
Mạng xã hội, thách thức lớn cho thương hiệu
Khi một khách hàng gọi tên thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, mục tiêu thực sự của họ là gì? Được lắng nghe, tìm giải pháp cho vấn đề của họ hay để ca ngợi một thương hiệu?
Một khảo sát mới đây được Công ty Truyền thông Sprout Social thực hiện, thông qua việc phân tích trực tiếp hành vi của 1.003 người tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 7-2017, đã chỉ ra rằng mạng xã hội ngày nay đang dần trở thành một công cụ để người tiêu dùng thể hiện những phản ứng tiêu cực của họ với thương hiệu (mạng xã hội là công cụ phổ biến thứ hai để khách hàng phàn nàn và chỉ trích thương hiệu – 47%, công cụ phổ biến nhất là truyền miệng – 55%).
Cụ thể, có 60% khách hàng sử dụng mạng xã hội để chỉ trích sự không trung thực của thương hiệu, 59% chỉ trích những dịch vụ tồi tệ, 45% phàn nàn về những trải nghiệm sản phẩm tiêu cực và 35% chỉ trích mức giá quá cao mà họ phải chịu. Cũng theo nhóm nghiên cứu, có tới 81% người được hỏi (trong tổng số 1.003 người) cho rằng mạng xã hội là nơi thể hiện chân thật nhất hình ảnh thực sự của một thương hiệu.
Có lẽ chưa bao giờ mạng xã hội lại tạo ra những khó khăn cho sự phát triển của thương hiệu như lúc này.
HIỆU ỨNG TÂM LÝ ĐẾN TỪ SỰ CÔNG NHẬN XÃ HỘI
Khi một khách hàng gọi tên thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, mục tiêu thực sự của họ là gì? Được lắng nghe, tìm giải pháp cho vấn đề của họ hay để ca ngợi một thương hiệu?
Theo Tristan Harris, nhà sáng lập dịch vụ kết nối Apture, cựu giám đốc sản xuất của Google, thì một trong những cái bẫy tâm lý khiến chúng ta chăm tương tác trên Facebook, Twitter, Instagram… chính là bởi chúng mang lại một sự công nhận xã hội giả tạo cho chúng ta, khi chúng ta cảm thấy mình trở nên quan trọng, được yêu mến, được theo dõi.
“Khi bạn thấy ai đó tag (gắn thẻ – tức nhắc tới một ai đó trong bình luận, hình ảnh…) mình vào bài viết, tấm hình của họ, bạn nghĩ rằng đó là một hành động có chủ đích và là một lựa chọn có ý thức của họ. Nhưng sự thật là Facebook hay Twitter có công cụ tự động để khuyến khích việc tag, vì thế đôi khi ai đó tag bạn chỉ do đáp lại lời gợi ý của Facebook, chứ không hề có chủ ý tag bạn từ đầu” – Tristan Harris nhận định – “Đây là một trong những thủ thuật kinh điển để Facebook, Twitter… sử dụng sự công nhận xã hội thao túng chúng ta. Nó làm khuếch đại sự công nhận xã hội giả tạo, khiến chúng ta cứ tự đặt câu hỏi “Không biết mọi người nghĩ sao về ý kiến, bức hình, dòng trạng thái của mình nhỉ?”. Rồi từ đó cứ liên tục truy cập Facebook, Twitter…”.
Từ đây, chúng ta cũng nhận ra rằng, sở dĩ khách hàng chỉ trích một thương hiệu trên mạng xã hội, không hẳn là để cảnh báo cho ai đó hay tìm một giải pháp, mà mục đích chính là để tìm kiếm sự công nhận xã hội cho trải nghiệm tồi tệ mà họ đã phải chịu đựng. Và với những mục đích có phần lệch lạc ấy, một lỗi lầm của thương hiệu có thể bị phóng đại lên gấp nhiều lần.
Cụ thể, theo các phân tích của Sprout Social, khi ai đó công khai chỉ trích thương hiệu trên mạng xã hội, có tới 70% trong số này muốn ít nhất một người khác lắng nghe và chia sẻ trải nghiệm tồi tệ của họ, 51% muốn tạo ra một cơn bão như là cách để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ đã phải trải qua.
“Sự tiêu cực luôn dễ nhớ hơn và tạo ra nhiều sự chú ý hơn so với sự tích cực” – Austin Carr, chuyên gia phân tích của Fast Company nhìn nhận – “Các vấn đề xung đột, trải nghiệm tiêu cực, chỉ trích công khai tràn lan khắp nơi và bất cứ cá nhân nào ngồi ở nhà cùng chiếc máy tính đều có thể trở thành một nhà bình luận và phân tích chuyên nghiệp. Vì vậy xây dựng thương hiệu trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như ngày nay không phải là một việc dễ”.
ĐI CHẬM HAY NHANH TÙY VÀO QUYẾT ĐỊNH CỦA THƯƠNG HIỆU
Các chuyên gia tiếp thị của trang Fast Company kết luận, với một cộng đồng người dùng soi mói như hiện nay, việc doanh nghiệp quyết định sử dụng chiến lược xây dựng thương hiệu một cách nhanh chóng hay từ tốn hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối và chính sách của người dẫn đầu.
“Nếu muốn tránh xa tai tiếng và xa tầm ngắm của các “chuyên gia bàn phím”, hãy tập trung vào những điểm bạn mạnh nhất, tập trung vào thiểu số khách hàng sử dụng mạng xã hội nghiêm túc, những người đã trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ của bạn, chứ không phải số đông” – Rakia Reynolds, nhà sáng lập Công ty Truyền thông Sky Blue Media, nhận định – “Hãy làm mọi cách để tập hợp một lượng người hâm mộ trung thành xung quanh thương hiệu. Xây dựng cấu trúc này tất nhiên là tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng khi có rồi thì thương hiệu sẽ có một cơ sở vững chắc để phát triển”.
Cũng theo Sprout Social, năm chủ đề hàng đầu mà người tiêu dùng đặc biệt thích bình luận và đặc biệt quan tâm khi sử dụng mạng xã hội, đó là sản phẩm – dịch vụ, bán lẻ, những vấn đề về chính trị, tài chính – ngân hàng và sức khỏe.
Tất nhiên, song song với phương pháp xây dựng thương hiệu từ tốn kể trên, còn một phương pháp nữa nhằm sử dụng tối đa hiệu ứng đám đông, đó là tạo ra một vụ nổ. Theo đó, nếu thương hiệu muốn phát nổ một quả bom trên mạng xã hội, tạo ra sức hút thương hiệu trong một thời gian ngắn, thì năm chủ đề trên cũng là thứ có thể khai thác, nhưng theo chiều hướng tiêu cực.
“Bạn chỉ cần tham gia tranh cãi, có sự khác biệt, mới lạ, tạo ra những vụ việc gây sốc, góc nhìn đa chiều, khuyến khích mọi người thể hiện quan điểm cá nhân,… thì sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm. Tất nhiên, tôi không muốn nói đâu là cách tốt nhất cho thương hiệu, nhưng tôi luôn khuyên các nhà làm tiếp thị là hãy giữ sự nhất quán cho thương hiệu. Bởi nếu một khách hàng ghé vào tài khoản của bạn trên mạng xã hội và không thấy được những gì từng làm họ thích thú trước đó, họ sẽ sớm rời đi và lãng quên bạn” – Jonah Bloom, Giám đốc chiến lược của Công ty Quảng cáo KBS+ (Kirshenbaum Bond Senecal + Partners), kết luận.
* Nguồn: Doanh nhân Cuối tuần
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 2443

Biti’s sau cú nhảy Hunter
Từng là thương hiệu được lựa chọn của thế hệ 7x, 8x và chìm hẳn sau một thời gian dài, Biti’s sau đó lại được thế hệ 9x và 10x săn lùng như một cơn sốt. Biti’s đã thực sự trở lại.
Từ cuối năm 2016 đến nay, kể từ khi MV Lạc Trôi của ca sĩ Sơn Tùng MTP xuất hiện, chưa bao giờ Biti’s được nhắc đến nhiều và từ khóa “Hunter, Biti’s” lại được tìm kiếm nhiều trên Google như thế. Sự nổi tiếng của dòng giày Hunter có thể được xem là một cột mốc đáng nhớ đối với thương hiệu này.
Câu chuyện của Biti’s khá giống với câu chuyện thương hiệu Nike một thời. Năm 1983, hãng giày Nike dẫn đầu thị trường giày thế giới với doanh thu hơn 860 triệu USD. Nhưng chỉ sau 1 năm khi thị trường bão hòa, doanh thu đã bị giảm chỉ còn chưa đến 1 triệu USD.
Michael Jordan là sự lựa chọn của hãng này để trở thành đại sứ thương hiệu, mùa giải 1984-1985. Cầu thủ bóng rổ này đã là một hiện tượng và mang về doanh số 900 triệu USD cho Nike. Và sau hơn 10 năm, Jordan giúp cán mốc doanh thu hơn 9 tỉ USD.
Ảnh: Genk.
Nếu như Nike chọn một đại sứ gắn liền với hình ảnh thương hiệu thì ca sĩ Sơn Tùng MTP là hiện tượng cho một dòng sản phẩm của Biti’s, không chỉ đơn giản bằng hình ảnh trang phục cổ trang, nhưng mang một đôi giày hiện đại mà ngay sau đó còn có hàng loạt MV Đi Để Trở Về, Đi Rồi Sẽ Đến của các ca sĩ khác. Và điểm cốt lõi của các ý tưởng này đều được ông Hùng Võ, Phó Tổng Tiếp thị Biti’s Việt Nam, cho biết tất cả đều gắn với chữ “Đi”.
Còn nhớ 2 thập niên trước, các sản phẩm dép và sandal của Biti’s chiếm lĩnh phân khúc trung và cao cấp; trong thời điểm quảng cáo truyền hình còn chậm phát triển thì những quảng cáo của Biti’s vẫn được truyền thông mạnh mẽ. Tuy nhiên, giai đoạn thị trường mở cửa, các sản phẩm của Nike, Adidas tiếp cận người Việt nhiều hơn, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các dòng sneaker thay vì sandal truyền thống. Hình ảnh Biti’s cũng dần mờ nhạt hơn, mặc dù vẫn hiện diện ở nhiều kênh bán hàng, đại lý trên khắp cả nước.
Cùng thời điểm thị trường trong nước đang mất dần, Biti’s tập trung tấn công khai thác thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với dân số khoảng hơn 420 triệu người lúc bấy giờ. Riêng doanh thu tại Tây Nam đã chiếm tới 80% doanh thu của công ty này tại thị trường Trung Quốc.
Là một doanh nghiệp gia đình, Biti’s khá kín tiếng với truyền thông về những con số doanh thu và lợi nhuận. Nhưng giai đoạn 2012, doanh số bán của Biti’s đã đạt được 1.000 tỉ đồng và mức tăng trưởng ở thị trường nội địa lúc bấy giờ được công ty này xác định khoảng 20%/năm.
Cuối năm 2016, Biti’s tăng vốn từ 270 tỉ đồng lên 437 tỉ đồng, lượng vốn góp của 11 thành viên đều tăng. Nắm giữ nhiều nhất là ông Vưu Khải Thành, Chủ tịch Công ty Biti’s, với 162,3 tỉ đồng. Cả gia đình nắm giữ gần 380 tỉ đồng với tỉ lệ sở hữu gần 87%.
Trong một cuộc tiếp xúc báo giới, bà Vưu Lệ Quyên, Phó Tổng Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh của Biti’s, cho biết Công ty hiện đang hướng đến dẫn đầu thị trường Đông Nam Á, thông qua việc cải tiến mẫu mã kiểu dáng, đặc biệt là hợp tác với Walt Disney để cho ra các dòng sản phẩm hình ảnh cổ tích Việt Nam.
Mới đây, chia sẻ với phóng viên, ông Hùng Võ đánh giá sự kết hợp này đang khá tốt. Mặc dù không chia sẻ thời hạn hợp tác nhưng ông cho biết sẽ kéo dài trong nhiều năm, cùng với đó là kết hợp với nhiều thương hiệu để tiếp tục giành lại thị trường.
Xét về giá, trong khi các dòng sản phẩm Nike và Adidas có giá bán vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng thì sản phẩm của Biti’s lại có giá phải chăng từ 550.000-650.000 đồng/đôi giày dòng Hunter cho cả nam lẫn nữ. Mức giá này cho một sản phẩm chính hãng thì cũng chưa thể xem thuộc dạng cao cấp. Giải thích của ông Hùng Võ là Biti’s cho đến hiện tại cũng vẫn đang hướng tới phân khúc trung và cao cấp.
“Giữa các sản phẩm đắt tiền của các hãng Adidas hay Nike, tôi nghĩ không phải người Việt Nam nào cũng có thể mua được và Biti’s muốn hướng tới nhóm khách hàng còn lại ở phân khúc trung và cao cấp”, ông Hùng Võ cho biết.
Là người đứng sau cuộc “cách mạng Biti’s” lần này, bản thân ông Hùng Võ cũng lo lắng cho chiến lược mình. Biti’s chi gần 3 tỉ đồng cho chiến lược Hunter, nhưng việc chọn 2 nhân vật chủ chốt là Sơn Tùng và Soobin Hoàng Sơn với 2 MV Lạc Trôi và Đi Để Trở Về sử dụng sản phẩm Biti’s đã may mắn tạo tác động kép.
“Tôi thấy các ca sĩ ra MV thường tránh trùng thời điểm. Tuy nhiên, MV Đi Để Trở Về lại phát hành ngay sau khi MV Lạc Trôi được tung ra, vì thế cũng có lo ngại bị đánh bại bởi Lạc Trôi. May mắn là sau 7 ngày thực hiện, Biti’s đã bán sạch Hunter, đạt 300% mục tiêu đề ra…”, đại diện Biti’s cho biết thêm.
Không có bất kỳ một con số nào khác được hé lộ, tuy nhiên đại diện Biti’s cũng cho biết sản phẩm “Nâng niu bàn chân Việt” cũng đang hướng đến xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Trung Quốc. Hiện công ty này chủ yếu xuất khẩu sản phẩm theo hình thức gia công cho các công ty ngoại.
Tại siêu thị Emart, hình ảnh 3 bạn trẻ mua 3 đôi Hunter và chi tiền trả khá thoải mái tại quầy, nếu tính giá trị cả 3 đôi có thể chỉ mới bằng hoặc chưa bằng một nửa giá của giày chính hãng Adidas hay Nike. Ngoài ra, hãng này cũng có các sản phẩm khác liên kết cùng Walt Disney lại hướng đến phân khúc trẻ em.
Ảnh: tiki.vn.
Có thể thấy, sự tiếp cận thị trường lần này của Biti’s đã tạo cú lội ngược dòng, với sự tiếp cận khối lượng khá lớn khách hàng tiềm năng. Riêng chiến lược làm truyền thông được đánh giá là khá tốt, khi việc lựa chọn KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) đã tạo tính kích thích và tò mò cho người tiêu dùng.
Thực tế, dòng giày Hunter ra mắt thị trường từ đầu năm 2016, nhưng chỉ thực sự gây chú ý khi chiến lược truyền thông nói trên được tung ra. Bên cạnh đó, việc kết hợp cùng Uber thực hiện khuyến mãi đặt xe được tặng Hunter, hay giảm giá bán hàng trên các trang thương mại điện tử cũng giúp hình ảnh Biti’s liên tục tiếp cận người tiêu dùng.
Trong các chiến lược truyền thông, có công thức AIDA (Awareness, Interest, Desire, Action). Đây chính là sự kết hợp của nhiều bước gồm gây sự chú ý, tạo sự thích thú đối với sản phẩm, kích thích người tiêu dùng, và kích thích khách hàng phát sinh hành động với sản phẩm. Biti’s dường như thực hiện khá hiệu quả chiến lược này.
Với sự thay đổi hình ảnh theo hướng trẻ trung hơn, Biti’s đã tạo tiếng vang lớn trong lần quay trở lại này. Nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại nhập khác, liệu Biti’s có duy trì được phong độ hay lại một lần nữa chìm xuống? Điều đó còn phải chờ xem sức “kháng chiến” của Biti’s trong thời gian tới.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 3845

Chìa khoá thành công của 1 chiến dịch viral marketing
Những năm vừa qua, cộng đồng những người làm truyền thông và marketing Việt chứng kiến nhiều cuộc “lội ngược dòng” của các thương hiệu tưởng chừng như đã bị quên lãng. Đóng góp không nhỏ vào sự thành công này không thể không nhắc tới Viral Marketing – một hình thức quảng cáo ngày càng được các nhà làm truyền thông thời đại công nghệ số ưa chuộng.
Viral Marketing – cách nói khác đi của “Virus Marketing” là hình thức sáng tạo ra các nội dung mới lạ, độc đáo, có khả năng tự lây lan trong cộng đồng, khiến cho người tiếp nhận tham gia vào quá trình chia sẻ một cách chủ động. Then chốt để tạo nên cơ chế này chính là tính độc đáo về nội dung và sự phù hợp trong lựa chọn hình thức truyền tải thông điệp.
CỐT LÕI CỦA MỘT CHIẾN DỊCH VIRAL MARKETING LÀ NỘI DUNG
Thời đại công nghệ số khi mà mỗi người dùng được tiếp cận hàng trăm video với nội dung đa dạng mỗi ngày, một viral cần có những điều kiện gì để “giữ người xem”?
Nguyên tắc đầu tiên: “Đứng về phía người dùng”.
Suy cho cùng, người xem chính là chủ thể chính tạo nên sự viral thông qua hành động chia sẻ, do vậy nội dung của clip phải đứng về phía người dùng, phải thể hiện được giá trị và niềm tin của họ. Không nên đặt nặng và nhồi nhét thông điệp của thương hiệu một cách khiên cưỡng.
Bên cạnh đó để dẫn dắt người dùng từ quá trình “tiếp cận” đến “hành động chia sẻ”, viral phải thực sự chạm đến ngưỡng cao nhất trong cảm xúc. Một nội dung “tầm tầm”, phổ biến, hay nhưng không quá hay, vui nhưng không quá vui, buồn nhưng chưa đủ buồn rất khó để để dẫn tới hành động. Ngược lại, một nội dung khiến cho họ không thể trì hoãn việc chia sẻ là khi nó làm họ quá buồn cười (không muốn cười một mình), quá tức giận, quá thương cảm (muốn được đồng cảm), nội dung quá đúng (thay họ diễn đạt suy nghĩ)…
Hình ảnh nhân vật người nộm nhảy múa trong loạt viral của Điện máy xanh đặc biệt nổi bật bởi cách tạo cảm xúc ám ảnh, thậm chí là khó chịu, bức xúc cho người xem. Tuy nhiên không thể phủ nhận, những hình ảnh này đã chạm đến ngưỡng cao nhất trong cảm xúc của họ, dẫn tới hành động tương tác và chia sẻ “vô thức”. Đây là một cách làm hiệu quả để gây chú ý và tăng mức độ nhận biết thương hiệu nhưng cũng khá nguy hiểm do có thể gây ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận lâu dài về hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Một trong số những campaign viral với nội dung hấp dẫn, kích thích người xem chia sẻ nhưng không gây phản cảm có thể kể tới loạt clip gần đây của nhãn hàng nhiều “scandal” – Dr Thanh.
Series mang tên “Dr Thanh – Thanh Nhiệt Thiệt Nhanh “, gồm 5 video truyền tải những nội dung nóng hổi và “hút social” như: “Nội chiến xe ôm”, “Bún mắng cháo chửi”, “Mẹ chồng nàng dâu”… Nội dung của mỗi video đều rất sáng tạo, hài hước, khai thác những mẩu chuyện ở các khía cạnh đời thường, gần gũi nhưng cũng không kém phần độc đáo, đủ để khiến người xem vui vẻ nhấn nút “chia sẻ” cho bạn bè.
Chọn một nội dung hài hước để “chọc cười” người xem đối với các thương hiệu đang phát triển ổn định có thể không mang lại hiệu quả cao. Nhưng với Dr Thanh lại là sự lựa chọn khôn khéo. Với loạt scandal chưa “nguôi ngoai” thì việc gửi một thông điệp nhẹ nhàng nhưng thú vị có thể khiến cộng đồng đón nhận một cách tự nhiên, hạn chế đến liên tưởng đến những sự việc trước đó.
Một điểm cộng khác của chiến dịch viral này phải nhắc đến là: thay vì chỉ xây dựng 1 video hoặc các video có nội dung, tình huống na ná nhau, series này “đánh lẻ” bằng cách bày ra 5 câu chuyện với 5 nội dung hoàn toàn khác nhau, tiếp cận sâu rộng đến nhiều đối tượng người xem khác biệt. Đây là một “nước cờ” đáng gờm khi các video lần lượt tiếp cận đến các nhóm cộng đồng có tính đặc thù khác nhau. Không chỉ các fanpage giải trí “triệu fan”, mà các hội nhóm đam mê bóng đá, fanpage dành cho phụ nữ, gia đình... cũng liên tục “chuyền tay” nhau những đoạn viral video với tốc độ chóng mặt.
HÌNH THỨC VIRAL - KHOÁC ''CHIẾC ÁO'' NÀO LÀ PHÙ HỢP
Việc sáng tạo ra một nội dung “chuẩn viral” đã khó, khoác lên nó một “chiếc áo” phù hợp với thị hiếu người xem, mang lại hiệu quả truyền thông cao càng không phải là điều dễ dàng. Bởi vậy có không ít các video clip những tưởng đã thành công nhờ nội dung tốt lại bị chìm vào quên lãng do người xem chưa kịp “bắt” nội dung đã “quay lưng” vì hình thức không phù hợp, kém hấp dẫn.
Một thông điệp truyền thông có thể tiếp cận người xem qua nhiều hình thức: một thước phim ngắn với sự xuất hiện của nhiều nhân vật, một bài hát với giai điệu bắt tai, đôi khi chỉ là những hình ảnh hoặc câu chữ đơn giản… Dù là sự lựa chọn nào, hình thức viral cũng cần phù hợp với nội dung, phù hợp với thị hiếu của nhóm khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó, thông điệp ngắn gọn, nhất quán, dễ hiểu cũng là điều then chốt tạo nên sự thành công của một chiến dịch Viral Marketing.
Nổi bật trong số những thương hiệu thành công trong lựa chọn hình thức truyền tải thông điệp, là “thương hiệu quốc dân” – Bitis Hunter. Sử dụng âm nhạc, ca từ và giai điệu thu hút, MV “Đi để trở về” đạt hơn 5 triệu lượt xem chỉ trong vài tuần. Biti’s rất thành công trong việc gửi gắm thông điệp khuyến khích người trẻ trải nghiệm, khám phá thế giới nhưng cũng không quên nguồn cội, gia đình.
Viral Marketing ngày càng được các nhãn hàng lựa chọn như một cách tiếp cận người dùng online – đối tượng khách hàng tiềm năng nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, sức mạnh của Viral Marketing chỉ thực sự được phát huy tác dụng khi nhãn hàng đặt sự quan tâm của mình vào cả nội dung và hình thức của chiến dịch. Viral chưa bao giờ là trò chơi may rủi, đừng khiến nó trở nên “hên xui” chỉ vì chưa dành cho loại “trang sức” này các nhìn đúng đắn.
* Nguồn: PV
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 3576

5 bước đánh giá hiệu quả một chiến dịch thương hiệu
Làm sao để đánh giá mức độ hiệu quả khi doanh nghiệp hay cửa hàng của bạn tung ra một chiến dịch nâng cao nhận thức thương hiệu trên mạng xã hội?
Điều này là rất quan trọng khi chúng ta cần đo lường hiệu quả khi ra mắt một sản phẩm mới, một tính năng mới, hay tăng độ phủ thương hiệu trên mạng xã hội. Dưới đây là 5 bước giúp bạn dễ dàng hơn khi muốn đánh giá hiệu quả của một chiến dịch mà mình đang thực hiện.
1. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ KPIs RÕ RÀNG
Trước khi bắt đầu một chiến dịch bất kỳ nào, bạn cũng phải xác định rõ mục tiêu và mục đích của chiến dịch cho thật rõ ràng.
Để đánh giá hiệu quả, cần đưa ra các số liệu đo lường cụ thể để xác định mức độ thành công. Các chỉ số này được gọi là Chỉ số hiệu suất chính (KPIs). Hãy đảm bảo bạn và những người trong nhóm, hay giữa các phòng ban… đã thống nhất các mục tiêu chung và danh sách các KPIs trước khi khởi chạy. Điều quan trọng là mọi người đều nhất quán bám sát theo các chỉ số đo lường này.
Các KPIs nhận thức thương hiệu bao gồm:
Sự đề cập đến thương hiệu (brand mentions): Việc đo lường dựa trên những thảo luận có liên quan đến các từ khóa/sản phẩm/thương hiệu mà bạn mong muốn. Từ đó, chúng ta sẽ biết mức độ quan tâm của mọi người đến thương hiệu của bạn như thế nào. Một cuộc thảo luận được xem là thành công, khi số lượng nói về thương hiệu của bạn chiếm đa số, và ngược lại.
Extended impressions: Các thảo luận của những người khác liên quan đến chủ đề thảo luận của một ai đó có mentions thương hiệu của bạn.
Mức độ tương tác (Increased engagement): Cho biết số người có tương tác và tần suất tương tác của họ với topic của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội. Tương tác có thể là Like, Share, phát tán nội dung…
Thị phần thảo luận (Share Of Voice): Đo lường mức độ thương hiệu được nhắc đến so với các đối thủ cạnh tranh của bạn.
2. ĐIỂM CHUẨN
Khi đưa ra KPIs đo lường, nhớ ghi lại dấu mốc ban đầu của các số liệu để bạn có thể theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong suốt chiến dịch. Để đánh giá hiệu quả của chiến dịch, bạn cần thiết lập thời gian chạy chiến dịch và mục tiêu cần đạt được. Ví dụ: Chiến dịch nhận thức thương hiệu của bạn chạy trong ba tháng, hãy xác định số lượt mentions cần đạt được, và lấy đó làm điểm chuẩn để đo lường chiến dịch.
Ngoài chỉ số KPIs, bạn nên so sánh với các số liệu khác để xem chúng cải thiện như thế nào trong suốt chiến dịch của mình. Không phải tất cả các số liệu này đều có thể đánh giá thành công của chiến dịch, nên điều quan trọng là người thực hiện phải hiểu và phân tích xem với bất kỳ thay đổi nào được tạo ra có phải do chiến dịch bạn đang chạy tạo nên hay không.
Danh sách điểm chuẩn bao gồm:
- Số lượng thảo luận đề cập đến thương hiệu (mentions)
- Độ phủ thương hiệu (Exposure)
- Thị phần thương hiệu (Share of Voice)
- Mức độ tương tác: like, comment, share…
- Lượt người theo dõi/thích trang
- Sentiment: Cảm xúc của người tham gia, bao gồm: Yêu, Ghét, Trung lập)
- Phân tích địa lý: Thảo luận ở các tỉnh/thành phố nào chiếm đa số
- Phân bổ giới tính: Nam & Nữ
3. GIÁM SÁT CHIẾN DỊCH
Ngoài việc theo dõi tên thương hiệu, bạn nên bám sát chiến dịch hàng ngày để không bỏ lỡ bất cứ mentions hay chỉ số quan trọng nào. Điều này không chỉ giúp đánh giá về tần suất thương hiệu được nhắc đến mà còn định vị được tất cả những gì mà mọi người đang thảo luận có liên quan và xu hướng thảo luận của họ. Và bạn có thể phản hồi nhanh chóng với bất kỳ vấn đề nào phát sinh hoặc điều chỉnh nếu cần.
Checklist cần kiểm tra bao gồm:
-Tên hoặc tiêu đề chiến dịch có chứa thương hiệu hoặc tên công ty
- Tên hoặc tiêu đề chiến dịch không chứa thương hiệu
- Hashtags hoặc các yếu tố cụ thể khác của chiến dịch.
Hãy đề phòng
Các đột biến bất thường: Những bất thường có thể là lượng tương tác tăng/giảm, thương hiệu được ủng hộ/ném đá… Hãy tìm nguyên nhân. Có phải do một trong những bài post nào đó của bạn, hoặc nó được đăng bởi người bênh vực/phản đối hay người gây ảnh hưởng?
Mức độ cảm xúc: Xem xét tỷ lệ comment thể hiện cảm xúc tích cực/tiêu cực và trung lập. Nếu phản ứng tiêu cực chiếm đa số, hãy điều chỉnh dựa trên phản hồi hoặc xem xét việc ngừng chiến dịch.
Chủ đề có tạo ra sự chuyển đổi: Các thảo luận xung quanh thương hiệu của bạn có tạo ra sự chuyển đổi? Mọi người có đang thảo luận về những gì bạn muốn? Chiến dịch có đang đi đúng định hướng mục tiêu ban đầu không?
4. BÁO CÁO
Sau khi chiến dịch kết thúc, bạn cần phải lập báo cáo để kiểm tra hiệu quả mang lại.
Các chỉ số cần có trong báo cáo bao gồm:
- Chỉ số thay đổi về số lần thương hiệu được nhắc tới (Ví dụ: đề cập thương hiệu tăng 10%)
- Tổng số thảo luận có mentions thương hiệu (đề cập đến thương hiệu)
- Độ phủ thương hiệu (Exposure)
- Thị phần thương hiệu (Share of Voice)
Tương tác
- Lượng người tiếp cận, like, share, comment, rep comment…
- Lượt thích/follows
Cảm xúc
Tỷ lệ thảo luận mang cảm xúc yêu thích/ghét/trung lập
Phân tích vị trí
- Thành phố, tỉnh hoặc quốc gia nào có lượng thảo luận nhiều nhất, thảo luận có mentions/tích cực/tiêu cực
- Các nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự thay đổi này?
Phân tích giới tính
- Tỷ lệ nam và nữ có mentions thương hiệu có thay đổi?
- Các nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự thay đổi này?
5. ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN TÍCH CHIẾN DỊCH
Sau khi tổng hợp và phân tích dữ liệu, bạn cần đưa ra được kết luận: Chiến dịch có thành công trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu hay không dựa vào các chỉ số báo cáo trong bước 5.
Bước tiếp theo là đi sâu vào dữ liệu và phân tích những khía cạnh đã giúp thương hiệu của bạn được cải thiện, như tăng tần suất đăng bài, tăng cường sự tham gia với người thảo luận? Các phản ứng tích cực hoặc tiêu cực với thông điệp?…
Hãy dành thời gian để phân tích những gì đang khiến các chỉ số được cải thiện, và những gì đang là nguyên nhân khiến mọi người phản hồi tiêu cực… Từ đó bạn sẽ tìm ra cách điều chỉnh và củng cố hình ảnh và sự nhận diện thương hiệu của mình trên mạng xã hội được tốt hơn nữa.
Nguồn: Internet
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 3685

Kỷ nguyên của quảng cáo sáu giây
Trong những ngày gần đây, một vài tên tuổi của ngành công nghiệp quảng cáo đã lên tiếng rằng quý IV của năm nay là giai đoạn ươm mầm của thể loại quảng cáo hình dài sáu giây. Và năm tới sẽ là thời điểm mang tính bước ngoặt cho loại hình quảng cáo này.
Thể loại này đã gây xôn xao tại liên hoan phim Sundance vào đầu năm nay khi Google khởi động cuộc chơi bằng việc trình làng những mẫu quảng cáo sáu giây xuất sắc nhất được chọn từ một cuộc thi do họ tổ chức. Các công ty quảng cáo như TBWA, Leo Burnett, Droga5 và BBDO được mời tham gia sáng tạo một phim dài sáu giây để “trình diễn” khả năng của loại hình quảng cáo này. Các phim tham gia dự thi có cách tiếp cận đa dạng từ hài hước – cú đánh nhanh, liên tục nhiều kỳ cho đến những tuyên ngôn hấp dẫn bằng hình ảnh đã mang lại cái nhìn khái quát về loại hình quảng cáo này.
Sau đó, vào tháng 6, Tập đoàn Truyền thông Fox công bố rằng quảng cáo sáu giây đã nằm trong kế hoạch của họ. Và đến lượt Facebook cũng tiết lộ là họ sắp tham gia phát triển loại hình quảng cáo này. Trong tuần thứ hai của tháng Tám, nhà sản xuất vỏ xe Michelin đã bắt đầu thử nghiệm các clip quảng cáo ngắn như thế trên YouTube – đây là một nền tảng video do Google sở hữu còn được gọi là quảng cáo đệm (bumper ad).
“Thể loại này cho phép chúng tôi tiếp tục cuộc chinh phục đối tượng khách hàng trẻ hơn”, Candace Cluck – Giám đốc về trải nghiệm khách hàng của Michelin North America nói. Những mẫu quảng cáo ngắn là công cụ lý tưởng để tiếp cận khách hàng thuộc thế hệ Y và Z (đối tượng khách hàng dưới 35 tuổi). “Điểm độc đáo của thể loại này chính là cách thức bạn phát hành chúng. Bạn phải nghĩ đến những mẫu quảng cáo dài sáu giây trong sự nối tiếp nhau. Đó là một cuộc chơi tần số”.
“Bạn thật sự có thể chạm đến một tầng cảm xúc sâu thẳm và mức độ kết nối mà bạn thậm chí không thể đạt tới trong một mẫu quảng cáo dài 15 giây”, Maud Deitch – một chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo quảng cáo nói. “Đó là bởi vì bạn cần phải thấu hiểu nhiều về bản chất của đối tượng, về phương tiện truyền thông và các công cụ sản xuất để có thể tận dụng nội dung quảng cáo sáu giây một cách hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một trong những hình thức quảng cáo quan trọng nhất – nếu không muốn nói đó chính là hình thức quảng cáo quan trọng nhất mà chúng ta sắp được xem trong thời gian tới”.
Theo một cuộc nghiên cứu gần đây do Google thực hiện về quảng cáo đệm, chín trong mười mẫu quảng cáo này đạt được sự cải thiện rõ rệt về mức độ ghi nhớ quảng cáo, với mức độ gia tăng nhận thức về thương hiệu lên đến 61%. “Khi bạn cố tiếp cận ai đó lần đầu tiên, thông điệp càng ngắn sẽ càng tốt. Sau đó, khi tiếp cận lại mục tiêu, bạn có thể sử dụng quảng cáo 15 hoặc 30 giây. Lý do là nếu ai đó chưa từng nghe tới bạn, họ sẽ không muốn dành cho bạn nhiều thời gian trong ngày”, Jake Malanoski – Giám đốc tìm kiếm khách hàng của dịch vụ cung cấp bữa ăn Green Chef nói.
Phong trào quảng cáo hình có thời gian ngắn, hoặc “nội dung quảng cáo ngắn, có thể tiêu thụ nhanh” (snackable content) không hoàn toàn mới. Vào tháng 9-2013, Dunkin’ Donuts từng gây chú ý với mẫu quảng cáo sáu giây trên chương trình Monday Night Football của kênh ESPN. Những đồn đoán về thể loại quảng cáo này sau đó lắng xuống, nhưng bây giờ có vẻ nó đang trở lại mạnh mẽ với dự đoán rằng quảng cáo sáu giây sẽ thật sự bắt đầu phát triển từ năm 2018. Các nhà tiếp thị giàu kinh nghiệm sẽ không ngạc nhiên nếu những mẫu quảng cáo ngắn này phát huy tác dụng tốt hơn với đối tượng người tiêu dùng trẻ so với quảng cáo 15 và 30 giây.
Hiện giờ là lúc các thương hiệu cần nên kể một câu chuyện cô đọng.
* Nguồn: Doanh nhân Cuối tuần
- Details
- Category: Truyền Thông Digital
- Hits: 3652

Vì sao Coca-cola không có Giám đốc Marketing?
Thời gian vừa qua, giới doanh nghiệp đón nhận một thông tin khá thú vị, đó là Coca-Cola, đã chính thức xóa bỏ vị trí giám đốc tiếp thị (Chief Marketing Officer – CMO), thay vào đó là giám đốc phát triển (Chief Growth Officer – CGO).
một trong những thương hiệu giá trị nhất thế giới (theo xếp hạng Best Global Brands của Công ty Tư vấn Interbrand, Coca-Cola cùng với Apple và Google là ba thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2016, với giá trị khoảng 73,1 tỉ USD)
Chưa thể khẳng định việc thay đổi này có phải là cột mốc đánh dấu một xu hướng mới trong tiếp thị (marketing) thời gian tới hay không, nhưng dựa vào lý do và bối cảnh mà Coca-Cola đưa ra quyết định trên, giới phân tích đã rút ra một số điểm khá thú vị mà nhà quản trị cần đặc biệt lưu tâm.
Không gì là bất biến, dù bạn có là… Coca-Cola
Thành lập năm 1886, trải qua 131 năm phát triển, Coca-Cola vẫn giữ cho mình một vị trí thương hiệu vững chắc trong tâm trí khách hàng, đặc biệt với sản phẩm hương vị Cola truyền thống. Thế nhưng trong giai đoạn gần đây, mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn dự kiến.
Với việc khách hàng ngày càng chú ý hơn đến các vấn đề sức khỏe, vấn đề thức uống có gas, bệnh béo phì, lượng đường trong đồ uống…, tình hình kinh doanh của hãng gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, doanh thu toàn cầu của Coca-Cola đã giảm từ 48 tỉ USD trong năm 2012 xuống còn 44,3 tỉ USD trong năm 2016. Ở Anh, các sản phẩm của hãng cũng liên tục khó tăng trưởng, như doanh số của Diet Coke (Coca-Cola không năng lượng) giảm 3,1% và Coke Life (phiên bản Coca-Cola ít calo) cũng giảm 57,4% (theo ghi nhận của trang Marketing Week).
Đứng trước tình hình này, Coca-Cola đã buộc phải có một sự thay đổi trong cơ cấu. Theo giới phân tích, Coca-Cola được cho là đang tập trung vào công nghệ, nhằm dịch chuyển từ công ty với thương hiệu đồ uống cổ điển sang mô hình công ty chuyên về sản xuất và phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ và nhu cầu của khách hàng.
“Coca-Cola lúc này giống như một công ty sử dụng nền tảng công nghệ để sản xuất và phát triển sản phẩm hơn là một công ty với thương hiệu đồ uống có tuổi đời hàng trăm năm” – Michael Koziol, Chủ tịch toàn cầu của Công ty Truyền thông Huge, nhận xét – “Đối với nhiều thế hệ, Coca-Cola đã trở thành một hình mẫu tiếp thị huyền thoại. Nhưng trong thời đại ngày nay, Coca-Cola không thể chỉ sử dụng những chiến thuật thương mại và tiếp thị như xưa để tạo ra tăng trưởng. Sự bổ nhiệm một giám đốc phát triển là hoàn toàn cần thiết để hỗ trợ giám đốc điều hành (CEO) trong việc nắm bắt những thay đổi về công nghệ, dịch vụ, khách hàng… nhằm tạo ra sự phát triển cho doanh nghiệp”.
Đã đến lúc phải chuyên môn hóa cho sự tăng trưởng
Theo một báo cáo mang tên The Emergence of the Chief Growth Officer in Cosumer Packaged Goods của Công ty Tư vấn Russell Reynolds Associates, trong ngành tiêu dùng nhanh, hàng loạt ông lớn như Colgate-Palmolive, Kellogg Company, Coty, Conagra Foods, Tyson Foods… cũng đã lần lượt bổ nhiệm giám đốc phát triển đầu tiên cho bộ máy của mình. Nhìn nhận vấn đề này, giới phân tích cho rằng, khi doanh nghiệp càng phát triển, cơ cấu phòng ban, trách nhiệm của mỗi bộ phận được chuyên môn hóa rõ ràng hơn, thì nhà quản trị cũng cần có một vị trí chuyên tâm cho mục tiêu tăng trưởng hơn.
“Mọi thứ sẽ dần được trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta đều biết giá trị của sự tăng trưởng, nhưng ở nhiều doanh nghiệp, ít khi có một vị trí nào thực sự chịu trách nhiệm cho chỉ số này. Và như một điều tất yếu, bộ phận tiếp thị, bộ phận thường khó đo lường kết quả hoạt động và năng suất làm việc, sẽ là bộ phận phải nhận trách nhiệm này. Họ giờ đây sẽ không chỉ tập trung phát triển thương hiệu, mà còn phải nâng cao hệ sinh thái bao quanh sản phẩm đó, bao quát từ dịch vụ khách hàng, tới kết nối dữ liệu…” – Robert Wollan, Giám đốc toàn cầu của Công ty Tư vấn Accenture Strategy, chia sẻ.
Cũng theo nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Accenture Strategy, dựa trên việc phỏng vấn 535 giám đốc điều hành và 874 giám đốc tiếp thị, thì chỉ số tăng trưởng cũng đang dần được gắn với người làm tiếp thị.
Theo đó, có đến 50% các giám đốc điều hành tin rằng giám đốc tiếp thị là người đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng đột phá của công ty, và 37% giám đốc điều hành sẽ khiển trách giám đốc tiếp thị đầu tiên nếu như mục tiêu tăng trưởng không đạt được (tỷ lệ khiển trách này với vị trí giám đốc kinh doanh là 34%, còn nhân viên chiến lược chỉ là 29%). Còn về phía các giám đốc tiếp thị, 96% công nhận tầm quan trọng của việc tăng trưởng, 75% nghĩ rằng họ có quyền kiểm soát đáng kể sự tăng trưởng đột phá của công ty, và có tới 54% giám đốc tiếp thị nhận thấy ngân sách dành cho tiếp thị đang bị lãng phí mà không mang lại kết quả như mong đợi.
Thomas Barta, chuyên gia tiếp thị với hơn 20 năm kinh nghiệm, cộng sự của hãng tư vấn McKinsey & Company, cũng cho rằng, doanh nghiệp không nhất thiết phải tạo ra một vị giám đốc phát triển riêng, mà có thể giao vai trò đó cho giám đốc tiếp thị, người hiểu và nắm bắt được mọi mặt của sản phẩm chẳng kém gì các giám đốc điều hành trong doanh nghiệp.
“Nếu không phải tăng trưởng, thì điều gì là trọng tâm của công việc tiếp thị?” – Thomas Barta nhận định – “Có lẽ Coca-Cola đã tự đặt ra câu hỏi này, và James Quincey (Giám đốc điều hành của Coca-Cola) đã không còn tin tưởng vào khả năng thúc đẩy tăng trưởng của vị trí giám đốc tiếp thị nữa. Tôi nghĩ theo thời gian, các giám đốc điều hành sẽ hướng đến việc bổ nhiệm giám đốc phát triển, như một cấp độ cao hơn của giám đốc tiếp thị. Những giám đốc phát triển sẽ mang theo một sứ mệnh rất cụ thể, đó là xây dựng thương hiệu với mục tiêu hướng vào sự tăng trưởng. Họ (giám đốc phát triển) sẽ là người tạo ra những báo cáo, kế hoạch, chiến lược tối ưu nhất để giúp công ty giữ vững sự tăng trưởng trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.
PHẠM TÚ/DNSGCT
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 4781

4 kiểu đối thủ cạnh tranh mọi doanh nghiệp phải đối đầu
Có không ít chủ doanh nghiệp cho rằng họ không hề có đối thủ cạnh tranh nào cả. Họ luôn nói về đề xuất bán hàng độc nhất, sáng kiến phần mềm của họ hoặc ngành kinh doanh mới mà doanh nghiệp của họ đã tạo ra.
Tuy nhiên, tất cả các công ty đều có đối thủ cạnh tranh. Việc nhận ra được điều này sẽ là bước thứ hai trong bất kỳ chiến lược tiếp thị, PR hoặc truyền thông xã hội nào của bạn (bước đầu tiên là xác định đối tượng). Không có công ty, dịch vụ hoặc sản phẩm đơn lẻ nào trên thế giới này là sự lựa chọn duy nhất mà một khách hàng có, thậm chí kể cả khi không hề có sản phẩm thay thế nào cả.
4 kiểu đối thủ cạnh tranh mọi doanh nghiệp phải đối đầu
Có bốn nhóm đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp của bạn. Bởi vì việc giao thiệp với một hoặc nhiều trong số này luôn luôn tồn tại trong bối cảnh thị trường đầy tính cạnh tranh, điều quan trọng là bạn phải tạo ra được thông điệp và chiến lược phù hợp với từng kiểu đối thủ.
1. ĐỐI THỦ CẠNH TRANH TRỰC TIẾP:
Những công ty, tổ chức này rất giống với doanh nghiệp của bạn trong nhiều khía cạnh của sản phẩm hay dịch vụ cung cấp. Họ có thể hoặc không thể cạnh tranh với tất cả các dịch vụ tương tự như bạn, việc phân phối có thể khác nhau hoặc họ có lẽ đang sử dụng chiến lược tiếp thị khác. Có thể bạn bán táo đỏ và họ bán táo xanh. Bạn tiếp thị vị ngọt ở những quả táo của bạn và đối thủ cạnh tranh làm nổi bật độ giòn ở táo của họ. Chắc chắn trong một số trường hợp bạn sẽ không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng đây không phải là kiểu duy nhất.
Táo đỏ và táo xanh – đối thủ trực tiếp
2. ĐỐI THỦ CẠNH TRANH GIÁN TIẾP
Một số công ty cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ là khác với bạn, nhưng lại có mục đích là giải quyết cùng một vấn đề. Điều này có thể khá đơn giản đối với người tiêu dùng – họ có thể lựa chọn mua táo hoặc chuối đều được. Bạn sẽ không bao giờ biến những quả táo thành chuối, nhưng bạn có thể thuyết phục được nhiều người rằng kali trong chuối không quan trọng và táo thì ngon hơn.
3. ĐỐI THỦ CẠNH TRANH TRONG TIỀM THỨC
Đây là kiểu đối thủ cạnh tranh khó xác định nhất, bởi vì việc này đòi hỏi đội ngũ tiếp thị của bạn phải ngừng tập trung vào doanh nghiệp và tập trung vào quan điểm của khách hàng thay vào đó. Theo dõi là cách duy nhất để xác định được nhóm các công ty này. (Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Twitter là tuyệt vời cho việc này và cung cấp nhiều hiểu biết hơn những gì các nhà tiếp thị đã có, thậm chí từ vài năm trước). Kẹo dẻo vitamin hương vị táo có thể không ngon hơn trái cây thật, nhưng có lẽ đối tượng mục tiêu của bạn nghĩ rằng họ sẽ nhận được vitamin C giống nhau từ kẹo và quả táo thật.
Kẹo dẻo vitamin hương vị táo – đối thủ trong tiềm thức
4. ĐỐI THỦ CẠNH TRANH LÀ ĐỐI TÁC
Chúng ta đã thấy rất nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược trong cộng đồng doanh nghiệp ngày nay và điều này có thể là vô cùng quan trọng đối với chiến lược truyền thông của bạn. Mặc dù vậy, công việc kinh doanh luôn luôn thay đổi, các công ty trước đây từng là nguồn giới thiệu tốt nhất của bạn hiện giờ có thể đang mở rộng, bởi vì những gì bạn làm có vẻ giống như một cơ hội tăng trưởng lớn đối với họ. Hãy đón chào loại quả có tên grapple (trông giống như quả táo nhưng lại có mùi vị như quả nho).
Chiến lược PR và truyền thông xã hội có hiệu quả nhất khi truyền đạt được sự khác biệt của công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ, chứ không phải là điều gì tốt hơn. Sự khác biệt này chỉ nên dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng, sự trung thực, tính khách quan và xem xét tất cả các đối thủ cạnh tranh trong thị trường mục tiêu của bạn.
(Tổng hợp từ www.entrepreneur.com)
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 3593

Gieo hoài mà không ra quả? (Individual Development)
Thanh long trồng ở nơi này thì cho trái ngọt, nhưng đem trồng nơi khác thì lại chua. Khoai lang trồng ở Đà lạt thì cho củ màu đậm và ngọt, nhưng đem trồng nơi khác thì màu nhạt và vị lạt nhách. Người ta nói đất nào thì cây đó là không sai.
Con người cũng vậy, bạn có tài giỏi gì, ở lĩnh vực nào thì bạn cũng cần phải có môi trường phù hợp thì mới mong phát triển và thành công.
Chúng ta từng nghe câu chuyện nhiều người khi ở chỗ này thì làm ăn không khá nổi, chẳng ai biết anh ta là ai, nhưng khi đi chỗ khác thì thành đại gia này, người nổi tiếng kia.
Tôi luôn khuyên các bạn (chỉ dám khuyên các bạn trẻ) rằng: nếu ở môi trường hiện tại, bạn cho rằng bạn đã phấn đấu hết mình mà vẫn không thành công, sự nghiệp không thấy thăng tiến, thì hãy mạnh dạn thay đổi.
Không thành công, không thăng tiến sự nghiệp có thể là do chuyên môn, sở trường của bạn ở môi trường đó không có nhu cầu, hoặc nhu cầu ít mà nguồn lực tại chỗ thì đông. Cũng có thể do khi bạn sống ở một nơi quá lâu thì mọi người trong vòng quan hệ của bạn đã hình thành một định kiến về bạn, kiểu "bụt chùa nhà không thiêng".
Dù trong thời gian qua bạn đã chịu khó học hỏi thêm kiến thức mới, bạn có thêm kỹ năng mới, nhưng những người chung quanh thì vẫn cứ suy nghĩ như cũ về bạn: "thằng đó thì biết gì về điện, nó chỉ biết về nước thôi".
Nhưng nếu bạn di chuyển đến một môi trường mới, thì cũng giống như bạn đã nhấn cái nút reset cảm nhận về cá nhân của bạn.
Ở nơi mới, mọi người sẽ phải tìm hiểu để đánh giá bạn từ thời điểm mà họ lần đầu gặp bạn, không bị ảnh hưởng bởi quá khứ của bạn. Và sau một vài khám phá, họ sẽ nghĩ: "tay này có vẻ rành về điện". Chỉ cần họ cảm nhận đúng con người hiện tại của bạn là bạn có cơ hội phát huy trong lĩnh vực "điện" ở môi trường mới!
Để có cơ hội phát huy và thành công trong cuộc sống, thì thường là cần phải có năng lực vượt trội, nhưng cũng có khi không hẳn vậy. Bởi đơn giản là nếu bạn mặc áo đen mà ở nơi tối thì bạn bị lu mờ, nhưng nếu ra nơi sáng, thì bạn sẽ trở nên nổi bật, vẫn là bạn thôi.
Không thiếu người so với bạn thì không tài giỏi hơn, nhưng ở một môi trường khác thì anh ta thành công, và đó chính là điều mà mình cần phải suy nghĩ.
Vấn đề là bạn phải tìm nơi mà bạn có thể tỏa sáng, nơi mà người ta cần con người như bạn, nơi người ta đánh giá cao cái mà bạn biết.
Thay đổi môi trường hoạt động có khi phức tạp như là thay đổi nơi cư trú, chẳng hạn như chuyển địa phương. Cũng có khi là thay đổi nơi làm việc, tức là chuyển công ty. Nhưng cũng có khi chỉ là thay đổi bạn bè, tổ chức đội nhóm mà mình thường xuyên giao lưu, sinh hoạt.
Tóm lại, theo tôi bạn không nhất thiết cứ phải thật tài giỏi thì mới có thể thành công, mới có thu nhập cao và cuộc sống tốt. Điều mà bạn cần là một môi trường phù hợp đối với bản thân bạn. Hoặc thậm chí tốt hơn, nếu bạn có thể chủ động kiến tạo một môi trường để mình có thể tỏa sáng và thành công.
Nếu có điều kiện thì tôi sẽ chia sẻ với các bạn một nghiên cứu mà tôi đúc kết được và đang biên soạn thành tài liệu. Trong đó, tôi kết hợp những bài bản về Individual Development Plan của các tập đoàn lớn, với kinh nghiệm rút ra được từ chính sự trải nghiệm của bản thân tôi, và bổ sung thêm phần mà các tập đoàn không bao giờ dạy nhân viên.
Thay đổi môi trường chỉ là một phần trong chiến lược "Change My Life". Bởi chúng ta không chỉ cần thay đổi nơi gieo hạt để hạt nảy mầm, mà còn phải làm sao để cây con có thể phát triển lớn mạnh, ra quả ngọt.
Đỗ Hòa
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 3210

“Hãy yêu người ghét bạn” – câu thần chú trong DVKH
Đối với các doanh nghiệp, mối đe dọa đến từ những khách hàng giận dữ chưa bao giờ lên cao như hiện nay. Công nghệ di động và mạng xã hội đã trao cho khách hàng – đặc biệt là những người không hài lòng – tiếng nói lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Với mạng xã hội, những khách hàng giận dữ có thể tổ chức một cuộc phản đối lan rộng, làm tổn hại danh tiếng của một công ty, ảnh hưởng đến doanh số và doanh thu.
Nói đến dịch vụ khách hàng, hầu hết mọi người đều nghĩ đến các hình thức đã từng có như điện thoại, email và xây dựng quy trình dịch vụ dựa trên những kênh này. Nhưng một sự thay đổi rất lớn trong mong đợi của khách hàng đang diễn ra, khi mà khách hàng đang chuyển từ truyền thông riêng với các công ty sang truyền thông công khai trên mạng xã hội, nhận xét trên trang mạng và diễn đàn thảo luận.
Vụ bê bối gần đây nhất của Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã cho thấy “sức mạnh bão táp” của mạng xã hội đối với danh tiếng của một thương hiệu. Với cái giá quá cao đến từ sự không hài lòng của khách hàng, các công ty cần những kế hoạch hành động để phản ứng hiệu quả. Họ cần tìm ra cách biến sự giận dữ của khách hàng thành điều có lợi cho doanh nghiệp. Có thể nói, hiện giờ, dịch vụ khách hàng giống như một môn thể thao thu hút nhiều khán giả. Các thương hiệu cần hiểu rõ cuộc chơi để có thể chiến thắng.
Những khách hàng giận dữ có thể tổ chức một cuộc phản đối lan rộng, làm tổn hại danh tiếng của một công ty.
Jay Baer, tác giả của “Hug Your Haters: How to Minimize the Impact of Angry Customers” (tạm dịch: Hãy yêu người ghét bạn: Làm cách nào để giảm thiểu tác hại của những khách hàng đang giận dữ) và Tyler Douglas, Giám đốc tiếp thị của Vision Critical – một công ty chuyên về phần mềm tình báo khách hàng đã chia sẻ những cách mà một doanh nghiệp có thể học được từ những khách hàng giận dữ.
Nhận biết tầm quan trọng từ những lời phàn nàn của khách hàng
“Không giống với các khách hàng thờ ơ, người phàn nàn, người ghét bạn ít nhất đã dành thời gian để phản hồi”, tác giả Jay Bayer nói. “Đó chính là một hệ thống phát hiện sớm các vấn đề cho doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ cho bạn biết doanh nghiệp của bạn cần cải thiện điều gì nếu như bạn dành thời gian để lắng nghe”.
Hồi đáp mọi lời phàn nàn
Doanh nghiệp cần xem mọi lời phàn nàn như cơ hội để tạo nên trải nghiệm sâu sắc hơn về thương hiệu, thay vì chỉ xem đây là một vụ mua bán hay giao dịch đơn thuần. Khi bạn trả lời tất cả phàn nàn ở mọi kênh, mọi lúc, bạn sẽ bồi đắp nhiều giá trị hơn nữa cho thương hiệu. Chẳng hạn, trả lời một câu phàn nàn trên trang web của doanh nghiệp giúp tăng sự ủng hộ cho thương hiệu lên 16%, nếu là trên mạng xã hội thì sẽ tăng sự ủng hộ lên 20%. “Bạn có thể chọn cách nhìn các khách hàng này như một đối tượng hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp. Bạn có thể đón nhận những sự phàn nàn và giữ được khách hàng”, Baer nói.
Doanh nghiệp cần xem mọi lời phàn nàn như cơ hội để tạo nên trải nghiệm sâu sắc hơn về thương hiệu.
Sử dụng sự giận dữ của khách hàng như một chất xúc tác cho thay đổi tích cực
Giải quyết sự bực tức của khách hàng là một thách thức liên tục cho các thương hiệu, nhưng cũng là một cơ hội để lắng nghe và thúc đẩy sự thay đổi. Các công ty nắm bắt được cơ hội này có thể cải thiện mối quan hệ của họ với khách hàng và nhận được phản hồi có giá trị để thúc đẩy cải cách và thành công. “Đôi khi, những khách hàng giận dữ nhất là những người yêu bạn nhất. Bạn cần hiểu điều gì làm họ giận để định vị tốt hơn cho doanh nghiệp của bạn trong cách phản ứng trước khủng hoảng, khi tiên liệu các vấn đề và quan trọng hơn là tạo nên các giải pháp”. Đó là chia sẻ của ông Tyler Douglas, Giám đốc tiếp thị của Vision Critical.
Hiểu sâu hơn về khách hàng của bạn
Chủ động là cách giúp doanh nghiệp tránh được phàn nàn của khách hàng ngay từ đầu. Để tránh được cơn thịnh nộ của khách hàng, các công ty cần thấu hiểu họ. Nhưng doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào các dữ liệu truyền thống, đo lường trên mạng xã hội và dữ liệu lớn (big data) có thể giúp hiểu tốt hơn về khách hàng. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, con đường phía trước là xây dựng những đối thoại liên tục phát triển và cải thiện.
Quan trọng hơn, các công ty cần có được phản hồi của khách hàng trước khi chúng dần chuyển thành sự phàn nàn, giận dữ. Và sau hết, cách tốt nhất để giải quyết rắc rối là nhận ra rằng khách hàng là những người có phản hồi giá trị để đóng góp cho doanh nghiệp.
Theo Doanh nhân Cuối tuần
- Details
- Category: Quản Trị Bán Hàng
- Hits: 4126

Dùng chiến lược nào khi giá sản phẩm cao hơn đối thủ?
Cuộc chiến giá cả luôn là thứ khiến nhiều người phải sợ hãi, vì nếu mọi chuyện không như dự tính sẽ có thể khiến bạn tổn hại cả về doanh thu lẫn uy tín. Nhưng nếu trên thị trường xuất hiện những đối thủ cùng cung cấp một loại sản phẩm, dịch vụ với bạn mà giá cả lại rẻ hơn thì sao? Tệ hơn là tập khách hàng của bạn lại rất coi trọng vấn để chênh lệch giá, họ có xu hướng thích những sản phẩm cùng tính năng nhưng giá rẻ hơn. Vậy thì có chiến lược cạnh tranh nào giúp bạn trong hoàn cảnh “ngặt nghèo” như vậy không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây!
TẠO SỰ KHÁC BIỆT CHO SẢN PHẨM, DỊCH VỤ
Tham gia cuộc đua về giá là một chiến lược cạnh tranh thiếu khôn ngoan, nhất là khi bạn đã định hình vị trí của mình trên thị trường. Nên thay vì cố gắng hạ thấp giá như đối thủ thì bạn hãy kéo khách hàng về phía mình bằng cách tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ. Một ví dụ điển hình là dòng điện thoại iPhone đình đám của Apple, khi trào lưu điện thoại thông minh giá rẻ đang được nhiều hãng áp dụng thì iPhone vẫn trung thành với những thiết kế sang trọng, đẳng cấp cả về phần cứng lẫn phần mềm. Chính nhờ sự khác biệt nổi trội đó mà iPhone vẫn chiếm ưu thế dù giá bán không hề rẻ chút nào.
THUYẾT PHỤC KHÁCH HÀNG VỀ SỰ ƯU VIỆT CỦA MÌNH
Giá không phải yếu tố duy nhất có sức ảnh hưởng tới quyết định mua của khách hàng, đôi khi nó còn là yếu tố xếp cuối cùng. Vì vậy nếu giá sản phẩm là điểm yếu của bạn thì hãy tập trung vào những điểm mạnh khác và dùng chúng để thuyết phục khách hàng. Trong các chiến lược tiếp thị, quảng cáo hãy cho người mua biết họ nhận được lợi ích gì mà các sản phẩm giá rẻ không thể có, ví dụ tốn thêm 500.000đ nhưng lại được sở hữu một chiếc điện thoại có bộ nhớ tăng gấp đôi chẳng hạn. Đặc biệt trong quá trình tư vấn bạn nên “né” vấn đề giá cả, hoặc cho khách hàng thấy với tầm giá như vậy họ sẽ nhận được các giá trị xứng đáng.
TẠO ĐIỀU KIỆN MUA SẮM TIỆN LỢI
Nếu giá rẻ nhưng bắt khách hàng phải lặn lội tới tận nơi, xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới được mua thì chưa chắc đã lợi thế hơn giá hơi cao một chút nhưng khách chỉ cần ngồi ở nhà rồi hàng sẽ được chuyển tới tận cửa. Trong thời buổi một giây đáng giá nghìn vàng như hiện nay thì rất ít người muốn tốn thời gian cho việc chờ đợi mỗi khi đi mua sắm. Bạn có thể tận dụng tâm lý này để tạo ra chiến lược cạnh tranh cho mình.
Một ví dụ thực tế khác là cuộc chiến giữa hãng bán lẻ Walgreens và Wal-Mart, trong khi Wal-Mart đang kéo thị phần nhờ chiến lược giá rẻ thì Walgreens lại thu hút khách hàng bằng cách đặt cửa hàng ngay gần trung tâm mua sắm, khu thanh toán rộng không phải chờ đợi.
TẶNG THÊM DỊCH VỤ HẬU MÃI
Một số dịch vụ nhỏ như gói quà, miễn phí vận chuyển trong bán kính 5km, tăng thời gian bảo hành lên 2 năm,… cũng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho bạn trước những đối thủ muốn thắng trong phương diện giá bán. Có thể những dịch vụ hậu mãi này sẽ làm tăng thêm một phần chi phí của bạn, nhưng sẽ không quá cao mà vẫn gây được ấn tượng với khách hàng.
GÂY ẤN TƯỢNG VỚI DỊCH VỤ CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
So sánh giữa một bên bán đồ giá rẻ nhưng theo kiểu đem con bỏ chợ với một bên giá cao hơn một chút nhưng luôn tận tình giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách, bạn cảm thấy bên nào sẽ gây ấn tượng tốt hơn cho người mua? Thực tế cũng có ví dụ tương tự đối với thị trường điện thoại di động, mặc dù rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ có giá bán thấp hơn đến cả triệu đồng nhưng người ta vẫn chuộng tới FPT shop hay Thế giới di động để mua hàng hơn, đơn giản vì nếu có vấn đề khi sử dụng họ sẽ được trợ giúp tận tình, chuyên nghiệp.
Với 5 chiến lược cạnh tranh này thì dù bạn bán giá cao hơn đối thủ thì vẫn có thể chiếm ưu thế trên thị trường. Hãy nhớ rằng khách hàng thích hàng giá rẻ nhưng không thích một dịch vụ rẻ tiền và áp dụng thành công các chiến lược này nhé!
Nguồn: Internet
- Details
- Category: Chiến Lược Thương Hiệu
- Hits: 6621

4 cách làm chủ thời gian của những người thành công
“Người thành công chẳng bao giờ dừng lại dù chỉ để tự hỏi liệu việc chúng ta đang làm có thực sự quan trọng nhất không.” - Stephen Covey
Thời gian cũng giống như một nguồn lực, nhưng không như những nguồn lực khác, chúng ta không thể lấy lại thời gian đã mất, cũng không thể thêm bớt, lưu trữ, hoặc tắt mở, thay thế nó.
Nếu chúng ta không biết cách sử dụng thời gian sao cho thật hiệu quả thì từng giờ từng phút trôi qua sẽ trở nên lãng phí. Dưới đây là bốn bước giúp bạn sử dụng thời gian một cách tốt nhất:
1. Lập kế hoạch cho một ngày của bạn
Các nhà thầu luôn có bản thiết kế xây dựng, các nhà điều hành luôn vạch trước kế hoạch kinh doanh, các huấn luyện viên luôn có sơ đồ chiến thuật, thầy giáo có giáo án... thế thì tại sao chúng ta lại không có một kế hoạch cho một ngày của mình? Đó chẳng phải là một điều gì quá vất vả, cũng chẳng mất nhiều thời gian nhưng sẽ mang lại năng suất và hiệu quả rõ rệt cho bạn.
Đánh dấu những việc bạn đã hoàn tất trong ngày. Việc hoàn thành mục tiêu cho bạn cảm giác tuyệt vời nhất, là phần thưởng của bạn. Nó cũng cho thấy sự tiến bộ của bạn.
2. Lên lịch hẹn với chính mình
Giả sử bạn có một công việc đòi hỏi mất khoảng 2 giờ đồng hồ để làm và cần phải hoàn tất trước thứ Năm tới. Hầu hết mọi người đều nói với chính mình: “Mình quyết tâm làm xong việc đó vào trước tuần tới”. Hãy chú ý sự khác biệt khi nói như sau: “Tôi sẽ làm việc đó vào ngày thứ Ba trong khoảng 4 đến 6 giờ chiều”. Hãy nhớ rằng trí óc ta luôn hướng đến điều cụ thể. Nếu bạn nói với một người bạn của mình, “Mình gặp lại nhau sau nhé”, thì sẽ khó gặp lại nhau hơn là khi bạn hẹn vào một ngày giờ cụ thể.
Nếu bạn có việc gì đó cần phải làm ngay, nhưng bạn lại có khuynh hướng trì hoãn cho đến phút cuối, thì có một giải pháp đơn giản cho điều này: Hãy lên một cuộc hẹn với chính mình. Trước khi làm một việc gì khác, hãy tỏ rõ quyết tâm làm cho kỳ được việc phải làm. Rồi sau đó bạn cần quyết định khi nào bạn bắt tay vào làm việc đó, và tự cam kết với mình về một thời gian biểu cụ thể. Chỉ đơn giản như thế nhưng nó có thể đem lại nhiều lợi ích cho bạn như: phát triển tính kỷ luật, hỗ trợ thiết lập mục tiêu, giúp chiến thắng sự trì hoãn, và hướng dẫn bạn sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
3. Dùng phương pháp Mỗi- Lúc- Một- Chút
Một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong việc hoàn tất những công việc quan trọng là mỗi lúc làm một ít. Thay vì chờ cho đến lúc có cảm hứng hoặc có đủ thời gian mới tiến hành, thì hãy dành ra một chút thời gian đặc biệt trong lịch làm việc hàng ngày của bạn. Tốt nhất thời gian đặc biệt này được ấn định vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều mấu chốt là phải duy trì liên tục, đều đặn.
Hãy làm cho nó trở thành một thói quen. Lấy việc viết một cuốn sách để làm ví dụ. Dường như đó là một công việc quá khó khăn phức tạp nếu nhìn một cách tổng thể. Nhưng nếu bạn viết chỉ một trang mỗi ngày, thậm chí trừ ra hai ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ Nhật, thì bạn có thể hoàn tất một cuốn sách dày 260 trang vào cuối năm.
Phương cách này cũng có thể so sánh với việc xây dựng một căn nhà gạch. Mỗi viên gạch thật là nhỏ bé, và việc xây mỗi lúc một viên gạch xem ra có vẻ chậm chạp kinh khủng. Nhưng khi mỗi viên được đều đặn đặt lên một viên khác, lại hình thành nên cái gì đó vĩ đại hơn nhiều so với những đống vật liệu chưa xây. Bạn có thể sử dụng những khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi theo cùng cách như thế. Thành công là kết quả của công việc khó khăn vất vả được thực hiện mỗi ngày một ít.
4. Hãy biết vào lúc nào bạn làm việc hiệu quả nhất
Mỗi người có một chiếc “đồng hồ sinh học” riêng. Vào lúc nào đó, người này làm việc có năng suất nhất, nhưng người khác thì ngược lại, kém hiệu quả nhất. Một số làm việc hiệu quả nhất vào buổi sáng, những người khác lại có năng suất vào ban đêm. Một số người đuối sức vào giữa buổi chiều, trong khi nhiều người khác lại vừa được nạp đầy năng lượng. Vì vậy, quan trọng là nhận biết được giờ sinh học của bạn - khi nào bạn có thể hoạt động tốt nhất. Nếu có thể, nên lên lịch làm những việc quan trọng nhất của bạn trong những giờ khắc này. Đó chính là sử dụng thời gian một cách tối ưu.
Khi bạn có được kỹ năng sử dụng thời gian hiệu quả, bạn sẽ nhận thức được rằng thời gian là cuộc sống của bạn và bạn tận dụng nó một cách hiệu quả nhất. Sự thành công tùy thuộc vào việc bạn sử dụng thời gian như thế nào. Người thành công không tìm kiếm thời gian, họ tạo ra thời gian.
Theo Trí Thức Trẻ
- Details
- Category: Quản Trị Marketing
- Hits: 2501

3 điều làm nên 1 telesales thành công
Người bán hàng thành công là người có thể tận dụng triệt để những khả năng bản thân để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc.
Trong nghề telesales thì bạn nên biết rằng có ba yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của việc bán hàng. Đó là Thời gian, số lượng và chất lượng cuộc gọi. Bạn càng tối ưu các yếu tố này bao nhiêu thì hiệu quả công việc sẽ tốt bấy nhiêu.Vậy làm sao để tối ưu những yếu tố này, đây sẽ là một số giải pháp dành cho bạn.
1.Lựa chọn thời gian tiếp cận khách hàng phù hợp
Cuộc sống kỳ diệu cho chúng ta đều như nhau chỉ 24 giờ mỗi ngày. Đó là khoảng thời gian không ai mua được, chia đều cho mỗi người và không ai ít hơn hay nhiều hơn. Vì quỹ thời gian đã giới hạn như vậy nên đối với telesales, bạn nên biết tận dụng thời gian để làm việc. Trong một ngày làm việc thì thời gian bạn nên gọi điện tốt nhất là từ 9 giờ đến 10 giờ 30 và buổi chiều từ 2 giờ đến 4 giờ 30.
Do thời gian trong ngày là có hạn, bạn cần phải dùng thời gian này để gọi điện và tiếp xúc với khách hàng. Chuẩn bị danh sách gọi điện vào buổi sáng, nhìn vào danh sách và xem họ là ai, họ như thế nào để có thế chuẩn bị tốt nhất cho việc trao đổi. Khi gọi điện cho khách hàng, hãy hạn chế làm các công việc khác vì đây là thời gian quan trọng, bạn dễ nhận được đơn hàng hơn so với quãng thời gian khác.
Nếu khách hàng yêu cầu bạn gửi thông tin cho họ ngay thì bạn nên ghi chú lại và vẫn tiếp tục gọi điện, khi nào gọi điện xong danh sách khách hàng rồi hãy gửi email đến những người cần. Bên cạnh đó bạn nên tập cách giảm thời gian trên 1 cuộc điện thoại, xác định những khách hàng tiềm năng để tiếp tục trao đổi hay những khách hàng không tốt để ngừng cuộc nói chuyện.
2. Yếu tố thứ 2 mà nhân viên telesales nên chú trọng là yếu tố số lượng cuộc gọi.
Bạn đã từng nghe câu chuyện một nhân viên bán hàng giữa siêu thị, họ được huấn luyện là khi họ chào 1000 người thì chỉ có 20 quay lại lắng nghe họ. Có những bạn rất tuân thủ thời gian gọi điện hằng ngày nhưng tác phong gọi điện thì rất chậm, nó khiến mỗi ngày làm việc trôi qua mà bạn không thực hiện được nhiều cuộc gọi. Bạn nên biết rằng thời gian thì cố định nhưng số lượng cuộc gọi thì lại không.
Khi bạn gọi điện đến một khách hàng thì trên thực tế nó giống với việc bạn đi gặp khách hàng trực tiếp vậy. Bạn gọi càng nhiều thì khả năng khách hàng đồng ý mua sản phẩm của bạn càng tăng. Hãy tập thói quen chú ý đến từng cuộc gọi, đếm số cuộc điện thoại mà bạn thực hiện trong ngày và tăng dần số cuộc gọi trong ngày.
3.Vấn đề cuối cùng đó là nâng cao chất lượng cuộc gọi.
Bạn đã từng gặp vấn đề là gọi điện cho khách hàng mà không biết nói gì, hay nói chuyện lan man tốn thời gian nhưng lại không đạt hiệu quả? Đây sẽ là cách cho bạn. Hãy mua một quyển sổ, mục tiêu chính của quyển sổ này là ghi chép lại từng cuộc nói chyện với khách hàng, nhận diện và phân loại họ.
Khi bạn đã hiểu khách hàng thì hãy lên những câu hỏi mà nhóm khách hàng này thường hỏi và tập luyện liên tục. Hãy tập phong cách làm việc cộng với học hỏi, hoàn thiện dần khả năng của mình. Không ai trở thành thiên tài mà không học hỏi. Hãy học hỏi từ đồng nghiệp, khách hàng và ông lớn internet. Khi đó, với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được thị chất lượng cuộc gọi của bạn sẽ được cải thiện.
Tổng kết lại, dù bạn đã hoặc đang làm telesales thì bạn nên tự nhận xét lại bản thân đang còn yếu ở yếu tố nào. Từ đó bạn nên lên phương án nhằm cải thiện khả năng của mình. Hãy tập làm việc một cách thông mình hơn là làm việc chăm chỉ. Đây là điều mà những người telesales thành công đã và đang thực hiện.
Theo Trí Thức Trẻ
- Details
- Category: Kỹ Năng Bán Hàng
- Hits: 4205
Page 191 of 267