Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Nhái thương hiệu tràn lan ở Ấn Độ

(TBKTSG) - Nhiều nhà bán lẻ quốc tế kéo đến Ấn Độ vì nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng và một bộ phận dân số trẻ háo hức đón nhận những thương hiệu mới. Nhưng tình trạng nhái thương hiệu đang là nguy cơ ngăn chặn xu thế đó.


Những thương hiệu giống nhau

Nếu Timberland - nhà sản xuất giày trượt tuyết và dụng cụ thể thao ngoài trời của Mỹ - được nhận biết bởi logo hình cây thông thì hãng Woodland chuyên bán giày dép và quần áo ở Ấn Độ cũng có logo hình cây. Điều đó gây bối rối cho người tiêu dùng Ấn Độ, cản trở kế hoạch mở rộng và làm tổn thất doanh thu của Timberland.

Chuỗi cửa hàng yogurt đông lạnh Pinkberry có trụ sở ở Los Angeles, sẽ phải đương đầu với một nhà bán lẻ yogurt đông lạnh khác ở Ấn Độ là Cocoberry có tên và logo tương tự.

Thậm chí báo Thời báo Tài chính (Financial Times) nổi tiếng của Anh, in trên giấy màu hồng, do tập đoàn Pearson xuất bản từ năm 1893, cũng đang bị vướng vào một vụ tranh chấp pháp lý với Công ty Bennett, Coleman & Company, chủ sở hữu của tờ báo tiếng Anh lớn nhất Ấn Độ, có phần phụ bản màu hồng mang tên The Financial Times đã đăng ký vào năm 1984.

Pearson rất muốn phát hành tạp chí Financial Times ở Ấn Độ nhưng Bennett Coleman ngăn cản quyền này ở tòa. Thậm chí vài tháng gần đây, Bennett Coleman còn đăng ký tại phòng đăng ký báo chí Ấn Độ những ấn phẩm có tên gọi tương tự là FT AsiaWorldwide Financial Times.

Nhưng không giống các đồng nghiệp Trung Quốc, người Ấn Độ không sản xuất ra những sản phẩm nhại y hệt bản gốc, nhại cả logo và thương hiệu - thực chất là sản xuất hàng giả - nhằm đánh lừa người tiêu dùng để thủ lợi theo lối chụp giật. Các công ty Ấn Độ như Bennett Coleman, Woodland, Cocoberry không hề hoạt động nhỏ lẻ. Woodland có đến 230 cửa hàng trên cả nước và đang chuẩn bị mở thêm 50 cái nữa, và đây là mặt hàng chủ yếu tại nhiều khu mua sắm ở đô thị.

Nhưng sản phẩm khác nhau

Giám đốc điều hành của Woodland, ông Harkirat Singh - cũng là thế hệ thứ ba điều hành công ty giày của gia đình nói, ở đây không có sự giả mạo mà “chỉ bởi tên gọi na ná nhau”. Ông này cũng thừa nhận “có sự giống nhau, tuy nhiên mặt hàng của chúng tôi thì hoàn toàn khác biệt so với của họ”. Ông Singh cũng cho rằng Timberland thâm nhập vào Ấn Độ có thể hỗ trợ, chứ không làm tổn hại tình hình kinh doanh của Woodland. Các thương hiệu nước ngoài “làm công chúng chú ý nhiều hơn đến chất lượng giày dép” nhưng người tiêu dùng Ấn Độ “sẽ mua sản phẩm của chúng tôi bởi vì nó đáng đồng tiền bát gạo”.

Khi được hỏi liệu rằng yogurt đông lạnh Pinkberry có phải là cảm hứng sáng tạo của ông hay không, Giám đốc điều hành của Cocoberry G. S. Bhalla cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi, công thức làm món ăn, thiết kế cửa hàng, thực đơn và nguyên lý là duy nhất và khác biệt so với bất kỳ thương hiệu nào trên thế giới. Chúng tôi dự kiến mở rộng với tốc độ chắc chắn và có kiểm soát”. Hãng Pinkberry không bình luận gì cả.

Những thương hiệu, logo gần giống nhau nhưng biểu hiện những sản phẩm khác nhau cũng được tìm thấy trong nhiều trường hợp khác, như logo có đường sọc xanh của Citibank (Mỹ) gần giống với logo của Yes Bank (Ấn Độ), chuỗi cửa hàng tiện lợi 6T (Ấn Độ) có logo màu xanh-vàng giống chuỗi cửa hàng 7-Eleven (Mỹ). Cả Citibank và 7-Eleven đều có mạng lưới hoạt động rộng khắp ở Ấn Độ.

Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Với quy mô dân số lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc, lại trẻ hơn và tầng lớp trung lưu thành thị khá phát triển, Ấn Độ là thị trường tiêu dùng rất hứa hẹn cho các công ty khắp thế giới. Trong một báo cáo phát hành hồi tháng 6-2009, Công ty tư vấn A. T. Kearney nhận định, Ấn Độ sẽ là thị trường có doanh thu bán lẻ tăng trưởng tốt nhất thế giới. “Tầng lớp trung lưu đang gia tăng, có học và khát khao của Ấn Độ đang đòi hỏi một môi trường bán lẻ tốt hơn, có nhiều thương hiệu và phong cách toàn cầu hơn”, nhóm tư vấn này nhận định. Các đại gia bán lẻ Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Pháp) và Tesco (Anh) đang mở nhiều cửa hàng bán sỉ cung cấp hàng hóa cho các nhà hàng và cửa hàng nhỏ khắp Ấn Độ.

Nhưng tình trạng làm nhái thương hiệu đang gây bất an cho nhà kinh doanh nước ngoài. Với hy vọng Ấn Độ sẽ là một trong số ít cơ hội cuối cùng, các công ty nước ngoài đang ra sức phản đối sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đầu tháng này Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke nói với một nhóm các giám đốc điều hành doanh nghiệp Ấn Độ đi thăm Washington rằng: “Các công ty Mỹ cần bảo đảm khi họ đến Ấn Độ, họ sẽ hoạt động trong một môi trường kinh doanh an toàn và đáng tin cậy, nơi quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ”.

Người phát ngôn của Timberland Robin Giampa cho rằng “việc Woodland nhái một vài thương hiệu có giá trị và đã được công nhận của Timberland là rất đáng quan ngại”. Timberland đang xử lý việc này thông qua trình tự pháp lý phù hợp ở Ấn Độ nhưng khả năng thắng kiện vẫn chưa rõ ràng.

Điều hy vọng là tòa án Ấn Độ nhiều lần quyết định rằng không ai ở Ấn Độ được phép sao chép, làm nhái các sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, ngay cả khi công ty sở hữu các sản phẩm - thương hiệu này không hoạt động ở Ấn Độ. Trong quá khứ, tòa án Ấn Độ đã đôi lần ủng hộ các công ty nước ngoài như Whirlpool, Dunhill và Volvo.

Dù vậy, theo luật sư Gayatri Roy của hãng luật Luthra & Luthra ở New Delhi, trong trường hợp vụ kiện giữa Timberland và Woodland, Timberland khó mà chứng minh được rằng họ nên được bảo vệ. Một yếu tố bất lợi cho họ là Công ty Woodland, bắt đầu kinh doanh từ năm 1992, đã tạo dựng được cho họ những giá trị riêng.

(Theo New York Times)

 

Comments powered by CComment