Quảng cáo và vấn đề thu phí quyền tác giả: Cộng sinh được hay không?

Câu chuyện Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) kết hợp cùng một công ty điện tử để phát triển hệ thống thu phí bản quyền thông qua hình thức quảng cáo đang tạo sự chú ý của cộng đồng bảo vệ bản quyền trí tuệ ở Việt Nam. Mô hình này không phải là mới lạ trên thế giới nhưng với trong nước, đây được đánh giá là mô hình hiệu quả, đặc biệt trong tình hình vấn đề bản quyền Việt hiện còn nhiều khó khăn trong việc thực thi.

Không lo tiền bản quyền còn được thêm thu nhập

Đó chính là khẳng định của RIAV khi giới thiệu dự án SHARE OUR C.A.K.E. Theo đó, các phòng karaoke sẽ được kết nối internet để cập nhật bài hát tự động và kèm theo đó là hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được chia thành ba phần chính, một dành cho người sở hữu quyền ca khúc do RIAV đại diện, một cho đơn vị kinh doanh karaoke và một cho nhà cung cấp dịch vụ. Dự án này trên thực tế đã được triển khai thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong đầu năm 2017.

QCSach1

Ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, cho biết việc triển khai thu phí bản quyền ca khúc ghi âm ở các cơ sở kinh doanh không chỉ karaoke mà còn ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng bản ghi âm khác là vô cùng khó khăn. Nguyên nhân khách quan là số lượng cơ sở, thiết bị sử dụng quá nhiều, RIAV cũng như các trung tâm bản quyền khác hầu như không cách nào đảm bảo việc kiểm tra, giám sát. Điều này dẫn đến một thực tế là thông thường sẽ phải thu theo hình thức “khoán”, tính trọn gói nên không thể đảm bảo tính chính xác, đầy đủ. Mặt khác, do đặc thù của các mô hình kinh doanh ở Việt Nam cũng mang tính nhỏ lẻ, chi phí bản quyền do đó trở thành một gánh nặng nên nhiều cơ sở kinh doanh e ngại, tìm cách né tránh. Thế nhưng, trong thực tế, việc thu phí bản quyền trở nên khó khăn, phức tạp có khi còn dẫn đến tranh cãi, thậm chí có trường hợp đã bị kiện phải thanh tra, kiểm tra. Với mô hình dùng quảng cáo để trả phí bản quyền, do tất cả các bên đều có lợi nên được cho là sẽ góp phần khuyến khích việc tôn trọng bản quyền.

Tuy nhiên, đây là một mô hình mới nên cũng dẫn đến nhiều nghi ngại như liệu có hay không tình trạng độc quyền của đơn vị cung cấp thiết bị, việc quảng cáo có ảnh hưởng gì đến nhu cầu thụ hưởng của khách hàng? Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch thường trực RIAV, khẳng định đơn vị này sẽ phối hợp với tất cả các doanh nghiệp cung cấp kỹ thuật chứ không dành độc quyền cho bất cứ ai. Còn về việc thưởng thức của khách hàng, theo đại diện của đơn vị kỹ thuật thì việc quảng cáo có rất nhiều hình thức lựa chọn, từ toàn bộ đến chỉ là các hình ảnh thu nhỏ…, thậm chí nếu có yêu cầu, cơ sở kinh doanh có thể linh hoạt hơn các phòng giá thấp có quảng cáo hay phòng không quảng cáo có chi phí cao hơn. Những vấn đề này khi đưa vào thực tế sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp, tùy tình hình.

Quảng cáo trên sách, giấc mơ dang dở

Vài năm sau khi Việt Nam chính thức công nhận Công ước Berne về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các tác phẩm văn học nghệ thuật, vấn đề quảng cáo trên sách được nhắc đến. Quảng cáo trên sách được xem là có nhiều lợi ích, như mở rộng tiện ích của sách (sách về ẩm thực có thêm phần về các cơ sở, dịch vụ, thiết bị cho ẩm thực hay sách về du lịch, du khảo giới thiệu các dịch vụ, đơn vị lữ hành… tại Việt Nam), một số đơn vị khi đó cũng đã bắt đầu triển khai thử nghiệm mô hình này.

Hiện nay, vấn đề quảng cáo trên sách cũng bắt đầu được nhắc lại. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt, cho biết nhu cầu quảng cáo trên sách là rất lớn, với lợi ích mang lại không chỉ thuần túy là kinh tế mà còn có ảnh hưởng đến cả vấn đề phát triển văn hóa đọc. Cũng theo ông Phước, hiện nay chi phí thực hiện một cuốn sách khá cao, nếu phối hợp với quảng cáo thì có thể kéo giá sách xuống, thậm chí có cả dạng sách tặng miễn phí cho bạn đọc.

QCSach2
Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc quảng cáo trên sách

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội Xuất bản TPHCM, cho biết luật xuất bản trong nước hiện đang cấm không cho quảng cáo nên các đơn vị phải chấp hành, nhưng việc quảng cáo qua sách cũng đã được chú ý đến từ lâu. Theo ông, ưu điểm của quảng cáo trên sách rất rõ ràng nhưng nhược điểm cũng không phải không có như chỉ giới hạn trong các mặt hàng, dịch vụ liên quan đến văn hóa như văn hóa phẩm, tập học sinh… không nên áp dụng tràn lan cho các mặt hàng khác. Chẳng hạn, một cuốn sách văn học mà có quảng cáo quần áo, thời trang thì khó ai mà chấp nhận được. Điều này đòi hỏi có một quy chế quảng cáo phù hợp; trong khi đó, các đơn vị xuất bản, làm sách hiện nay hầu hết đều không có năng lực trong vấn đề này, nên việc áp dụng nếu được cho phép sẽ rất khó khăn.

Sự cộng sinh đôi bên có lợi

Hầu hết các đơn vị làm sách được hỏi đều nhiệt tình với việc quảng cáo trên sách. Có đơn vị cho rằng cũng như quảng cáo trên báo, để thu hút quảng cáo báo đòi hỏi phải có chất lượng cao, hấp dẫn bạn đọc. Sách cũng thế, để thu hút quảng cáo, sách cũng cần nâng cao chất lượng, từ nội dung đến hình thức, một đơn vị có uy tín sẽ không thể chấp nhận quảng cáo trên một sản phẩm sách kém chất lượng. Mặt khác, việc quảng cáo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà cả lợi ích xã hội, khi đó sách đóng vai trò truyền thông và chính các đơn vị quảng cáo sẽ mang sách đến khắp mọi miền đất nước, vừa để quảng bá vừa mang lại nguồn sách quan trọng cho bạn đọc. Trên thực tế, điều này đã từng xuất hiện với mô hình sách điện tử (ebook), khi một đơn vị điện thoại đã mua trọn gói cả thư viện ebook nhằm cung cấp trên các thiết bị của đơn vị, xem như một hình thức tăng tiện ích của sản phẩm.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề phải làm, phải giải quyết trong mối quan hệ cộng sinh giữa loại hình quảng cáo với các sản phẩm văn hóa như sách. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nhu cầu kết hợp giữa các loại hình kinh doanh cùng với sự phát triển văn hóa là một thực tế không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, với quan điểm cho rằng sách là một sản phẩm văn hóa đặc thù mang tính cao cả, thanh cao, việc quảng cáo trên sách gặp phải phản ứng quyết liệt, được đưa vào luật với các hình thức cấm cụ thể. Thậm chí, việc cấm này có lúc còn rất nghiêm khắc như có một thời gian dài còn cấm cả đề tên đơn vị liên kết xuất bản trên trang bìa sách vì cho là quảng cáo cho đơn vị làm sách.

TƯỜNG VY
(Theo SGGP)

Comments powered by CComment