Đủ chiêu kéo khách mua hàng trực tuyến

Nhu cầu mua sắm trực tuyến đối với quần áo, thiết bị điện tử, sách báo và tạp chí... có sự tăng trưởng nhanh thời gian gần đây.

Nhiều kênh bán hàng ra đời...

online-shopping

Dù có đến ba cơ sở sản xuất hàng hóa nhưng Công ty cổ phần Lai Cung Én Phúc Sang (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chỉ tổ chức kinh doanh qua mạng thay vì xây dựng các cửa hàng kinh doanh theo kiểu truyền thống

Không chỉ là những dòng giới thiệu hay hình ảnh đơn điệu, kênh bán hàng trực tuyến ngày càng biến hóa đa dạng, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh, với hình ảnh thật và đảm bảo hơn trước...
Nhu cầu mua sắm trực tuyến đối với quần áo, thiết bị điện tử, sách báo và tạp chí... có sự tăng trưởng nhanh thời gian gần đây.

Khách mua hàng trực tuyến được "o bế"

Bận rộn, không có đủ thời gian ra ngoài mua sắm, từ vài năm nay chị Ngô Mỹ Duyên (đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) chỉ cần lên trang tìm kiếm, gõ từ khóa mặt hàng mình cần, ngay lập tức có hàng trăm website bán hàng xuất hiện.

Nhưng điều bất ngờ với chị Duyên nằm ở chỗ: trải nghiệm mua sắm không khác gì khi đi mua hàng thật. "Trước đây các gian hàng online chỉ có vài tấm hình đại diện sản phẩm, bây giờ thì xem được hình ba chiều, xoay tròn sản phẩm để nhìn cho kỹ, nếu chưa an tâm thì có hẳn video cận cảnh sản phẩm" – chị Duyên nói.

Và chỉ khi nào giao hàng đến tận tay chị mới phải trả tiền, không ưng thì trả lại mà không gặp vấn đề gì cả, thay vì phải chạy từ đường này qua đường kia kiếm chỗ mua hàng nhưng có khi lại không tìm được sản phẩm ưng ý. Với các đơn hàng thời trang như quần áo và giày dép, một số trang bán hàng còn cẩn thận đóng gói trong các loại hộp gỗ hay túi xách cầu kỳ, giao đến tận tay mà không phải tốn chi phí.

"Mấy cái lặt vặt vậy làm mình rất ưng, cảm thấy được phục vụ kỹ lưỡng và thoải mái hơn nhiều" – chị Duyên chia sẻ.

Có mặt tại Công ty CP Lai Cung Én Phúc Sang (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi đơn vị chuyên sản xuất áo thun này không hề có cửa hàng kinh doanh trực tiếp nhưng đã có tới ba cơ sở sản xuất ở TP.HCM và Bình Dương để sản xuất các sản phẩm áo thun nhằm đáp ứng kịp các đơn hàng online.

Người tiêu dùng có thể chọn mua theo phương thức online hoặc đến trực tiếp nhà kho để xem và mua sản phẩm. Tất cả các khâu, quy trình sản xuất đều diễn ra ngay trước mắt người mua.

Nhiều cửa hàng kinh doanh đưa ra nhiều phương thức bán hàng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, một tiệm trang sức trên đường Nguyễn Văn Giai (Q.1, TP.HCM) cho phép người mua trực tiếp đến kho mua hoặc đặt trực tuyến, dùng thử nếu không ưng thì có thể đổi hoặc trả lại mà hoàn toàn không mất phí.

Với những khách mua hàng được hưởng giá sỉ, không mua đủ số lượng có thể đặt cọc tiền hoặc bảo lưu tiền hàng trong 12 tháng bán hàng. "Giờ cạnh tranh dữ lắm, ai cũng phải tăng tối đa tiện lợi cho người mua, nhưng vẫn phải tìm cách khéo léo để giữ được khách hàng" – Dương Ngọc Diệu, chủ cửa hàng này, cho biết.

Xu hướng đang thay đổi mạnh

Anh Nguyễn Phương Nam, giám đốc Công ty Lai Cung Én Phúc Sang, cho rằng bán hàng truyền thống đang gặp khó khăn vì tính cơ động và phạm vi ảnh hưởng kém.

"Nếu tôi có một cửa hàng mặt tiền đường, một ngày có thể có 10.000 người đi qua con đường đó, khoảng 1.000 người có khả năng mua, 100 người thuộc đối tượng khách hàng thì chỉ có 20 người có ý định mua, 10 người quẹo vào lựa thì chỉ có 2-3 người mua hàng" – anh Nam ví dụ.

Thay vì vậy, các công cụ online không bị rào cản về địa lý, hình thức quảng bá cũng đa dạng và chân thật hơn trước rất nhiều nên người tiêu dùng dễ tiếp cận và có niềm tin với sản phẩm hơn.

Theo ông Huỳnh Lâm Hồ – giám đốc Công ty Haravan (Q.Tân Bình), đơn vị chuyên tạo nền tảng website bán hàng cho các trang trực tuyến, trong tương lai hoạt động bán hàng trực tuyến sẽ còn nhiều thay đổi.

"Nếu như trước đây việc bán hàng online chỉ đơn thuần là quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng thì tới đây công cụ online sẽ phát triển tới mức quản lý chính xác tồn kho hàng hóa, tích hợp và đồng bộ giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online" – ông Lâm Hồ dự báo.

Ngoài ra với công nghệ hiện đại, các đơn vị bán hàng cũng đua nhau truyền tải một cách đầy đủ nhất về sản phẩm tới người tiêu dùng, để tạo niềm tin khi mua hàng.

Chính vì lý do đó, người tiêu dùng không còn muốn chạy kiếm chỗ mua hàng như trước vừa mất thời gian, lại không biết chính xác có mặt hàng mình muốn mua hay không.

Anh Đỗ Minh Hùng, chủ một trang bán hàng thời trang trực tuyến, cho hay điểm mấu chốt để thu hút người dùng online là sự trải nghiệm và uy tín của người bán chứ không phải giá cả.

"Chúng tôi giải quyết hai vấn đề này bằng cách gia tăng phương tiện truyền tải sản phẩm từ hình ảnh hai chiều, ba chiều, video, slide và hình thức giao hàng mới trả tiền để người tiêu dùng biết và tin sản phẩm. Thậm chí cho sử dụng thử, nếu không được có thể trả lại trong khoảng thời gian ngắn để tăng trải nghiệm. Chi phí cho việc này thật ra không nhiều nhưng lại giữ được khách hàng cho mình" – anh Hùng cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment