Điện thoại Việt - thuyền nhỏ không chịu được sóng dữ

Điện thoại Việt như chiếc thuyền nan đang chòng chành nghiêng ngả trước những cơn sóng cao mà các con thuyền to nước ngoài chạy qua để lại.

Nghịch lý

Thị trường smartphone ở nước ta đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và người tiêu dùng Việt rất chịu chi tiền mua sắm smartphone , đặc biệt là giới trẻ... Đó là điều thuận lợi tuyệt vời để những nhà phát triển smartphone thương hiệu Việt tham gia thị trường.

Nhưng một "nghịch lý đau thương" là thị trường smartphone Việt càng phình to bao nhiêu thì các nhà phát triển smartphone Việt càng trở nên "co quắp, teo nhỏ" bấy nhiêu. Nếu ví thị trường này là một cái bánh thì chúng ta sẽ hình dung thế này: Trong khi những thương hiệu nước ngoài chia nhau miếng bánh lớn thì có lẽ nhà phát triển thương hiệu việt vẫn đang loanh quanh đi nhặt những mẩu vụn bánh...

"Thuyền nhỏ không chịu được sóng dữ " và thuyền nan Việt Nam đang chòng chành nghiêng ngả trước các cơn sóng cao mà những con thuyền to nước ngoài chạy qua để lại... Và những năm gần đây còn xuất hiện thêm con thuyền to khác mang tên "Trung Quốc". 

thị trường smartphone

Và thế là thị trường điện thoại ở Việt Nam đã hình thành những " ông vua" ở các phân khúc:

  • Trèo lên cao, chúng ta bị những "bom tấn, bom tạ" dội xuống đầu đến từ các "oanh tạc cơ" là Apple , Samsung, Sony, LG...
  • Ở tầm trung, những "dàn pháo" như Asus ,Sky... và các loại "bom tấn cũ của năm trước" sẵn sàng nhả đạn và cho tơi tả bất kỳ ai chống đối.
  • Ở dưới mặt đất (vốn là nơi phù hợp để các doanh nghiệp Việt phát triển khi mà số lượng người tiêu dùng ở đây rất đông đảo) lại là cuộc hỗn chiến loạn xạ "đao kiếm vô tình" của các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Lenovo, Huawei, ZTE...

Trong khi đó thì doanh nghiệp của của chúng ta ở đâu?

Nguyên nhân

Đọc tới đây, các bạn sẽ rất trăn trở nhưng "cái gì cũng có nguyên do của nó".

Đầu tiên là rào cản về công nghệ.

Cái tát trực diện và đau đớn nhưng nó có thật, kỹ sư giỏi, lập trình có tay nghề của Việt Nam có nhưng ít, số lượng đông nhưng chất lượng thì chỉ như "lá mùa thu". Nền công nghiệp công nghệ cao mới hình thành còn non trẻ và đi sau các nước khác rất nhiều. Và đây cũng chính là căn nguyên của những nguồn cơn khác như phải nhập linh kiện, phát minh, máy móc từ nước ngoài dẫn đến chi phí bị đội lên, giảm sức cạnh tranh, ko có tính đột phá...

Thứ hai là tâm lý người dùng Việt.

Họ đặt chất lượng và giá cả lên hàng đầu, đa số họ ko mua smartphone vì đam mê, vì yêu nước ... hay bất kỳ lý do bên ngoài khác. Động đến túi tiền của họ là họ rất khắt khe và sẽ có rất nhiều yêu cầu (tất nhiên rồi).

Những hãng khác thành công cũng vì họ có một quá trình xây dựng thương hiệu rất tốt và kể cả những hãng mới họ cũng bắt đầu chiếm được lòng tin từ người tiêu dùng - điều mình chưa thấy hãng điện thoại nào của Việt Nam làm được cả. Xiaomi, Huawei, Lenovo... và các hãng điện thoại giá rẻ đến từ Trung Quốc (nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới với giá nhân công, chi phí nguyên vật liệu rất rẻ) đã hạ gục được người dùng Việt bằng giá bán và chất lượng có thể nói là cũng rất ổn. Còn Apple, Samsung , Sony lại hạ gục người tiêu dùng bằng chất lượng và thương hiệu.

Đó là hai nguyên nhân chính trong vô vàn các nguyên nhân khác cho câu hỏi "vì sao" ở trên và các bạn đọc bài này cũng có thể thấy rõ ràng nhất.

Sống hay không sống?

Có lẽ đây là phần tranh luận gay gắt nhất, nhưng tôi có quan điểm rõ ràng là: Sống, thậm chí còn sống "vui, khỏe, có ích" là đằng khác... Hiện smartphone thương hiệu Việt đang trong tình trạng là "tồn tại" nhưng nó sẽ "sống" nếu có những giải pháp và hướng đi đúng đắn.

Hướng đi

Đầu tiên, hãy đừng để "vỡ bong bóng niềm tin" của người tiêu dùng vào điện thoại Việt vì tính tự hào dân tộc của họ rất lớn. Người tiêu dùng quan tâm tới "chất lượng xứng đáng hoặc hơn số tiền họ bỏ ra", vậy hãy làm cho họ hài lòng, chiếm niềm tin của họ "bằng bất cứ giá nào" và hãy nhớ câu: "Một lần thất tín vạn sự bất tin".

Thứ hai, tạo ra sự khác biệt các đối thủ khác. Chắc chắn muốn làm được điều này thì doanh nghiệp Việt Nam phải "tự thân vận động" bằng nghiên cứu, sáng chế, sáng tạo. Đây là một việc khó khăn và lâu dài nhưng với "trí tuệ Việt Nam" là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thứ ba, định dạng rõ thị trường để phát triển. Với thu nhập trung bình hiện nay của người Việt thì phân khúc giá rẻ và trung cấp là phân khúc chúng ta có nhiều lợi thế để phát triển nhất. Nếu như điện thoại Việt chưa có thương hiệu thì cũng chỉ được xếp ngang "hàng Tàu". Với quan niệm của người Việt khó có thể đánh lên trên phân khúc cao cấp (Bphone là một minh chứng rõ nét và hãy hỏi tại sao những chiếc điện thoại đến từ Trung Quốc khó lòng với được lên trên để cạnh tranh ở phân khúc cao cấp dù họ có lợi thế về giá).

Ở cửa dưới, chúng ta có thể chịu áp lực về giá so với hàng Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ không thành vấn đề khi mà cùng cấu hình và chất lượng tương đương nhau, điện thoại Việt dù đắt hơn khoảng vài trăm ngàn chắc chắn sẽ được chọn lựa hơn các hãng Trung Quốc.

Thứ tư là chính sách hậu mãi. Rõ ràng tại sân nhà thì vấn đề hậu mãi chính là lợi thế của chúng ta, việc phát triển thị trường cũng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng dịch vụ và hậu mãi. Tại sân nhà, nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì sẽ đánh bật các đối thủ đến từ "hàng xách tay" hoặc phân phối không chính hãng (mà chủ yếu là từ Trung Quốc tràn về).

Đó là những phân tích của tôi, các bạn có thể phản biện để xây dựng thêm. Với cá nhân mình thì luôn mong mỏi "thương hiệu Việt" sẽ là niềm tự hào thực sự của người Việt Nam.

Phạm Tuấn Đạt

Theo VnExpress

 

Comments powered by CComment