Hàng Việt vào đất Thái bằng thị trường ngách

Tránh đối đầu trực diện với những sản phẩm vốn là thế mạnh của chủ nhà, một số doanh nghiệp Việt tìm ra lối khác đưa hàng sang Thái Lan.

30 phút trước giờ khai mạc chính thức "Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan 2018" ở trung tâm thương mại Central World Plaza (Bangkok), ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - Giám đốc công ty Hải Bình Gia Lai cho biết 150 kg hạt điều mang sang giới thiệu đã bán hết sạch trong 3 tiếng mở gian trưng bày.

"Hiện ở Thái Lan thường dùng hạt điều đã chế biến trắng, sau đó chiên lên, tẩm đường, gia vị. Còn hàng của mình là làm theo cách truyền thống của Việt Nam, tức để nguyên rồi rang muối. Cách này giữ được mùi vị ban đầu của hạt, khách đến ăn thử thấy thú vị", ông Lâm giải thích.

Lần đầu nghĩ đến việc xuất ngoại cho hạt điều của công ty,ông Lâm chọn Thái Lan, vốn là xử sở của thực phẩm chế biến. Tuy nhiên theo ông, nước này mạnh về hoa quả chế biến, còn ngành hạt thì không bằng Việt Nam. Và "cửa" dành cho hàng Việt là ở đó, chưa nói đến cách chế biến khác biệt cũng là điểm cộng.

Nhắm đến phở gà ăn liền là "át chủ bài" cho kế hoạch tiến vào Thái Lan, ông Ngô Võ Minh Hưng - Trưởng phòng xuất khẩu công ty Vifon cho rằng đây là thị trường khá tiềm năng bởi chưa có đối thủ thành công.

H1

"Phở là mặt hàng mới đẩy mạnh phát triển vài năm gần đây của công ty. Trước đây chúng tôi tập trung phát triển mỳ ăn liền, nhưng sản phẩm này thì doanh nghiệp của họ đã rất mạnh. Nay có một doanh nghiệp Thái làm phở ăn liền nhưng không thành công nên mình mang sản phẩm qua", ông Hưng lạc quan sau khi đưa phở ăn liền xuất khẩu hàng chục nước trong hơn 20 năm qua.

"Trước đây, mỗi tháng chúng tôi xuất đi Hàn Quốc vài container phở ăn liền. Vài tháng gần đây, khi có dòng sản phẩm phở ăn liền có thịt, mỗi tháng xuất được hơn chục container vào thị trường này để bán trong chuỗi GS25", đại diện Vifon kể về thành công ở một thị trường châu Á khác.

Hay như King Coffee của Trung Nguyên International, sau 9 tháng hoàn tất các thủ tục cần thiết, 3 container hàng đầu tiên đã cập bến Thái Lan để xuất hiện trong hệ thống Central Group và chuỗi FamilyMart. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu một triệu USD từ thị trường mới này.

"Thái Lan là thị trường đang phát triển, người tiêu dùng chủ yếu chuộng cà phê hòa tan. Trong khi đó, thị trường các nước đã phát triển thì ngược lại, người ta sẽ chủ yếu thích cà phê bột nguyên chất hoặc cà phê nguyên hạt", ông Tsang Chun Keung Peter - Phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương của công ty nhận xét.

“Tuần hàng Việt Nam” là chương trình phát kiến bởi Bộ Công thương từ năm 2011. Tuy nhiên, đây chỉ mới là năm thứ 3 sự kiện được tổ chức ở Thái Lan. Điểm sáng ở chỗ, sự kiện năm nay thu hút được 60 doanh nghiệp tham gia và có thêm mảng du lịch. So với con số 43 doanh nghiệp Việt góp mặt năm ngoái là một bước tiến đáng kể.

H2

Ông Sontirat Sontijirawong - Bộ trưởng Thương mại Thái Lan (Áo xanh dương) và ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công thương Việt Nam (đeo cravat) tham quan một gian hàng chiều ngày 22/8.

Không chỉ dần tự tin hơn vì tìm ra những ngách mà thị trường Thái đang thiếu, các doanh nghiệp có sản phẩm phải cạnh tranh trực diện như nước mắm Thanh Quốc, trái cây sấy Thuận Thiên Thành, Vinamit... cũng chọn khẩu vị chế biến khác biệt để 'có cửa' chinh phục.

"Chuyện cũ" về quảng bá

"Thái Lan và Việt Nam đều là hai nước nông nghiệp. Các bạn thấy có nhiều điểm tương đồng nhưng thật ra cũng không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, quả bơ của Việt Nam rất ngon. Atiso cũng là một ví dụ. Rất nhiều lần chúng tôi phải nhập chúng từ những nơi xa xôi mà lại không biết ngay tại Đà Lạt có nguồn cung chất lượng rất tốt", bà Jariya Chirathivat - Đại diện Tập đoàn Central Group tại Việt Nam nhận xét về những cơ hội cho nông sản Việt sang Thái. Những điểm khác biệt nhất định giữa hai nền nông nghiệp chính là cơ hội. Điều quan trọng là nông sản Việt Nam ít được quảng bá tại đây.

Ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc điều hành Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cũng xác nhận vấn đề quảng bá khi làm việc với các nhà cung cấp đang đưa hàng vào hệ thống này. Năm ngoái, hàng Việt xuất khẩu vào hệ thống Central Group ở Thái được hơn 50 triệu USD.

"Chúng tôi thấy có nhiều sản phẩm đặc biệt của Việt Nam chưa được để ý đến. Vấn đề của các nhà cung cấp là họ hầu như chưa quảng bá nhiều, chưa có khả năng tiếp cận ra thị trường bên ngoài", ông Philippe Broianigo nói Central Group Việt Nam sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD trong 5 năm tới để mở thêm khoảng 500 cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam với tiêu chí nâng tỷ trọng hàng châu Á nhiều hơn.

H3

Ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông.

Quảng bá vốn là câu chuyện cũ. Tín hiệu mới ở chỗ doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm và chú ý một cách cụ thể hơn. Ông Minh Hưng nói rằng, công ty sẽ có một đợt quảng bá "rất mạnh" sang các thị trường quốc tế. Trong khi đó, ông Phú Lâm cũng đã góp nhặt được những phản hồi để chuẩn bị hoàn thiện.

"Điểm còn yếu của mình là vấn đề làm bao bì, hình ảnh. Ngoài ra, thách thức còn nằm ở việc làm sao để hoàn thiện các tiêu chuẩn khắt khe được đề ra để xuất hàng sang đây. Nhưng tôi thấy những thử thách này rất hay", ông Lâm nói.

Thái Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Thái Lan ở châu Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 15,3 tỷ USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15,5% trong giai đoạn 2015-2017. Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Thái Lan đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

"Kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đang tăng không ngừng. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể, đến 30%. Còn 7 tháng đầu năm nay tăng 19,4%. Đây là con số phấn khởi nhưng về con số tuyệt đối thì chúng ta vẫn nhập siêu với Thái Lan. Vì thế, việc xúc tiến thương mại và giới thiệu hàng Việt qua đường chính ngạch cũng như đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn của Thái rất quan trọng", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công thương nhận định.

* Nguồn: VnExpress

Comments powered by CComment