Triết lý thực dụng của hãng Apple

Cách đây không lâu, cả Apple và Samsung đều đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường TQ vào tay các doanh nghiệp nội địa như Huawei, ZTE, Xiaomi, Meizu, Lenovo... Thời điểm đó, các sản phẩm của Apple bị coi là quá đắt đối với số đông người tiêu dùng TQ.

Đây cũng là điểm yếu của hầu hết các thương hiệu nước ngoài như Samsung, Sony hay LG khi không thể mở rộng hơn nữa thị trường đại lục trước sức ép của hàng trăm đối thủ giá rẻ nội địa. Các hãng nước ngoài trở nên bất lợi khi phải so sánh với các sản phẩm “made in China” chỉ có giá dưới 100 USD.

Tuy nhiên, báo cáo của Apple ngày 27/1 cho biết, doanh số của Apple tại thị trường TQ đã tăng gấp đôi năm trước, doanh thu quý IV tăng 70%. Theo IDC, nhờ tăng trưởng đột biến này, Apple sẽ vươn lên vị trí hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 3 tại TQ từ vị trí thứ 8 năm ngoái.

apple

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Apple đã vượt qua các “đối thủ nặng ký” khác như Samsung và đặc biệt là hãng smartphone mới nổi Xiaomi để trở thành hãng smartphone lớn nhất tại thị trường TQ tính riêng về doanh số.

Apple đang thành công ở Trung Quốc theo đúng cách họ đã làm ở Mỹ: sản xuất ít nhưng “chất” và nhắm vào việc thuyết phục khách hàng bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm Apple vì “chúng xứng đáng với mức giá cao”.

Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành Tim Cook của Apple cho biết doanh thu từ bán hàng trực tuyến quý 4 năm 2014 đứng đầu bảng thương mại trực tuyến trong 5 năm qua.

Năm 2013, Apple đã làm một chuyện chưa nay chưa từng có là tung ra mẫu iPhone 5C giá rẻ và màu mè nhằm cải thiện doanh thu tại TQ. Dường như Apple cũng chạy theo chiến thuật của Samsung là tung ra nhiều sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Lúc đó, giới phân tích đã mắng như tát nước chiến thuật “hạ cấp” của Tim Cook, đã rẻ hoá một thương hiệu luôn được định vị ở cấp cao như Apple. Các số liệu thống kê cho thấy iPhone 5C thực sự không thành công ở TQ.

Apple vẫn tiếp ục theo đuôi đối thủ khi lần đầu tiên tung ra các thiết kế màn hình lớn như iPhone 5S, rồi iPhone 6 và iPhone 6 Plus, bất chấp vị CEO huyền thoại Steve Jobs từng cự tuyệt với màn hình lớn.

“Ai cũng nói rằng họ đang mất thị phần và có thể chẳng bao giờ lấy lại được. Nhưng rồi nhu cầu vẫn rất lớn đấy thôi. Không phải là người tiên phong cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lượng khách hàng của họ”, Ben Bajarin, nhà phân tích tại Creative Strategies nhận xét khi iPhone 6 và iPhone 6 Plus đẩy doanh thu Apple tại TQ quý vừa qua tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty dự kiến mở đến 40 cửa hàng chính hãng Apple Store trên khắp Trung Quốc đến giữa năm 2016.

Với thành công ban đầu này, những người mến mộ Apple hy vọng CEO Tim Cook vượt qua được cá bóng quá lớn của Steve Jobs để thay đổi triết lý của “trái táo”.

Bởi vì, thế giới đã chứng kiến quá nhiều thương hiệu mất dần hình ảnh trên thương trường chỉ vì bảo thủ và không có năng lực thay đổi theo thời đại.

THU HỒNG/DNSG

Comments powered by CComment