Giải mã sức hút truyền thông của các công ty Trung Quốc

Theo số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor từ tháng 1/2015 đến 10/2015, Tập đoàn bán lẻ Alibaba của Trung Quốc đứng đầu danh sách những công ty được truyền thông thế giới nhắc đến nhiều nhất. Khảo sát của Media Tenor được thực hiện trên các đầu báo kinh tế hàng đầu thế giới là Wall Street Journal, Financial Times,Handelsblatt và Les Echos.

Tiếp sau Alibaba lần lượt là những cái tên khá quen thuộc: Tập đoàn công nghệ Baidu, Tập đoàn trò chơi và giải trí Tencent, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Công ty dầu khí Petro China, Công ty Kỹ thuật Huawei Technologies, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Công ty viễn thông China Molbile và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Chỉ có một số ít công ty Việt Nam như Vinamilk, Vinacapital hay Vietnam Airlines được nhắc đến và với tần suất chỉ một, hai lần trên những tin tức rất ngắn.

Lý do nào khiến các công ty của Trung Quốc được truyền thông quốc tế săn đón và dành cho nhiều ưu ái như vậy?

truyen thong

Theo phân tích của Media Tenor, có một điểm chung của 3 công ty đứng đầu danh sách, đó là: các nhà lãnh đạo của họ rất “chịu khó” xuất hiện trên truyền thông quốc tế để quảng bá cho hình ảnh của công ty và của chính bản thân. Họ có những buổi tiếp cận công chúng ở các thị trường họ đang nhắm tới. Jack Ma, Robin Li hay Ma Huateng đều là những cái tên được Forbes đánh giá cao. Họ chính là những “thỏi nam châm” quan trọng tạo nên sức hút truyền thông cho công ty.

Ngoài ra, với Alibaba, có thể lý giải sức hút truyền thông của tập đoàn này dựa trên sự thành công vượt ngoài mong đợi của đợt chào bán chứng khoán lần đầu cho công chúng (IPO) vào năm ngoái được ghi nhận là lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Giải mã sức hút truyền thông của các công ty Trung Quốc doanhnhansaigon
Một lực hút quan trọng nữa là chiến lược thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài của gã khổng lồ bán lẻ Trung Quốc khi thông báo về kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây tại Dubai, đồng thời thực hiện thương vụ mua cổ phần trị giá 56 triệu USD của hãng bán lẻ trực tuyến Zulily (Mỹ) và đầu tư vào các công ty thương mại điện tử của Mỹ, trong đó có 1stdibs (trang web mua bán trực tuyến cao cấp) và ShopRunner (nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các hãng bán lẻ). Alibaba cũng tiếp tục đầu tư vào các chi nhánh của họ trên toàn cầu, trong đó có AliExpress và Tmall Global.

Vì các lý do trên, thông tin và hình ảnh của Alibaba chiếm đến 1/10 lượng thông tin của toàn ngành bán lẻ trên truyền thông quốc tế, và 30% hình ảnh của họ là tích cực.

Xếp sau Alibaba về sức hút truyền thông, nhưng có đến hơn 85% thông tin và hình ảnh về Baidu là tích cực và trung tính. Baidu - công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 6 thế giới đang nỗ lực mở rộng thị trường và đối tác. Công ty đã có hàng loạt các hợp đồng hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới như Microsoft, Uber hay Cogobuy – những cái tên mà truyền thông không thể bỏ qua. Chính vì vậy, hình ảnh của Baidu ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Như vậy, nhờ vào việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và đầu tư vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, Alibaba và Baidu đang được các tờ báo kinh tế thế giới quan tâm.

Khác với Alibaba và Baidu, Tencent ghi dấu trên truyền thông từ việc ra mắt các sản phẩm mới, đặc biệt trong lĩnh vực game và các dịch vụ giải trí tương tác. Tencent lọt vào danh sách những công ty sáng tạo do Forbes bình chọn. Đặc biệt, công ty game của Tencent được xếp hàng đầu trên thế giới với doanh thu 7,2 tỷ USD. Chính vì thế mà có đến gần 95% thông tin về Tencent là tích cực và trung tính. Tencent nhận được rất nhiều bình luận thiện chí của các chuyên gia.

Đấy là chưa kể, Trung Quốc vừa được Brand Finance, tổ chức tư vấn tài chính độc lập hàng đầu thế giới xếp thứ hai về giá trị thương hiệu quốc gia và sức mạnh thương hiệu. Quốc gia này chỉ đứng sau Mỹ và vượt trên cả Đức, Anh, Pháp, Nhật, Ấn độ, Canada, Italia và Úc trong top 10 thương hiệu quốc gia.

David Haigh - CEO của Brand cho biết: “Trong thị trường toàn cầu, thương hiệu quốc gia là một trong những tài sản quan trọng nhất của bất kỳ đất nước nào, bởi nó chính là chỉ số để khuyến khích đầu tư nước ngoài, gia tăng giá trị các hàng xuất khẩu và thu hút khách du lịch”.

Trong khi, Việt Nam xếp hạng 49, tụt 6 bậc so với năm ngoái.

Nhiều công ty Việt Nam đã và đang phát triển ra thị trường nước ngoài nhưng có rất ít người biết, kể cả khách hàng ở thị trường đó. Bởi truyền thông không được tiếp cận với thông tin như vậy.

Theo CEO của Media Tenor International Roland Schatz, “nếu không ai biết bạn làm gì, bạn là ai, thì bạn sẽ chẳng có giá trị gì”.

KIM NGỌC/DNSG

Comments powered by CComment