Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Liên kết giữa các thương hiệu Việt

 

Tại hội thảo “Liên kết để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp” do trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào ngày chiều 14.1 tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đã cho thấy, để hàng nội tăng sức cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự liên kết giữa các thương hiệu.

 

Liên kết để tăng sức cạnh tranh


Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch Pepsico Đông Dương chỉ ra, trong bối cảnh qui mô doanh nghiệp trong nước còn khá nhỏ bé, để tránh tình trạng bị lép vế, bị thua thiệt trong cạnh tranh toàn cầu thì chỉ còn một con đường duy nhất là liên kết. Ông Trai phân tích, liên kết trong làm ăn giúp nhà kinh doanh tăng lợi thế cạnh tranh ở chỗ: giảm chi phí và tối đa hoá lợi nhuận, đảm bảo tăng trưởng bền vững, không bị đe dọa, tăng vị thế cạnh tranh và nâng cao năng lực quản lý tổ chức con người. Nói cách khác, liên kết trong kinh doanh là quá trình làm tăng giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở cùng chia sẻ cơ hội và rủi ro giữa các bên.

 

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra các dữ liệu cho thấy, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam sau 15 năm gia nhập ASEAN, gần đây là WTO, vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Cán cân thương mại bị thâm hụt một cách nghiêm trọng với mức nhập siêu lên tới 21% năm 2009. Nguyên nhân chính là hoạt động của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn xa hơn, đa số quan tâm các hoạt động trước mắt, ngắn hạn, mà chưa thiết lập được mối quan hệ làm ăn dài hạn giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nhận xét mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước hiện nay đã hình thành nhưng còn rất lỏng lẻo. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản thì việc liên kết “bốn nhà” là hết sức cần thiết nhưng cho tới nay chưa có mô hình nào tỏ ra hữu hiệu, hiện thực và bền vững. Nông dân và doanh nghiệp “cần nhau” theo hình thức bên cần bán nông sản, bên cần mua nguyên liệu. Gắn kết nhau theo kiểu vậy, nông dân luôn ở thế yếu vì doanh nghiệp mới là người nắm phần cán. Liên kết chỉ thực sự bền vững và tạo sức mạnh nhân lên bội phần khi đôi bên đều coi trọng sự phát triển chung cho tương lai bền vững.

 

Kinh nghiệm liên kết thực tế


Ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc công ty Vissan, đã dẫn ra mô hình liên kết vừa ký kết vào tháng 12.2009 giữa Vissan và Foocosa, thông qua việc tận dụng những mặt bằng sẵn có của nhau để phát triển thành chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm của cả hai đơn vị. Ba cửa hàng đầu tiên sẽ thể hiện liên kết này thông qua sản phẩm bày bán và chương trình khuyến mãi ưu đãi giá cho khách mua hàng. Với hệ thống Vissan đang có 60 cửa hàng ở vị trí thuận tiện kinh doanh, Foocosa có 40 cửa hàng ở các mặt tiền trong khu dân cư, dự kiến liên kết sẽ có 100 điểm để hai công ty phân phối hàng và sau ba năm liên kết, doanh thu từ các cửa hàng chung sẽ tăng 30% so với trước đó.

 

Theo ông Đức, những năm gần đây ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến sức mua chung trên thị trường suy giảm nhưng tại các kênh bán lẻ hiện đại vẫn không ngừng tăng trường. Đây là điều kiện khiến Vissan nghĩ đến việc liên kết với các doanh nghiệp cung cấp lương thực để tăng sức cạnh tranh và khai thác thế mạnh của nhau, hướng đến mục tiêu lâu dài là cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao, giá cả ổn định và đưa hàng hoá đến gần người tiêu dùng hơn. Làm được điều này, cả Vissan và Foocosa đã duy trì được tốc độ tăng trưởng và tăng thêm thị phần. Thành công từ mô hình liên kết Vissan – Foocosa, Vissan đã tiếp tục liên kết với các đối tác khác như Công ty Kinh Đô và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) để đưa các sản phẩm của Vissan đến mạng lưới cửa hàng của hai đơn vị này trong cả nước.

 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ thêm, để thực hiện một liên doanh, liên kết trước hết doanh nghiệp cần phải hiểu được lợi thế của mình, của đối tác chiến lược và các chuỗi giá trị, đánh giá được tình hình dựa trên nghiên cưú về kinh tế vĩ mô và vi mô. Quan trọng hơn là hiểu phương pháp và nguyên tắc liên kết hợp tác để từ đó đánh giá được hiệu quả liên kết với các bên.

 

Theo SGTT

Comments powered by CComment