Điện thoại thương hiệu Việt: Làm ít nói nhiều!

Sự kiện BKAV vừa công bố mẫu điện thoại "siêu cao cấp" BPhone tại CES 2015 mới đây đang khiến cộng đồng công nghệ quan tâm, không phải do những tính năng, chất lượng hấp dẫn ở sản phẩm này, mà là mọi người ngờ vực tính khả thi của nó. Bởi đã từ lâu, những nhà sản xuất đất Việt vẫn hay "khoe" thành quả tương tự, nhưng hoặc "quả non rụng sớm" hoặc chỉ là "vỏ Việt" mà thôi.

Điều quan trọng là cũng như mọi lần, BPhone sẽ nhận được ngay sự ủng hộ từ cộng đồng khi xác định "đây là sản phẩm Việt Nam sản xuất hoàn toàn".

Thái độ lựa chọn "người Việt dùng hàng Việt", vì thế là cơ hội rất tốt cho những nhà sản xuất Việt Nam, không riêng với BKAV.

Những nỗ lực... bị từ chối

Đáng buồn là, điểm lại những gì đã trải qua trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt, cộng đồng người dùng sẽ phải thất vọng bởi đa phần đều là những sự việc "lời nói đi đôi với... nỗi buồn".

FPT là điển hình đầu tiên cho nỗ lực đưa điện thoại di động Việt tiếp cận người dùng Việt, với các sản phẩm khá rầm rộ như F81, F60 hay F35...

Các mẫu điện thoại này, về thông tin, đều được tập đoàn công nghệ hàng đầu công bố rất mỹ diệu, thuộc nhóm smartphone "có chất giá rẻ" hấp dẫn người dùng.

FPT cũng đầu tư rất "chất" với sản phẩm, thông qua chính sách bán hàng, hỗ trợ tích cực người dùng. Song, phần lớn sản phẩm đều bị người dùng quay lưng, giá bán "rớt" liên tục mà vẫn "ế". Thậm chí, ngay ở hệ thống FPT Shop, các mẫu điện thoại này cũng luôn bị các tên tuổi "ngoại" lấn át thảm thương.

Q-Mobile cũng là một tên tuổi đáng ghi nhận bởi luôn nỗ lực đầu tư mạnh tay vào khâu tiếp thị và đa dạng các sản phẩm điện thoại "made in Việt Nam".

Đơn vị này, hầu như không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để hợp tác "làm sản phẩm Việt", từ các mẫu điện thoại siêu rẻ đến các dòng cao cấp, từ Android đến Windows Phone.

Chương trình hợp tác làm điện thoại di động với tập đoàn Microsoft là 1 trong những vận động lớn của Q-Mobile nhằm thuyết phục cộng đồng quan tâm đến sản phẩm "của người Việt".

Tuy nhiên, đến nay, đa số người dùng đều "lướt nhanh" qua tên tuổi đơn vị này khi vào các cửa hàng điện thoại.

phone vn

Q-Mobile, 1 tên tuổi chật vật tìm cơ hội với "nhãn hàng" Việt.

Dưới 2 tên tuổi này, còn có nhiều danh tiếng khác, như HK Phone, Mobile Star, Hi-Mobile, BluePhone, Bavapen (Thành Công)..., thời gian qua đã nỗ lực "vùng vẫy" tìm cơ hội thị trường, cũng nhận được những quan tâm nhất định, nhưng đều nhanh chóng đi vào "ngõ cụt", bị người dùng bỏ rơi.

Ngay "ông lớn" VNPT, cũng nhắm lấy cơ hội người dùng, tham gia vào dòng smartphone giá rẻ hợp lý như VIVAS Lotus S2 khoảng 1,6 triệu đồng.

Có điều, khi tiếp cận sản phẩm, đa số người dùng đều "trề môi" cho rằng, số vốn doanh nghiệp bỏ ra quá lớn để tạo sản phẩm "quá chán" thực sự lãng phí, chẳng thể giữ được khách hàng.

"Đại gia" hàng đầu Samsung, thời gian qua, cũng rất quan tâm cơ hội "người Việt dùng hàng Việt", với mẫu Galaxy V và 2 dòng mới ở nhóm Alpha mới đây.

Nhưng theo đánh giá, đây đều là những sản phẩm "kém" tính năng và cấu hình yếu, chung quy không thể khiến cộng đồng nhiệt liệt ủng hộ như chính các sản phẩm khác của Samsung.

"Vỏ Việt ruột Trung"

Điều gì khiến người Việt "quay lưng" với chính các sản phẩm theo đuổi đúng nhu cầu người Việt?

Khảo sát ở các diễn đàn Tinhte, Mobileworld cho thấy, thái độ này hoàn toàn có cơ sở, bởi đa phần sản phẩm thương hiệu Việt đã có mặt, đều liên quan đến khâu gia công, sản xuất sản phẩm từ bên ngoài, "vỏ Việt ruột Trung".

phone vn2

Băn khoăn "vỏ Việt ruột Trung" là tâm lý phổ biến của người tiêu dùng với điện thoại Việt.

Nhiều người bức xúc nhìn nhận, kể cả những sản phẩm "truyền thông tốt" như FPT, HK Phone..., bản chất cũng là những mẫu điện thoại Trung Quốc, được gia công "dán mác" Việt Nam.

Thậm chí so với chính các sản phẩm nước này, các điện thoại "vỏ Việt ruột Trung" cũng kém cỏi hơn hẳn, bởi chỉ đua theo thị hiếu "nhái" mẫu mã, mà không quan tâm nhiều chất lượng bên trong.

Có sản phẩm chỉ thuần túy "bán xác", không hề có linh kiện thay thế, hỗ trợ đi kèm, không bảo đảm khâu chăm sóc bảo hành về sau. Tất cả khiến cộng đồng "cảnh giác" với các sản phẩm "made in Việt Nam".

Ngoài ra, các điện thoại "mác Việt" còn phải chịu áp lực cạnh tranh từ các tên tuổi điện thoại lớn khác.

Đại diện 1 hệ thống phân phối điện thoại lớn bày tỏ, thị trường trong nước đang có sẵn 1 lượng lớn smartphone giá rẻ đến từ các thương hiệu tên tuổi Samsung, LG, Nokia hay HTC, khiến cơ hội lựa chọn sản phẩm Việt càng trở nên "nhỏ nhoi".

BKAV "lột xác"?

Giữa bối cảnh các hãng điện thoại Việt đang lúng túng, sự hiện diện sản phẩm của BKAV với tuyên bố "đẹp nhất nhì thế giới" rõ ràng là 1 dấu hiệu khiến mọi người quan tâm.

phone vn3

BPhone liệu có làm nên "kỳ tích" để lấy lại niềm tin người tiêu dùng vào điện thoại Việt Nam ?

Đa số người theo dõi cho rằng, BKAV đang "nổ", tương tự tuyên bố "đi trước cả Microsoft, Google và Samsung... từ 5-10 năm" ở lĩnh vực nhà thông minh. Bởi chưa có đủ những dữ kiện để chứng minh cho công bố của đơn vị này, nên thái độ ngờ vực của cộng đồng lại càng gia tăng.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến hy vọng thông tin từ BKAV là đúng sự thật, để họ có thể "mở hầu bao" sở hữu 1 chiếc điện thoại thương hiệu Việt được sản xuất từ chính bàn tay và khối óc người Việt.

Các ý kiến này hết sức ủng hộ nỗ lực của doanh nghiệp, kêu gọi cộng đồng hay nhìn nhận BPhone theo hướng tích cực.

Đây thực sự là rường mối niềm tin rất quan trọng, để chính các doanh nghiệp Việt Nam tự xem xét lại mình, nên đủ thông minh để biết phải làm gì đáp ứng được kỳ vọng người dùng, đừng để người Việt không còn niềm tin với sản phẩm Việt khi tiếp cận toàn sản phẩm "nói nhiều làm ít"!

NGUYÊN ĐỨC - THÁI VÂN/Bizlive

Comments powered by CComment