉ thể hiện nhu cầu tìm kiếm theo thời gian, theo từng nước, mà còn thể hiện nhu cầu của từng khu vực.

Qua đó, bạn có thể biết được lượng tìm kiếm liên quan đến một từ khóa, sản phẩm/dịch vụ, hay một thương hiệu, từ đó có thể khoanh vùng đối tượng có nhu cầu. Không chỉ đưa ra xu hướng, GIFS còn được xem là thước đo thương hiệu trên internet.

Một sản phẩm có lượng tìm kiếm lớn nghĩa là có nhiều người quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm đó. Tóm lại, GIFS giúp bạn xác định được nhu cầu của người dùng và độ cạnh tranh về mặt sản phẩm/dịch vụ mà mình cung cấp ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể mở rộng ra các lĩnh vực, chủ đề liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của DN bạn? Một công cụ khác, cũng miễn phí của Google là Keyword Tool sẽ đưa ra các gợi ý về các từ khóa liên quan. Qua đó, bạn có thể mở rộng nhu cầu, đối tượng khách hàng tiềm năng.

Tiếp cận các đối tượng đang có nhu cầu

Còn gì thuận tiện hơn khi người dùng đang có nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ của bạn thấy ngay “gian hàng” của bạn trên trang đầu kết quả tìm kiếm? Bạn sẽ có một tỷ lệ chuyển đổi khách hàng lớn hơn nhiều so với khi dùng các phương pháp tiếp thị truyền thống.

Google là một trong những công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Thực hiện quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Google, DN xuất khẩu Việt Nam có thể quyết định cho mẫu quảng cáo xuất hiện chính xác tại từng quốc gia, hoặc từng vùng mục tiêu trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Google còn có một mạng lưới hiển thị quảng cáo trên toàn cầu, tiếp cận được nhiều người dùng hơn bất kỳ mạng lưới nào khác. Mạng hiển thị này bao gồm các sản phẩm của Google như: Gmail, Group và YouTube; một số trang tin tức phổ biến của Mỹ như WSJ, hoặc các trang mạng xã hội Facebook, Myspace, Friendster và Linkedln cùng các website, blog, diễn đàn xoay quanh các chủ đề nhất định.

Về quy mô, mạng quảng cáo hiển thị của Google thu hút 4,3 tỷ lượt xem mỗi ngày và 705 triệu người truy cập mỗi tháng.

Đo lường và cải tiến để tối ưu hóa cho các lần sau

Một khi đã chạy quảng cáo trên Google, cần phải nắm các thông tin và dữ liệu để đưa ra quyết định tiếp theo nên làm điều gì và khi nào thì làm. Một công cụ phân tích web là rất cần thiết trong trường hợp này để giúp bạn có được những thông tin đáng tin cậy một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Công cụ này sẽ cho chúng ta biết khách hàng đến từ đâu, số lượng bao nhiêu, lưu lại trên trang web trong bao lâu (thời gian càng lâu có nghĩa họ quan tâm càng nhiều), sản phẩm nào được quan tâm nhất, bao nhiêu người mua hàng, bao nhiêu khách hàng thường xuyên, tỷ lệ thoát là bao nhiêu...

Dựa trên các thông số này chúng ta sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, những khách hàng đến từ Ý vào website của chúng ta rất nhiều, nhưng tỷ lệ thoát ngay cũng rất cao.

Điều này được hiểu là nhiều người Ý cũng có nhu cầu mua sản phẩm của chúng ta, nhưng vì website chưa có tiếng Ý nên mới dẫn đến tỷ lệ thoát ngay cao hơn bình thường. Từ đó chúng ta có thể đưa ra giải pháp là làm phiên bản tiếng Ý cho website để nắm bắt được cơ hội từ thị trường này.

Theo DNSG

Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu