Những “ma trận” của Hoàng Anh Gia Lai

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân có quy mô tài sản lớn của Việt Nam, song nhiều quyết định của Hoàng Anh Gia Lai lại đẩy nhà đầu tư vào tình trạng: Không hiểu doanh nghiệp này muốn làm gì?

Từ việc mua bán, giao dịch cổ phiếu...

Khoảng giữa năm 2015, những thông tin liên quan đến các khoản nợ của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã khiến thị giá của cổ phiếu HAG sụt giảm.

“Nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường”, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã quyết định lên phương án mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư vốn cổ phần. Thời gian thực hiện giao dịch là từ 10/6/2015 đến 9/7/2015. Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Thời điểm đó cổ phiếu HAG có giá dao động từ 16.000 đồng - 22.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy Hoàng Anh Gia Lai dự kiến phải bỏ ra khoảng từ 160 đến 220 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến thời hạn mua cổ phiếu, HAGL ra thông báo dừng kế hoạch trên. Theo lý giải của công ty, nguyên nhân công ty tạm ngưng mua cổ phiếu quỹ là để đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án trọng điểm, HĐQT công ty đang phải đàm phán với các trái chủ để gia hạn ngày đến hạn của Trái phiếu. Trong quá trình đàm phán, các trái chủ có đề nghị công ty nên dùng nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ cùng với các trái chủ tập trung đầu tư vào kế hoạch kinh doanh sắp tới của công ty.

matrix

Đáng lưu ý, công bố này đưa ra sát “giờ G” nhưng HAGL vẫn chưa mua bất kỳ cổ phiếu quỹ nào trong số 10 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Nếu để đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án trọng điểm, tại sao trước đó HAGL lại đưa ra kế hoạch tiêu tiền này? Và tại sao trong gần 1 tháng đăng ký, không có cổ phiếu quỹ nào được mua vào? Trên thực tế doanh nghiệp này có thực sự muốn mua vào cổ phiếu quỹ hay không?

Một giao dịch gần đây khiến nhiều cổ đông khá bức xúc là việc HAGL bán cổ phiếu công ty con là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).

Sự việc bị phát hiện khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai tiến hành bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAGL để thu hồi nợ vay và công bố thông tin trên HOSE. Tuy nhiên theo bản công bố thông tin này, là việc ACB bán giải chấp cổ phiếu đã làm giảm sở hữu của HAG tại HNG từ hơn 548,9 triệu cổ phiếu (tương đương 77,51% vốn) xuống còn hơn 543 triệu cổ phiếu (chiếm 76,69% vốn điều lệ).

Trong khi đó, theo báo cáo tình hình quản trị năm 2015 của công ty HNG thì số cổ phiếu HNG mà công ty mẹ HAG nắm giữ lại là hơn 563,1 triệu đơn vị, tương đương với 79,52 vốn điều lệ công ty và từ khi HNG lên sàn, chưa có công bố nào cho biết HAGL có ý định bán bớt cổ phần tại HNG.

Sau khi thông tin này bị phát hiện, HOSE mới cho biết HAGL đã đăng ký bán 14.202.500 cổ phiếu HNG từ ngày 15/02/2016 nhưng không báo cáo kết quả hoàn tất giao dịch.

... đến việc chia cổ tức cho cổ đông

Có vẻ sau nhiều biến động về thị giá cổ phiếu thời gian qua của cả công ty mẹ HAG lẫn công ty con HNG nên kế hoạch chia cổ tức kỳ lạ của HAGL vẫn đang khá mù mờ chưa có lời giải đáp.

Hồi đầu tháng 12/2015, HAGL bất ngờ ra một nghị quyết HĐQT khá “độc” khi cho biết công ty sẽ phát hành cổ phiếu công ty con để trả cổ tức cho công ty mẹ.

Cụ thể, HAG sẽ sử dụng cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) để trả cổ tức cho cổ đông HAG. HAG cho biết doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng quy định pháp luật và làm sao để có lợi nhất cho cổ đông.

Thời điểm đó, giá cổ phiếu HAG đã rơi xuống 12.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu HNG vẫn được giao dịch quanh mức 31.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cả hai cổ phiếu HAG và HNG đều ra rớt xuống dưới mệnh giá.

Kế hoạch này chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt. Nhiều cổ đông đều khá băn khoăn về kế hoạch của HAG và không rõ tại sao HAG lại đưa ra phương án này. Trong khi một số ý kiến cho rằng thời điểm đó có thể HAG lo ngại việc cổ phiếu có thể bị pha loãng, dẫn đến giá cổ phiếu của HAG sẽ rớt mạnh sau khi chia cổ tức.

Tuy nhiên đến thời điểm này, giá cổ phiếu HNG cũng đã sụt giảm chóng mặt, cổ phiếu HAG vẫn chưa thể vượt qua mệnh giá và kế hoạch chia cổ tức kỳ lạ trên vẫn chưa được ban lãnh đạo tiết lộ thêm bất cứ manh mối nào.

Công ty con cũng có “ma trận”

Không chỉ công ty mẹ, HNG cũng vừa khiến cổ đông chóng mặt khi liên tục mua mua bán bán cổ phần một cách vòng quanh.

Ngày 22/2/2015, HNG cho biết đã phát hành xong 59 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác chiến lược với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, như vậy HNG đã thu về khoảng 1.652 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh với số cổ phần mua lần lượt 31,5 và 27,5 triệu cổ phiếu.

Khi vẫn còn có nhiều nghi vấn xung quanh 2 đối tác chiến lược này, HNG tiếp tục thực hiện một giao dịch khác là mua lại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh với giá 1.650 tỷ đồng. Giao dịch hoàn tất vào ngày 3/3/2016, tức 10 ngày sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ 59 triệu cổ phiếu.
Thương vụ này khá lòng vòng và diễn biến nhanh gọn, mặc dù không rõ nguyên nhân thật sự đằng sau các giao dịch trên tuy nhiên có thể thấy cả hai bên giao dịch đều cùng hưởng lợi.

hag nzmu2

BẢO VY

Theo Bizlive

Comments powered by CComment