“Đây không phải là cách để tôi kiếm tiền”, Musk nói với Chris Anderson, lãnh đạo TED. “Tôi tin chắc rằng một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa và mang tính bao trùm là điều rất quan trọng đối với tương lai của nền văn minh”.

Ngày 25/4 (giờ Mỹ), Twitter đã thông báo chốt đơn công ty cùng tỷ phú Elon Musk với giá 44 tỉ USD. Sau một thời gian đưa đẩy và ép giá, Twitter đã không thể bắt Elon Musk trả giá cao hơn.

Theo Reuters, Elon Musk đã đạt được thoả thuận mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD tiền mặt vào thứ 2 (25/4). Giao dịch thực hiện sẽ chuyển quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội có hàng triệu người dùng và các nhà lãnh đạo toàn cầu sang tay người giàu nhất thế giới.

Đó là một thời khắc quan trọng đối với công ty 16 tuổi, vốn nổi lên như một trong những MXH có ảnh hưởng nhất thế giới và hiện đang phải đối mặt với một loạt thách thức.

Trước đây, Musk từng chỉ trích sự kiểm duyệt, trao quá nhiều quyền lực về dịch vụ cho tập đoàn quảng cáo và yêu cầu Twitter công khai thuật toán ưu tiên các bài đăng (tweet). Do đó, Twitter có thể sẽ trở thành một không gian tự do hơn dưới sự tiếp quản của Musk.

“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận”, Musk nói trong một tuyên bố.

Đồng thời, một số động thái tích cực khác có thể kỳ vọng như nút “chỉnh sửa” trong các bài tweet hay chương trình chống lại nạn spam.

Động thái Musk mua lại Twitter tiếp tục truyền thống của các tỉ phú mua quyền kiểm soát các nền tảng truyền thông có ảnh hưởng. Trước đây, Rupert Murdoch đã mua lại tờ New York Post vào năm 1976 và Wall Street Journal vào năm 2007. Hay trong năm 2013, Jeff Bezos đã mua lại Washington Post.

Thoả thuận này diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Elon Musk công bố gói tài chính hỗ trợ việc mua lại Twitter. Elon Musk đã trình bày chi tiết cách thức ông huy động tài chính từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và một nhóm các công ty cho vay khác, vốn đang cung cấp khoản vay 13 tỉ USD, cộng với khoản vay 12,5 tỉ USD từ cổ phiếu của ông ở Tesla – hãng sản xuất ô tô điện mà tỷ phú công nghệ điều hành. Ngoài ra, Elon Musk dự kiến ​​sẽ chi khoảng 21 tỉ USD vốn chủ sở hữu.

Điều này khiến hội đồng quản trị của Twitter xem xét thương vụ nghiêm túc hơn và nhiều cổ đông yêu cầu công ty không để cơ hội vụt mất, Reuters đưa tin hôm 24/4.

Việc mua bán thể hiện sự thừa nhận từ Twitter rằng Giám đốc Điều hành mới là Parag Agrawal, người nắm quyền lãnh đạo vào tháng 11/2021, không tạo đủ lực kéo để công ty có lợi hơn, dù đang trên đà đáp ứng các mục tiêu tài chính đầy tham vọng từng đặt ra cho năm 2023.

Lời đề nghị từ Elon Musk dành cho Twitter cao hơn 54% so với giá cổ phiếu 1 ngày trước khi ông bắt đầu đầu tư vào công ty cuối tháng 1/2022. Song mức đỉnh cổ phiếu Twitter được giao dịch trong nhiều năm qua cao hơn giá thầu của Elon Musk. Cổ phiếu Twitter từng tăng lên trên 70 USD vào năm ngoái khi công ty công bố mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, nhưng kể từ đó đã giảm xuống do các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng đạt được các mục tiêu đó.

Chiến thuật đàm phán của Elon Musk – đưa ra lời đề nghị và kiên định với nó – giống như cách tỷ phú Warren Buffett đàm phán các vụ mua lại. Trước đó, Elon Musk không cung cấp bất kỳ chi tiết tài chính nào khi lần đầu tiên hỏi mua Twitter, khiến thị trường hoài nghi về triển vọng của nó.

Twitter ban đầu đã thông qua chiến lược ngăn chặn thâu tóm, được biết đến với tên gọi “viên thuốc độc”, để đẩy lùi mọi nỗ lực của Elon Musk. Nhưng có vẻ như ban quản trị công ty đã “quay xe” và ngồi vào bàn đàm phán sau khi Elon Musk điều chỉnh lại đề nghị của mình.

Ban quản trị Twitter dường như muốn biết liệu có bất kỳ cuộc điều tra nào đang được tiến hành nhằm vào Elon Musk từ phía các cơ quan quản lý, như SEC, có khả năng phá hỏng thương vụ, và còn đánh giá xem liệu việc Elon Musk mua lại công ty có phải là một thương vụ quá mạo hiểm hay không – bởi nếu cả hai bên không đến được với nhau thì phía Twitter sẽ phải trả một khoản phí gọi là “phí chia tay” cho vị tỷ phú Tesla.

Trong cuộc phỏng vấn tại hội thảo TED ngày 14/4, CEO Tesla cho biết thương vụ mua lại Twitter với ông không có mục đích gì hơn là việc tạo ra bước ngoặt cho nền văn minh.

Tỷ phú giàu nhất thế giới khẳng định việc mua mạng xã hội này không nhằm vào khía cạnh kinh doanh, mà để đảm bảo Twitter là nền tảng đáng tin cậy cho nền dân chủ.

“Đây không phải là cách để tôi kiếm tiền”, Musk nói với Chris Anderson, lãnh đạo TED. “Tôi tin chắc rằng một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa và mang tính bao trùm là điều rất quan trọng đối với tương lai của nền văn minh”.

Nguồn CafeF

Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu