Từ thương hiệu cá nhân đến thương hiệu nhãn hàng

Với lợi thế là độ phủ sóng, tầm ảnh hưởng lớn trên truyền thông, mạng xã hội, cộng với một chiến lược kinh doanh bài bản, không ít thương hiệu từ Influencer đã gặt hái được nhiều thành công. Có thể nói, các thương hiệu này hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trên thị trường, và góp phần tạo ra một xu hướng mới: Thời của thương hiệu từ Influencer.

Giả sử, nếu bạn là một nghệ sĩ hạng A nổi tiếng, được nhiều người yêu mến và sở hữu một kênh truyền thông có hơn 1 triệu lượt theo dõi, bạn có thể kinh doanh gì?

Ngày nay, việc người nổi tiếng sở hữu một thương hiệu cá nhân không quá xa lạ. Trên thế giới, nhiều thương hiệu như PEACEMINUSION của G-Dragon, thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty của ca sĩ Rihanna, EM Cosmestic của “phù thuỷ trang điểm” Michelle Phan... đã đạt được thành công lớn. Tại Việt Nam, thương hiệu mỹ phẩm M.O.I của Hồ Ngọc Hà, Sam của diễn viên Sam, Ofélia của beauty blogger Chang Makeup, hay bánh mì Pew Pew của streamer cùng tên... cũng là những cái tên được người tiêu dùng trẻ yêu thích.

Những thương hiệu này được nhiều người biết đến nhanh chóng, có độ phủ sóng cao trên mạng xã hội, nhờ vào độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng của nhà sáng lập/ đồng sáng lập thương hiệu – những Influencer. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu này cũng chứng minh rằng, thời đại số tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho những ai biết tận dụng sức mạnh của tính kết nối do mạng xã hội và công nghệ đem lại.

Thời đại sản xuất “phẳng” giúp khâu tạo ra sản phẩm dễ dàng hơn

Ngày nay, với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp OEM (Original Equipment Manafacturer), việc tạo ra sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng hơn trước đây rất nhiều lần. Theo đó, OEM thường được hiểu là các doanh nghiệp sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước. Như vậy, sản phẩm được sản xuất bởi các công ty OEM rồi được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt hàng. Điều này giúp cho các thương hiệu của người ảnh hưởng tiết kiệm được chi phí sản xuất, R&D, xây dựng nhà máy, thuê nhân công cho quá trình tạo thành sản phẩm.

P1

Thương hiệu mỹ phẩm M.O.I của ca sĩ Hồ Ngọc Hà
Ảnh: st

Ví dụ, trường hợp thương hiệu mỹ phẩm M.O.I của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, các sản phẩm đều được sản xuất bằng công nghệ và nguyên liệu đến từ Hàn Quốc. Hồ Ngọc Hà và đội ngũ kinh doanh phụ trách xây dựng thương hiệu để tung ra thị trường. Bản thân cô ca sĩ này cũng có sẵn cho mình một cộng đồng người hâm mộ đủ lớn để chuyển đổi thành nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng cho M.O.I, do vậy việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng có phần dễ dàng hơn.

Thời đại của phân phối “phẳng”: Direct to Consumer (D2C)

Nhiều thương hiệu của người nổi tiếng đang tận dụng thế mạnh của việc phân phối “phẳng” để bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Sự ra đời, phát triển của những dịch vụ giao hàng và các kênh thương mại điện tử đã góp phần mang sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất có thể, mà không cần thông qua những kênh phân phối phức tạp như tạp hoá, cửa hàng... Chỉ cần một vài thao tác trên website hay ứng dụng thương mại điện tử, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng nhận được mặt hàng mà mình yêu thích trong vài ngày, thậm chí vài tiếng đồng hồ, nhờ các dịch vụ giao hàng nhanh. Đó là lý do thúc đẩy mô hình kinh doanh D2C ngày càng phát triển trên thế giới. Theo số liệu ước tính của eMarketer, doanh số bán hàng của D2C toàn cầu năm 2020 sẽ chiếm 17,75 tỷ USD trong tổng doanh số kênh thương mại điện tử, tăng 24,3% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, quảng cáo số cũng giúp các thương hiệu của người nổi tiếng tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng. Với thế mạnh sẵn có là tệp người theo dõi/ người hâm mộ lớn, đặc biệt ở độ tuổi chi tiêu, đôi khi thương hiệu của người nổi tiếng chỉ cần tiếp cận và khai thác nhóm này. Ví dụ như thương hiệu thời trang và phụ kiện của G-Dragon – PEACEMINUSONE, chỉ trong vài tiếng mở bán đầu tiên, người hâm mộ của ca sĩ này đã mua hết mặt hàng có tại cửa hàng trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

P2

PEACEMINUSONE kết hợp với Nike ra mắt đôi giày Air Force 1 Low G-Dragon Peaceminusone Para-Noise

Kỷ nguyên số cũng giúp các thương hiệu từ Influencer có cơ hội cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác. Thậm chí, sức hút của thương hiệu do người nổi tiếng sáng tạo ra đôi khi còn lớn hơn. Chẳng hạn, việc ra mắt sản phẩm mới của Rihanna được quan tâm như những lần cô tung ca khúc mới vậy. Với kỹ thuật số, cơ hội tiếp cận đối tượng mục tiêu là ngang nhau.

Do vậy, nếu thương hiệu của người nổi tiếng biết cách nuôi dưỡng cộng đồng người hâm mộ, thì đây chính là tệp khách hàng chất lượng nhất mà không phải thương hiệu nào cũng có được.

Nhưng, “nổi tiếng” là con dao hai lưỡi đối với thương hiệu

Sự nổi tiếng của người sáng lập đem lại cho thương hiệu nhiều cơ hội kinh doanh “béo bở”, nhưng cũng sẽ có hai mặt. Bản thân người ảnh hưởng, người nổi tiếng là người của công chúng, do đó, nếu không cẩn thận họ rất dễ gặp phải những scandal, tin tức tiêu cực. Điều này chắc hẳn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thương hiệu của họ.

Một con dao hai lưỡi khác là chất lượng sản phẩm. Sản xuất theo mô hình OEM có thể giúp thương hiệu nhanh chóng có sản phẩm để tung ra thị trường. Tuy nhiên, với mô hình này, có thể thấy chất lượng sản phẩm sẽ không quá khác biệt với các doanh nghiệp khác. Điểm khác biệt lớn nhất là khác biệt cảm tính đến từ danh tiếng của người nổi tiếng. Trong khi, với thị trường cạnh tranh ngày nay, nếu sản phẩm không đem lại khác biệt về chất lượng, khách hàng cũng có thể bỏ đi nhanh chóng, dù cho họ là người hâm mộ trung thành. Do vậy, để thu hút khách hàng, các nhà tiếp thị tại các thương hiệu của người nổi tiếng nên tập trung vào việc thiết kế trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm thương hiệu nhiều hơn nữa.

Tóm lại, dù là thương hiệu nào, để tồn tại trên thị trường, chủ doanh nghiệp vẫn phải quay về giải quyết các bài toán kinh doanh, bài toán thương hiệu cốt lõi để có thể tồn tại bền vững.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam

Comments powered by CComment