Khi “người khổng lồ” vượt qua chính mình

Việc Alibaba, người khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, đang chuẩn bị rót 15 tỉ đô la Mỹ cho việc phát triển mạng lưới cơ sở nghiên cứu trên toàn thế giới không chỉ là một sự nỗ lực làm mới bản thân mà còn là một lời thách thức cho các tập đoàn công nghệ Mỹ.

 

Alibaba tuyên bố khoản đầu tư 15 tỉ đô la sẽ được sử dụng để xây dựng các trung tâm nghiên cứu trong ba năm tới tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Israel và Singapore. Công ty mong muốn sẽ tập trung vào các công nghệ mũi nhọn như máy tính lượng tử, thiết bị kết nối, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI).

Tăng tốc đổi mới

Theo các nhà phân tích, các tập đoàn công nghệ như Alibaba phải tăng tốc đổi mới nhanh hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi hằng ngày trên toàn cầu. Kitty Fok, nhà phân tích của hãng nghiên cứu IDC, cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với Alibaba là tiếp tục tạo ra các công nghệ mới”.

Trong khi đó, đối thủ thương mại điện tử lớn của Alibaba là Amazon cũng đầu tư hơn 16 tỉ đô la vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ từ năm ngoái.

Hiện nay, Alibaba đã sáng lập một học viện dành cho các nhà nghiên cứu tài năng, đứng đầu là Giám đốc về công nghệ Jeff Zhang. Hãng cũng đang lên kế hoạch tuyển dụng 100 nhà nghiên cứu làm việc tại các phòng thí nghiệm mới.

Jack Ma từng dự báo robot sẽ thay thế lực lượng lao động và thậm chí tin tưởng rằng trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi thế giới. Với quan điểm của vị tỉ phú này cùng các lĩnh vực kinh doanh mà Alibaba đang tiến hành, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích.

AL1Cả Amazon và Alibaba đều đang nỗ lực làm mới bản thân để gia tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Sau gần hai thập niên kể từ khi Jack Ma sáng lập ra Alibaba tại căn hộ chung cư của ông ở Hàng Châu, Alibaba nay đã trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường là khoảng 473 tỉ đô la.

Trong bối cảnh mà những sự thay đổi về công nghệ và mô hình kinh doanh diễn ra hằng ngày trên toàn cầu, vị tỉ phú công nghệ này cho rằng trong 30 năm tới, giải pháp công nghệ sẽ thay thế nhiều việc làm của người lao động. Nhiều người đã bất bình về điều này, nhưng theo ông, đây là sự đánh đổi để cải thiện cuộc sống của mọi người thông qua công nghệ mới.

Chính vì vậy, việc rót nguồn vốn lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, theo Jack Ma, cũng nhằm chuẩn bị cho sự thay đổi không thể tránh khỏi nói trên. “Những gì Alibaba muốn làm trong 10 đến 20 năm tới là tạo điều kiện cho việc đổi mới mô hình kinh doanh truyền thống”.

Trong khi đối thủ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, Amazon lại tiếp tục bành trướng sang các lĩnh vực mới. Dịch vụ phân phối hàng trực tiếp và miễn phí trong hai ngày sẽ đưa Amazon tham gia sâu hơn vào các công việc vốn được xử lý bởi các đối tác lâu năm như Công ty Bưu chính Liên bang (UPS) và hãng giao vận tư nhân lớn nhất nước Mỹ FedEx và dần dần trở thành đối thủ cạnh tranh với họ.

Dịch vụ giao nhận nói trên, dành riêng cho các thành viên của Amazon Prime, đã được triển khai từ hai năm trước ở Ấn Độ, và Amazon đã dần dần giới thiệu nó vào Mỹ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn quốc. Nó được thử nghiệm trong năm nay ở các tiểu bang Bờ Tây (West Coast) và sẽ nhân rộng vào năm 2018. Theo đó, Amazon sẽ giám sát việc nhận hàng từ các kho hàng của bên bán trên Amazon.com và việc giao hàng đến nhà của khách, đây là công việc mà UPS và FedEx thường thực hiện. Amazon vẫn có thể sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh của hai đối tác này để giao hàng, nhưng với dịch vụ mới này Amazon sẽ là người quyết định gửi hàng đi như thế nào chứ không phải là người bán, và FedEx hay UPS sẽ ít có quyền can thiệp hơn.

AL2Với dịch vụ mới, Amazon sẽ là người quyết định gửi hàng đi như thế nào chứ không phải là người bán, và FedEx hay UPS sẽ ít có quyền can thiệp hơn.

FedEx và UPS sẽ phải chịu áp lực lớn bởi vì các nhà đầu tư của hai công ty này đang lo ngại “cuộc xâm lăng của Amazon vào lĩnh vực giao vận”. Trước thông tin này, Steve Gaut, người phát ngôn của UPS, cho biết: “Amazon là một khách hàng quan trọng của UPS”. Còn FedEx cho biết họ sẽ không bình luận về kế hoạch của Amazon.

Trên thực tế, có vẻ như bước đi này của Amazon đã được dự báo. Nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới này đã luôn có những bước cải tiến để thu ngắn thời gian cũng như làm giảm chi phí cho khâu giao hàng, tạo nên giá trị hấp dẫn cho khách hàng. Amazon đã vận hành rất nhiều trung tâm phân loại hàng trên khắp nước Mỹ nhằm tối ưu hóa quy trình, tuy nhiên, họ vẫn phụ thuộc vào các bên thứ ba như FedEx hay UPS để hoàn thành khâu cuối: vận chuyển hàng tận nơi. Việc tự làm dịch vụ vận chuyển sẽ giúp Amazon kiểm soát tốt hơn, mang lại những sự trải nghiệm tốt hơn cho các khách hàng của mình, từ khâu mua hàng cho tới khâu nhận hàng; đồng thời, tránh được tình trạng quá tải trong các nhà kho của hãng.

Giữ chặt sân nhà, bành trướng ra nước ngoài

Ở Trung Quốc, Alibaba đang tận dụng nguồn tài chính dồi dào của mình để rót vốn vào các công ty khởi nghiệp (startup), như dịch vụ gọi xe Didi Chuxing và chia sẻ xe đạp Ofo, nhằm củng cố vị thế thống trị trên thị trường công nghệ. Hãng đã mở rộng các lĩnh vực kinh doanh ra ngoài mảng mua sắm trực tuyến, bao gồm cửa hàng tạp hóa truyền thống, nền tảng thanh toán trực tuyến và dịch vụ đám mây.

Vào năm 2015, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt giảm mạnh, cổ phiếu của Alibaba đã bị bán tháo khá nhiều trong bối cảnh nhiều người bi quan về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khi những nỗi lo ngại này lắng xuống, các nhà đầu tư đã quay lại mua cổ phiếu của hãng. Tập đoàn này đang giữ vị thế thống trị thị trường Trung Quốc, vốn có nhóm dân số thuộc tầng lớp trung lưu đông đảo hơn toàn bộ dân số nước Mỹ và vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này đã tạo đà tăng giá cho cổ phiếu của Alibaba ở Mỹ.

AL3Alibaba đang giữ vị thế thống trị thị trường Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc hiện vẫn đóng góp hơn 90% doanh thu của Alibaba, làm các nhà đầu tư lo ngại rằng công ty này bị phụ thuộc quá nhiều vào sân nhà. Nhưng năm ngoái, Alibaba đã thâu tóm trang thương mại điện tử Lazada ở Đông Nam Á. Tập đoàn này cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hệ thống thanh toán di động Alipay ở các quốc gia như Ấn Độ và Nga.

Amazon đã đạt doanh số 136 tỉ đô la trong năm 2016, trong khi doanh thu thuần của hãng trong năm tài chính gần nhất (kết thúc vào ngày 31-3) là vào khoảng 31 tỉ đô la. Trên thực tế, doanh thu thuần của Alibaba là dựa vào việc tính phí nơi những người bán hàng sử dụng các sàn thương mại điện tử của hãng, chứ không phải từ việc bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng như Amazon, do đó hai con số nói trên không thể được so sánh trực tiếp. Một điều gây ấn tượng là dù có doanh thu thấp hơn nhiều so với Amazon, nhưng Alibaba lại có lợi nhuận hoạt động là 7 tỉ đô la, bỏ xa mức 4,2 tỉ đô la của Amazon trong năm vừa qua.

Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ thương mại điện tử. Hiện tại, hai bên đang có sự phân định lãnh thổ khá rạch ròi: Amazon chủ yếu tập trung vào các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong khi Alibaba tập trung vào Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc nữa hai bên sẽ so kè nhau quyết liệt tại các thị trường mới nổi, vốn vẫn còn rất nhiều dư địa chờ người khai phá.

Alibaba lại có lợi nhuận hoạt động là 7 tỉ đô la, bỏ xa mức 4,2 tỉ đô la của Amazon trong năm vừa qua.

Cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai “ông lớn” đã được khởi động tại Singapore. Mùa hè này, Amazon mở trung tâm phân phối đầu tiên tại Đông Nam Á tại đảo quốc sư tử biển, vốn cũng là nơi đặt trụ sở của công ty con Lazada của Alibaba.

Tại Ấn Độ, Alibaba đang cung cấp dịch vụ bán sỉ trực tuyến cho những người bán hàng, và đã đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương. Trong khi đó Amazon đã bước chân vào thị trường Ấn Độ từ năm 2013 và hiện giữ ngôi vị thứ 2 trong mảng bán lẻ thương mại điện tử tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới. Hãng này cũng đã đầu tư vào các chuỗi cửa hàng bán lẻ địa phương.

Ngoài các thế mạnh về chất lượng sản phẩm và sức mạnh thương hiệu, Amazon còn có lợi thế là có nguồn thu từ những mảng kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng như dịch vụ điện toán đám mây. Trong khi đó, Alibaba đang phải đối mặt với những trở ngại về việc cải thiện chất lượng, ví dụ như tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn của hãng. Nhưng đồng thời, Alibaba cũng có những hệ thống mang tính tiện ích như dịch vụ thanh toán Alipay.

Trận chiến Amazon-Alibaba chắc chắn sẽ còn kéo dài, nhưng có một điều chắc chắn là cuộc đối đầu giữa hai đối thủ ở hai đầu Thái Bình Dương này sớm muộn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.

* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Comments powered by CComment