Truyền hình trả tiền: Bài học từ cạnh tranh viễn thông

20130327100729 10lar-bucanh394 0a8deBài học có được từ việc mở cửa thị trường viễn thông, xóa bỏ độc quyền từ 8 năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị áp dụng trong việc bảo vệ lợi ích cho khách hàng sử dụng truyền hình trả tiền, dịch vụ đang có xu hướng bị độc quyền hóa.

Người dân Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ truyền hình chất lượng tốt.

Bài học về giá trị của tính cạnh tranh

Xuất phát từ vai trò chủ đạo trên thị trường Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn VNPT (trước đây là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông) đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng hạ tầng viễn thông và vai trò công ích xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu những năm 2000, thị trường viễn thông đặc biệt là viễn thông di động, đã có những dấu hiệu chững lại do thiếu linh hoạt và sức ép cạnh tranh để phát triển. Nhưng chỉ từ cuối năm 2004, sau khi Bộ TT&TT cấp phép cho các doanh nghiệp ngoài VNPT cung cấp dịch vụ viễn thông, thị trường này đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng.

Cũng chỉ trong 8 năm kể từ khi mở cửa thị trường viễn thông, người dùng di động tại Việt Nam đã chứng kiến một sự cải tổ mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ và giá cước di động. Từ việc đăng ký thuê bao di động khá phức tạp và giá cước hơn 3.000 đồng/phút vào thời điểm trước năm 2000, hiện tại, người dùng chỉ cần chứng minh thư là đã có thể đăng ký dễ dàng, và giá cước chỉ còn hơn 1.200 đồng/phút. Nếu trước năm 2000, ĐTDĐ chỉ dành cho giới doanh nhân, người có thu nhập cao và thường xuyên phải liên lạc gấp, thì hiện tại giá cước đã được tính theo block 6 giây + 1 và rẻ tới mức anh lái xe ôm, chị buôn đồng nát cũng có thể sử dụng để tiện lợi cho công việc hàng ngày.

Trong 8 năm ấy, vai trò công ích của các doanh nghiệp viễn thông đều được tăng cường, số trạm phát sóng di động cũng tăng lên không ngừng trên toàn quốc, đến tận các vùng sâu vùng xa, người dân nghèo vùng nông thôn. Các đối tượng học sinh sinh viên cũng đã có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với người thân. Thậm chí các ngư dân đánh bắt cách bờ biển vài cây số cũng có thể liên lạc với nhau dễ dàng hơn bằng ĐTDĐ.

Từ một nhà mạng "tân binh" vào thời điểm 2004, Viettel chỉ khai thác thị trường bình dân, với các khách hàng thu nhập thấp không thể trả hóa đơn di động tới hàng triệu đồng như thuê bao của 2 "đàn anh" VinaPhone và MobiFone. Nhưng 8 năm sau, khái niệm "nhà mạng bình dân" của các số thuê bao đầu 097, 098 đã bị xóa nhòa hoàn toàn, thậm chí còn vượt trội hơn 2 mạng di động đàn anh về khả năng kết nối Internet 3G ở bất cứ đâu, kể cả vùng sâu vùng xa.

Thị trường truyền hình trả tiền vốn có nhiều điểm tương tự như thị trường viễn thông, chẳng hạn như khách hàng đều thu phí thuê bao tháng để sử dụng dịch vụ, ban đầu cũng tập trung ở nhóm khách hàng có thu nhập cao, muốn xem truyền hình có độ nét cao hơn, nhiều nội dung phong phú hơn. Tuy nhiên, sau 9 năm phát triển, đến nay toàn quốc mới chỉ có hơn 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (bao gồm cả thuê bao cáp và chảo vệ tinh), chiếm chưa tới 15% hộ gia đình Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện có tới 40 công ty truyền hình trả tiền, nhưng chủ yếu thị trường này đang nằm trong tay 3 thương hiệu là VCTV, SCTV, K+. Theo ước tính, Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) hiện đang có khoảng 1,2 triệu thuê bao truyền hình cáp, SCTV (liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) nắm 1,5 triệu thuê bao truyền hình cáp, còn K+ (VTV liên doanh với Canal Plus của Pháp) có trong tay hơn 400.000 thuê bao truyền hình vệ tinh. Với con số thuê bao này, tổng cộng các thuê bao của VCTV, SCTV và K+ đã vào khoảng 3,1 triệu, chiếm hơn 70% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói hơn là kể từ năm 2009 đến nay, giá cước thuê bao tháng của 2 nhà cung cấp lớn nhất là VCTV và SCTV liên tục tăng cao. Cụ thể, năm 2009 giá dịch vụ truyền hình cáp là 44.000 đồng/tháng, sau tăng lên 65.000 đồng; từ 1/5/2011 tăng lên 88.000 đồng và sau hơn 1 năm, đến 1/9/2012 lại tăng tới 110.000 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 18 tháng, VCTV đã tăng giá tới gần 70% (từ 65.000 lên 110.000 đồng) và trong 3 năm qua giá đã tăng gần 3 lần.
Để cập nhật thông tin từ các kênh truyền hình trung ương, người dân vùng núi Lạng Sơn phải dùng chảo lậu để xem.

Người dân được gì nếu xóa bỏ độc quyền?

Câu trả lời có thể thấy rõ ngay ở những gì người dùng di động tại Việt Nam có được sau 8 năm mở cửa thị trường, cho phép các doanh nghiệp ngoài VNPT được cung cấp dịch vụ. Khách hàng có nhiều lựa chọn về dịch vụ hơn, mức cước phù hợp với thu nhập của người lao động phổ thông. Dịch vụ di động đã vươn đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đáp ứng vai trò công ích về thông tin liên lạc cho mọi người. Tốc độ phát triển thuê bao di động của Việt Nam luôn ở mức cao, với mức giá cước thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Giá cước di động liên tục giảm, hiện chỉ còn 40% so với thời điểm 8 năm trước (từ 3.000 đồng/phút xuống còn 1.200 đồng/phút) trong khi chất lượng dịch vụ tăng lên không ngừng đã giúp người nông dân cũng có thể dùng di động. Giá cước rẻ, nhưng nhà cung cấp dịch vụ di động vẫn có lãi, nên một số quan điểm bảo thủ trước đây cho rằng thị trường di động bị phá giá khi mở cửa cạnh tranh đã bị chính thực tế thị trường bác bỏ.

Tương tự như vậy, quan điểm cho rằng thị trường truyền hình trả tiền sẽ bị phá giá khi để cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường cũng chỉ là lý lẽ nhằm bảo vệ cho lợi ích và vị thế độc quyền hiện nay. Nếu tính cạnh tranh của thị trường truyền hình trả tiền được tăng lên, người dân có nhiều lựa chọn về dịch vụ với giá rẻ, chất lượng tốt, thị trường được phát triển mở rộng, vươn ra ngoài phạm vi đô thị, thành phố lớn để phục vụ người dân nông thôn thì không thể gọi đó là phá giá dịch vụ.

Hơn bao giờ hết, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng luôn là mục tiêu mà các nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý cần hướng tới. Nếu bất chấp quyền lợi khách hàng để cố thủ những lợi thế độc quyền, sớm muộn người tiêu dùng cũng sẽ quay lưng khi có lựa chọn khác. Câu chuyện người dân ở vùng sâu vùng xa không được xem truyền hình, phải chấp nhận đi mua chảo vệ tinh lậu của Trung Quốc về tự lắp để xem được các kênh của truyền hình Việt Nam là một ví dụ thực tế đã diễn ra nhiều năm, rất đáng để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhìn nhận lại vai trò công ích của mình.

Huy Phong.

Theo VietNamNet.

Comments powered by CComment