Học người Thái làm du lịch

dulichthaiTôi đi công tác Thái Lan đã nhiều lần và từng nghe quảng cáo về du lịch Thái Lan - “đất nước chùa vàng”, “thiên đường mua sắm”, “thiên đường du lịch”… nhưng chỉ sau chuyến đi cùng vợ gần đây, theo chương trình của một công ty du lịch, mới hiểu tại sao du khách luôn vui vẻ tiêu đến đồng tiền cuối cùng trên đất nước này.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Thái Lan. Vì vậy chính phủ nước này luôn có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành du lịch. Đi du lịch đến đây không tốn kém gì nhiều nếu không nói là khá rẻ so với các nước trong khu vực do được hỗ trợ về giá. Để bù lại người Thái sử dụng nhiều cách thức khôn khéo, luôn “tạo điều kiện” cho du khách tiêu xài.

Sau khi đặt chân xuống sân bay Suvarnabhumi của Bangkok, du khách đã sắp phải mở ví lấy tiền. Tại đây, có người đến quàng vòng hoa và tự động chụp ảnh cho du khách.

Sáng hôm sau, trước khi khách lên xe đi tham quan, sẽ có người đến tận khách sạn giao hình với giá 100 baht (khoảng 72.000 đồng)/tấm, nhưng nếu không muốn lấy cũng chẳng sao. Tuy nhiên, vì người Thái nhiệt tình chào bán nên hẳn du khách sẽ khó lòng từ chối.

Hàng hóa phong phú

Người Thái rất biết buôn bán và hàng hóa tại Bangkok luôn phong phú với đủ mọi loại giá. Trước khi đi mua sắm, du khách luôn được hướng dẫn viên tặng phiếu giảm giá 5%; khi mua một món hàng sẽ được tặng tiếp phiếu giảm giá 5% nữa để mua hàng nhưng ở... một cửa hàng khác. Đó cũng là một trong những lý do du khách phải liên tục mở hầu bao.

dulichthai3

Hơn nữa, người Thái buôn bán nhẹ nhàng, không chụp giựt, tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa”. Du khách có thể thoải mái trả giá mà không bị lườm nguýt hay mắng mỏ gì. Tôi mua một thẻ nhớ 4 Gb giá 400 baht nhưng khi bỏ vào máy ảnh lại bị lỗi. Cô bán hàng đề nghị đổi thẻ khác. Nhưng tôi nói không cần (thực ra, tôi sợ máy của mình đã hỏng chứ không phải thẻ bị hư). Vậy mà cô bán hàng vẫn vui vẻ đồng ý trả lại tiền, không hề nặng nhẹ hoặc bắt phải mua cho bằng được. Quả đúng là “xứ sở của những nụ cười”.

Bangkok có nhiều trung tâm mua sắm lớn như Siam Paragon, Central Chidlom, Central World Plaza, những nơi không chỉ bán hàng cao cấp của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới mà còn cả hàng hóa bình dân. Sản phẩm bày bán cũng rất phong phú như tơ lụa, đồ giả cổ, quần áo may sẵn, đồ da cho đến đồ điện tử gia dụng của Thái Lan. Đặc biệt hàng điện tử chỉ bằng 2/3 giá so với ở Việt Nam cho hàng cùng loại, cùng nhãn hiệu.

Và du khách sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi hay sân bay quốc tế tại Chiang Mai, Hat Yai và Phuket khi mua hàng trị giá tối thiểu 5.000 baht trong 1 ngày (gộp lại từ nhiều hóa đơn).

Nếu muốn mua sản phẩm giá phải chăng để về làm quà, du khách có thể tìm đến các chợ. Như chợ Pratunam chuyên bán các loại quần áo may sẵn hay chợ Banglamphu chuyên bán áo quần nhưng có thêm giày dép. Hoặc chợ Nai Lert cung cấp từ cây kim, sợi chỉ, kẹp tóc đến các loại giày dép. Nhưng to và nổi tiếng nhất có lẽ là chợ Chatuchak, chỉ hoạt động vào 2 ngày cuối tuần, nơi bày bán đủ thứ.

Khi đi chợ, bạn nên dùng tiếng Việt thay vì tiếng Anh, nếu không muốn bị tính giá cao. Cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Duyên giải thích: “Người bán hàng thường cho rằng những ai nói tiếng Anh đều… nhiều tiền”. So với giá tại các chợ, giá ở các khu du lịch đắt hơn, không mặc cả được.

dulichthai2

Tour mua sắm

Hiện nay, có nhiều công ty du lịch Việt Nam bán chương trình đi Thái Lan với giá từ 6 - 8 triệu đồng/người, tức không đắt. Tuy nhiên, du khách sẽ được dẫn đến các khu mua sắm nhiều hơn là điểm tham quan du lịch.

Chương trình Bangkok - Pattaya của chúng tôi đi kéo dài 5 ngày, 4 đêm, nhưng khởi hành lúc 9 giờ tối được tính 1 ngày và khi về vào buổi trưa cũng tính như vậy. Sáng ngày thứ hai (sau chuyến bay ban đêm và thức giấc), chúng tôi lên đường đi Pattaya.

Trước khi rời Bangkok, đoàn ghé tham quan Hoàng cung. Đây là một quần thể kiến trúc gồm 3 khu vực: Hoàng cung, văn phòng Hoàng gia (kiến trúc phương Tây) và một số ngôi chùa.

Rồi trên đường đi Pattaya, xe ghé khu giới thiệu cách nuôi yến do Hoàng gia thành lập. Ở đây có mô hình nuôi yến của đảo Phuket, bán các sản phẩm như tổ yến, yến vụn, cao hổ cốt, chế phẩm từ ong. Đặc biệt có cả mật ong từ cây anh túc (cây thuốc phiện), mà cô Duyên, hướng dẫn viên, nói là “do Hoàng gia trồng để làm thuốc và kiểm soát rất chặt chẽ”.

Tiếp đó, đoàn được đưa đến khu chợ bán trái cây sấy khô như mít, xoài, ổi, sầu riêng… Khách du lịch, đặc biệt là Trung Quốc, rất ưa thích các món đặc sản này và thường mua nhiều đến nỗi chủ hàng phải đóng thùng bỏ lên xe cho họ.

Bờ biển Pattaya không thể đẹp bằng bờ biển Nha Trang. Điểm hấp dẫn của thành phố này là màn ca múa nhạc tại nhà hát Tiffany của những vũ công chuyển đổi giới tính. Họ sẵn sàng chụp ảnh với khách sau mỗi lần biểu diễn nhưng không bao giờ quên… nhắc khách trả 40 baht. Việc xem ca múa nhạc này nằm trong chương trình. Tại Pattaya, chúng tôi còn được thăm làng văn hóa dân tộc Noong Noc, xem ca múa dân tộc và xiếc voi tại đây.

Tất cả những nơi du khách đặt chân tới đều có dịch vụ chụp ảnh. Chỉ vài phút sau ảnh sẽ được rửa ra và in lên đĩa hay khung ảnh. Giá cho mỗi bức ảnh là 100 baht và giống như lần chụp ở sân bay, bạn không nhất thiết phải lấy ảnh. Nếu khách muốn tự chụp cho nhau với voi hay hổ thì phải trả 40 baht cho mỗi lần chụp. Không có gì phải sợ khi chụp hình với hổ, bởi như cô Duyên, người Việt định cư tại Thái Lan từ 10 năm nay, cho biết: “Hổ ở đây cũng giống như heo, rất hiền và thường được nuôi kiểu công nghiệp”.

Chúng tôi ở lại Pattaya 2 đêm rồi quay về Bangkok. Trên đường về cả đoàn lại được dẫn vào trung tâm bán đá quý, đồ da (da voi, da cá đuối, da cá sấu) và trại rắn độc (thực chất để bán thực phẩm chức năng từ rắn với giá… cắt cổ). Đâu đâu đều có nhân viên người Việt - tại khu giới thiệu cách nuôi yến cũng vậy - chứng tỏ có rất đông du khách Việt Nam được đưa đến những nơi này để mua hàng.

Khi đến gần Bangkok, xe đưa du khách ghé thăm vườn thú Safari World. Tại đây, có các loài chim, thú được nuôi thả tự nhiên và cả thú dữ như sư tử, hổ… Khu thú dữ được cách ly với bên ngoài bằng hàng rào 2 lớp và du khách di chuyển bằng xe hơi cửa kiếng đóng kín trong khu này. Thú rừng ở đây được… tự do đi rông nên bạn có thể vừa ngắm vừa chụp hình chúng sau cửa kiếng xe hơi. Có người nói đùa, chỉ có ở đây mới được chụp hình miễn phí cùng thú dữ nếu có đủ can đảm… bước xuống xe.

dulichthai1

Tại vườn thú, du khách còn được xem màn xiếc của những chú cá heo ngộ nghĩnh và thông minh hay màn biểu diễn tái hiện các pha hành động… nhái loại phim điệp viên 007 rất khó hiểu cho du khách nước ngoài vì diễn viên nói toàn tiếng Thái.

Ngày hôm sau, ngày cuối ở Bangkok, chúng tôi đi thăm chùa Phật Vàng, nơi đặt quốc bảo thứ hai của Thái Lan: tượng Phật bằng vàng nặng 5,5 tấn. Rời chùa đoàn chuẩn bị để ra sân bay. Trên đường đi, xe lại ghé khu trưng bày sôcôla để… đoàn tiếp tục mua sắm. Sôcôla Thái Lan khá đặc biệt vì mang đậm hương vị Thái với sôcôla mùi sầu riêng hay mùi chua cay của Tom yam gung.

Tại sân bay, người Thái “quyết” moi hết tiền du khách mới cho về nước - đoàn lại được phát phiếu giảm giá để mua hàng trong khu miễn thuế của sân bay. Có lẽ nên gọi chương trình du lịch Thái Lan là chương trình đi mua sắm mới đúng.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chính trị những năm gần đây, du lịch Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển và năm 2010 đã đón đến 20 triệu khách, theo số liệu của Tổng cục Du lịch nước này. Điều đó cho thấy người Thái rất giỏi làm du lịch vì xét về mặt văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đất nước của họ không hẳn đã hơn những quốc gia khác trong khu vực.

Càng giỏi hơn khi du khách dù rời Thái Lan với túi tiền trống rỗng nhưng vẫn hài lòng và nhiều người sẵn sàng trở lại nơi đây lần nữa. Có tới 60% du khách quay lại đất nước chùa vàng - một con số ấn tượng. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2010 Việt Nam đã đón 5 triệu lượt khách quốc tế nhưng tỉ lệ khách quay lại chỉ được 15%.

Chắc chắn người Thái đã phối hợp được hành động của các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị tham gia khai thác du lịch, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ cũng như giữ gìn môi trường du lịch nhằm lôi kéo khách đến và trở lại với đất nước mình.

Theo NCĐT

Comments powered by CComment