Định giá thương hiệu cho DN rắc rối từ đâu?

Theo các chuyên gia,với gần 20 năm vận hành nền kinh tế thị trường, song ở Việt Nam giá trị của doanh nghiệp(DN) vẫn chưa tạo ra một hành lang pháp lý cho việc xác định giá trị thương hiệu và đưa nó vào hoạt động kinh doanh. Chính điều này đã gây lúng túng khi định giá thương hiệu (nhất là các DN tư nhân) khiến nhiều DN thua thiệt mất cả “chì lẫn chài?Vậy đâu là nguyên nhân?

Không công nhận góp vốn bằng thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Hải- Chuyên viên kiểm toán Ernst& Young cho biết, mới đây cuộc chạy đua bảo lưu quan điểm giữa kiểm toán và Công ty Cổ phần Kinh Đô về khoản 50 tỷ đồng thể hiện bằng giá trị thương hiệu khi Kinh Đô(mẹ) góp vốn vào Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô(con) vẫn không được kiểm toán công nhận.

Lý do, kiểm toán viên không công nhận khoản góp vốn bằng giá trị thương hiệu bởi trong báo cáo tài chính, khoản góp vốn 50 tỷ đồng của Kinh Đô mẹ vào công ty con không thoả mãn chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ Tài chính ... Theo Ban Lãnh đạo Kinh Đô con số 50 tỷ đồng được đề cập thực tế là giá trị ghi nhận của khoản đóng góp bằng thương hiệu của Kinh Đô vào doanh nghiệp trong vòng 20 năm qua và hoàn toàn không liên quan đến giá trị thương hiệu trên thị trường thời điểm hiện tại.

 br

Hơn thế, nghiên cứu ý kiến của kiểm toán về trường hợp của Kinh Đô nhiều DN nhận thấy, không có quy định pháp lý cụ thể nào cho việc định giá thương hiệu. Như vậy, mấu chốt của câu chuyện dài dòng này có vẻ không chỉ nằm ở việc định giá, mà là khung pháp lý cho khu vực DN tư nhân khi định giá hay góp vốn bằng giá trị thương hiệu.

Trong khi nhiều DN loay hoay với việc góp vốn bằng thương hiệu thì các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như Vinaconex, Sông Đà, Vinashin... đã mạnh tay sử dụng thương hiệu để góp vốn liên doanh liên kết, mạnh ai lấy làm...

Trước đây, nếu việc góp vốn bằng nhãn hiệu Vinaconex thường được áp tỷ lệ góp là 5% vốn điều lệ, thì không ít công ty đã chịu chấp nhận tới 30% vốn điều lệ để được gắn “mác” Vinaconex. Hoặc ở các công ty con của tập đoàn Sông Đà để được gắn mác công ty mẹ như trong khi công ty cổ phần Sông Đà 9.09 (S99) đã ghi nhận khoản vốn góp bằng thương hiệu Sông Đà là 250 triệu đồng, thì tại công ty cổ phần Sông Đà 10 (SDT) định giá thương hiệu công nghiệp xây dựng này là 4,93 tỉ đồng...

Gỡ rào cản định giá thương hiệu

Theo ông Richard Moore, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates, phải tới 80% DN thất bại sau M&A có nguyên nhân từ việc chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu. Trên thế giới có 2 tập đoàn của Mỹ chuyên định giá thương hiệu bằng USD, còn ở Việt Nam, chưa có công ty nào thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thương hiệu cũng được định giá bằng tiền. Giá trị vô hình của thương hiệu nhiều khi lại nằm ở cảm nhận của khách hàng, ở hệ thống phân phối mà họ đã xây dựng được.

Câu chuyện thương hiệu Diana của Công ty cổ phần Diana là một ví dụ. Năm 2011, khi Diana bán 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản), thương hiệu này được định giá 10 triệu USD. Khi đó, thị trường hiểu rằng, con số này không chỉ đơn thuần là giá trị tài chính, mà hơn thế, gồm cả khả năng của Diana trong phát triển hệ thống phân phối.

Hoặc như Bibica, mặc dù bị thua lỗ trong 3 năm liền, nhưng giá trị của thương hiệu Bibica không hề nhỏ, bởi vì họ sở hữu hệ thống phân phối sâu rộng trên cả nước.

Thậm chí, trong trường hợp một công ty bị khủng hoảng tài chính, giá trị lợi nhuận và ưu thế trên thị trường giảm sút, không có nghĩa là thương hiệu của DN này không còn giá trị. Do vậy, chúng ta cần phân biệt rõ tài chính thực tế và tiềm năng phát triển của DN.

Ở các nước phát triển trên thế giới, thương hiệu đã được coi là một tài sản có giá trị lớn của DN. Việc góp vốn liên doanh, liên kết, chuyển nhượng thương hiệu... đã được triển khai rất rộng rãi. Trên thị trường quốc tế, các thương hiệu nổi tiếng như CocaCola, Pepsi, Samsung, Panasonic, LG, Siemens, Ford, Daiewoo...Còn ở trong nước, một số thương hiệu thuộc các khối DN tư nhân mạnh như Trung Nguyên, Nhật Linh, Kẹo dừa Bến Tre, Võng xếp Duy Lợi, Kinh Đô... Có thể khẳng định, giá trị thương hiệu của họ rất lớn...

Do vậy, để tạo hành lang pháp lý cho khu vực DN tư nhân phát triển và để VN sẽ có những thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, ông Nguyễn Văn Hải –Giám đốc kiểm toán AVA Việt Nam cho biết, Bộ Tài chính cần ban hành qui định thừa nhận thương hiệu là một tài sản của DN và hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu để các DN ghi nhận giá trị thương hiệu vào Bảng cân đối kế toán. Đó là cơ sở pháp lý để góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, nhượng quyền thương mại.. bằng giá trị thương hiệu.

Bên cạnh đó, việc xác định và ghi nhận giá trị thương hiệu ở VN hiện nay gặp một khó khăn chưa thể giải quyết được. Nguyên nhân cơ bản là, các chuẩn mực kế toán VN hiện nay được thiết kế theo nguyên tắc ghi nhận giá trị tài sản từ chi phí phát sinh tạo ra nó. Trong khi đó, việc ghi nhận giá trị thương hiệu chỉ có thể thực hiện nếu các chuẩn mực kế toán cho phép ghi nhận giá trị tài sản từ lợi ích sẽ thu được của tài sản đó trong tương lai.

Đồng thời cho phép các DN được góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu. Trong thực tế hiện nay, có khá nhiều trường hợp đã thoả thuận góp vốn thành lập DN, liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu. Song, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nên những trường hợp góp vốn đó chưa được pháp luật thừa nhận. Nếu vấn đề này sớm được giải quyết, đây sẽ là một tín hiệu vui đối với các khu vực DN tư nhân đã và đang tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thương trường.

Theo Hoclamgiau

Comments powered by CComment