Những clip quảng cáo kiểu siêu tưởng giúp hàng hóa bán chạy những cũng dẫn đến nhiều chuyện bi hài.Cậu bé uống xong hộp sữa vụt biến thành siêu nhân, cô gái mặt sần sùi xoa một lớp kem mỏng, da mặt trở nên trắng mịn..., những clip quảng cáo kiểu siêu tưởng giúp hàng hóa bán chạy những cũng dẫn đến nhiều chuyện bi hài.
Sở hữu làn da xỉn màu, chị Hải Anh, nhân viên của một công ty truyền thông luôn cảm thấy mất tự tin. Xem tivi, chị thấy quảng cáo về sản phẩm y như thần dược. Trong đó, một cô gái da sạm đen, sau khi thoa kem dưỡng bỗng trở nên xinh đẹp với da trắng, mịn màng. Clip giới thiệu còn ghi rõ là tác dụng sau 7 ngày sử dụng.
Ước ao có được khuôn mặt trắng trẻo từ lâu nên chị Hải Anh quyết định mua sản phẩm trong quảng cáo về dùng thử. Nào ngờ cả tháng kiên trì sử dụng đúng như hướng dẫn mà vẫn chẳng cải thiện được chút nào. "Đúng là, quảng cáo cũng chỉ là quảng cáo thôi, người ta bảo: đẹp từ trứng nước, quả chẳng sai", chị Hải Anh nói.
Quỳnh, học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long, Hà Nội còn rơi vào tình cảnh đáng thương hơn từ việc tin vào những quảng cáo phóng đại. Bước vào tuổi dậy thì, da mặt Quỳnh bỗng nổi nhiều mụn. Trong lúc lo lắng, cô gái này xem tivi, thấy quảng cáo về loại kem trị mụn mà chỉ cần bôi một chút là mụn xẹp xuống ngay.
Hứng khởi, Quỳnh mua về dùng. Hai tuần sau, các nốt mụn vẫn còn nguyên, da mặt thậm chí còn hơi đỏ. Cho rằng mình chưa làm đúng cách, Quỳnh tiết kiệm tiền ăn sáng mua cả bộ sản phẩm đó bao gồm cả xịt dưỡng, sữa rửa mặt tạo bọt, kem ban ngày, ban đêm. Nào ngờ, sau cả quá trình, các nốt mụn vẫn kiên quyết ngự trị.
Đến lúc đi khám, cô nữ sinh được bác sỹ tư vấn là làn da đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nội tiết, khí hậu, tinh thần. Nếu chỉ thoa kem mà không uống nhiều nước, ăn đủ chất, bổ sung vitamin thì cô bôi bất kỳ loại kem nào cũng không bao giờ có được làn da láng mịn như diễn viên. Chưa kể, việc Quỳnh tiết kiệm tiền ăn sáng để mua kem còn khiến cơ thể cô không đủ chất dinh dưỡng, làn da vì thế mà xấu đi.
Việc những quảng cáo quá mức so với thực tế khiến không ít người tiêu dùng phàn nàn. Sau lần làm trắng da không thành công, chị Hải Anh mất niềm tin vào sản phẩm và nhãn hiệu đó. "Ai cũng hiểu quảng cáo là phải bắt mắt nhưng quá xa với thực tế, người mua dùng không thấy như giới thiệu thì mất lòng tin lắm", chị Hải Anh nói.
Chị cho biết thêm, hiện nay trên truyền hình đã có rất nhiều clip quảng cáo đề rõ "Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa" hay "Sản phẩm không dùng thay thế cho... thuốc chữa bệnh". Điều đó, lúc đầu có thể khiến giảm sức hút nhưng về lâu dài thì không gây sốc và làm đảo lộn lòng tin của người tiêu dùng.
Trong khi đó, chị Hoàng Vy, sống ở Thái Thịnh, Hà Nội lại thích thú khi nhờ quảng cáo với những kết quả phóng đại mà cậu con trai 5 tuổi của chịu uống sữa. Bình thường con chị rất ghét uống sữa, nhưng từ khi cháu xem đoạn quảng cáo cậu bé uống sữa xong biến thành siêu nhân thì mọi chuyện thay đổi. "Tôi chẳng cần dỗ dành, cứ nói uống để lớn như siêu nhân nào là cháu uống ngay", chị Vy nói.
Chị Hương Ly, chuyên kinh doanh mặt hàng thực phẩm cho rằng đã là quảng cáo thì doanh nghiệp luôn tìm những mỹ từ để gắn vào hàng hóa đó để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. "Tuy nhiên, trên thực tế, không có bất cứ loại đồ ăn, thức uống hay loại mỹ phẩm nào hôm nay dùng, ngày mai có tác dụng mà cần có thời gian", chị Ly nói.
Vì thế, khi tư vấn cho khách, chị Ly bao giờ cũng khuyến cáo nên dùng sản phẩm đều đặn, kết hợp với luyện tập thể thao. Bởi một cơ thể khỏe mạnh cần được thường xuyên luyện tập chứ không có bất cứ một loại đồ ăn thức uống nào có thể thay thế được. "Bên cạnh đó, một làn da đẹp cũng cần được nuôi dưỡng từ bên trong chứ không xuất phát từ bên ngoài", chị Hương Ly nhấn mạnh.
Trong khi đó, những đề của quảng cáo cũng rất nóng tại Quốc hội, nhất là khi thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo. Cũng bởi những tác động nhiều chiều đến người xem mà đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo. Theo đó, người tiếp nhận quảng cáo được quyền bồi thường thiệt hại do quảng cáo gây ra.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng thực tế, người tiêu dùng rất khó xác định được thiệt hại mà mình gặp phải. Chưa kể, để đòi được tiền bồi thường, khách hàng phải làm rất nhiều thủ tục, trình tự để thẩm định độ thiệt hại nên quy định này rất khó thực thi.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về quy định bổ sung "cấm quảng cáo gây nhầm lẫn cho công chúng". Một đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Điều này dẫn đến hiệu quả khi dùng sản phẩm, bệnh trầm trọng thêm, gây thiệt hại về sức khỏe một cách gián tiếp.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng rất nhiều sản phẩm vừa quảng cáo hôm trước với các từ hoa mỹ thậm chí là nâng tầm giá trị lên mức siêu nhiên. Thế nhưng, hôm sau, cơ quan chức năng lại phát hiện sai phạm vì sản phẩm gian dối hoặc là hàng kém chất lượng. Do vậy, việc hậu kiểm đối với cơ quan quản lý là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Hồng Anh – Xuân Ngọc
VnExpress