Xiaomi đang hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ"?

Xiaomi đang sở hữu hơn 2.000 bằng sáng chế và tiếp tục mua thêm nhiều bằng sáng chế khác nhằm chuẩn bị cho kế hoạch "Mỹ tiến".

Chơi đúng luật

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 17/7, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của Xiaomi – Hugo Barra cho biết, hãng đang nộp thêm hàng loạt bằng sáng chế và tìm thêm nhiều đối tác mới trước khi tiến vào thị trường Mỹ.

Động thái này cho thấy hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đã bắt đầu hiện thực hóa tham vọng mở rộng thị trường sang Mỹ và khu vực châu Âu – nơi mà các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ được thực thi một cách nghiêm túc.

xiaomy

Tại hội nghị Code diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Barra cho biết Xiaomi đã chuẩn bị những bước đầu tiên nhằm thăm dò thị trường Mỹ. Một trong số đó là việc hãng điện thoại lớn thứ 3 thế giới này vừa rao bán các loại sản phẩm bao gồm tai nghe, vòng đeo sức khỏe... trên website trực tuyến trong khi không “đả động” gì đến smartphone.

Trên chương trình Bloomberg TV phát sóng ngày 16/7, Barra thừa nhận Xiaomi luôn lo lắng đến việc cấp phép bằng sáng chế cũng như khả năng bị kiện vi phạm luật sở hữu trí tuệ tại Mỹ.

Ông cho hay, hiện tại Xiaomi đang tập trung vào hai phương án giải quyết. Một là, đàm phán với các bên liên quan để có thể sử dụng các bằng sáng chế phổ biến trên thế giới. Hai là, hãng cũng đang xây dựng danh mục sáng chế của mình và đăng ký chúng tại các thị trường khác ngoài Trung Quốc, với “mục đích phòng vệ” – theo như ông nói.

Trang công nghệ Recode.net cũng đưa ra gợi ý hai loại bằng sáng chế quan trọng hiện nay mà Xiaomi cần quan tâm: Thứ nhất là các bằng sáng chế liên quan đến tiêu chuẩn không dây của Nokia, Ericsson, Qualcomm... Kế đến là những sáng chế về thiết kế và tính năng mới trên smartphone.

Minh họa bằng trường hợp Apple từng kiện Samsung với lý do các mẫu thiết kế của Samsung quá giống với iPhone, tác giả bài viết cũng đưa ra nhận định rằng, cho dù Xiaomi có chứng minh được tính hợp pháp của các sáng chế trước đó thì hãng vẫn có thể đối mặt với những hành động pháp lý khác sau này.

Được biết, tháng 12 năm ngoái, Xiaomi đã bị hãng điện thoại Ericsson Ấn Độ cáo buộc sử dụng phát minh cho phép kết nối giữa thiết bị không dây với mạng của Ericsson. Trước đó hai tháng, Giám đốc bộ phận thiết kế Jony Ive của Apple cũng đã "kết tội" Xiaomi ăn cắp thiết kế của Apple, theo Reuters.

Trao đổi vấn đề này với Bloomberg, ông Barra thừa nhận thiết kế của chiếc điện thoại Mi 4 mới ra của Xiaomi giống với iPhone 5, đặc biệt là phần cạnh vát. “Kiểu dáng này cũng xuất hiện trên hầu hết các mẫu smartphone khác”, ông khẳng định.

Khi được hỏi về thời điểm ra mắt Xiaomi tại thị trường Mỹ, Hugo Barra úp mở nói “không thể sớm hơn 1 năm” cho việc hoàn tất quá trình chuẩn bị.

Một công đôi việc

Trong bài viết ngày 11/3, tờ Time nhận định, Google vốn chưa bao giờ “có chân” tại thị trường Trung Quốc, khi các dịch vụ và ứng dụng mobile của hãng đều bị chặn hoặc đe dọa bị chặn ở thị trường này.

Điều này gây khó khăn cho Xiaomi khi dòng smartphone của “gã khổng lồ” thứ 2 Trung Quốc lại hoạt động dựa trên nền tảng Android nhưng không mang lại một đồng doanh thu quảng cáo nào cho Google.

Việc Hugo Barra – người từng giữ cương vị Phó chủ tịch Android phụ trách quản lý sản phẩm của Google thông báo “đầu quân” sang Xiaomi từ tháng 8/2013 cho thấy Xiaomi đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu.

Trả lời câu hỏi của Bloomberg về tương lai của Google tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, Barra thận trọng bày tỏ, dựa trên suy nghĩ về tính hữu ích của Google, cá nhân ông không cho rằng mọi việc đã đi đến hồi kết.

Ông nói: “Sự thực là các sinh viên ở các trường đại học hoặc những du học sinh sinh sống và học tập Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào Google, bất chấp thực tế là công cụ tìm kiếm này đã bị chặn tại đây. Tôi nghĩ rằng, đến một ngày, sẽ có người nào đó tìm ra giải pháp đem đến sự đổi mới cho người dân Trung Quốc”.
Theo Vân Thảo

DNSG

Comments powered by CComment