Oppo thành công nhờ triết lý vị khách hàng

Với tiềm lực tài chính và sự liều lĩnh, liệu OPPO có thể cạnh tranh được với Apple, Samsung hay tự chuốc lấy thất bại như HTC, công ty chi 1 tỷ USD cho chiến dịch quảng cáo có sự tham gia của Robert Downey Jr? Đó là điều chúng ta phải quan sát trong thời gian dài tiếp theo. Dù chỉ là "tân binh", Oppo của Trung Quốc khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực nhờ vào chiến lược kinh doanh khá độc đáo và các sản phẩm được tung hô "nhất thế giới" của mình.

Thành lập năm 2004, OPPO khởi đầu như nhà sản xuất thiết bị âm thanh, video cao cấp như đầu Blu-ray và nhảy vào kinh doanh smartphone năm 2008. Công ty tiến hành mở rộng thị trường vào năm 2010, ban đầu là Thái Lan và đến nay có mặt tại 17 quốc gia, từ châu Á đến .Trung Đông, châu Phi, Mỹ và Úc.

Với những người dùng tại Bắc Mỹ và châu Âu, mua thiết bị Oppo đồng nghĩa với việc không bị ràng buộc với hợp đồng nhà mạng khi có thể mua trực tiếp sản phẩm từ Oppo hoặc qua đối tác bán lẻ như Amazon.

Bất chấp ngân sách tiếp thị có hạn và chỉ là "tân binh", Oppo vẫn gặt hái được thành công nhất định và tạo được tiếng vang trên thị trường nhờ điện thoại giàu tính năng, giá rẻ hơn hẳn của Samsung hay HTC.

Trung Quốc có không ít các hãng smartphone giá rẻ, vậy điều gì khiến Oppo trở nên nổi bật? Có lẽ chính là triết lí vị khách hàng ai cũng biết song không phải ai cũng làm được: Oppo tin vào việc giữ quan hệ gần gũi với cả người dùng cuối và cộng đồng lập trình viên và thường xuyên nâng cấp thiết bị, bổ sung tính năng, điều chỉnh dựa theo phản hồi của người dùng.

Ngoài ra, Oppo còn chứng minh họ không ngại thử nghiệm những điều mới mẻ và suy nghĩ táo bạo hơn khi nói về phần cứng và tính năng.

oppo

Công ty gần gũi với người dùng

Ngay trên website, Oppo khẳng định khách hàng là cốt lõi kinh doanh của Oppo và làm họ thỏa mãn là tiền đề cho sự tồn tại của công ty. "Sản phẩm OPPO được đồng phát triển với khách hàng, phản hồi của khách hàng đóng vai trò lớn trong cả phát triển phần cứng và phần mềm".

Công ty nào cũng khẳng định họ thường xuyên cập nhật hay hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người dùng. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng làm được. Với OPPO, họ cho thấy bộ mặt khác. Chỉ cần đọc qua nhiều chủ đề trên diễn đàn, có thể thấy OPPO chủ động phản hồi và tương tác với khách hàng ở mức độ mà các "ông lớn" Android không làm được. Ngoài ra, còn có cộng đồng người dùng khá trung thành với diễn đàn.

Không chỉ sử dụng diễn đàn như công cụ PR, OPPO còn để ý trả lời người dùng và sẵn sang thay đổi chiến lược dựa trên những gì họ thu thập được từ cộng đồng.

Ví dụ, OPPO có truyền thống tung cập nhật firmware mỗi tuần một lần. Dù người dùng thích tốc độ này, một số cảm thấy firmware như đang trong trạng thái thử nghiệm. Do đó, OPPO đưa ra giải pháp là có hai lộ trình firmware cho người dùng lựa chọn: tùy chọn Offical cập nhật khoảng 2-3 tháng/lần còn tùy chọn Beta cho những ai muốn có tính năng mới nhất, nhanh nhất mà không quan tâm đến sự ổn định.

Bằng cách này, OPPO tạo được thương hiệu như một công ty thực sự hiểu người dùng và không phải là công ty chỉ chăm chăm bán hàng.

oppo1

Color ROM và Cyanogenmod

Đối với những người thích sự tự do, OPPO cũng đáp ứng được họ. Dù phần lớn thiết bị OPPO đều đi kèm ROM tiêu chuẩn, nhiều thiết bị vẫn có tùy chọn để chạy Color ROM được thiết kế lại với sự trợ giúp từ cộng đồng người dùng và nhà phát triển. Ngoài Color ROM, OPPO còn cộng tác với một số ROM khác như Paranoid Android và Cyanogenmod.

Trong nỗ lực mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng, OPPO N1 là thiết bị đầu tiên chính thức hợp tác với Cyanogenmod kể từ khi Cyanogen tuyên bố kế hoạch thương mại của mình.

"Nghĩ khác" đã nằm trong DNA của OPPO khi nói về quan hệ với khách hàng và cập nhật phần mềm, vậy phần cứng thì sao? Thực tế, OPPO cũng thường nằm trong tuyến đầu những nhà sản xuất di động tiên tiến dù chỉ là người chơi nhỏ.

Với loạt sản phẩm Ulike, OPPO đưa máy ảnh trước chất lượng cao lên smartphone, hướng đến đối tượng nghiện chụp ảnh tự sướng Với Find 5, OPPO tạo ra một trong những smartphone mỏng nhất thời điểm ấy và cũng là công ty đầu tiên ra mắt điện thoại 1080p. Oppo N1 tiếp nối truyền thống "nghĩ khác" khi dùng camera xoay lật và điều khiển từ xa Bluetooth, trackpad phía sau. O-Click là phụ kiện hoạt động như điều khiển từ xa, cho phép bạn "ping" điện thoại khi không tìm thấy, chụp ảnh...

N3 và R5, hai mẫu smartphone vửa ra mắt chạy Color OS đều trang bị ứng dụng nghe nhạc độc đáo kèm chức năng vẽ để mở ứng dụng khi vẽ hình trên màn hình; công nghệ chụp ảnh Pure Image 2.0 theo dõi đối tượng đang chuyển động để bắt nét tốt hơn và điều chỉnh điểm lấy nét sau khi chụp; công nghệ sạc nhanh VOOC có khả năng sạc từ 0% lên 75% pin chỉ trong nửa tiếng.

Cũng như mọi công ty khác, OPPO không phải lúc nào cũng đi đúng hướng nhưng họ luôn tỏ rõ thiện chí dám đi xa hơn, gắn bó với cộng đồng phát triển, nâng cấp phần mềm đều đặn hay đưa vào các vật liệu tốt nhất vào thiết bị. Đây chính là những điểm khiến OPPO dù là người mới nhưng cũng khiến đối thủ phải dè chừng.

OPPO có thể đánh bại Apple, Samsung?

Với trọng tâm là thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, OPPO muốn qua mặt các gã khổng lồ như Apple, Samsung tại quê nhà cũng như mọi nơi khác. "Chúng tôi sẽ chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu", Henry Tang, Giám đốc Bán hàng khu vực của Oppo, trả lời tờ Emirates 24/7.

Tháng 7/2014, Oppo đứng thứ 3 và chiếm 7,1% thị phần tại Trung Quốc. Ông Tang tin rằng OPPO không chỉ là thương hiệu mạnh ở đây mà còn trên khắp thế giới. Ông cho biết OPPO có "9,4% thị phần tại Việt Nam, 8,5% thị phần tại Indonesia và 7,2% tại Malaysia".

Ngoài Trung Quốc, công ty tạo ra dấu ấn tiếp thị tại Ấn Độ, lôi kéo sự tham gia của các ngôi sao như Hrithik Roshan hay Sonam Kapoor. Không chỉ có vậy, OPPO còn tài trợ cho các sự kiện thể thao đáng chú ý như Champions League T20 hay giải cricket, chương trình truyền thình thực tế Bigg Boss.

Với mẫu smartphone R5 "mỏng nhất thế giới", OPPO muốn đánh bại Samsung và Apple bằng cách cung cấp "thiết bị cao cấp, chất lượng" với giá bán hợp lý. Ông Tang tự tin các sản phẩm mới của OPPO đủ sức giải quyết nhiều nhu cầu của người dùng hiện đại.

Trong khi các nhà sản xuất đồng hương khác như Xiaomi hướng vào phân khúc giá rẻ, OPPO lại không cần hi sinh lợi nhuận nhờ thực tế doanh thu ổn định từ mảng thiết bị âm thanh và sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Quốc. Theo báo cáo tháng 7/2013 của tạp chí Entrepreneuer, OPPO chính là công ty di động có lãi lớn thứ hai tại đây.

Với tiềm lực tài chính và sự liều lĩnh, liệu OPPO có thể cạnh tranh được với Apple, Samsung hay tự chuốc lấy thất bại như HTC, công ty chi 1 tỷ USD cho chiến dịch quảng cáo có sự tham gia của Robert Downey Jr? Đó là điều chúng ta phải quan sát trong thời gian dài tiếp theo.

Theo ITC

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment