Làm mới nhãn hiệu

Lần cuối cùng doanh nghiệp xem xét lại các tài liệu xây dựng nhãn hiệu (bao gồm các tài liệu tiếp thị, bao bì của sản phẩm, website) của mình là khi nào? Các tài liệu này có nhất quán với nhau không? Thông tin có được cập nhật không và thông điệp tiếp thị có thống nhất không? Nếu câu trả lời là không thì có lẽ đã đến lúc cần phải làm mới nhãn hiệu.

Xây dựng nhãn hiệu tức là tạo ra tác động về mặt tình cảm đối với khách hàng. Tất cả những thứ đại diện cho nhãn hiệu của doanh nghiệp phải được sự đồng cảm từ khách hàng, chuyển tải đến họ cùng một thông điệp và khơi dậy ở họ cùng một cảm xúc. Nếu chúng khác nhau, khách hàng sẽ bị rối và nhầm lẫn về nhãn hiệu hay hình ảnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng logo, website, các tài liệu tiếp thị, các chương trình quảng cáo, bao bì của sản phẩm phải đồng bộ với nhau và khơi dậy hành động của khách hàng. Dưới đây là một số cách để làm mới nhãn hiệu.

1. Đánh giá lời hứa của nhãn hiệu. Nhãn hiệu là một lời hứa đối với khách hàng. Nó báo cho khách hàng biết những gì mà họ có thể mong đợi từ sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Nhãn hiệu cho biết doanh nghiệp là ai, muốn trở thành ai trong tương lai. Lời hứa của nhãn hiệu phải là yếu tố được xem xét, đánh giá trước tiên, bởi vì đó là cơ sở để xây dựng nhãn hiệu.

Nhãn hiệu của doanh nghiệp có tạo được sự đồng cảm từ khách hàng không? Nói cách khác, những trải nghiệm của khách hàng có giống với những mong đợi của họ không? Nếu doanh nghiệp là một công ty luôn đi đầu trong sáng tạo và vận dụng các công nghệ tiên tiến thì khách hàng phải nhận thấy điều đó. Nên nhớ rằng các khách hàng khác nhau sẽ nhận thức khác nhau về hình ảnh của doanh nghiệp. Để trả lời câu hỏi doanh nghiệp là ai, nhất định phải dựa trên mong muốn của khách hàng, phải hiểu rõ họ mong đợi doanh nghiệp sẽ có một hình ảnh như thế nào.

2. Đánh giá hình ảnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải xem xét lại hình ảnh của mình ở những góc độ khác nhau. Các tài liệu tiếp thị có tạo ra một hình ảnh và cảm xúc để khách hàng nhận biết ngay được doanh nghiệp không? Thật khó có thể bán một sản phẩm có chất lượng cao bằng các tài liệu tiếp thị được doanh nghiệp tự thiết kế và in ấn không chuyên nghiệp. Trong nhận thức của khách hàng, các tài liệu có chất lượng cao đồng nghĩa với sản phẩm có chất lượng cao.

Nếu doanh nghiệp cảm thấy rằng thiết kế của mình không còn tác dụng tạo sự đồng cảm từ khách hàng hay đã trở nên lỗi thời, nên làm mới nó bằng cách giữ lại một số yếu tố cơ bản vẫn còn phát huy tác dụng và cắt bỏ những yếu tố không còn tác dụng. Nên bắt đầu bằng việc chỉnh sửa logo vì đó là yếu tố cơ bản nhất trong tất cả những yếu tố thể hiện hình ảnh nhìn thấy được của doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải làm cho nhãn hiệu hiện đại hơn, nhưng không được làm mất đi yếu tố cơ bản của nó vốn có khả năng gây ra sự chú ý hay khơi gợi tình cảm của khách hàng. Khi thay đổi bất cứ yếu tố nào, doanh nghiệp phải chỉnh sửa lại các tiêu chuẩn của nhãn hiệu (sổ tay nhãn hiệu doanh nghiệp) một cách tương xứng.

3. Bảo đảm sự nhất quán. Doanh nghiệp có đang sử dụng logo, màu sắc, các yếu tố đồ họa nhất quán cho tất cả các tài liệu tiếp thị không? Tất cả các tài liệu tiếp thị của doanh nghiệp phải đồng bộ với nhau về mặt hình ảnh và tạo ra một “gia đình đoàn kết” khi được nhìn từ những góc độ khác nhau. Các tài liệu này phải chuyển tải cùng một hình ảnh, tạo ra một cảm xúc và khơi dậy một phản ứng tình cảm từ khách hàng. Dĩ nhiên, các tài liệu tiếp thị của doanh nghiệp không nhất thiết phải giống nhau hoàn toàn, nhưng phải nhất quán, ít nhất là ở các yếu tố màu sắc chủ đạo, đồ họa, kiểu chữ, cách sử dụng logo.

4. Cập nhật nội dung. Cần bảo đảm rằng tất cả các thông tin về giá cả, hướng dẫn đặt hàng, danh mục sản phẩm và mô tả sản phẩm phải được cập nhật đầy đủ. Nên bỏ đi những nội dung không còn liên quan hay không chính xác. Nếu doanh nghiệp đang quảng cáo trên Internet, hãy kiểm tra lại xem có lời mời chào nào đã quá hạn còn được rao trên mạng. Điều này đặc biệt quan trọng khi sử dụng hình thức quảng cáo liên kết. Thông thường, các trang web của các đối tác nếu sử dụng các thông tin quảng cáo đã cũ hay các đường dẫn kết nối không còn hiệu lực sẽ làm cho khách hàng bực mình và tạo ra một hình ảnh không tốt về doanh nghiệp. Một nội dung có tác dụng tốt trong việc xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp phải hội đủ ba C: rõ ràng (Clear), chính xác (Concise) và lôi cuốn (Compelling).

5. Xem xét lại các chiến lược. Doanh nghiệp đang theo đuổi các chiến lược xây dựng nhãn hiệu hay chiến lược tiếp thị nào? Doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào trong việc thực hiện các chiến lược này và đang làm cách nào để chuyển tải thông điệp về hình ảnh của mình đến khách hàng? Điều gì doanh nghiệp làm được và điều gì chưa được? Có cần xem xét thử nghiệm cái mới không?

Sự nhận biết và công nhận của khách hàng là những yếu tố cơ bản giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Việc tạo ra và duy trì các tài liệu tiếp thị nhất quán với nhau về thiết kế và thông điệp sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lòng trung thành của khách hàng đối với nhãn hiệu của mình. Điều này thật sự không quá khó. Trên thực tế, chỉ cần làm vài điều chỉnh nhỏ là doanh nghiệp đã có thể làm mới được nhãn hiệu của mình.

Theo DNSGCT

Comments powered by CComment