Với việc phát triển như vũ bão của CNTT ngày nay, các phương thức tiếp thị sẽ được vận hành khác xa so với những năm đầu trong thế kỷ XXI. Nhiệm vụ cấp bách của những người làm marketing (marketer) là cần phải thích nghi như thế nào để tồn tại và phát triển trong thời đại mà thương mại điện tử phát triển rất nhanh.
Những thay đổi do cách mạng kỹ thuật số mang lại
Mặc dù Internet đã ra đời vào những năm 1960 nhưng mãi cho đến những năm 1990 mạng Internet mới được sử dụng cho mục đích thương mại. Internet được xem là công cụ đắc lực, kinh tế nhất trong xây dựng và thực thi chiến lược marketing của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược marketing online đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu cụ thể cho từng thời đoạn phát triển. Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của con người về không gian, thời gian và cả khối lượng. Thế hệ tiếp theo của “thời đại công nghiệp” là nền “kinh tế thông tin” sẽ dần xâm nhập và làm thay đổi hầu hết mọi khía cạnh đời sống thường nhật. Một công ty không cần chiếm giữ nhiều không gian, nó không cần quá lớn nhưng có mặt khắp mọi nơi. Các thông điệp có thể gửi đi và tiếp nhận đồng thời một cách nhanh chóng.
Ngày nay, có hàng tỷ người trên thế giới kết nối Internet, hàng triệu tên miền (domain) được ghi nhận. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet đã đạt 52% dân số cả nước. Cứ mỗi 1000 người dân thì có 401 thuê bao Internet. Nếu như khối lượng giao dịch thương mại điện tử trên toàn thế giới vào năm 1998 là 20 tỷ USD thì chỉ sau 2 năm con số này đã tăng lên theo cấp số nhân, đạt 327 tỷ USD. Theo sau Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á đang trở thành một trung tâm thương mại điện tử năng động. Với mức độ mua sắm trực tuyến hiện chỉ khoảng 1% tổng giá trị thị trường bán lẻ, nhưng Đông Nam Á với 600 triệu dân (gấp đôi dân số của Mỹ) đang trên đường trở thành thị trường thương mại điện tử lớn hàng thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, chỉ sau 4 đến 5 năm nữa, chắc chắn thị trường thương mại điện điện tử khu vực Đông Nam Á sẽ qua mặt cả thị trường Mỹ.
Tính ưu việt của marketing điện tử
Ngày nay, các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau và kết nối với khách hàng trong mạng lưới gần như không biên giới. Người bán sẽ nhận diện khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn. Ngược lại, người mua hàng cũng dễ dàng nhận diện được nhà cung cấp cũng như sản phẩm mà họ sẽ mua. Thời gian và không gian chính là rào cản trong thương mại truyền thống, nó là nguồn gốc của chi phí phát sinh lớn. Điều này sẽ dần được rút giảm do lợi ích từ marketing điện tử mang lại. Các nhà tiếp thị cần phải tư duy lại các quy trình nhận diện, giao tiếp và chuyển giá trị đến cho khách hàng. Họ cần phải kéo khách hàng của mình cùng tham gia vào việc thiết kế ra các sản phẩm mà họ mong muốn. Marketing điện tử mang lại nhiều lợi ích thấy rõ cho doanh nghiệp, những lợi ích cơ bản mà nó mang lại là:
1. Hỗ trợ tiêu dùng. Đây là một trong những ưu điểm quan trọng của marketing điện tử mà cho tới nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú ý tới. Hiện nay, hỗ trợ tiêu dùng chỉ mới dừng lại ở dạng sơ khai dưới hình thức các câu hỏi của khách hàng thường hỏi (Frequent asked questions – FAQs). Những hình thức hỗ trợ tiêu dùng cho khách hàng như: e-mail trả lời tự động, thông tin cập nhật, diễn đàn người tiêu dùng,... chưa được các doanh nghiệp nói chung và những marketer nói riêng áp dụng phổ biến.
2. Điều tra thị trường. Internet mang lại hiệu quả cao trong nghiên cứu thị trường thông qua xây dựng hệ thống dữ liệu của khách hàng luôn được cập nhật và đầy đủ. Nó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp cũng như tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Đặc biệt, điều tra thị trường qua mạng có độ tin cậy cao do nó được kiểm tra chặc chẽ bằng cách kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
3. Theo giỏi hành vi người tiêu dùng. Một chiếc máy chủ có thể cho phép marketer theo dõi từng động thái của khách hàng, kể cả khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng, truy cập vào trang web của doanh nghiệp như: chọn mua những sản phẩm gì, thời gian và số lần truy cập, quan tâm (chưa mua) những nhóm sản phẩm nào,... Thông tin này cho phép marketer giới thiệu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân và từng nhóm khách hàng.
Những thay đổi trong hành vi mua – bán
Về phía người mua, khách hàng sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và đặt mua sản phẩm. Họ dễ dàng tìm đọc các mẫu quảng cáo trên webiste của doanh nghiệp. Ngoài ra, khách hàng còn có thể truy cập website của những người cung cấp thông tin trung gian để tìm thông tin về sản phẩm để có được sự so sánh. Hơn nữa, họ có thể nhận được những mẫu quảng cáo và các chương trình khuyến mãi theo yêu cầu.
Về phía người bán, các doanh nghiệp có thói quen tiến hành việc mua bán thông qua bộ phận cung ứng chuyên nghiệp để có giá tốt nhất. Các nhà cung ứng có thêm nhiều công cụ tìm kiếm trong thời đại công nghệ để nâng cao năng lực mua sắm của mình. Họ dễ dàng tìm ra các nhà cung cấp tốt nhất và kiểm tra mức độ tin cậy, lai lịch của các công ty.
Người tiêu dùng ngày nay có nhiều cách để tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ hơn so với trước đây. Cuộc cạnh tranh giữa những kênh bán hàng ngày càng khốc liệt. Các kênh bán hàng điện tử sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế hơn so với các kênh của cửa hàng bán lẻ. Có năm kênh bán hàng chính thức sau đây: Cửa hàng bán lẻ; Bán hàng qua catalog; Bán hàng qua truyền hình; Bán hàng trực tiếp; Bán hàng qua trung gian điện tử.
Nhiệm vụ của marketing điện tử
Các doanh nghiệp ngày nay cần phải làm gì để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận trong thời đại công nghệ. Những nguyên tắc mà doanh nghiệp cần thực hiện sau đây:
1. Xây dựng và quản lý hiệu quả một cơ sở dữ liệu (database) khách hàng. Khách hàng ngày càng khan hiếm do áp lực cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ. Doanh nghiệp có được một cơ sở dữ liệu phong phú sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Doanh nghiệp phải nắm được tên tuổi và càng nhiều thông tin về khách hàng càng tốt. Trên cơ sở dữ liệu về khách hàng, những marketer có thể gửi hàng triệu e-mail với chỉ một thao tác click chuột, hoặc có thể sử dụng chương trình tự động gửi e-mail cho từng nhóm khách hàng hay từng khách hàng cá nhân với những nội dung phù hợp.
2. Tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh của Internet. Trang web của doanh nghiệp cần phải bắt mắt, hấp dẫn, hợp lý và luôn cập nhật (update) nếu muốn thu hút được nhiều khách hàng tìm năng là người truy cập. Các trang web cần phải được xây dựng sao cho thật tiện ích, thêm nhiều giá trị gia tăng, ... ví dụ liệt kê các địa điểm đặt máy ATM, các đại lý vé máy bay hay hệ thống khách sạn, nhà hàng,...
3. Đưa các mẫu quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp lên các trang web có liên quan. Doanh nghiệp cần xem xét, tìm hiểu những website nào mà khách hàng tìm năng chắc chắn sẽ truy cập để đưa những mẫu quảng cáo của công ty lên các website đó và tất nhiên là công ty phải trả phí quảng cáo cho các website đó.
4. Dễ dàng tiếp cận và phản hồi nhanh các yêu của khách hàng. Các khách hàng thường có yêu cầu cao đối với sự phản hồi nhanh và đầy đủ của các doanh nghiệp về những thắc mắc của họ. Nếu doanh nghiệp thiết lập liên lạc bằng thư điện tử (e-mail) trực tiếp trên website mà chưa sẵn sàng cho việc phản hồi một cách đầy đủ mọi thắc mắc của khách hàng thì điều đó sẽ phản tác dụng.
ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG
(Theo Báo Dân Sinh)