Kỹ Năng Kinh Doanh

Nếu muốn cải thiện hoạt động bán hàng của mình, bạn không thể bỏ qua những phẩm chất dưới đây. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và xem xét xem liệu bạn đã có bao nhiêu trong số 10 tính cách của một chuyên gia bán hàng chuyên nghiệp. Nếu bạn không tìm thấy những tính cách trên trong hoạt động bán hàng của mình, hãy tìm cách học hỏi, rèn luyện để tạo ra chúng.
1. Niềm đam mê cháy bỏng muốn minh chứng một điều gì đó.
Cho dù theo đuổi bất cứ loại hình kinh doanh nào, một người bán hàng chuyên nghiệp luôn có những lý do mạnh mẽ đằng sau mong muốn hướng tới thành công. Lý do lập nghiệp của tôi là muốn chứng tỏ bản thân cho cha mẹ thấy rằng tôi hoàn toàn có đủ bản lĩnh để làm chủ cuộc đời mình. Tôi rời trường cao đẳng chỉ sau 90 ngày nhập học khi biết rằng nền tảng giáo dục cơ bản không phù hợp với tôi. Cha mẹ tôi đặt rất nhiều hy vọng vào tôi và họ cảm thấy vô cùng thất vọng với hành động bỏ học này. Cha tôi đã từng nói: “Mẹ và bố luôn yêu quý con, thậm chí cả khi con không thành đạt”. Đó chính là cuộc nói chuyện đầu tiên đem lại cho tôi động cơ phấn đấu, và nó đã nhen nhóm trong tôi niềm đam mê trở thành một con người thành công nhất, qua đó để chứng tỏ cho cha mẹ thấy một vài điều gì đó. Bạn đang cố gắng chứng minh điều gì? Và với ai? Bạn phải biết lý do tại sao bạn lựa chọn loại hình kinh doanh của riêng mình.
2. Sự quan tâm tới người khác.
Nếu bạn mong muốn có được những thành công trong kinh doanh, bạn phải thực sự quan tâm tới mọi người xung quanh và làm sao để cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Bạn phải học cách làm sao để khách hàng bộc lộ bản thân, khiến họ cảm thấy mình quan trọng và thấu hiểu khách hàng đủ sâu sắc để xác định bạn có thể làm gì giúp họ.
3. Niềm tin và sức mạnh.
Những người bán hàng chuyên nghiệp luôn bộc lộ một niềm tin và sức mạnh trong cách mà họ nói cũng như cách hành động của mình. Mọi cử chỉ, dáng điệu của họ thường toát lên vẻ lịch sự. Họ mặc những bộ quần áo trang nhã. Họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách sáng tạo. Nếu bạn không chắc chắn lắm về tính cách này, hãy thử hỏi một ai đó mà bạn tin tưởng để họ đánh giá bạn và đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích.
4. Sự cảm thông.
Để thành công, bạn phải cân bằng giữa cái tôi cá nhân với nhu cầu cần thiết kèm theo một sự nồng ầm chân thật. Sự quan tâm chân thành tới hạnh phúc của những người mà bạn giao dịch sẽ tạo ra mối quan hệ tin tưởng qua đó cho phép bạn phục vụ không chỉ những mong đợi của bản thân mà còn của bạn bè, người thân và những người quen biết mà rất có thể họ sẽ kể về bạn, về công ty bạn cho vô số những người khác nghe.
5. Hướng trọng tâm vào các mục tiêu.
Nếu thực sự nghiêm túc với các hoạt động kinh doanh của mình, bạn cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng và chuyển tải chúng thành văn bản. Bạn biết chính xác những gì bạn đang nỗ lực phấn đấu và mong đợi khi nào thì những mục tiêu đề ra được hoàn thành. Nhận thức được tương lai của mình, bạn sẽ tập trung hơn vào công việc kinh doanh mỗi ngày sao cho hiệu quả nhất.
6. Kiên trì và bền bỉ.
Các nhà bán hàng chuyên nghiệp luôn biết lập kế hoạch một cách hiệu quả nhất nhằm tiến từng bước vững chắc trên con đường đi đến mục tiêu đề ra. Họ dựa trên những hệ thống đã được chứng minh tính hiệu quả để hoạch định thời gian biểu và học hỏi những sách lược quản lý thời gian hữu hiệu nhất.
7. Nhiệt tình ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.
Quá khứ là không thể thay đổi cũng như không thể kiểm soát được tương lai, vì vậy, bạn phải sống cho ngày hôm nay, hãy làm những điều tốt nhất có thể để mỗi ngày trôi qua là một ngày của sự hoàn thành công việc và đạt được các mục tiêu đề ra. Khi bạn đương đầu với một tình huống khó khăn có thể “bòn rút” sự nhiệt tình của bạn, hãy hình dung nó một cách rõ ràng cả trong tâm trí lẫn trên giấy tờ. Sau đó quay lại đối mặt với nó và để cảm xúc của bạn trở lại bình thường. Và rồi bạn sẽ nhìn nhận lại vấn đề với đầu óc tỉnh táo và nhẹ nhàng. Một cách thoải mái, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi phần lớn các trường hợp đều không quá tệ hại như những gì bạn suy nghĩ ban đầu.
8. Làm việc với quan điểm tích cực.
Hãy biết giữ vững tính tích cực trong quan điểm của mình, tránh sự đố kỵ, ngồi lê đôi mách, giận dữ và những suy nghĩ tiêu cực. Đừng cho phép sự tiêu cực lấy đi sinh lực của bạn hay cám dỗ bạn đi lệch khỏi con đường mà bạn đã lựa chọn.
9. Thấu hiểu rằng yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hơn vật chất và tiền bạc.
Những doanh nhân thành công luôn luôn biết quý trọng khách hàng. Họ thấu hiểu ý nghĩa của một câu thành ngữ cổ: Bạn phải bỏ tiền bạc ra để có được tiền bạc, và niềm tin tín ngưỡng đó chính là vấn đề con người. Họ đầu tư một cách khôn ngoan vào những điều đem lại sự tốt đẹp cho các khách hàng mà họ phục vụ.
10. Một sự đầu tư nghiêm túc từ trong tâm trí.
Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp là những người học hỏi suốt đời. Tôi biết rằng bạn sẽ có được tính cách đó đơn giản chỉ bởi bạn đang đọc bài viết này. Hãy đặt ra mục tiêu trở thành người học hỏi suốt đời, và bạn sẽ không bao giờ gặp phải những khoảnh khắc ngớ ngẩn. Hơn thế nữa, bạn sẽ có được những thành công kỳ diệu trong bất cứ điều gì mà bạn đặt ra trong tâm trí là cần phải học hỏi.
*Sưu tầm*
- Details
- Category: Kỹ Năng Bán Hàng
- Hits: 3671

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Gallup (thông qua số liệu nghiên cứu trong thời gian 30 năm và trên phạm vi 30 triệu người) chỉ ra rằng, trung bình trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 13% nhân viên thực sự muốn gắn bó với công ty nơi họ đang làm việc (con số này ở Mỹ là 32%, trong khi ở Anh là 17%). Mặc cho mọi nỗ lực trong việc gia tăng chế độ đãi ngộ, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động ngày một toàn diện hơn…, thì Gallup vẫn ghi nhận một thực tế đáng buồn, trong suốt 15 năm qua, con số này (13%) không có nhiều sự thay đổi.
Nếu đặt qua một bên sự bất hòa vốn tồn tại từ lâu giữa người làm thuê và ông chủ mang tên lợi ích cá nhân, thì việc tỷ lệ gắn bó thấp của nhân viên với doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã chỉ ra một thực tế rằng doanh nghiệp thường bỏ quên những nhu cầu của nhân viên trong công việc, mà một trong số đó là nhu cầu về tinh thần, mang tên văn hóa doanh nghiệp.
Theo Erika Andersen, một chuyên gia với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, đồng sáng lập Công ty Tư vấn Proteus, nhà bình luận chính cho tờ Forbes, thì một trong những lý do quan trọng nhất khiến nhân sự chán nản và sớm rời khỏi công ty, đó là doanh nghiệp thiếu một nền tảng văn hóa phù hợp.
Cụ thể, trong báo cáo mới đây về Xu hướng nhân sự toàn cầu (Global Human Capital Trends) của công ty tư vấn Deloitte (dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp 7.000 người đến từ 130 quốc gia), thì 86% người được hỏi cho rằng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng bậc nhất, tác động trực tiếp đến quyết định gắn bó lâu dài hay không của nhân sự với doanh nghiệp.
Dù rất nhiều người tin rằng văn hóa của công ty là chìa khóa cho mọi vấn đề, chỉ có khoảng 10 – 12% (trong tổng số 86% người ở trên) nghĩ rằng công ty của họ có một nền văn hóa phù hợp và chỉ khoảng 28% cho biết họ hiểu văn hóa doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.
Erika Andersen cho biết: “Một trong những hạn chế chúng tôi nhận thấy khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho khách hàng trong suốt một thập niên qua, đó là sự nhầm lẫn về giá trị bên ngoài và giá trị bên trong. Cụ thể, đa số doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa của mình, thường nỗ lực tạo ra một bảng dài hàng trăm quy tắc, dán chúng khắp nơi, hay đổ tiền vào việc xây dựng phòng nghỉ, thiết kế các buổi team building (xây dựng đội nhóm) hoành tráng… trong khi thực sự, nhân viên của họ lại chẳng có ấn tượng gì qua những việc này”.
Từ đây, Erika Andersen đã chỉ ra một quy trình ba bước đơn giản để doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống văn hóa doanh nghiệp vững chắc cho mình, gồm:
Bước 1: Bắt đầu bằng định nghĩa
Một định nghĩa đơn giản nhất thì văn hóa doanh nghiệp là những hành vi, việc làm được chấp nhận, dựa trên niềm tin và giá trị doanh nghiệp muốn truyền tải.
Từ đây, lãnh đạo doanh nghiệp nên bắt đầu suy nghĩ và thảo luận về một số hành vi được chấp nhận cũng như không được chấp nhận ở đơn vị của mình, cùng với đó là những niềm tin hoặc giá trị mà doanh nghiệp muốn gửi gắm.
Bước 2: Phát triển hệ thống giá trị cốt lõi
Erika Andersen cho biết, bước tiếp theo để làm rõ văn hóa doanh nghiệp là xác định các giá trị cốt lõi doanh nghiệp muốn hướng đến.
Một cách dễ hiểu, làm rõ các giá trị của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc nói ra những gì là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, những gì sẽ luôn được lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao trong công việc. Hãy sử dụng danh sách những hành vi được liệt kê ở bước 1 để hỗ trợ cho bước 2 này. Ví dụ như “thói quen đúng giờ”, “không đổ lỗi cho người khác”… là những biểu hiện của giá trị mang tên trách nhiệm.
Tuy nhiên, có một lưu ý, là không nên chọn quá nhiều giá trị cho một doanh nghiệp, bởi sẽ không ai nhớ hết và áp dụng được chúng. Theo Erika Andersen, từ ba đến năm giá trị cốt lõi là đủ để tạo nên một nền văn hóa mạnh.
Bước 3: Áp dụng vào tổ chức
Ở bước cuối cùng, lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý một điều, đó là hãy giữ sự dễ dàng, hữu ích và tự hào cho những quy tắc. Cụ thể, doanh nghiệp phải luôn đảm bảo việc giúp nhân viên của mình hiểu và thực hiện các giá trị văn hóa một cách dễ dàng nhất, khiến những điều này trở nên hữu ích trong công việc, từ đó khiến nhân viên có cảm giác tự hào, khác biệt so với những người bên ngoài doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Erika Andersen, doanh nghiệp cũng cần phải chứng minh giá trị văn hóa của tổ chức mình hằng ngày, bằng cách khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt nhất, cũng như luôn đảm bảo rằng những người chủ chốt trong doanh nghiệp – đặc biệt là các cấp quản lý – đang hành xử theo đúng những giá trị mà tổ chức đã đề ra.
“Việc tạo dựng một nền văn hóa doanh nghiệp luôn đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn so với việc viết chúng ra giấy và dán lên tường, hay nhắc đến chúng liên tục trong các bài phát biểu của giới lãnh đạo mỗi sáng đầu tuần. Nhưng một tin tốt cho giới doanh nghiệp là một khi văn hóa doanh nghiệp đã được hình thành, đi vào nề nếp, thì sẽ lan tỏa rất nhanh và khó bị phai nhòa. Từ đây, người lãnh đạo có thể tự hào về một nền văn hóa doanh nghiệp vừa giúp cho tổ chức phát triển, vừa giúp gắn kết và giữ chân được nhân sự lâu dài”, Erika Andersen kết luận.
Phạm Tú
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 3187

Hoạt động tiếp thị cũng giống như tập thể dục. Sự khác nhau giữa không làm gì cả và chỉ thực hành một ít mỗi ngày là rất lớn nếu tính tích lũy.
Thiếu thời gian thường là lý do chính để các doanh nhân giải thích cho việc họ không thể tiến hành các hoạt động tiếp thị cho doanh nghiệp của mình. Thế nhưng, bỏ qua hoạt động tiếp thị trong một thời gian dài là một ý tưởng không hay, có thể làm chậm lại sự phát triển của công ty. Sau đây là những gợi ý để các doanh nhân bận rộn có thể thực hiện hoạt động này một cách đều đặn.
(ảnh minh họa)
Đầu tiên, hãy thảo luận
Để có thể triển khai kế hoạch tiếp thị như một hoạt động thường nhật, đầu tiên, hãy dành vài giờ để thảo luận về các ý tưởng và cân nhắc các giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có thể bạn đang muốn tạo ảnh hưởng đối với nhóm khách hàng mục tiêu hoặc thu hút thêm khách hàng mới và cần tìm hiểu xem có thể tiếp cận họ tại những kênh nào.
Bạn cần một kế hoạch hướng dẫn cách thực hiện công việc này mỗi ngày. Và hãy xác định các mục tiêu và chiến thuật khả thi để triển khai kế hoạch.
Hãy khởi đầu với chỉ một hoạt động
Để bắt đầu, hãy loại bỏ bớt những sự lựa chọn và tập trung vào chỉ một kênh hoặc một hoạt động tiếp thị. “Email newsletter”, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO – search engine optimization), tiếp thị qua mạng xã hội, tham gia hội chợ thương mại, tham gia phỏng vấn trên các kênh truyền thông phù hợp… là những hoạt động phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
Không có cách tiếp cận nào có thể giải quyết mọi vấn đề. Bạn phải quyết định cách thức và kênh tiếp thị phù hợp với doanh nghiệp của mình. Khi bắt đầu nhận thấy kết quả, hãy gia tăng triển khai các nỗ lực tiếp thị cùng lúc qua vài kênh.
Khích lệ thói quen thực hiện hoạt động tiếp thị một cách đều đặn
Các doanh nghiệp rất dễ lơ là hoạt động tiếp thị nếu việc kinh doanh đang tốt. Nên dành ra mười lăm, hai mươi phút mỗi ngày để làm cho hoạt động này trở thành một thói quen nhất quán.
Cố gắng thực hiện các nỗ lực tiếp thị của bạn vào cùng một thời gian cố định hằng ngày. Cách này sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ những nhiệm vụ đang làm và nó sẽ trở thành một phần của công việc hằng ngày và thường xuyên.
Làm cho quy trình trở nên trơn tru cũng là cách giúp bạn dễ hình thành thói quen hơn. Bạn có thể chọn sử dụng một công cụ để tự động hóa quy trình hoặc làm khảo sát để hiểu được những cách thức khác nhau giúp triển khai một chiến thuật nào đó.
Tự thưởng và tự khích lệ
Để giữ được sự hưng phấn, hãy tự thưởng cho mình sau khi bạn đạt được một cột mốc cụ thể nào đó hoặc đã liên tục dành thời gian cho hoạt động tiếp thị trong một thời hạn được đặt ra.
Chẳng hạn, bạn đã xây dựng được một danh sách email với 800 đối tượng khách hàng tiềm năng, bạn đã liên tục tương tác nội dung mạng xã hội trong sáu tháng, hoặc đã thành công trong việc chuyển một phần ngân sách từ đâu đó để mở rộng hoạt động quảng bá và thử nghiệm một chiến thuật mới mà bạn thấy là cần thiết. Vậy, hãy tự thưởng cho mình một món quà công nghệ hoặc một chuyến du lịch lý thú!
Hãy trao cho bạn cơ hội để thử nghiệm điều gì đó mới và gia tăng đối tượng mục tiêu mà bạn đang muốn tiếp cận hoặc đẩy mạnh sự tương tác hiện tại. Với mỗi thành quả đạt được, hãy dần dần nâng mức độ của hoạt động tiếp thị lên và tiếp tục nhìn thấy những kết quả khả quan cho doanh nghiệp của bạn trong dài hạn.
Long Hồ theo Entrepreneur
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 2794

Ngày nay, sản xuất nội dung (content) là một công việc quá đỗi quen thuộc của một marketer. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn có thói quen sản xuất content dài dòng và ôm đồm quá nhiều thông tin, trong khi trên thực tế viết vừa đủ mà hay sẽ tạo ra hiệu quả lớn hơn rất nhiều.
Viết dài, viết dai, viết dại. Để hút hồn khán giả và tạo ra doanh thu thực sự, từng câu từng chữ của bạn phải đủ đắt giá để đi vào lòng người.
Ngày nay, sản xuất nội dung (content) là một công việc quá đỗi quen thuộc của một marketer (Xin hãy lưu ý rằng content không chỉ đề cập đến bài PR, nội dung website, nội dung ấn phẩm quảng cáo, v.v mà rộng hơn còn là đề xuất marketing, kế hoạch triển khai một chiến dịch, vân vân và vân vân). Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn có thói quen sản xuất content dài dòng và ôm đồm quá nhiều thông tin, trong khi trên thực tế viết vừa đủ mà hay sẽ tạo ra hiệu quả lớn hơn rất nhiều.
Nếu bạn đã bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực để sản xuất content phục vụ hoạt động marketing, bạn nên để tâm nghiền ngẫm về cách viết content làm sao để tạo được dấu ấn trong khách hàng.
Dưới đây là 5 điều bạn cần cân nhắc khi sản xuất content:
1. XÂY DỰNG MỘT QUAN ĐIỂM RIÊNG
Quan điểm của bạn sẽ được truyền tải một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua content, bất kể là về lý do bạn yêu thích công việc của mình, thế giới quan của bạn hay cách bạn tìm kiếm thành công. Nếu bạn không có ý kiến riêng mà chỉ biết đi theo lối mòn với các khái niệm hay xu hướng được chấp nhận trong lĩnh vực của mình (những quan điểm có sẵn trong giới), bạn đang đơn thuần lặp lại lời người khác, vậy việc bạn đang làm còn tính là marketing nữa không? Vì thế, hãy dũng cảm bảo vệ lập trường của mình trong content để câu chữ của bạn có trọng lượng hơn với khách hàng.
2. VIẾT VỀ NHỮNG THỨ CÓ ÍCH
Bạn có thể coi lời khuyên này là thừa thãi, nhưng hãy luôn cố gắng viết về những thứ có ích cho khách hàng. Nếu content bạn sản xuất ra không làm cho người ta suy nghĩ và hành động khác đi hay học được điều gì, tốt nhất hãy link họ đến những content có sẵn tốt hơn.
Những content mang tính giáo dục, ứng dụng cao như: bài hướng dẫn (how-to), các công cụ miễn phí, video dạy các thủ thuật hay ho, bài giảng online, v.v luôn luôn hữu ích. Đây mới là những content bạn cần cung cấp cho khách hàng.
3. GIỮ PHONG ĐỘ
Dần dần, bạn sẽ đạt đến tốc độ sản xuất ổn định. Ngoài ra, khi các bản tin hằng tuần, bài viết trên blog, content từ các tên tuổi lớn, video phỏng vấn tích lũy theo thời gian, chúng sẽ trở thành một thư viện content khổng lồ và có giá.
Mỗi năm, hãy lên lịch trình cho những chủ đề bạn muốn đề cập đến, bao gồm những keyword chủ chốt, từ đó xây dựng một lịch biên tập (editorial calendar), nơi bạn có thể lập kế hoạch cho bài viết của bạn, cho khách mời và, podcasts, hội thảo online và offline, qua đó giúp cho chủ đề và nội dung nhất quán với thông điệp bạn muốn tiếp thị.
4. CÓ BẢN SẮC
“Bản sắc” là một khái niệm quá phổ biến trong marketing ngày nay, nhưng bạn vẫn nên tự hỏi content bạn sản xuất ra có chỉ bao gồm những thông tin khô cứng về công ty không, hay bạn đang kể một câu chuyện về người thật, việc thật, bất kể câu chuyện của bạn hay dở tới đâu.
Content có bản sắc giống như lời nói của bạn vậy – nó chia sẻ với khách hàng thông điệp về sứ mệnh và làm cho hình ảnh công ty gần gũi như con người chứ không chỉ là một cỗ máy sản xuất.
5. ĐỪNG CHỈ NÓI VỀ CÔNG TY
Hạn chế nói quá nhiều về chuyện công ty bạn tuyệt vời đến đâu hay bạn có những giải pháp hiệu quả ra sao. Cái người đọc cần thu được là giá trị của câu chuyện bạn đang chia sẻ. Nếu họ không thấy được vị trí bản thân trong content, bạn đã hoàn toàn thất bại.
Để thấy được thói quen này phổ biến tới đâu, hãy mở một bài viết bất kỳ và tìm xem từ “chúng ta” hay “chúng tôi” được nhiều đến đâu.
Hãy đọc lại tất cả các content bạn vừa mới cho ra lò, bao gồm các bài đăng trên Facebook, bài viết trên blog, bản tin và quảng cáo email, brochure và bài thuyết trình, và sửa sang để chúng không phạm phải sai lầm trên. Nếu bạn không may mắc lỗi này, hãy viết lai toàn bộ content và thay đổi cách suy nghĩ và chiến lược sản xuất content của bạn.
Theo Saga
- Details
- Category: Lý Thuyết Marketing
- Hits: 4034

Theo nghiên cứu vừa được công bố của Harvard Business Review, một trong bốn điều tạo nên thành công của CEO là ra các quyết định với tốc độ và sự chắc chắn.
Trên thực tế, nội dung quyết định không quan trọng bằng cách quyết định được đưa ra.
Chris Mayers, đồng sáng lập - CEO của BodeTree, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, đã chia sẻ về bài học lãnh đạo của mình trên Forbes. Chris cho biết, khi làm việc ở cả hai vai trò nhà tư vấn chiến lược và CEO, anh học được rằng cách tiếp cận vấn đề quá học thuật khi ra quyết định đã tạo ra những vấn đề không lường trước được.
(ảnh minh họa)
"Quá trình ra quyết định của tôi thường dẫn đến những bức bối trong nội bộ tổ chức và gây ra sự trì trệ trong toàn bộ đội ngũ. Từ đây, tôi nhận ra ba khía cạnh quan trọng tôi cần thuần thục nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo quyết đoán".
"Bửu bối" của Chris Mayers là:
Luyện tập các phản ứng khẩn cấp
Theo Chris, kỹ năng đầu tiên lãnh đạo cần thuần thục chính là phản hồi trong những tình huống khẩn cấp. Đây là khả năng nhận thức và phản hồi nhanh chóng dựa trên các nguồn lực đang có thời điểm đó. Đối với Chris, điều này tương ứng với phát triển và duy trì góc nhìn tổng quan trong mọi trường hợp. Chris nhận ra rằng anh phải luôn nhận thức được những ưu tiên quan trọng nhất và cân bằng tác động lâu dài của chúng với những nguồn lực đang có.
Các tình huống khẩn cấp tạo cơ hội phát triển tư duy tổng hợp. Các tình huống này làm nảy sinh những ý tưởng mâu thuẫn với nhau và thúc đẩy người lãnh đạo phân tích kỹ càng các ý tưởng này. Qua thực tập, Chris tìm ra được con đường trực tiếp dẫn đến những ưu tiên quan trọng nhất ở thời điểm đó.
"Phương án được lựa chọn tuy hợp lý với tôi nhưng đôi khi lại mang đến hoang mang cho thành viên trong đội ngũ. Khi đó, sự rõ ràng và thuyết phục của tôi khi phân tích lý do đưa ra quyết định sẽ giúp trấn an các đồng nghiệp của mình", Chris viết.
Xác định lượng dữ liệu cần thiết
"Ở thời gian đầu trong sự nghiệp, tôi muốn thu thập 100% những dữ liệu có thể tìm kiếm được trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì. Sau này nhìn lại, tôi nhận ra điều đó thật ngớ ngẩn", Chris chia sẻ.
> Thông tin ảnh hưởng thế nào đến quyết định đầu tư?
Trên thực tế lãnh đạo, bạn sẽ không bao giờ có đủ mọi thông tin và dữ liệu trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Đơn giản là thương trường luôn đầy rẫy những ẩn số bất ngờ. Và ý định thu thập càng nhiều thông tin càng tốt sẽ làm bạn bị bế tắc trong quá trình ra quyết định.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cần cảm thấy thoải mái hơn trong việc ra quyết định dù chỉ có được 65% thông tin cần thiết. Mỗi người sẽ có một mức độ chấp nhận khác nhau, thông thường tốt nhất là dưới 80%. Tỷ lệ cao hơn mức này sẽ làm chậm quá trình triển khai công việc của bạn và tổ chức.
Quyết định sai còn hơn không quyết định
Có rất ít những quyết định trong cuộc sống hoặc công việc mà bạn không thể cải thiện được. Song, chúng ta lại có xu hướng xem mọi quyết định kinh doanh đều là những quyết định sống còn. Tâm lý này đến từ việc chúng ta đánh giá sự hiệu quả dựa trên kết quả đầu ra.
Dĩ nhiên, kết quả đầu ra là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Những lãnh đạo giỏi nhận ra rằng họ có thể ra một vài quyết định sai lầm dọc đường đi. Điều này giúp giải tỏa tâm lý và mở ra nhiều hướng tư duy mới trong quá trình ra quyết định của nhà lãnh đạo.
Điều quan trọng mà người lãnh đạo cần nhớ là cách ra quyết định quan trọng hơn nội dung của quyết định. Những lãnh đạo có khả năng ra quyết định nhanh chóng, thuyết phục không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng họ làm được chuyện đưa tổ chức tiếp tục tiến lên. Những quyết định sai có thể sửa chữa, nhưng sự thiếu quyết đoán sẽ gây hại cho cả nội bộ lẫn danh tiếng của tổ chức, đây mới là điều khó sửa chữa được.
LÂM NGHI (theo Forbes)
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 2622

Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ cho thấy sức mạnh vượt trội của truyền thông mạng xã hội so với truyền thông chính thống.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Hillary Clinton với 200 kênh truyền thông chính thống áp đảo hoàn toàn so với ông Donald Trump – vỏn vẹn 6 kênh. Trong khi đó, trên kênh truyền thông xã hội, chiến dịch truyền thông công phu với các luồng trao đổi hai chiều và tích cực của ông Trump tỏ ra rất hiệu quả.
Nói một cách cô đọng thì thất bại của bà Clinton nằm ở việc các thông điệp được truyền đi từ kênh chính thống không tương thích với các thông điệp trên mạng xã hội. Với những người làm truyền thông cho doanh nghiệp, bài học rút ra chính là truyền thông chính thống hay mạng xã hội đều có uy lực to lớn và cần được kết hợp sử dụng một cách cẩn trọng.
Để xây dựng được giá trị thương hiệu tích cực và bền vững, doanh nghiệp cần chuyển tải thông điệp truyền thông một cách nhất quán trên tất cả các kênh truyền thông có liên đới. Duy trì kiểm soát và phân tích thông điệp sẽ đảm bảo các thông điệp không bị chệch khỏi định hướng của doanh nghiệp.
Hiện nay, không ít trường hợp truyền thông chính thống tổng hợp từ các thảo luận xã hội, còn mạng xã hội cũng chia sẻ và phát triển chủ đề từ kênh chính thống. Trang BuzzFeed nổi tiếng vận hành hoàn toàn theo nguyên lý này. Kết quả là việc quản lý uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Đây là một bức tranh rất mới hiện nay, khi người tiêu dùng đón nhận thông tin từ nhiều nguồn và ranh giới giữa truyền thông chính thống với mạng xã hội bị lu mờ đối với các doanh nghiệp. Khách hàng không hề biết đến cái gọi là “chiến lược truyền thông chính thống” hay “chiến lược truyền thông xã hội”, họ chỉ biết thương hiệu của bạn.
Khi có sự không thống nhất giữa các thông điệp, thương hiệu của bạn sẽ gặp nguy hiểm. Khách hàng sẽ cảm nhận thương hiệu thiếu sự kết nối (với họ) và dường như doanh nghiệp của bạn đang cố gắng che giấu điều gì đó.
Hình dưới đây sẽ diễn tả cụ thể luận điểm này. Nhiều mối tiềm ẩn đối với sự lệnh pha khi chuyển tải thông điệp doanh nghiệp trong chuỗi giao tiếp 3 bên “doanh nghiệp – kênh truyền thống – kênh mạng xã hội” có thể tổn hại đến thương hiệu.
Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện chiến dịch truyền thông và chuyển tải trên kênh chính thống nhưng không thực hiện bất cứ sự đánh giá nào về mức độ quan tâm đối với thương hiệu này trên mạng xã hội và ngược lại. Thêm vào đó và cũng là quan trọng nhất, rất có thể có khoảng cách lớn giữa những gì doanh nghiệp đưa ra và chuyển tải như là thông điệp chủ chốt trên truyền thông chính thống với những nội dung/chủ đề mà khách hàng thảo luận và tương tác trên mạng xã hội.
Một nghiên cứu mới đây của công ty phân tích truyền thông Isentia cho một công ty dịch vụ thương mại, về mức độ chênh lệch giữa cảm nhận thương hiệu trên truyền thông chính thống và mạng xã hội, đã cho thấy sự chênh lệch giữa hai kênh và xác định mảng mà doanh nghiệp cần đầu tư cải thiện. Biểu đồ dưới đây là trích xuất từ nghiên cứu đó:
Có thể nhìn thấy sự không liên quan khá rõ giữa thông điệp được truyền đi trên kênh chính thống và cảm nhận thực sự của khách hàng trên mạng xã hội về cùng một vấn đề. Đặc biệt rõ ràng với mục Jobs Growth (sự tăng trưởng nghề nghiệp) – mặc dù doanh nghiệp đã làm khá tốt trên kênh chính thống, mức độ cảm nhận trên mạng xã hội thấp đến -16 điểm.
Theo đó, phương án đưa ra là khách hàng cần thay đổi cảm nhận tiêu cực trên kênh online, mạng xã hội. Với những đúc kết chuyên sâu hơn, doanh nghiệp đã tìm kiếm và hợp tác với các micro-KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên online mức độ nhỏ, trên một số nền tảng nhất định) để làm sáng tỏ hơn các thông điệp cần chuyển tải và “thân thiện hóa” cho toàn bộ chiến dịch truyền thông.
Vậy điều gì có thể đảm bảo sự mạch lạc giữa thông điệp được truyền đi và nhận thức thương hiệu trên mạng xã hội?
Lắng nghe: Bạn có biết chiến dịch thương hiệu gần đây của mình được định vị như thế nào trên kênh truyền thông và trên mạng xã hội? Những công cụ giám sát truyền thông sẽ là cần thiết để bạn hiểu được khi nào, ở đâu và bạn được cảm nhận, nói đến như thế nào trên các kênh truyền thông.
Đo lường: Sau khi bạn lắng nghe và phân tích, đâu là những “insights” (đúc kết chuyên sâu) có khả năng biến thành hành động? Đâu là điểm cần được tập trung đẩy mạnh?
Đa dạng hóa: Đa dạng hóa các hình thức truyền thông có lợi ích to lớn đối với việc đồng nhất chiến dịch truyền thông, không đơn thuần là một nguồn phát ngôn chuyển đi cùng một nội dung mà còn liên kết với người có tầm ảnh hưởng, tạo ra content hub (thường là kênh truyền thông riêng của chính doanh nghiệp chứa đựng toàn bộ nội dung), tất cả tạo nên tính nhất quán tổng thể cho thương hiệu.
THỤC LINH (theo Singapore’s Australia Chamber of Commerce magazine)/DNSGCT
- Details
- Category: Lý Thuyết Marketing
- Hits: 2943

Theo Viện nghiên cứu kinh tế thế giới, trong nghệ thuật kinh doanh có muôn ngàn kế sách để thúc đẩy doanh thu và làm tăng nhanh lợi nhuận, tuy nhiên có 8 phương thức sau đây là tiêu biểu và được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
1. Phương thức kinh doanh hình “tam giác”.
Năm 1948 tại Nhật Bản có một người chuyên kinh doanh dược phẩm, tên là Đồng Khẩu Tuấn Phu, ông mở rất nhiều tiệm bán thuốc trên toàn quốc, có khi hạ giá cạnh tranh nhưng vẫn không thành công. Qua nhiều lần thất bại ông đã phát minh ra công thức kinh doanh “tam giác” tức là không mở lung tung các tiệm thuốc một cách rải rác nửa, phương pháp mà ông áp dụng là mở 3 tiệm cố định ở một khu vực nhất định, để tạo sức mua cho cả vùng đó, ông chỉ tập trung trong phạm vi “hình tam giác” cố định, hình tam giác đó rộng, nhỏ là tùy theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường mà phân bổ cho phù hợp.
Cách làm này quả nhiên làm cho kinh doanh của ông ngày càng phát triển, doanh thu ngày càng cao(hiện nay chiếm trên 10% doanh số bán thuốc của thị trường Nhật).
2. Phương thức kinh doanh hình “vòng tròn”.
Tại Mỹ có tiệm bán đồ chơi cho trẻ em tên là “thung lũng kỳ ảo” đã tạo lập một vòng tròn kinh doanh thật tuyệt hảo. Họ thiết kế một phòng chơi cho trẻ em ở ngay trong tiệm, để cho cha mẹ đem trẻ em đến gửi trong giờ làm việc hoặc khi có việc bận, phòng trẻ em có các bảo mẫu nhiều kinh nghiệm và được chọn lựa cẩn thận, dạy cho trẻ em những kiến thức bổ ích, cho các em chơi các loại đồ chơi có bán trong tiệm, giá cả lại rẻ. Trẻ em rất thích “ngôi nhà đồ chơi” này. Phụ huynh thấy giá cả hợp lý, trẻ vừa có người chăm sóc, giáo dục, vừa được nô đùa thỏa mái, thế là họ tới tấp đem con đến gửi.
Quả thật, kinh doanh theo kiểu này thì phòng giữ trẻ ngày càng đông, doanh thu của cửa hàng ngày càng cao, bởi lẽ khi trẻ đã mê mẫn với các đồ chơi ở đó, chúng sẽ ra sức nài nỉ cha mẹ mua cho bằng được các thứ đồ chơi giống hệt. Nước mắt của con và lời khuyên của bảo mẫu chắc chắn sẽ làm mềm lòng các bậc cha mẹ. Trên đời này hiếm có ba mẹ nào tiếc với con thứ gì.
3. Phương thức dùng “Thẻ mua hàng”.
Tại Nhật Bản, nhiều cửa hàng, siêu thị đã áp dụng phương pháp phát hành “thẻ mua hàng”. Mọi khách hàng khi đến mua đều được phát một thẻ mua hàng có số hiệu riêng của cửa hàng đó. Nếu dùng các thẻ này tại các cửa tiệm, phân hiệu, đại lý của họ sẽ được phục vụ và mua hàng với giá ưu đãi. Mỗi khi mua hàng họ đều ghi lại số tiền đã mua trên thẻ, đến khi khách mua đạt 500.000 yên, họ sẽ được tặng một món quà trị giá 500 yên. Khi làm thẻ mua hàng không phải tốn một khoản chi phí nào mà ngược lại còn được tặng quà lưu niệm, nếu dắt thêm bạn bè tới cũng được tặng quà để cảm ơn công giới thiệu. Cách làm này đã thu hút khách hàng. Thẻ mua hàng đã đem lại doanh thu rõ rệt.
Thỉnh thoảng các cửa hàng lại tung ra những chiêu thức mới như “ngày tính gấp đôi” tức là hôm ấy nếu khách mua hàng 100 yên sẽ được ghi vào phiếu 200 yên. Hoặc quảng cáo “khách hàng đến trước 12h sẽ nhận được một bữa ăn trưa miễn phí” khách hàng đến mua đều được nhận một bao bánh mì kẹp thịt đủ no một bữa, họ không cần phải đi ăn trưa mà tập trung đi dạo siêu thị để mua hàng hóa. Những hôm đó cửa hàng không còn chỗ chen chân. Tất nhiên doanh thu ngày càng phát đạt.
4. Bán hàng kèm quà tặng.
1 cuộn phim kèm theo 2 ly nước.
1 chai rượu tặng thêm ly, khay và bình rượu nhỏ.
1 xe máy tặng thêm 1 mũ bảo hiểm và bộ áo đi mưa.
1 bộ veston tặng thêm một áo sơ mi trắng hoặc cà vạt...
Theo điều tra, cách bán hàng kèm theo quà tặng này rất có hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp sử dụng một cách thường xuyên và đa số khách hàng bị các thứ quà tặng thêm này quyến rũ.
5. Đặt lại tên hàng.
Hãng Panasonic sản xuất ra một loại ván cách lửa mới. Hãng ra sức quảng cáo và thực sự chất lượng rất tốt, giá cả phải chăng; nhưng lượng tiêu thụ lại quá chậm. Hãng đã mở cuộc điều tra và phát hiện do cái tên quá thô “ván canh cửa Panasonic” bèn đổi lại tên là “người gác bếp của bạn” cho có vẻ tình cảm hơn. Chính cách làm này mà sản phẩm lập tức được mọi nhà tranh nhau mua.
Ngoài ra có một sản phẩm mới của hãng là loại ghế có tác dụng xoa bóp với tên gọi hết sức nhã nhặn dễ nghe “Êm ái” cũng được khách hàng thích thú. Khi gia đình mừng thọ cho ông, bà, cha, mẹ thường mua ghế này để làm quà tặng.
Công ty dệt Thượng Hải (Trung Quốc) sản xuất hàng trăm ngàn khăn lụa trắng cao cấp nhưng cả năm qua chẳng bán được cái nào. Họ cho tiến hành điều tra và xác định nguyên nhân ế ẩm vì khách hàng chẳng hiểu khăn loại này dùng để làm gì? Bởi lẽ khăn này không chỉ dùng để lau mặt mà chủ yếu phối hợp với bộ veston cho đẹp mắt. Nắm được nguyên nhân, công ty đã in thêm bao bì đẹp có để chữ “khăn tay dùng cho âu phục”, in thêm cách hướng dẫn xếp khăn cho phù hợp với kiểu dáng của áo quần. Làm như vậy buộc giá thành và giá bán phải tăng, nhưng khi tung trở ra thị trường thì khăn “ế ẩm” này bỗng dưng đắt như tôm tươi.
6. Giới thiệu sản phẩm theo kiểu trực quan.
Gần đây nhiều doanh nghiệp khi giới thiệu sản phẩm của mình với khách hàng thường đem những tấm ảnh với những lời chú thích và giá cả cụ thể. Đó là cách giới thiệu sảm phẩm theo kiểu trực quan, kết quả rất hữu hiệu.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế thế giới, trong nghệ thuật kinh doanh có muôn ngàn kế sách để thúc đẩy doanh thu và làm tăng nhanh lợi nhuận, tuy nhiên có 8 phương thức sau đây là tiêu biểu và được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
7. Gộp thành số chẵn.
Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có một vài cửa hàng với tên gọi “cửa hàng 10.000” Những cửa hàng này gộp các món hàng nhỏ tạo thành từng gói có giá trị 10.000đ để khách hàng chọn lựa, cách làm này rất thu hút khách hàng vì dễ mua, dễ thanh toán tiền và vô cùng thuận tiện. Tuy nhiên muốn đạt được hiệu quả cao cần phải chú ý tránh nhét những hàng kém chất lượng hoặc quá ế ẩm, làm như vậy khách hàng sẽ có cảm giác mình bị lừa và lần sau không bao giờ đến nữa, ngoài ra không nên quá ham lời mà định ra giá cao (dễ hay so sánh) thỉnh thoảng xen vào những món hàng có giá trị một chút, đem lại niềm vui bất ngờ cho khách hàng, như vậy họ sẽ đến nhiều hơn.
8. “Bỏ con tép câu con tôm”.
Một nhà sản xuất sơn ở Mỹ gửi cho 500 khách hàng mỗi người 1 cán cây cọ sơn và mời khách hàng đến văn phòng họ để nhận thêm 1 cây cọ nữa, nhưng chỉ có 100 người đáp lại lời mời. Người sản xuất bèn thay đổi chiến lược, họ gửi tặng 1.000 khách mỗi người 1 cây cọ sơn với lời mời “chắc chắn các bạn đang cần sơn để thay mới cho căn nhà của bạn, vì vậy chúng tôi mạo muội xin gửi tăng bạn 1 cây cọ sơn, công ty chúng tôi đang tiến hành đợt khuyến mãi với giá ưu đãi trong vòng 3 tháng tính từ hôm nay, bạn chỉ cần đem theo thư này đến chỗ chúng tôi sẽ được hưởng giá ưu đãi giảm 20%, mong bạn đừng bỏ qua dịp này”.
Về tâm lý, khách hàng rất thích sự “ưu đãi” này, họ cho rằng đã có cây cọ sơn rất tốt như thế này mà không dùng thì quá phí, thế là 750 khách hàng đã đem thư này đến để mua hàng và sau đó họ trở thành khách hàng thường xuyên. Trong vòng một năm doanh số của công ty đã tăng lên gấp 5 lần.
Ví dụ 1 căn nhà mới xây, 1 cái bàn, 1 bộ salon, 1 cái bếp ga, 1 bộ xoong nồi, các món ăn cho một bữa tiệc, 1 bộ quần áo... khách hàng có thể nhìn vào hình ảnh để hình dung sản phẩm mình sẽ mua và quyết định mua loại nào, và chỉ cần ghi số hiệu (đã dán trên ảnh) tức khắc người bán sẽ đem đến tận nhà thứ sản phẩm mà mình cần như trong ảnh.
*Sưu tầm*
- Details
- Category: Quản Trị Bán Hàng
- Hits: 4107

Chảy máu chất xám là tình cảnh chung của những người làm nhân sự, đặc biệt là trong các công ty nhỏ trước sự lôi kéo hấp dẫn của các “đại gia” khác. Đơn giản là vì các công ty nhỏ hơn không thể cạnh tranh được về tiền lương, lợi ích hoặc tên tuổi so với các công ty lớn, Việc tuyển dụng những người có chuyên môn giỏi đã khó, bây giờ bài toán cấp bách đặt ra là làm như thế nào để giữ chân họ được? Giữ chân nhân viên giỏi là chiến lược, không phải là biện pháp đối phó nhất thời.
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 2648

Dù bạn có nhận ra hay không, bạn đang tích cực quảng bá thương hiệu công ty của bạn mỗi ngày. Bạn thể hiện điều đó khi bạn phỏng vấn với ứng viên, với một nhân viên, đồng nghiêp về văn hóa công ty, hay mỗi khi bạn nói với một người bạn, với gia đình về thời gian làm việc trên công sở.
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 3857

Xu hướng sử dụng các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng,… ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các thiết bị di động giờ đây không chỉ phục vụ cho việc giải trí, mua sắm mà còn là công cụ làm việc của hầu hết người trẻ. Việc thiết lập email và sử dụng thông qua điện thoại thay vì máy tính đã trở trên thông dụng hơn, bạn có thể mở mail và làm việc bất kỳ nơi nào chỉ với một chiếc Smartphone trên tay.
- Details
- Category: Truyền Thông ATL
- Hits: 1761

Kinh doanh thành công, doanh thu khủng với 10 bí kíp chạy quảng cáo Google Adwords hiệu quả được tổng hợp từ những chuyên gia hàng đầu về quảng cáo Google.
- Details
- Category: Lý Thuyết Marketing
- Hits: 4829

Điều gì là khó nhất khi bắt đầu kinh doanh? Đối với rất nhiều chủ doanh nghiệp, câu trả lời là làm sao tìm kiếm đối tác hay khách hàng. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong trường hợp ngân sách marketing của bạn có hạn. Nếu bạn đang gặp phải vấn đề về tìm kiếm khách hàng, hãy tham khảo một vài chiến lược.
- Details
- Category: Lý Thuyết Marketing
- Hits: 38527