PR là tay trái của doanh nghiệp, Marketing là tay phải. Có rất nhiều điều có thể áp dụng liên thông. Và trong danh sách những nghề “đau đầu” nhất thế giới luôn xuất hiện chữ PR – Truyền thông. Dưới đây, Thành xin chia sẻ những suy nghĩ và quan niệm về nghề này, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn đang băn khoăn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Hãy vững tin!

Làm nghề PR cần những gì? (5 chữ P của PR)

Pressure - Sức ép là từ luôn luôn xuất hiện trong từ điển của mỗi người hành nghề PR. Sức ép từ khách hàng, nếu bạn làm agency; sức ép từ lãnh đạo, nếu bạn làm in house; sức ép từ đối thủ cạnh tranh (và thậm chí đồng nghiệp) làm sao để mình luôn sáng tạo, luôn có sức khoẻ tốt, luôn minh mẫn, luôn theo kịp những xu hướng mới nhất trong khi đó lại phải có background văn hoá tốt,... Pressure - Sức ép xuất hiện một cách tự nhiên như không khí bạn hít thở khi “trót” chọn nghề này.

Cái giữ bạn từ năm này qua năm khác, khó khăn này qua khó khăn khác ở lại với nghề sẽ là cái – xưa như trái đất – Passion - Đam mê. Đam mê là cái ám ảnh bạn ngay cả khi bạn không muốn nghĩ đến nó; đam mê là cái nếu không thực hiện được bạn sẽ không chịu được; đam mê là động lực níu giữ ta lại với nghề này.

5 nguyên tắc của nghề PR

pr

Professional - Tính chuyên nghiệp

Với khách hàng, với chủ đầu tư: kết quả cuối cùng nói lên tất cả. Hãy giao cho họ cái bạn đã hứa với họ. Một bản kế hoạch được hứa gửi vào lúc 5h chiều hãy gửi cho họ trước lúc ấy kể cả bạn phải thức nhiều đêm trước đó mà vẫn phải làm nhiều việc khác cùng lúc. Không có lý do nào là chính đáng, cũng không có lời xin lỗi nào có thể biện minh cho sự chậm chễ hay chất lượng kém của bản kế hoạch.

Perfectionist - Đam mê sự hoàn hảo

Chi tiết làm nên đẳng cấp. Những lỗi làm dù nhỏ nhất cũng không được phép bỏ qua nếu bạn biết rằng điều ấy tồn tại. Một dấu phẩy, dấu chấm bỏ sai chỗ; một cái ngoặc kép bị bỏ quên trước 1 lời trích dẫn; viết hoa tràn lan; những status facebook dài dòng không một dấu chấm câu,...tất cả đều có thể dẫn đến một thảm hoạ. Một sản phẩm tốt trước hết nó phải tốt với yêu cầu nghiêm ngặt nhất từ chính bạn.

Pertinent - Chính đáng

Nguyên tắc của việc đưa thông tin đó là ĐÚNG - ĐỦ - ĐÁNG. Thông tin bạn đưa ra phải xứng đáng được nêu lên, phải có ích cho người đọc, người nghe, người xem. Nếu không tôn trọng nguyên tắc này, sẽ có vô số những bài quảng cáo nhạt thếch với những thông tin chỉ dành cho người duyệt đọc còn bài báo thì đi thẳng vào sọt rác vì không mang lại thông tin hay lợi ích gì cho công chúng mục tiêu.

Patient - Kiên nhẫn

Mọi kế hoạch, lời nói không được tính toán hoặc xuất hiện sai thời điểm đều không mang lại hiệu ứng mong muốn, làm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Một phản ứng thái quá, thiếu kiểm soát cũng có thể gây hại cho công việc kinh doanh. Một quyết định nôn nóng cũng sẽ làm mất thế và lực của công ty trong một cuộc đàm phán.

Persistent - Kiên trì

Nghề PR cũng như bất kì nghề nào khác đều có những mặt tích cực và mặt trái của nó. Nhịp làm việc dồn dập lúc kéo dài lúc co cụm với cường độ cao như cây đàn accordeon với những yêu cầu di chuyển hoặc báo cáo liên tục dễ làm bạn nản lòng. KIÊN TRÌ sẽ giúp bạn có đủ năng lực và kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề gặp phải và vươn lên những đỉnh cao mới.

Vậy nghề PR yêu cầu gì ở bạn?

nghề pr

5 kỹ năng cần có của người PR: Biết đọc - Biết viết - Biết nghe - Biết nói và Biết đi.

Biết đọc

Hãy nói cho tôi bạn đọc gì, tôi sẽ nói bạn là ai! PR là một môn nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự khổ luyện và một phông nền văn hoá dày dặn. Không đọc, không thể có kiến thức sâu rộng. Không tích cóp, không thể có một phông văn hoá dày. Thời đại số cho phép kiến thức lưu hành với tốc độ nhanh và khối lượng không hạn chế. Người BIẾT ĐỌC là người biết chọn lọc thông tin cần thiết cho nghề của mình. Biết follow những ai trên facebook, twitter, youtube. Biết trở thành thành viên của các nhóm chuyên môn trên mạng để cập nhật những thông tin mới nhất, tranh luận với các chuyên gia. Biết tìm đọc những cuốn sách, nghiên cứu có giá trị về ngành nghề của mình. Đây là một công việc thường xuyên và liên tục.

Biết viết

Không thể biết viết nếu như không biết đọc. Công thức 5W1H tuy đã có từ lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Hãy làm sao để một người không cần gặp bạn vẫn hiểu được bạn định nói gì qua bài viết, proposal của bạn. Với người làm PR trong thời thế giới phẳng, tiếng Anh là một điều bắt buộc.

Biết nghe

Là khả năng nắm bắt ý định của người đối thoại. Hiểu được họ muốn gì, muốn nghe gì, muốn nói gì. Điều này đòi hỏi người PR phải làm công việc điều tra thị trường, hiểu về lĩnh vực mình trao đổi. Ngôn ngữ không chỉ bao gồm ngôn từ mà còn bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể.

Biết nói

Là khả năng diễn đạt rành rọt (sau là hấp dẫn) điều mình muốn thể hiện trên bản proposal. Kỹ năng này đòi hỏi người PR phải nắm được các yêu cầu của việc nói trước công chúng, tư duy mindmap để không đi lạc trong bài phát biểu của mình, khả năng nắm bắt mức độ chú ý của người đối diện.

Biết đi

Là khả năng săn tìm những thông tin về các hoạt động thú vị trong ngành có thể hoặc giúp bạn tăng cường kiến thức chuyên môn hoặc kiến thức xã hội hoặc có cơ hội tiếp xúc với đồng nghiệp, khách hàng tương lai. Facebook và các mạng xã hội khác đủ thông minh và được tổ chức đủ tốt để có thể giúp bạn không bỏ lỡ những event thú vị của ngành.

Nói đến đây, bạn sẽ bảo tôi đang vẽ nên chân dung của một siêu nhân nhưng có lẽ nghề pr chuyên nghiệp đòi hỏi chúng ta những điều đó. Bạn có thể đang có tất cả nhưng có thể cũng đang thiếu một số kỹ năng nào đó. Note này chỉ nhằm mục tiêu cùng nhắc nhớ về những yêu cầu của nghề PR mà thôi.

Chúc các bạn thành công!

Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Elite PR School

Theo BrandsVietnam 

Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu