Con đường phá sản của một nhà cung ứng Apple

Nhà sản xuất màn hình cảm ứng lớn thứ 2 Đài Loan, Wintek, đã gánh chịu hậu quả phá sản vì sai lầm kinh điển trong kinh doanh: Đánh giá sai nhu cầu thị trường và phụ thuộc vào duy nhất một khách hàng lớn.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Wintek vươn lên trở thành nhà sản xuất tấm nền màn hình lớn thứ 2 Đài Loan với doanh thu tăng 4 lần từ năm 2009 đến năm 2012, đạt mức 3,5 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, gió đã đổi chiều.

Sai lầm:

- Công ty đầu tư quá nhiều do đánh giá sai kích cỡ và nhu cầu thị trường.

- Không bắt kịp xu hướng công nghệ mới.

- Phụ thuộc vào duy nhất một khách hàng lớn.

Giải pháp:

- Thực hiện thủ tục phá sản. Bán tài sản để tái cơ cấu tài chính.

- Tìm các nhà đầu tư 'thiên thần', thu hút khách hàng mới, nỗ lực bắt kịp xu hướng công nghệ mới.

- Tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng bằng các công cụ đang có sẵn để cải thiện dòng tiền.

-------------------------------

Cách đây 3 năm, tập đoàn sản xuất màn hình Wintek đinh ninh rằng không gì có thể làm họ đi sai hướng. Nhờ vào các hợp đồng cung ứng lớn từ Apple, doanh thu của nhà sản xuất màn hình cảm ứng đến từ Đài Loan tăng vọt lên mức 3,5 tỷ USD vào năm 2012, gấp 4 lần so với mức thu năm 2009.

Và theo đà bùng nổ của thị trường vào thời điểm đó, Wintek dự báo Windows 8 sẽ là nhân tố chủ chốt gia tăng nhu cầu đối với màn hình cảm ứng cỡ lớn dùng cho máy tính bảng và máy tính xách tay nằm ngoài hệ sinh thái Apple. Chẳng hạn như Intel, là một ông lớn trong liên doanh WinTel, liên tục có những phát ngôn về việc sản xuất màn hình cảm ứng cỡ lớn dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành mới nhất của Microsoft.

wintek

Sai lầm xuất hiện

Vì thế, Wintek đã chi số tiền 630 triệu USD để mở rộng năng lực sản xuất của một trong những nhà máy sản xuất chính của công ty ở Đồng bằng sông Châu Giang, Trung Quốc, lên tới mức 13,9 triệu đơn vị một năm.

Nhưng người dùng máy tính xách tay – trong đó chủ yếu là giới nhân viên văn phòng – vẫn ưa chuộng hình thức sử dụng truyền thống kết hợp giữa chuột và bàn phím, người tiêu dùng muốn gắn bó với Windows 7 thay vì chuyển sang hệ điều hành mới vì họ không muốn làm quen chức năng quản lý hồ sơ mới.

Vào năm 2013, xu hướng đã trở nên rõ ràng hơn khi lượng đơn đặt hàng màn hình cảm ứng hầu hết đều đến từ phân khúc màn hình dành cho điện thoại thông minh và Wintek bị mắc kẹt vì nền tảng công nghệ không đủ đáp ứng cái thị trường cần. Sau đó, Apple thay đổi chính sách, ngưng sử dụng màn hình cảm ứng dạng kính – vốn là công nghệ màn hình lõi của Wintek – trên tất cả các sản phẩm của 'Quả táo'. Nhu cầu thị trường dành cho màn hình cảm ứng sử dụng công nghệ in-cell – màn hình mỏng và sáng hơn công nghệ kính – gia tăng liên tục.

Apple đã có động thái cắt giảm 75% đơn hàng dành cho Wintek và chỉ chi trả cho công ty 510 triệu USD vào năm 2013. Theo báo cáo kiểm toán, Wintek đã thua lỗ 286 triệu USD vào năm 2013 và dự kiến tình hình thua lỗ năm 2014 vẫn ở mức báo động đỏ với con số dự báo ở mức 178 triệu USD.

Công ty đã thông báo sa thải hàng ngàn nhân viên vào tháng 12/2014 sau khi nhận được sự bảo hộ phá sản từ Tòa án Đài Loan trong vòng 90 ngày, một kết cục trêu ngươi của số mệnh dành cho công ty phần cứng mới đây còn tự hào có khách hàng là một công ty công nghệ lừng danh trên thế giới.

Nhà sản xuất tấm màn hình cảm ứng lớn thứ 2 Đài Loan (sau TPK Holdings) đã hứng chịu hai cú đấm trời giáng cùng một lúc – công ty đặt cược và mở rộng quá nhanh năng lực sản xuất vào chỉ duy nhất một dòng sản phẩm phụ thuộc vào khả năng thành công trong tương lai của mô hình kinh doanh phụ thuộc Windows, mặt khác công ty đã bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ khi phụ thuộc vào một khách hàng lớn ở mảng kinh doanh còn lại là Apple.

“Công ty đã phạm sai lầm khi chọn đầu tư sai công nghệ, và phạm phải sai lầm khác khi gia tăng năng lực sản xuất trong khi chưa rõ liệu đơn hàng có đủ để gia tăng năng lực sản xuất hay không”, theo John Brebeck, chuyên gia công ty tư vấn đầu tư Hong Kong Peace Filed, có chi nhánh ở Đài Bắc, nhận định. Đây cũng chính là những vấn đề mà các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao của Đài Loan phải đối mặt trong nhiều năm qua, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác, vòng xoay chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng rút ngắn trong khi các công ty lớn trên toàn cầu thay thế liên tục các đơn hàng với nhiều yêu cầu hơn.

Giải pháp hồi sinh

Một phần mảng kinh doanh của Wintek đã lọt vào tay của các công ty đến từ Nhật, Japan Display và Nissha Printing, theo các nhà phân tích tại Đài Bắc cho biết. Công ty Xiaomi Technology đến từ Đại lục (Trung Quốc), được các nhà nghiên cứu thị trường của IDC xếp hạng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới, đã chuyển đơn hàng dự kiến dành cho Wintek sang TPK và các nhà cung ứng khác của Trung Quốc như Biel Crystal và O-Film, theo thông tin từ Viện Tư vấn và nghiên cứu thị trường của chính phủ Đài Loan trú tại Đài Bắc cho biết.

Theo đó, Microsoft cũng góp một tay đẩy Wintek vào khó khăn khi “từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại phổ thông”, theo Jason Yang, chuyên viên phân tích của DigiTimes Research tại Đài Bắc, nhận định. “Chúng tôi đã không còn đủ nguồn lực để mở rộng sản xuất trong màn hình cảm ứng in-cell”, Giám đốc tài chính Wintek, Jay Huang, thú nhận. “Chúng tôi đã không lường trước được độ lớn của thị trường dành cho loại công nghệ này”.

Wintek đã sa thải 4.000 nhân viên ở Đài Loan và 10.000 nhân viên tại Trung Quốc. Đồng thời, công ty ngừng hoạt động ba nhà máy tại Trung Quốc hồi năm ngoái, chỉ để lại một nhà máy nhỏ ở Việt Nam và 300 nhân viên chủ chốt tại trụ sở ở Đài Loan. “Nhu cầu màn hình cảm ứng lớn hơn dành cho điện thoại thông minh tăng trưởng rất nhiều, nhưng nhu cầu dành cho máy tính bảng và máy tính xách tay thì không như vậy”, Huang than vãn. “Chúng tôi đã kỳ vọng quá cao vào nhu cầu không có thật. Tăng trưởng không thể đạt được như kỳ vọng”.

Theo cách chuyên gia phân tích trong lĩnh vực IT, các nhà cung ứng trong ngành công nghiệp phụ trợ này cũng dự đoán sai về nhu cầu dành cho màn hình cảm ứng loại lớn, nhưng họ có thể chống đỡ được bằng các mảng kinh doanh khác.

Các nhà cung ứng các tấm màn hình cảm ứng Hàn Quốc được chống đỡ bằng các hợp đồng độc quyền cho Samsung Electronics. Các thương hiệu IT của Trung Quốc thì tập trung vào phân khúc khách hàng bình dân và trung cấp nên họ tìm kiếm các nhà sản xuất có thể cung ứng được giá rẻ và thuận tiện cho việc vận chuyển nội địa.

Các công ty sản xuất màn hình cảm ứng lớn trên thế giới đã thay đổi day chuyền công nghệ để sử dụng các tấm nền in-cell trong khi Wintek vẫn bị mắc kẹt với công nghệ tấm nền gương, cho dù công ty đã cố gắng bắt kịp trào lưu bằng cách áp dụng công nghệ màn hình mỏng hơn gọi là “cảm biến trên một tấm kính” (one-glass sensor).

Thế nhưng các đối thủ cạnh tranh lại đáp trả bằng việc tung ra tấm nền dùng cho điện thoại thông minh sử dụng công nghệ màng mỏng cho kết quả ưu việt hơn, công nghệ mà Wintek không thể đạt được, theo nhận xét từ giám đốc Eric Chou của công ty nghiêm cứu thị trường WitsView tại Đài Bắc. “Những trường hợp như Wintek thật sự hy hữu, vì giới sản xuất tấm nền màn hình luôn có thể giới thiệu công nghệ mới dành cho tấm nền”.

Hiện tại, Wintek trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà đầu tư để vực dậy công ty, hoặc ít nhất một nhà đầu tư 'thiên thần' (angel investor), cung cấp cho công ty nền tảng tài chính, thu hút khách hàng và hoàn tất công cuộc hồi sinh từ các hướng dẫn trong thủ tục phá sản của Tòa án, Huang cho biết. Trong ngắn hạn, công ty có thể bán các trang thiết bị và tài sản ít có khả năng sinh lợi.

Động thái này gần như giống với trường hợp Chunghua Picture Tubes, công ty sản xuất tấm nền LCD đã lên kế hoạch bán các tài sản vào cuối năm 2013, bao gồm các bất động sản ở Đài Loan và cổ phần trong các công ty con ở Đại Lục sau nhiều năm chìm trong thua lỗ.

Theo nhận định từ chuyên gia Brebeck, các công ty công nghệ sẽ có thể lấy lại một phần tình trạng thăng bằng sau khi bán tài sản như là một động thái tái cơ cấu nhưng thường thiếu hụt vốn lưu chuyển để đầu tư vào xu hướng công nghệ tiếp theo.

Wintek có thể định hình mô hình kinh doanh mới vào đầu quý II/ 2015, theo dự báo từ Huang. Trong bối cảnh công ty hy vọng có thể bắt đầu có dòng tiền dương trở lại, doanh thu kỳ vọng của Wintek trong năm nay ở mức 2,4 tỷ USD.

Sau tái cấu trúc hệ thống vận hành, Wintek sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu tấm nền dành cho máy tính bảng và điện thoại thông minh, nhưng Huang từ chối thảo luận về bất kỳ thương vụ nào cùng Apple với lý do bảo vệ bí mật khách hàng.

Mai Trâm

Theo Trí Thức Trẻ

Comments powered by CComment